Theo truyền thuyết thì tên gọi Hồng Ngự bắt nguồn từ “Hùng Ngự”- nơi những người hùng cư ngụ. Những người hùng chính là những người đến đây khai phá đầu tiên, phần lớn là dân “ trốn xâu, lậu thuế”, “dân cứng đầu, bất trị”, đúng ra là những người bị lưu đầy.
Sau một thời gian vật lộn với thiên nhiên, họ đã thật sự làm chủ vùng đất ấy nên cải thành địa danh “Hùng Ngự”, tức nơi những người hùng ngự trị .
Người Pháp đến lo ngại “đất nước- con người” vùng này. Vì vậy đầu thế kỷ 20, họ đã cải đổi một lần nữa thành “Hồng Ngự”.
Sự thật, dưới thời Gia Long, có điều một đội binh trong trại “Hùng Nhuệ” ở Gia Định đến đóng thủ sở tại phía trên rạch Đốc Vàng Thượng 10 trượng, lấy tên là “Hùng Ngự” để lưu giữ hệ thống với phiên hiệu gốc “Hùng Nhuệ” (cũng như Thủ Ngự Hùng Sai ở phía Tây Hạ khẩu sông Lễ Công, tức sông Ông Chưởng).
Năm Gia Long thứ 17 (1818) dời lỵ sở Tân Châu lên cù lao Long Sơn (cù lao Cái Vừng tức Long Thuận, Phú Thuận bây giờ-NB); dời lỵ sở Chiến Sai đến miệt trên sông Hiệp Ân (tức sông Sở Thượng, đồn biên phòng Kể Sách hiện nay-NB), dời lỵ sở Hùng Ngự đến miệt dưới sông Hiệp Ân (tức chỗ thị trấn Hồng Ngự bây giờ).
Tên gọi “Hùng Ngự” cũng như “Câu Lãnh” theo thời gian đã biến âm lúc nào không ai biết. Đầu thế kỷ này trên các văn bản, giấy tờ của Pháp đều ghi “Hồng Ngự” và “Cao Lãnh”, có lẽ do cách phát âm của người Pháp (cả đến người Việt) đọc chạy ra theo luật thuận thịnh âm.
Rõ ràng: Hùng Ngự, Thông Bình, Tân Châu, Chiến Sai… đầu tiên là phiên hiệu của các thủ sở, khi dời chỗ mới vẫn giữ nguyên tên cũ. Tên phiên hiệu dần dà trở thành địa danh: Thông Bình, Tân Châu… riêng Hùng Ngự biến thành Hồng Ngự..
Trước 1867, Hồng Ngự chia làm hai vùng: vùng cù lao thuộc phủ Tân thành, huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang; bờ bắc sông Tiền thuộc huyện Kiến Phong, phủ Kiến Tường, tỉnh Định Tường.
+ 1876-1890: Hồng Ngự, một phần thuộc huyện Đông Xuyên, tham biện Châu Đốc (tỉnh Châu Đốc); một phần thuộc huyện Kiến Phong, tham biện Kiến Phong, tỉnh Mỹ Tho.
+ 1899: Khi tham biện đổi thành tỉnh, quận Hồng Ngự thuộc tỉnh Châu Đốc cho đến 1945.
+ Đầu năm 1948: Để phù hợp với sự chỉ đạo kháng chiến của Khu ủy Khu 8, quận Hồng Ngự thuộc tỉnh Long Châu Tiền.
+ 1950: từ “huyện” xuất hiện thay cho từ “quận”.
+ Tháng 4 năm 1951, tỉnh Long Châu Sa được thành lập, Hồng Ngự ghép với Tân Châu thành huyện Tân Hồng, thuộc tỉnh Long Châu Sa.
+ Tháng 7 năm 1954: Long Châu Sa lại tách ra làm 3 tỉnh: Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc; Hồng Ngự nằm trong sự chỉ đạo của huyện uỷ Châu Đốc .
