Huyết áp là gì? Cần khắc phục thế nào đối với tình trạng huyết áp không ổn định là thắc mắc chung của rất nhiều người. Có thể nói chỉ số huyết áp ảnh hưởng rất nhiều đến hệ tim mạch nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung. Nếu chỉ số này thay đổi bất thường thì đây chính là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn của cơ thể.
28/01/2023 | Bảng chỉ số huyết áp bình thường đối với từng lứa tuổi18/01/2023 | Bệnh huyết áp thấp – tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng ngừa12/01/2023 | Bác sĩ hướng dẫn cách đọc chỉ số huyết áp đúng chuẩn
1. Khái niệm huyết áp là gì?
Huyết áp chính là áp lực dòng máu tác động lên thành mạch máu trong quá trình lưu thông đến các cơ quan trong cơ thể. Sức cản của động mạch và lực co bóp của tim là hai yếu tố chính tạo nên huyết áp.
Chỉ số huyết áp ở người bình thường sẽ cao hơn vào ban ngày và thấp hơn vào ban đêm. Thời điểm từ 1 – 3 giờ sáng khi cơ thể đang ngủ say là lúc huyết áp ở mức thấp nhất, còn từ 8 – 10 giờ sáng là thời điểm huyết áp đạt ở mức cao nhất.
Huyết áp thường sẽ tăng cao khi chúng ta vận động, căng thẳng thần kinh, co mạch (do bị lạnh hoặc dùng thuốc co mạch), ăn quá mặn hay trải qua trạng thái xúc động mạnh. Ngược lại những khi bạn thư giãn, nghỉ ngơi, dùng thuốc giãn mạch, ra nhiều mồ hôi, ở môi trường nóng, bị tiêu chảy,… thì huyết áp sẽ giảm xuống.
Chỉ số huyết áp ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cơ thể
Chỉ số huyết áp được biểu thị qua 2 chỉ số sau:
-
Huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa): mức bình thường từ 90 – 139 mm Hg;
-
Huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu): mức bình thường là từ 60 – 89 mm Hg.
Nếu chỉ số huyết áp cao hơn mức tiêu chuẩn nêu trên thì được coi là huyết áp cao, ngược lại thì là huyết áp thấp. Khi tim đập, huyết áp sẽ chuyển từ cực đại đến cực tiểu (thay đổi từ áp lực tâm thu đến áp lực tâm trương). Khi máu di chuyển xa dần từ tim đến động mạch thì huyết áp sẽ giảm dần.
2. Huyết áp cao và huyết áp thấp có ảnh hưởng gì đối với sức khỏe?
Huyết áp cao và huyết áp thấp đều là hai tình huống gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Nếu không được kiểm soát kịp thời hai tình trạng này có thể khiến bệnh nhân phải đối mặt với những nguy cơ sau:
2.1. Mức độ nguy hiểm của tăng huyết áp là gì?
Đây là bệnh lý phổ biến và càng gia tăng theo độ tuổi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, cụ thể là:
-
Biến chứng tức thời: tai biến mạch máu não, bóc tách động mạch chủ, nhồi máu cơ tim cấp, suy thận cấp, phù phổi cấp,… đe dọa trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân;
-
Biến chứng lâu dài: nếu sau một thời gian dài huyết áp cao không được kiểm soát và điều trị đúng cách có thể gây: suy tim, tim to, rối loạn tiền đình, suy thận mạn, bệnh lý về mắt, thiếu máu cục bộ cơ tim gây đau thắt ngực, đau cách hồi, tăng áp lực máu động mạch, phình động mạch.
