ISO/IEC 17025 là gì?
ISO/IEC 17025 Yêu cầu chung đối với năng lực của các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn là tiêu chuẩn ISO chính được sử dụng bởi các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn. Ở hầu hết các quốc gia, ISO/IEC 17025 là tiêu chuẩn mà hầu hết các phòng thí nghiệm phải áp dụng và được công nhận để được coi là có năng lực về mặt kỹ thuật. Trong nhiều trường hợp, các nhà cung cấp và cơ quan quản lý hay các bên thứ 3 sẽ không chấp nhận kết quả thử nghiệm hoặc hiệu chuẩn từ phòng thí nghiệm nếu phòng thí nghiệm không áp dụng và được công nhận theo ISO/IEC 17025.
Phiên bản đầu tiên của ISO/IEC 17025 được ban hành dưới dạng hướng dẫn được gọi là ISO/IEC Guide 25, ban hành năm 1990. Các phiên bản của ISO/IEC 17025 có nhiều điểm tương đồng bộ tiêu chuẩn ISO 9000, tuy nhiên ISO/IEC 17025 đưa ra các yêu cầu về năng lực và áp dụng cụ thể hơn cho những phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn dựa trên các nguyên tắc kỹ thuật. Các phòng thí nghiệm (phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức có hoạt động lấy mẫu thử nghiệm) sử dụng ISO/IEC 17025 để vận hành hệ thống quản lý chất lượng nhằm cải thiện khả năng tạo ra kết quả thử nghiệm/hiệu chuẩn có giá trị sử dụng một cách ổn định. ISO/IEC 17025 cũng là cơ sở để công nhận từ một cơ quan công nhận hoặc các bên thứ 3.
Hiện đã có bốn phiên bản được ban hành; vào năm 1990 (bản guide 25), 1999, 2005 và 2017. Những thay đổi đáng kể nhất giữa phiên bản 1999 và 2005 là sự nhấn mạnh hơn vào trách nhiệm của quản lý cấp cao, yêu cầu rõ ràng để liên tục cải thiện hệ thống quản lý và giao tiếp với khách hàng. Nó cũng thể hiện sự tương đồng chặt chẽ hơn với phiên bản 2000 của ISO 9001
Phiên bản năm 2005 của tiêu chuẩn bao gồm năm điều khoản: Phạm vi áp dụng (điều khoản 1), Tài liệu viện dẫn (điều khoản 2), thuật ngữ và định nghĩa (điều khoản 3), các yêu cầu quản lý (điều khoản 4) và các yêu cầu kỹ thuật (điều khoản 5). Yêu cầu quản lý chủ yếu liên quan đến hiệu lực và vận hành hệ thống quản lý chất lượng trong phòng thí nghiệm. Yêu cầu kỹ thuật bao gồm các yếu tố xác định tính chính xác và độ tin cậy của các thử nghiệm và hiệu chuẩn được thực hiện trong phòng thí nghiệm.
Phiên bản 2017 của ISO/IEC 17025 đã sửa đổi cấu trúc này thành tám điều khoản: Phạm vi áp dụng (điều khoản 1), Tài liệu viện dẫn (điều khoản 2), Thuật ngữ và định nghĩa (điều khoản 3), Yêu cầu chung (điều khoản 4), Yêu cầu cơ cấu (điều khoản 5), Yêu cầu nguồn lực (điều khoản 6), Yêu cầu quá trình (điều khoản 7) và Yêu cầu hệ thống quản lý (điều khoản 8). Yêu cầu chung: đưa ra nguyên tắc xây dựng hệ thống – khách quan và bảo mật. Yêu cầu cấu trúc có liên quan đến việc tổ chức phòng thí nghiệm, trách nhiệm quyền hạn, cơ cấu tổ chức, nhân sự chủ chốt và phạm vi hoạt động. Yêu cầu về nguồn lực đưa ra các yêu cầu kiểm soát con người, cơ sở hạ tầng và điều kiện mô trường, thiết bị và các nguồn lực sử dụng trong quá trình tạo kết quả thử nghiệm và hiệu chuẩn. Yêu cầu các quá trình là trái tim của phiên bản tiêu chuẩn này, các điều khoản được sắp xếp mang tính logic theo tiến trình đường đi của các hoạt động.
Sơ đồ thể hiện các quá trình thực hiện trong phóng thí nghiệm theo quy định tại điều 7 (nguồn TCVN ISO/IEC 17025:2017)
Trong đó, các yêu cầu cụ thể của từng hoạt động như xem xét yêu cầu đề nghị hợp đồng, lấy mẫu, báo cáo kết quả … được chi tiết thành từng điều khoản riêng biệt.