+ Tháng 10 năm 1956: Chính quyền Ngô Đình Diệm cắt 3 quận Hồng Ngự, Cao lãnh, Phong Thạnh Thượng và 4 xã của quận Mỹ An để thành lập tỉnh Kiến Phong (tên mới của tỉnh Phong Thạnh năm trước).
+ Đầu năm 1957, Khu uỷ Khu 8 chủ trương thành lập Tỉnh Uỷ Kiến Phong, Hồng Ngự thuộc tỉnh Kiến Phong.
+ 1962: Hồng Ngự, Thanh Bình ghép lại thành huyện Thanh Hồng. Chưa đầy một năm lại tách ra, trở về với tên cũ Hồng Ngự, cũng thuộc tỉnh Kiến Phong.
+ Đầu năm 1974: Hồng Ngự thuộc tỉnh Long Châu Tiền .
+ 1976: Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp. Diện tích tự nhiên 65.000 ha, gồm 16 xã và một thị trấn: Thường Phước I, Thường Phước II, Thường Thới Tiền, Thường Thới Hậu, Thường Lạc, Tân Hội, Bình Thành, An Bình, Tân Hộ Cơ, Tân Công Chí, Thông Bình, Tân Thành, Long Khánh, Long Thuận, Phú Trung và thị trấn Hồng Ngự.
+ Đến năm 1989: Hồng Ngự tách vùng 4, gồm 5 xã: Tân Hộ Cơ, Tân Công Chí, Thông Bình, Tân Thành, An Phước và một phần xã Bình Thạnh để thành lập huyện mới Tân Hồng.
Huyện Hồng Ngự còn lại 12 xã và một thị trấn, điều chỉnh lại thành 15 xã và một thị trấn: Bình Thạnh, Tân Hội, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Lạc, Thường Thới Tiền, Thường Phước I, Thường Phước II, Long Khánh A, Long Khánh B, Long Thuận, Phú Thuận A, Phú Thuận B, An Bình A, An Bình B và thị trấn Hồng Ngự.
Huyện Hồng Ngự, đông giáp huyện Tân Hồng; Tây giáp huyện Phú Châu (An Giang); Nam giáp huyện Phú Tân (An Giang) và huyện Tam Nông; Bắc giáp tỉnh Preyveng (Campuchia), có đường biên giới quốc gia dài 33,5 km với các cửa khẩu quan trọng là Thường Phước, Kế Sách…
Diện tích tự nhiên 332 km2.
Dân số 222.851 người. Mật độ trung bình 671người/km2 (năm 2005).[1] Đất đai Hồng Ngự trù phú, được thiên nhiên ưu đãi hơn so với các huyện khác trong tỉnh. Phần lớn là đất phù sa các loại, nguồn nước ngọt sông Tiền hàng năm đem phù sa bồi đắp đồng ruộng và cho nhiều nguồn lợi thủy sản. Kinh tế-xã hội của huyện rất phong phú, đa dạng, mang sắc thái đặc thù của huyện biên giới, huyện vùng nước nổi.
Là cửa ngõ phía bắc của tỉnh, Hồng Ngự có nhiều đường giao thông thủy bộ đi qua. Quốc lộ 30 nối Hồng Ngự với tỉnh lỵ Đồng Tháp, thành phố Hồ Chí Minh. Đường Hồng Ngự – Sa Rài (20 km) nối Hồng Ngự với huyện Tân Hồng. Kinh Trung ương nối Hồng Ngự với huyện Vĩnh Hưng (Long An). Hồng Ngự còn là đầu mối đi Phú Tân, Long Xuyên, Tân Châu, Châu Đốc, đặc biệt con sông Tiền, Sở Thượng, Sở Hạ giữ vị trí giao lưu quốc tế giữa hai nước Việt Nam – Campuchia trong quan hệ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Hồng Ngự chịu ảnh hưởng trực tiếp khí hậu, thời tiết của Đồng Tháp Mười, nhiệt độ bình quân tương đối ổn định 27,20C, lượng mưa trung bình thấp nhất tỉnh 969mm[2].
