Các thành phần của câu trong tiếng việt là các dạng bài tập liên quan đến cách xác định chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, các thành phần bổ ngữ. Tuy là một dạng bài không khó nhưng lại làm các em học sinh dễ nhầm lẫn. Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu để có thể phân biệt chính xác nhé!
Thành phần câu trong tiếng Việt
Một câu bao gồm nhiều thành phần, trong đó có những thành phần chính và những thành phần phụ. Xét về cấu tạo ngữ pháp, trong câu có 3 thành phần chính đó là: chủ ngữ, vị ngữ và trạng ngữ. Trong đó:
- Thành phần chính: là chủ ngữ và vị ngữ, bắt buộc phải có mặt trong câu.
- Thành phần phụ: là trạng ngữ và không bắt buộc có mặt trong câu.
Ví dụ: Chẳng bao lâu, Bảo đã trở thành một thanh niên cường tráng. Trong đó:
- Chẳng bao lâu: là trạng ngữ
- Bảo: là chủ ngữ
- Đã trở thành một thanh niên cường tráng: là vị ngữ
Nếu chúng ta bỏ thành phần trạng ngữ thì câu trong ví dụ trên thì câu vẫn sẽ có nghĩa.
- “Bảo đã trở thành một thanh niên cường tráng” vẫn có nghĩa.
Nếu lược bỏ thành phần chủ ngữ thì câu “Chẳng bao lâu, đã trở thành một thanh niên cường tráng” không có nghĩa gì vì không tồn tại chủ ngữ. Hoặc nếu lược bỏ thành phần vị ngữ “Chẳng bao lâu, Bảo” cũng không có ý nghĩa nào.
Các thành phần khác trong câu thường gặp
Chúng ta biết rằng thành phần câu trong tiếng việt vốn dĩ rất đa dạng. Tuy nhiên được đề cập và học nhiều trong chương trình SGK phải kể đến 3 thành phần: chủ ngữ, vị ngữ và trạng từ.
- a) Chủ ngữ:
Chủ ngữ là một trong hai bộ phận chính trong câu. Nó nêu người, sự vật được miêu tả, được nhận xét trong câu. Câu có thể có một hoặc nhiều chủ ngữ đặt kế tiếp nhau. Nếu muốn tìm chủ ngữ, ta thường sẽ đặt các câu hỏi như: Ai? Con gì? Cái gì? Việc gì?…
- b) Vị ngữ:
Sau chủ ngữ vị ngữ chính là một bộ phận chính của câu. Vị ngữ chỉ vị trí để miêu tả hoặc nhận xét về người, hoạt động, trạng thái,… sự vật được nêu ở chủ ngữ. Câu thường có một vị ngữ hoặc có thể có nhiều vị ngữ khác nhau.
Trong một câu, vị ngữ thường đứng sau chủ ngữ. Tuy nhiên đôi khi, để gây sự chú ý, vị ngữ cũng được đảo lên trước chủ ngữ. Nếu muốn tìm vị ngữ ta sẽ đặt câu hỏi:…làm gì? …như thế nào?….là gì?,…
- c) Trạng ngữ:
Trạng ngữ là bộ phận phận phụ của câu, có tác dụng bổ trợ thêm nghĩa cho câu. Cụ thể, nó sẽ bổ sung tình huống cho câu như: chỉ thời gian, địa điểm, mục đích,…. Câu có thể có hoặc không có trạng ngữ.
Trạng ngữ thường đứng ở đầu câu và ngăn cách với chủ ngữ, vị ngữ bằng dấu phẩy. Trong câu sẽ có một hoặc nhiều trạng ngữ và nó có thể cùng một ý nghĩa hoặc có nhiều ý nghĩa khác nhau.
Các thành phần khác trong câu không đề cập trong SGK
Các bạn học sinh cũng nên tham khảo một số thành phần câu trong tiếng việt khác để có cái nhìn tổng thể về mảng kiến thức này.
a) Định ngữ:
Định ngữ là một bộ phận phụ của câu. Định ngữ giúp bổ sung ý nghĩa cho danh từ trong câu. Danh từ nào trong câu cũng có thể có định ngữ xuất hiện và nó có thể đứng trước hoặc đứng sau danh từ. Định ngữ đứng trước chỉ số lượng, khối lượng; định ngữ đứng sau chỉ đặc điểm, sở hữu.
b) Bổ ngữ:
Là thành phần phụ của câu. Bổ ngữ bổ sung ý nghĩa cho định ngữ, trạng từ trong câu. Bổ ngữ phụ cho động từ thêm các ý nghĩa về thời gian, nơi chốn, đối tượng,… Bổ ngữ phụ cho tính từ thêm các ý nghĩa về đối tượng, mức độ,… của tính chất.
Động từ, tính từ nào trong câu cũng có thể có bổ ngữ. Các bổ ngữ có thể đứng trước hoặc đứng sau động từ, tính từ. Nếu trong câu có 2 động từ hoặc tính từ thì yếu tố nào được nhấn mạnh là bộ phận chính; còn yếu tố kia là bộ phận phụ.
c) Hô ngữ:
Là những từ ngữ dùng để làm lời hô, gọi, với mục đích gây sự chú ý ở người nghe hoặc biểu lộ cảm xúc. Hô ngữ sẽ đứng ở vị trí đầu hoặc cuối câu. Lưu ý đôi khi lời hô, gọi, lời bộc lộ cảm xúc được dùng như một câu đơn độc lập, không phải là thành phần của câu. Khi đó lời gọi, lời hô đó không phải là hô ngữ.
Tham khảo thêm bài viết – Tác dụng của liệt kê trong văn học – các kiểu liệt kê thường gặp
d) Bộ phận song song:
Những bộ phận đặt cạnh nhau, cùng giữ chức vụ ngữ pháp giống nhau trong câu (cùng là chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, định ngữ hoặc bổ ngữ) gọi là bộ phận song song. Bộ phận song song giúp cho việc diễn đạt câu ngắn gọn hơn.
Chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, định ngữ hoặc bổ ngữ đều có thể đặt cạnh nhau làm bộ phận song song. Các bộ phận song song ngăn cách với nhau bằng dấu phẩy hoặc bằng một số từ chỉ quan hệ như: và, hoặc, hoặc là, hay là, hay,… Đặc biệt, các bộ phận cso cùng chức vụ ngữ pháp như nhau nhưng phải cùng loại mới được tính là bộ phận song song.
Trên đây là tổng hợp những thành phần câu trong tiếng việt ở trong và ngoài chương trình SGK. Hy vọng bài viết đã mang đến cho các em học sinh cái nhìn toàn diện hơn để có thể phân biệt chính xác các thành phần này.