Khám phá Nhà tù Hỏa Lò – Dấu tích lịch sử giữa lòng Hà Nội – Vntrip

Hỏa lò ở đâu

Nhà tù Hỏa Lò nằm ở số 1 phố Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Khu di tích vẫn còn trường tồn với thời gian cho đến tận ngày nay, là một minh chứng rõ nét cho cả một thời kì lịch sử khổ cực mà gian lao, biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của những người con Việt Nam yêu nước.

Nhà tù Hỏa Lò, hay còn gọi là ngục Hỏa Lò, xưa có tên tiếng Pháp là Maison Centrale, có nghĩa là đề lao trung ương, còn tên tiếng việt là Ngục thất Hà Nội, là một nhà tù cũ nằm trên phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhà tù này được Pháp xây dựng năm 1896 ở khu vực ngày đó còn là ngoại vi thành phố, với mục đích làm ngục thất trung ương cho cả hai xứ Trung cũng như là Bắc Kỳ, giam giữ chủ yếu là các nhà tù chính trị và các nhà ái quốc chống chính quyền thực dân.

Dưới thời Pháp thuộc, ngục Hỏa Lò được thiết kế xây dựng với cấu trúc bao gồm những bức tường đá cao 4m, dày 0,5m được gia cố thêm dây thép điện. Cả khu vực ngục tù được chia thành 4 khu: A,B,C,D, trong đó:

Khu A, B: dành cho các phạm nhân đang được điều tra, phạm nhân không quan trọng hoặc phạm nhân vi phạm vào kỉ cương của nhà tù

Khu C: dành cho tù nhân Pháp hoặc ngoại quốc

Khu D: dành cho các phạm nhân đang chờ thụ án tử hình

Tổng diện tích của cả khu nhà tù trước kia rộng lên đến hơn 12.000m2. Tuy nhiên, ngày nay chỉ còn 2.434m2 là được giữ lại, bảo tồn để trở thành khu di tích, phục vụ cho mục đích tham quan du lịch của những ai muốn đến và tận mắt chứng kiến khung cảnh của nhà tù thực dân trông như thế nào.

Được mệnh danh là chốn “địa ngục trần gian”, là nhà tù đáng sợ nhất Đông Nam Á, trong suốt thời gian hoạt động của mình, nhà tù Hỏa Lò đã trở thành nơi giam giữ của biết bao thế hệ chiến sĩ, nhà hoạt động cách mạng Việt Nam với kiến trúc trại giam được thiết kế với các hình thức tra tấn, ép cung vô cùng dã man, tàn nhẫn mà điển hình nhất là cỗ máy chém, cố máy đã đưa nhà tù ghi danh vào top 10 nhà tù khét tiếng nhất thế giới.

Viết về giai đoạn 1939-1945, một nữ tù chính trị đã từng viết lại trong cuốn hồi ký “Năm tháng không bao giờ quên”, được trưng bày tại nhà tù như sau:

“… Hàng tuần thức ăn của tù nhân thay đổi theo quy định: chủ nhật được ăn một bữa thịt lợn, thường là thịt lợn sề hay thịt bạc nhạc. Ba bữa thịt trâu già luộc quá lửa dai như quai guốc, còn lại là những bữa cá mè ranh, cá dầu để cả ruột luộc với tương, cá khô đã bị ép hết dầu, còn bị mốc và có dòi, đậu phụ luộc. Rau thì tùy theo mùa, rau cần, cải củ, bầu, bí luộc hoặc rau muống già dài như giải rút. Cơm thường là gạo tấm trắng của miền Nam để quá lâu nên có mọt, ăn vừa nhạt, vừa đắng. Ăn gạo đó lâu ngày, nhiều người đã bị phù tim, có tháng số người chết lên đến 40 người…”

Đàn áp dã man là vậy, tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng vẫn không ngừng nhen nhóm trong không gian tăm tối của nhà tù. Những buổi tuyên truyền cách mạng, phong trào học tập, các lớp lý luận chính trị vẫn ngầm diễn ra, bất chấp đòn roi của thực dân nhằm mục đích tuyên truyền lý tưởng của Đảng, giác ngộ binh lính và liên hệ với các tổ chức bên ngoài, đấu tranh giành quyền sống. Không những vậy, những tờ báo cách mạng như “Đời tù”, “Lao tù tạp chí” cũng được ra đời ngay trong chính cuộc sống bị áp bức, bóc lột để giáo dục, nâng cao ý thức cho Đảng viên, đốt lên ngọn lửa cách mạng từ ngay trong lòng kẻ thù. Cũng nhờ có những hoạt động như vậy mà cuộc sống lao ngục nơi đây cũng phần nào bớt đi được sự tăm tối.

Sau khi giải phóng thủ đô năm 1954, nhà tù Hỏa Lò đã từng là nơi được sử dụng để giam giữ tù binh phi công Mỹ cho đến năm 1973. Với vai trò lịch sử của mình, nhà tù Hỏa Lò hiện tại trở thành địa điểm tham quan thú vị ở Hà Nội hấp dẫn rất đông du khách trong và ngoài nước. Nơi đây mở cửa cho tất cả những ai có nhu cầu, mong muốn đến tham quan với mức giá vé vô cùng dễ chịu, 30.000 VND/người, giảm 50% giá cho học sinh, sinh viên, người khuyết tật, người cao tuổi hay những ai thuộc vào diện chính sách xã hội. Ngoài ra, các đối tượng như trẻ em dưới 15 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng hay người có công với Cách mạng sẽ được miễn hoàn toàn giá vé.