Địa hình theo dạng bằng phẳng, thấp dần từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam. Trong đó, có nhiều giồng cao xuất hiện với độ cao từ 3,5 – 4,3m, cao độ toàn huyện biến động từ 1,5 – 4m so với mực nước biển, phổ biến từ 2,9 – 3,0m chia làm ba dạng địa hình chính:
– Địa hình cao (3 – 4m) phân bố ở các giồng, ven sông Tiền, ven các cù lao.
– Địa hình trung bình (2,5 – 3m) phân bố ven sông Tiền, ven các cù lao, tiếp giáp địa hình cao đổ vô 3km dọc sông Sở Thượng, Sở Hạ.
– Địa hình thấp (1,5 – 2m) tập trung dọc kinh Trung Ương.
Toàn bộ đất đai Hồng Ngự có thể chia làm 3 vùng canh tác khác nhau:
* Vùng I: Vùng cù lao trên sông Tiền, gồm 5 xã: Long Khánh A, Long Khánh B, Long Thuận, Phú Thuận A, Phú Thuận B. Diện tích trồng trọt 5,285 ha. Đây là vùng đông dân nhất (1.050 người/km2), đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm, thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp, cây lương thực ngắn ngày như đậu nành, thuốc lá, mía, ớt, rau muống hạt. Cũng là vùng lúa cao sản và khai thác thuỷ sản, có khả năng cung cấp khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn và nhanh.
* Vùng 2: vùng Ngũ Thường (Thường Phước 1, Thường Phước 2, Thường Thới Tiền, Thường Thới Hậu, Thường Lạc) có diện tích trồng trọt 8.280 ha, mật độ dân đông thứ ba trong huyện (405 người/km2). Đất đai tương đối màu mỡ, ít bị nhiễm phèn, là vùng chuyên canh lúa 2 vụ với năng suất cao và một phần cây công nghiệp, cây lương thực ngắn ngày.
* Vùng 3: Chạy dọc lộ 30, giáp biên giới Campuchia, kinh Trung ương… bao gồm các xã Tân Hội, Bình Thạnh, An Bình A, An Bình B và thị trấn. Diện tích trồng trọt 9.000 ha, là vùng có mật độ dân cư đông thứ hai (430 người/km2). Đất đai bị nhiễm phèn, thích hợp cho phát triển lúa cao sản, một phần cây công nghiệp ngắn ngày và đồng cỏ chăn nuôi.
Mạng lưới kinh rạch ở Hồng Ngự tương đối đầy đủ, có khả năng cung cấp cho nông nghiệp. Đó là sông Tiền ( đoạn từ Thường Phước I đến Phú Thuận dài 35 km), Sở Thượng, Sở Hạ, kinh Trung ương, kinh Tứ Thường, kinh Kháng Chiến, kinh Sam Sai – Gò Ổi, kinh Thống Nhất…
Về mặt thủy văn, Hồng Ngự cùng Tân Hồng là vùng đất đầu nguồn của Đồng Tháp Mười, túi chứa nước thứ hai (sau biển Hồ Kampuchia) có tác dụng điều hòa mực nước sông Cửu Long trong mùa nước nổi. Đất canh tác ngập sâu 2 – 3m, đường sá hư hại nặng, việc vận chuyển, đi lại chủ yếu bằng xuồng, ghe. Bù lại, sông Tiền, sông Sở Thượng, Sở Hạ, kinh Trung ương mang một lượng phù sa rất lớn bồi đắp các bưng trấp (có nơi dầy tới vài mươi phân).
* Mùa lũ (từ tháng 6 đến tháng 10): Chịu ảnh hưởng của sông Cửu Long, xuất hiện sớm hơn các huyện phía nam của tỉnh. Đỉnh lũ cao vào tháng 8, 9. Năm 1978, đỉnh lũ tháng 8 cao nhất 4,20m tại trạm thủy văn Hồng Ngự.
Nước ngập bờ ruộng và bờ bao sinh ra chảy tràn. Hướng chảy chính Tây Bắc-Đông Nam. Độ chuyển nước trên kinh vào mùa lũ tương đối lớn, gần đây càng lớn do kinh rạch được đào mới và nạo vét nhiều hơn, tốc độ chảy tràn bằng 1/5 đến 1/4 vận tốc trên kinh.