2.2. Nguy cơ biến chứng của hạ huyết áp là gì?
So với tình trạng huyết áp cao thì huyết áp thấp không gây ra những biến chứng tức thời nguy hiểm như tắc nghẽn cơ tim, tai biến mạch máu não,… vì vậy nhiều người có xu hướng chủ quan trước hiện tượng này. Tuy nhiên huyết áp thấp cũng tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm như:
-
Suy giảm chức năng thần kinh, thiếu máu và oxy cung cấp cho tim, não, thận làm tổn thương những cơ quan này, gây ra các bệnh lý như suy thận, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim hay đau thắt ngực;
-
Bệnh nhân bị tụt huyết áp có thể đối mặt với phản ứng sốc. Điều này vô cùng nguy hiểm khi người bệnh đang vận hành máy móc, lái xe, làm việc trên tầng cao,…
Huyết áp cao và huyết áp thấp đều là hai tình huống gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh
Để xác định chỉ số huyết áp của một người thì cần phải theo dõi, quan sát huyết áp trong nhiều ngày. Bệnh nhân cần thực hiện đo huyết áp thường xuyên, kiểm tra tại nhiều thời điểm trong ngày. Chỉ số huyết áp cần được ghi nhận ở cả 2 tay trong tư thế đứng 1 phút và sau 5 phút nằm nghỉ.
3. Mách bạn các cách giúp kiểm soát và phòng ngừa các bệnh về huyết áp
Bên cạnh việc sử dụng thuốc thường xuyên theo đúng phác đồ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân bị huyết áp cao hay thấp đều cần phải thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt để luôn duy trì chỉ số huyết áp ở trong mức ổn định. Cụ thể là:
3.1. Áp dụng thực đơn dinh dưỡng phù hợp
Để chỉ số huyết áp luôn được kiểm soát ổn định, bạn nên áp dụng một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh như sau:
-
Tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, kali, vitamin tổng hợp có trong trứng, sữa, cá, rau xanh, hoa quả tươi và các loại đậu;
-
Nêm nếm thức ăn vừa phải, cắt giảm lượng muối khi chế biến;
-
Uống đủ nước mỗi ngày;
-
Hạn chế tối đa việc tiêu thụ các loại thức ăn nhiều chất béo, mỡ động vật, đồ chiên rán vì sẽ làm tăng lượng cholesterol xấu cho cơ thể, có hại cho tim mạch.
Đồ chiên rán nhiều dầu mỡ có thể khiến huyết áp gia tăng
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe nói chung và chức năng của hệ tim mạch nói riêng. Khi bạn đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp đủ các dưỡng chất thiết yếu, mọi cơ quan sẽ luôn có đủ lượng máu và oxy để duy trì hoạt động của cơ tim, tăng sức bền thành mạch và hạn chế tình trạng huyết áp cao. Ngoài ra khi cơ thể có đủ chất sẽ không bị thiếu máu, tránh nguy cơ bị huyết áp thấp.
3.2. Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học
Ngoài việc áp dụng một thực đơn dinh dưỡng lành mạnh, bạn cũng cần phải giữ cho mình một tinh thần thoải mái, tích cực, vui vẻ, dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
Bên cạnh đó mỗi ngày bạn nên dành ra ít nhất 30 phút để tập thể dục như chạy bộ, đi bộ, các bài tập nhẹ nhàng giúp tăng cường hệ miễn dịch và thúc đẩy khả năng lưu thông máu cho thể.
3.3. Thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp
Việc theo dõi huyết áp mỗi ngày là hoạt động quan trọng giúp bạn luôn cập nhật và kiểm tra huyết áp, từ đó kịp thời xử trí các biến chứng nguy hiểm khi có sự thay đổi bất thường của chỉ số này. Mỗi người có thể tự trang bị cho mình máy đo huyết áp cá nhân để theo dõi tại nhà. Cách này vừa giúp tiết kiệm thời gian và chi phí thăm khám lại vô cùng tiện lợi.
Mong rằng với những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về định nghĩa huyết áp là gì, huyết áp cao và huyết áp thấp có ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe. Việc theo dõi và kiểm soát chỉ số huyết áp là rất quan trọng vì điều này giúp quản lý tốt các bệnh lý liên quan đến huyết áp.
Để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết hơn, quý bạn đọc có thể liên hệ tới hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tổng đài viên của MEDLATEC luôn sẵn sàng giải đáp và hỗ trợ quý khách hàng cách đặt lịch khám cùng các chuyên gia.