1. Thế nào là hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ?
Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ là hoạt động trao đổi thông tin của con người trong xã hội, được tiến hành chủ yếu bằng phương tiện ngôn ngữ. Hoạt động giao tiếp nhằm thực hiện ba mục đích cơ bản: nhận thức, tình cảm và hành động.
Có hai quá trình trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ: tạo lập văn bản (do người nói, người viết thực hiện) và lĩnh hội văn bản (do người nghe, người đọc thực hiện). Hai hoạt động này diễn ra trong quan hệ tương tác.
Trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, có sự tham gia và chi phối của các nhân tố giao tiếp:
2. Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ mang màu sắc văn chương
Sáng tạo và lĩnh hội các tác phẩm văn chương cũng là hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ. Với hai quá trình giao tiếp: quá trình thứ nhất là tác giả (nhà thơ, nhà văn) sáng tác tác phẩm, thứ hai là người đọc đón nhận tác phẩm.
Hoạt động văn chương luôn diễn ra trong một ngữ cảnh nhất định, có hoàn cảnh sáng tác của tác giả và hoàn cảnh tiếp nhận của người đọc, với việc sử dụng ngôn ngữ làm chất liệu thể hiện nội dung và mục đích nhất định, từ đây cũng thực hiện chức năng trao đổi thông tin.
Xét về mặt chức năng thẩm mĩ, tác phẩm văn chương hướng đến những giá trị chân – thiện – mĩ. Xét về đặc tính của nghệ thuật, nó không thể hiện một cách trực tiếp ý tưởng, nhận thức, tình cảm, cảm xúc mà thể hiện qua các hình tượng thẩm mĩ.
Trong quá trình giao tiếp văn chương, người đọc và quá trình tiếp nhận đóng vai trò quyết định sự sống của tác phẩm. Vì khi nào có sự tiếp nhận của người đọc khi đó tác phẩm mới thực sự có sự sống.
3. Phân tích các nhân tố trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ
Ví dụ 1: Phân tích các nhân tố giao tiếp trong bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương.
Thân em vừa trắng lại vừa tròn,Bảy nổi ba chìm với nước nonRắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Nội dung giao tiếp: Có thể thấy, bài thơ là một sản phẩm của hoạt động giao tiếp giữa nhà thơ và người đọc. Hồ Xuân Hương đã “giao tiếp’’ với người đọc về vấn đề giá trị và thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ, nhằm mục đích ngợi ca, khẳng định phẩm chất đẹp đẽ, sáng trong của họ và lên án sự bất công của xã hội.
Phương tiện và cách thức giao tiếp: Nội dung và mục đích được thể hiện qua hình ảnh ẩn dụ bánh trôi nước, và hệ thống từ ngữ trong bài: trắng, tròn, thân, bảy nổi ba chìm, mặc dầu, mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Người đọc (nghe) một mặt căn cứ vào chính những từ ngữ và hình ảnh trong bài, mặt khác dựa vào hoàn cảnh giao tiếp (tác giả là một phụ nữ xinh đẹp, tài hoa, nhưng lận đận) để hiểu và cảm nhận bài thơ.
Ví dụ 2: Phân tích các nhân tố giao tiếp trong bài ca dao sau:
Bây giờ mận mới hỏi đào,Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?- Mận hỏi thì đào xin thưa,Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
Nhân vật giao tiếp: người con trai và con gái trẻ tuổi (mận, đào)
Hoàn cảnh giao tiếp: cả hai đều chưa có người yêu. Cuộc giao tiếp diễn ra trong không gian của khu vườn quê.
Nội dung và mục đích giao tiếp: Người con trai mượn hình ảnh “ vườn hồng” để thăm dò, ngỏ ý, tỏ tình. Cô gái đáp lời đầy ẩn ý, mở lòng với chàng trai.
Phương tiện và cách thức giao tiếp: Mượn hình ảnh ẩn dụ (mận, đào, vườn hồng). Cách nói của người con trai và người con gái rất phù hợp với nội dung và mục đích của cuộc giao tiếp giữa nam nữ nông thôn trước đây. Cách nói mang màu sắc văn chương, vừa có hình ảnh, vừa khéo léo, tế nhị mà vẫn đủ rõ ràng.
Hy vọng thông qua việc tìm hiểu hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ chương trình lớp 10, các em học sinh sẽ xác định được những cách thức giao tiếp cũng như sử dụng ngôn ngữ phù hợp với từng mục đích và hoàn cảnh khác nhau.