* Mùa kiệt (từ tháng 11 đến tháng 5): Phụ thuộc hoàn toàn vào dòng triều sông Cửu Long, biên độ triều rất lớn, nhất là tháng 4, 5. Cuối mùa lũ nước rút hết, không lên được nữa. Đỉnh nước kiệt thấp nhất năm 1980, xuất hiện vào tháng 5 là 113mm.
Với đặc điểm thủy văn nêu trên và điều kiện đất đai, địa hình, huyện Hồng Ngự không có khả năng tưới tự chảy, mà dùng máy bơm là chính. Đồng thời để đảm bảo kịp thời vụ, đảm bảo vụ hè thu, Hồng Ngự còn phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng và có công trình chống lũ tháng 8.
Sông rạch chiếm 1/3 diện tích, Hồng Ngự là xứ “trên cơm, dưới cá”. Từ thời Nguyễn đã có các “Sở” đánh bắt và buôn bán cá trên sông Hiệp Ân tại hai nhánh Hầu Diên Thượng và Hầu Diên Hạ. Do vậy mới có tên “Sở Thượng, Sở Hạ”. Các trạm thu thuế cá được lập ra để thu thuế lái buôn chở cá từ Hồng Ngự theo đường sông Phiếm Gia, qua Bát Chiên về Gia Định (Ngày nay sản lượng thu hoạch cá khoảng 26.667 tấn/năm). Thật đúng với câu “thứ nhất canh trì, thứ nhì canh ruộng” lúc bấy giờ.
Hiện nay, cây lúa đóng vai trò chủ lực trong toàn huyện. Riêng các xã Long Thuận, Phú Thuận A, Phú Thuận B, Thường Thới Tiền, Thường Thới Hậu, Tân Hội v.v… năng suất lúa Đông xuân đạt từ 7 – 9 tấn/ha/vụ.
Bố, mè, đậu và các loại rau quả đi vào chuyên môn hóa từng khu vực.
Ngày xưa lụa Tân Châu (An Giang) nổi tiếng là nhờ có sự góp phần của vùng Ngũ Thường (Thường Phước I, Thường Phước II, Thường Thới Tiền, Thường Thới Hậu, Thường Lạc), vùng Long Khánh về trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa. Long Khánh còn là vựa thuốc lá của tỉnh.
Cù lao Cái Vừng (Long Thuận, Phú Thuận) trồng mía, nấu đường, nuôi cá tra .
Ngoài ra còn tìm thấy than bùn và dãy rừng tràm trầm tích khá lớn ở An Bình, Bình Thạnh… Mỏ cát nằm cạnh các cù lao trên sông Tiền…
Nhìn chung thực trạng kinh tế – xã hội huyện Hồng Ngự từ sau 1975 đến nay có mấy nét lớn sau đây:
Thế mạnh của Hồng Ngự là nông nghiệp, thương nghiệp – dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp – công nghiệp.
Huyện chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng: lộ – cầu giao thông, nạo vét kinh-khép kín đê bao để tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu, đưa điện về nông thôn, mở rộng hệ thống thông tin liên lạc, chợ nông thôn… Tăng vốn cho vay phát triển sản xuất, thương nghiệp, dich vụ.
Tổng giá trị sản phẩm trong huyện (GDP) hàng năm tăng 9,38% .Cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP của năm 2005: Nông nghiệp = 71,91%, Thương nghiệp – dịch vụ = 17,72%; Công nghiệp-Xây dựng = 10,37% ).
– Nông nghiệp: tích cực đầu tư khai hoang, tăng vụ, đưa tổng diện tích gieo trồng năm 2005 lên 44.592 ha. Trong đó, diện tích lúa là 41.527 ha, sản lượng 255.350 tấn (đạt 1146 kg lúa/người/năm).