Yêu cầu hệ thống quản lý – là sự kết hợp và tương đồng với ISO 9001 mới nhất (ISO 9001:2015). Điều khoản đưa ra các yêu cầu đối với việc thiết lập các yếu tố của hệ thống như chính sách, mục tiêu hệ thống, kiểm soát tài liệu và hồ sơ, đánh giá nội bộ và xem xét của lãnh đạo. Điểm nổi bật trong điều khoản này là việc đã tích hợp nguyên tắc tư duy dựa trên rủi ro vào thành một điều khoản yêu cầu của hệ thống nhằm giúp hệ thống quản lý phòng thí nghiệm có thêm công cụ hoạch định giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội cải tiến.
Phiên bản mới nhất hiện nay của ISO/IEC 17025 được ban hành năm 2017. Theo quy định của ISO, phiên bản ISO/IEC 17025:2005 sẽ hết hiệu lực vào năm 2020. Nhiều tổ chức công nhận quốc tế và Việt Nam cũng đã thông báo và đề ra các kế hoạch đánh giá chuyển đổi phiên bản tiêu chuẩn. Theo đó, tại Việt Nam các phóng thí nghiệm có thể tiếp cận dịch vụ đánh giá mới từ tháng 7/2018 và trong năm 2019 việc đánh giá chuyển đổi cũng bắt đầu và hoàn thành.
CÁC ĐIỀU KHOẢN TRONG ISO/IEC 17025:2017
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
4 Yêu cầu chung
4.1 Tính khách quan
4.2 Bảo mật
5 Yêu cầu về cơ cấu
6 Yêu cầu về nguồn lực
6.1 Yêu cầu chung
6.2 Nhân sự
6.3 Cơ sở vật chất và điều kiện môi trường
6.4 Thiết bị
6.5 Liên kết chuẩn đo lường
6.6 Sản phẩm và dịch vụ do bên ngoài cung cấp
7 Yêu cầu về quá trình
7.1 Xem xét yêu cầu, đề nghị thầu và hợp đồng
7.2 Lựa chọn, kiểm tra xác nhận và xác nhận giá trị sử dụng của phương pháp
7.3 Lấy mẫu
7.4 Xử lý đối tượng thử nghiệm hoặc hiệu chuẩn
7.5 Hồ sơ kỹ thuật
7.6 Đánh giá độ không đảm bảo đo
7.7 Đảm bảo giá trị sử dụng của kết quả
7.8 Báo cáo kết quả
7.9 Khiếu nại
7.10 Công việc không phù hợp
7.11 Kiểm soát dữ liệu – Quản lý thông tin
8 Yêu cầu hệ thống quản lý
8.1 Các lựa chọn
8.2 Tài liệu hệ thống quản lý (Lựa chọn A)
8.3 Kiểm soát tài liệu hệ thống quản lý (Lựa chọn A)
8.4 Kiểm soát hồ sơ (Lựa chọn A)
8.5 Hành động để giải quyết rủi ro và cơ hội (Lựa chọn A)
8.6 Cải tiến (Lựa chọn A)
8.7 Hành động khắc phục (Lựa chọn A)
8.8 Đánh giá nội bộ (Lựa chọn A)
8.9 Xem xét của lãnh đạo (Lựa chọn A)
MỤC ĐÍCH CỦA TIÊU CHUẨN ISO/IEC 17025:2017
– Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 là tiêu chuẩn đưa ra các yêu cầu (hệ thống và kỹ thuật) qua đó phòng thử nghiệm và phòng hiệu chuẩn sử dụng để chứng minh năng lực kỹ thuật và tổ chức quản lý, hoạt động một cách hiệu quả và có thể cung cấp các kết quả thử nghiệm và hiệu chuẩn có giá trị ổn định về kỹ thuật, và có độ tin cậy cao.
– Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 sử dụng để các phòng thử nghiệm/hiệu chuẩn phát triển hệ thống quản lý chất lượng, hoạt động hành chính và kỹ thuật. Phòng thử nghiệm, khách hàng, cơ quan quản lý và các cơ quan công nhận cũng có thể sử dụng nó để xác nhận hoặc thừa nhận năng lực của các phòng thử nghiệm/hiệu chuẩn.
– Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2017 sẽ tạo điều kiện cho việc hợp tác giữa các phòng thử nghiệm/hiệu chuẩn và các tổ chức khác nhằm hổ trợ cho việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm về việc thống nhất hóa các chuẩn mực và các thủ tục.
– Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 được ra đời chính là tiền đề cho việc thừa nhẫn lẫn nhau, song phương hoặc đa phương về kết quả thử nghiệm và hiệu chuẩn để tránh kiểm tra hai lần hoặc nhiều lần tiến đến chỉ cần kiểm tra một lần, cấp một giấy chứng nhận và được chấp nhận ở mọi quốc gia.
LIÊN HỆ TQC ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VỀ DỊCH VỤ
TRUNG TÂM KIỂM NGHIỆM VÀ CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG TQC
Thông tin thêm về ISO/IEC 17025:2017
– Dịch vụ tư vấn, công nhận ISO/IEC 17025:2017
– Các bước triển khai công nhận ISO/IEC 17025