Xét nghiệm H.pylori là một phương pháp phổ biến giúp tìm kiếm khuẩn HP trong cơ thể – nguyên nhân chính gây bệnh dạ dày. Tuy nhiên, nhiều người thường bị “làm khó” khi nhận kết quả bởi các chỉ số phức tạp. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về kết quả xét nghiệm H.pylori IgG dương tính, âm tính có ý nghĩa thế nào.
1. Tìm hiểu về chỉ số IgG
Thông thường, chúng ta vẫn được biết đến xét nghiệm H.pylori với tên gọi là xét nghiệm HP để tìm kiếm dấu hiệu của khuẩn HP trong cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người lại không hiểu cụ thể về chỉ số H.pylori-IgG trong xét nghiệm là gì, xét nghiệm này có khác với xét nghiệm H.pylori hay không.
Về bản chất, H.pylori-IgG và H.pylori là cùng một xét nghiệm, trong đó IgG là một chỉ số đánh giá nồng độ kháng nguyên trong cơ thể của người bệnh.
Immunoglobulin G (IgG) là một trong những protein trong huyết thanh người. IgG có liên quan đến quá trình đáp ứng miễn dịch thứ phát. Hiểu một cách đơn giản, IgG cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài với các tác nhân như virus, vi khuẩn, mầm bệnh… Kết quả IgG cho biết người đó có miễn dịch với các yếu tố gây bệnh hay không. Từ đó, bác sĩ có thể phỏng đoán khả năng bạn đã từng mắc bệnh hoặc từng tiêm vaccine và hiện tại có miễn dịch với virus.
2. Kết quả xét nghiệm H.pylori IgG dương tính có ý nghĩa gì?
Dưới đây là 1 số những câu hỏi thường gặp mà nhiều người thắc mắc khi nhận kết quả xét nghiệm H. pylori.
2.1. Xét nghiệm H.pylori IgG dương tính nghĩa là bị bệnh dạ dày?
Đây là một hiểu nhầm rất phổ biến và sai lầm của nhiều người bệnh. Đầu tiên, chỉ số IgG phản ánh khả năng kháng nguyên tồn tại trong cơ thể của người bệnh. Vì vậy, khi chỉ số này dương tính chỉ cho biết bạn đã từng nhiễm H. Pylori. Tuy nhiên, kết quả này cũng không xác định được tại thời điểm làm xét nghiệm bạn có bị nhiễm hay không.
Thứ hai, vi khuẩn H. Pylori tồn tại trong cơ thể không đồng nghĩa với việc bạn mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Tình trạng loét, viêm dạ dày hay các cơ quan đường ruột có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, khuẩn H. pylori chỉ là một trong số những nguyên nhân gây bệnh đường ruôt.
Bên cạnh đó, ngay cả khi H. pylori dương tính thì tình trạng này cũng không quá nguy hiểm. Hơn 80% người bị nhiễm H. pylori không có các triệu chứng biểu hiện lâm sàng hay biến chứng. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ (khoảng 20%) người bị nhiễm H. pylori có các biến chứng bệnh lý nghiêm trọng, cần được điều trị và theo dõi thường xuyên.
2.2. Kết quả xét nghiệm H. pylori dương tính có ý nghĩa thế nào trong chẩn đoán bệnh học?
Trong xét nghiệm H. pylori, chỉ số IgM có giá trị hơn so với IgG vì đây là kháng thể đầu tiên xuất hiện khi cơ thể mới tiếp xúc với vi khuẩn HP. Do đó, ngay cả khi IgG dương tính thì bạn cũng không nên lo lắng mà cần kết hợp thêm kết quả của chỉ số IgM. Bác sĩ cũng sẽ căn cứ thêm vào tình trạng bệnh sử và các biểu hiện lâm sàng của bạn để có thể đưa ra kết luận chẩn đoán.
Trong trường hợp IgG dương tính nhưng IgM âm tính, có nghĩa là cơ thể bạn đã có kháng thể IgG. Đồng nghĩa với việc bạn đã từng nhiễm khuẩn HP trước đó. Để biết bạn có đang nhiễm HP tại thời điểm xét nghiệm hay không, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm khác hoặc thực hiện xét nghiệm lại để theo dõi.
Trường hợp kết quả IgM và IgG cùng dương tính, kết luận được đưa ra bạn dương tính với H. pylori. Với kết quả này, nếu bạn không có triệu chứng của bệnh lý dạ dày thì chưa cần tiếp nhận điều trị. Nếu phát hiện kết quả dương tính và bạn có các biểu hiện thường xuyên buồn nôn, đau bụng, ợ hơi… thì nên kiểm tra bằng phương pháp nội soi. Trong trường hợp kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân bị bệnh lý đường tiêu hóa thì nên điều trị sớm.
Một trường hợp khác, nếu như bạn đã từng nhiễm khuẩn HP và từng được điều trị trước đây thì kết quả xét nghiệm H. pylori có độ tin cậy không cao. Lúc này, bạn nên kiểm tra lại với 1 xét nghiệm có độ tin cậy cao hơn như test H. pylori qua đường thở hoặc xét nghiệm phân.
2.3. Xét nghiệm H. pylori có độ chính xác cao không?
Bất kỳ xét nghiệm nào cũng có tỷ lệ sai sót nhất định, do đó, chúng tôi có thể khẳng định không có xét nghiệm nào có tỷ lệ chính xác 100%. Với xét nghiệm H. pylori, tỷ lệ cho kết quả dương tính giả khá cao.
Nguyên nhân có thể do nồng độ kháng nguyên còn tồn tại sau quá trình điều trị, phải mất thời gian để nồng độ này giảm dần. Ngoài ra, vi khuẩn HP còn có thể tồn tại ở nhiều bộ phận trong cơ thể, dễ gây ra phản ứng dương tính nhưng lại không có nguy cơ gây bệnh đường ruột. Do đó, xét nghiệm huyết thanh trong xét nghiệm HP chỉ mang tính định hướng, cung cấp cơ sở để bác sĩ chỉ định thực hiện các biện pháp sàng lọc phù hợp với người bệnh.
3. Biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn HP
Khuẩn HP là một loại vi khuẩn rất dễ lây lan, đặc biệt tỷ lệ nhiễm HP tại Việt Nam lên tới 75% dân số. Trường hợp vi khuẩn hoạt động có thể gây ra các bệnh viêm dạ dày, viêm tá tràng, loét dạ dày… và có thể dẫn tới bệnh ung thư đường tiêu hóa. Vì thế, trong đời sống hàng ngày, bạn nên chú ý thực hiện những nguyên tắc dưới đây để tránh lây nhiễm vi khuẩn HP:
– Hạn chế dùng chung các dụng cụ ăn uống trong gia đình.
– Hạn chế ăn các loại thực phẩm sống như gỏi, tiết canh, các loại thức ăn lên men…
– Tránh không hôn trẻ, không mớm hoặc nhá cơm để đút cho trẻ ăn.
– Có thói quen vệ sinh tay trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh.
– Hạn chế rượu bia, thức ăn lên men, chất gia vị kích thích như ớt tiêu.
Để bảo vệ đường tiêu hóa khỏe mạnh, bạn nên thực hiện thăm khám chuyên khoa ngay khi có những biểu hiện khó chịu để có chỉ định sàng lọc HP sớm nếu cần thiết. Đồng thời, chúng ta cũng nên duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là ở người trên 40 tuổi.