Diện tích gieo trồng vụ 3 là 2890 ha, bước đầu thử nghiệm xen canh một vụ màu đạt hiệu quả khá, tăng vòng quay sử dụng đất, tạo thêm được việc làm, nguồn thức ăn phát triển chăn nuôi, đa dạng hóa cây trồng.
Chăn nuôi: cá nuôi bè, cá tra bột, cá tra thịt, cá ba sa…Heo, gà, vịt tăng, ngược lại, đàn trâu bò giảm 40-50% (do đồng cỏ bị thu hẹp).
– Dịch vụ và thương mại:
Các dịch vụ: Bưu chính viễn thông đạt 5,6 máy điện thoại/1000 dân; giao thông vận tải có đường ô tô về đến trung tâm của 15/16 xã, thị trấn. Các chợ thị trấn Hồng Ngự, Mương Lớn, Cái Sách, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Tiền đã được mở rộng và xây dựng mới đưa vào hoạt động, các chợ khác đang tiến hành xây dựng. Chú ý khai thác nguồn hàng hóa biên giới…Nhờ vậy, dịch vụ-thương mại tăng trưởng hàng năm khoảng 12,75%.
Đơn vị kinh tế tập thể duy trì dịch vụ bơm nước cho 0,55% diện tích sản xuất và liên kết sản xuất như giúp vốn, giống, Khoa học kỹ thuật…góp phần phát triển nông nghiệp.
– Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp:
Chủ yếu là các ngành: xay xát, cơ khí thủ công. Chưa xây dựng được các ngành công nghiệp mũi nhọn sử dụng nguyên liệu tại chỗ, hỗ trợ đẩy mạnh phát triển công nghiệp như: chế biến nông sản thực phẩm, thủy sản…
Một số ngành truyền thống còn ở dạng tự cấp tự túc hoặc bị mai một như: nước mắm, mắm con, dệt khăn choàng, mùng, nhuộm lãnh…
– Đầu tư xây dựng cơ bản:
Xây dựng các công trình hạ tầng như: giao thông thuỷ lợi – đê bao, điện, thông tin liên lạc, giáo dục, y tế, chợ…đạt hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt xã hội nông thôn và tăng trưởng kinh tế (từ các nguồn vốn TW, tỉnh, huyện và nhân dân đóng góp).
Đồng thời, cùng tỉnh hoàn thành nhiều công trình thuộc các lĩnh vực khác, đáp ứng yêu cầu giữ vững an ninh chính trị và tăng cường tuyến phòng thủ biên giới ngày càng ổn định, vững chắc.
– Văn hóa – xã hội:
Ngành giáo dục được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và kinh phí sự nghiệp, khắc phục từng bước các lớp học ca 3; nâng cao mức sống giáo viên; chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, tiêu chuẩn hóa đội ngũ giáo viên nên chất lượng giáo dục được nâng dần từng năm học. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, song thực hiện phổ cập tiểu học, xoá mù chữ kết quả còn hạn chế. Chất lượng giáo dục có nâng lên nhưng chuyển biến không đều.
Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố và tăng cường. Đã nâng cấp bệnh viện huyện thành bệnh viện khu vực thuộc tỉnh; 16 xã, thị trấn đều có trạm y tế và bác sĩ phục vụ. Các chương trình y tế quốc gia được thực hiện đầy đủ. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của huyện từ 2,05% (1991) xuống 1,95% (1994), còn 1,12% (2005).
Hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao được các cấp các ngành quan tâm hơn, hình thức sinh hoạt đa dạng, thu hút nhiều người tham gia. Toàn huyện có 15 điểm bưu điện văn hoá, có 22% dân số tham gia luyện tập TDTT thường xuyên và 8% hộ gia đình thể thao.
