Tham quan di tích Hoàng Thành Thăng Long cẩm nang từ A đến Z

Hoàng thành thăng log ở đâu

Hoàng Thành Thăng Long là khu di tích lịch sử của kinh thành Thăng Long xưa, bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long (thế kỷ VII) qua thời Đinh – Tiền Lê, được phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều đại xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích của Việt Nam. Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới. Sau đây hãy cùng VNtrip.vn khám phá khu du tích lịch sử này nhé.

> Xem thêm: Thăm nhà sàn Bác Hồ di sản văn hóa của Hà Nội

1. Giới thiệu khu di tích Hoàng Thành Thăng Long

Hoàng Thành Thăng Long nay thuộc địa bàn của phường Điện Biên và phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long có tổng diện tích là 18.395ha bao gồm các khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và các di tích khác còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như Đoan Môn, cột cờ Hà Nội, điện Kính Thiên, nhà D67, Bắc Môn, Hậu Lâu, tường thành và 8 cổng hành cung dưới thời Nguyễn.

Những khu di tích này nằm ở quận Ba Đình và được giới hạn bởi các tuyến đường : phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Bắc Sơn và tòa nhà Quốc Hội, phía Tây Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Tây là đường Hoàng Diệu, đường Độc Lập, nhà Quốc Hội và cuối cùng phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương. Đây là địa điểm tham quan chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua khi du lịch Hà Nội.

2. Đến Hoàng Thành Thăng Long như thế nào?

Để tham quan Hoàng Thành Thăng Long các bạn tới số 19C Hoàng Diệu là cổng chính dành cho du khách. Từ trung tâm Hà Nội bạn có thể dễ dàng đi đến khu di tích Hoàng Thành bằng các loại phương tiện như xe máy, xe đẹp, ô tô, xe bus… Nếu đi xe bus các bạn có thể bắt tuyến 22, chuyến xe này sẽ dừng ở điểm đỗ trước cửa của Hoàng Thành.

3. Giá vé và giờ mở cửa tham quan Hoàng Thành Thăng Long

Hoàng Thành Thăng Long mở cửa các ngày trong tuần (trừ thứ 2).

– Thời gian mở cửa:

  • Sáng: 8h00 – 11h30;
  • Chiều : 14h00 – 17h00

– Giá vé tham quan để vào khu du tích là : 30.000đ/lượt

– Đối với học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên (phải có thẻ học sinh, sinh viên), người cao tuổi 60 tuổi trở lên giá vé vào cửa là : 15.000đ/lượt

– Riêng đối với trẻ em dưới 15 tuổi và người có công với cách mạng hoàn toàn được miễn phí vé vào cửa.

4. Các địa điểm tham quan ở khu di tích Hoàng Thành Thăng Long

Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu

Di tích này bao gồm tầng dưới cùng là một phần bên phía đông của thành Đại La dưới thời Cao Biền, nhà Đường, tầng trên là cung điện nhà Lý và nhà Trần, tiếp theo là một phần trung tâm của đông cung nhà Lê và trên cùng là một phần của trung tâm tòa thành tỉnh Hà Nội thế kỷ 19.

Cột Cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội là di tích được xây dựng vào năm 1812 dưới triều Gia Long. Cột cờ cao 60m, gồm có chân đế, thân cột và vọng canh. Chân đế có hình vuông với diện tích là 2007m² và bao gồm 3 cấp thóp dần lên. Mỗi cấp đều có tường hoa và hoa văn bao quanh. Từ mặt đất lên tới chân cấp thứ 2 phải leo 18 bậc thang tại mặt phía Đông và mặt phía Tây. Muốn từ cấp 2 lên cấp 3 cũng phải leo 18 bậc thang ở hai cửa hướng Đông và Tây. Còn cấp thứ 3 có 4 cửa, cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam và cửa Bắc.

Điện Kính Thiên

Đây là di tích trung tâm, là hạt nhân chính trong tổng thể các khu di tích lịch sử của thành cổ Hà Nội. Điện Kính Thiên nằm ở vị trí trung tâm của khu di tích. Trước điện Kính Thiên là Đoan Môn rồi tới cột cờ Hà Nội, phía sau có Hậu Lâu, Cửa Bắc, hai phía đông và tây có tường bao và mở cửa nhỏ.

Hiện nay dấu tích của điện Kính Thiên chỉ còn lại là khu nền cũ. Phía nam điện có hàng lan can cao hơn một mét. Mặt trước, hướng chính nam của điện Kính Thiên xây hệ thống bậc lên bằng những phiến đá hộp lớn. Thềm điện gồm 10 bậc, 4 rồng đá chia thành 3 lối lên đều nhau tạo thành thềm rồng.

Bốn con rồng đá được tạo tác vào thế kỷ 15 thời nhà Lê. Điêu khắc rồng đá điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê Sơ. Rồng được chạm trổ bằng đá xanh, có đầu nhô cao, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau, miệng hé mở, ngậm hạt ngọc. Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện ở trên. Trên lưng rồng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa. Hai thành bậc ở hai bên thềm điện là hai con rồng được cách điệu hoá. Nền điện Kính Thiên và đôi rồng chầu đã phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng, nguy nga, tráng lệ của điện Kính Thiên xưa.

Hậu Lâu

Hay còn được gọi là Lầu Tĩnh Bắc (Tĩnh Bắc lâu) là một toà lầu xây phía sau cụm kiến trúc điện Kính Thiên là hành cung của thành cổ Hà Nội. Tuy ở sau hành cung nhưng lại là phía bắc, xây với ý đồ phong thuỷ giữ yên bình phía bắc hành cung. Đây cũng là nơi ở của hoàng hậu và các công chúa trong thời kì phong kiến.

Cửa Bắc

Đây là một trong năm cổng của thành Hà Nội dưới thời Nguyễn. Ở Cửa Bắc còn lưu giữ lại hai vết đại bác do pháo thuyền Pháp bắn từ sông Hồng năm 1882 khi Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai. Ngày nay trên cổng thành là nơi thờ hai vị tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.

Nhà D67

Đây là nơi Bộ quốc phòng, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã đưa ra những quyết định lịch sử đánh dấu những mốc son của cách mạng Việt Nam. Đó là những cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, năm 1972 và đỉnh cao đó là chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Đừng bỏ lỡ cơ hội tham quan Hoàng Thành Thăng Long để hiểu hơn về lịch sử thủ đô văn hiến nếu có dịp du lịch Hà Nội bạn nhé.

Có thể bạn quan tâm:

  • Kinh nghiệm hướng dẫn tham quan viếng lăng Bác dip lễ 2/9
  • Phố cổ Hà Nội – điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến thủ đô
  • Cẩm nang du lịch Hà Nội từ A đến Z

Hà Nội