Về truyền thống lịch sử : Hồng ngự xưa kia vốn thuộc vùng đất Tầm Phong Long (vùng đất tỉnh An Giang, Thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang ngày nay), mà Nặc Tôn dâng cho Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát vào năm 1757 để đền cái ơn đã đưa mình lên ngôi vua, là một vùng đất yết hầu – trong đó sông Tiền, sông Hậu đóng vai trò hai thủy đạo chiến lược – là vùng đất hoang vu, nê địa, chim thú đầy dẫy. Hùng Ngự lúc đó là nơi “đầu sóng ngọn gió” về thiên tai, lụt lội hàng năm, về những cuộc quấy nhiễu biên thùy của những phe ly khai chống đối trong một bộ hoàng tộc Chân Lạp, của những phần tử đầu trộm đuôi cướp.
Người Việt đã đến đồng bằng sông Cửu Long từ rất sớm, nhưng chủ yếu định cư vùng phía dưới, chỉ có quân lính triều đình đến trấn giữ tại các thủ sở mà thôi. Lúc đầu Thủ sở Tân Châu, Hùng Ngự còn đóng tại bãi Dinh (cù lao Giêng), Đốc Vàng Thượng – Hạ (An Phong). Từ đó lên tới biên giới là vùng trái độn.
Mãi đến thời Gia Long thứ 17 (1818) các thủ sở này mới dời lên áp sát biên giới, cho thấy, vùng trái độn này đã đi vào thế ổn định .
Các lính thú vừa bảo vệ miền biên tái, vừa khai hoang chung quanh nơi đồn trú, trồng tỉa để tự túc một phần lương thực, nhưng thu lượm sản vật có sẵn của thiên nhiên vẫn là chính: đánh cá, lấy mật và sáp ong, chặt tre, đốn gỗ…
Thủ Sở đến đâu gia đình binh sĩ đến đó. Nông dân lưu tán, dân trốn xâu, lậu thuế, nổi loạn, binh sỹ đào ngũ cũng tìm đến nơi này. Dù thành phần khác nhau nhưng tựu trung họ đều là những người nghèo khó, ít học, dễ thông cảm nhau, đùm bọc giúp đỡ nhau, chung lưng đấu cật để xây dựng cuộc sống mới.
Rồi các xóm người Việt bắt đầu hình thành trên các đê ven sông,các gò cao .
Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông. Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều vào Đồng Tháp Mười lập căn cứ, với lối đánh du kích làm cho Pháp mất ăn, mất ngủ. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, lãnh binh Võ Văn Khả (còn gọi là Khởi) đã dẫn một cánh quân về đây sinh sống nuôi chí phục thù.
Đầu thế kỷ 20, các cụ Phan Kiết Phủ, Trần Nguyên Phụ, Nguyễn Quang Diêu, Nguyễn Sinh Sắc thường lui tới vùng Hồng Ngự để hun đúc lòng yêu nước, vận động phong trào Đông Du. Cụ tú Trần Hữu Thường là một nhà nho danh tiếng vùng cù lao Phú Thuận – Long Xuyên .
Các hội kín “kèo Xanh”, “kèo vàng” của cụ Chín Nhạc Vân, Đặng Văn Nhỏ, Nguyễn Văn Ngọc… cũng phát triển ở vùng này.
Tuy các phong trào trên đây đều thất bại, nhưng đã dọn sẵn mảnh đất tốt để đến năm 1930-1931, nhiều chi bộ Đảng cộng sản ra đời ở Hồng Ngự – nơi có căn cứ nhân tâm vững chắc.
Khu ủy khu 8, Tỉnh uỷ Châu Đốc, Long Châu Sa, Kiến Phong và Huyện ủy Hồng Ngự đã dừng chân tại Hồng Ngự 9 năm chống Pháp và 21 năm chống Mỹ.
Sau 1975, đất nước thông nhất. Đảng bộ huyện Hồng Ngự tiến hành cải tạo và xây dựng huyện nhà, vừa phải khắc phục thiên tai lụt lội, lại phải đẩy lùi cuộc chiến tranh xâm lược biên giới của Pôn Pốt – Iêng XaRy (1975-1979).
Qua các thời kỳ, Hồng Ngự có hai xã Thường Thới Tiền, Bình Thạnh, Tập đoàn 2 xã Tân Hội và hai cá nhân được nhà nước tuyên dương anh hùng về thành tích chiến đấu và xây dựng.