[68] Thẩm quyền quốc gia trong luật pháp quốc tế (Jurisdiction)

Jurisdiction là gì

Thẩm quyền: định nghĩa và phân loại – Nguyên tắc lãnh thổ – Nguyên tắc quốc tịch – Nguyên tắc bảo hộ – Nguyên tắc phổ quát – Xung đột thẩm quyền – Thẩm quyền trị ngoại lãnh thổ – Căn cứ xác lập thẩm quyền trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015

Thẩm quyền (jurisdiction) là đặc tính quan trọng và trung tâm của chủ quyền quốc gia (xem thêm post về Chủ quyền quốc gia).[1] Thuật ngữ thẩm quyền có nhiều nghĩa, nhưng thông thường nhất được hiểu là quyền lực của một quốc gia thực thi đối với cá nhân, pháp nhân, tài sản hay vụ việc nhất định.[2] Thẩm quyền có thể được phân chia theo các nhánh quyền lực của một nhà nước thành thẩm quyền lập pháp, thẩm quyền hành pháp và thẩm quyền tư pháp, hoặc phân chia theo tính chất của vụ việc thành thẩm quyền dân sự và thẩm quyền hình sự. Các tài liệu xem xét vấn đề thẩm quyền trong luật pháp quốc tế chủ yếu xem xét đến thẩm quyền hình sự mà bỏ qua hoặc đề cập khá giản lượt về thẩm quyền dân sự. Có vẻ như luật quốc tế không áp đặt bất kỳ giới hạn nào đối với thẩm quyền dân sự của các tòa quốc gia,[3] hay nói một cách chặt chẽ, các quốc gia có thể viện dẫn nhiều căn cứ khác nhau một cách khá thoải mái để thực thi thẩm quyền dân sự hơn là trong các vụ việc liên quan đến hình sự.[4] Còn một ý kiến khác giải thích rằng thực chất không cần đề cập nhiều đến thẩm quyền dân sự bởi vì không có sự khác nhau quá lớn giữa hai thẩm quyền này khi việc thực thi thẩm quyền dân sự đến mức độ xa nhất sẽ liên quan đến xử lý hình sự.[5]

Thẩm quyền hình sự của một quốc gia thường được thảo luận dựa theo câu hỏi: Một quốc gia có thể dựa vào những căn cứ nào để xác lập thẩm quyền của mình đối với một vụ việc hình sự? Theo đó, các tài liệu sẽ phân tích các căn cứ có thể có dưới hình thức các nguyên tắc: nguyên tắc lãnh thổ, nguyên tắc quốc tịch, nguyên tắc bảo hộ, và nguyên tắc phổ quát. Không có bất kỳ nghĩa vụ chung nào buộc các quốc gia phải thực thi thẩm quyền của mình đối với một vụ việc cụ thể, kể cả khi có các căn cứ nêu trên. Nói cách khác, nếu có một vụ việc mà một quốc gia liên quan có căn cứ để xác lập và thực thi thẩm quyền, thì quốc gia đó cũng có quyền từ chối không thực thi thẩm quyền.[6] Việc có hay không thực thi thẩm quyền phụ thuộc vào sự lựa chọn của quốc gia liên quan, thông thường theo quy định của pháp luật hình sự của từng nước.[7] Chỉ một số ít trường hợp các quốc gia buộc phải thực thi thẩm quyền, dù không mong muốn, theo quy định của điều ước quốc tế.

Không hiếm những trường hợp mà một vụ việc có thể liên quan đến nhiều căn cứ dẫn đến khả năng nhiều quốc gia có thể yêu cầu xét xử vụ việc đó. Sau khi phân tích các nguyên tắc trên, bài viết này sẽ đề cập đến trường hợp xung đột thẩm quyền này. Bài viết cũng sẽ đề cập đến một vấn đề cũng khá thú vị: thẩm quyền trị ngoại lãnh thổ (extraterritorial jurisdiction). Liên hệ pháp luật hình sự Việt Nam sẽ ở cuối bài.

  1. Nguyên tắc lãnh thổ

Nguyên tắc lãnh thổ (terriotria principle) cho phép các quốc gia được xác lập và thực thi thẩm quyền đối với tất cả các vụ việc xảy ra trên lãnh thổ của mình, kể cả trong trường hợp người liên quan là người nước ngoài. Đây là căn cứ quan trọng nhất, thường được sử dụng nhất và có sức nặng nhất trên thực tế, do lãnh thổ là yếu tố trung tâm của chủ quyền quốc gia và các quốc gia khá kiến quyết trong việc bảo đảm thẩm quyền tối cao của mình bên trong lãnh thổ đó.[8] Đôi khi một sự việc bắt đầu ở một quốc gia nhưng hoàn thành ở một quốc gia khác, ví dụ kinh điển của trường hợp này là một người bắn một phát súng giết một người khác ở bên kia biên giới quốc gia. Trong trường hợp này, nguyên tắc lãnh thổ tạo căn cứ cho cả hai quốc gia đều có thể xác lập thẩm quyền của mình đối với vụ việc: quốc gia nơi hành vi bắt đầu và quốc gia nơi hành vi hoàn thành, theo đó, nguyên tắc trên được phân chia thành hai nhóm nhỏ tương ứng: nguyên tắc lãnh thổ chủ quan và nguyên tắc lãnh hổ khách quan.

  1. Nguyên tắc quốc tịch

Quốc gia được cấu thành từ một cộng đồng dân cư với tư cách công dân của quốc gia đó. Mối liên hệ pháp lý giữa công dân và quốc gia thông qua quan hệ quốc tịch. Việc một người có quốc tịch của quốc gia nào phụ thuộc hoàn toàn vào pháp luật của quốc gia đó.[9] Luật pháp quốc tế không quy định bất kỳ tiêu chí hay điều kiện nào bắt buộc các quốc gia phải dựa trên đó để trao quốc tịch.[10] Tuy nhiên, một quốc gia cũng không thể yêu cầu các quốc gia khác phải công nhận các quy định về quốc tịch của mình trừ khi pháp luật của quốc gia đó nhằm mục đích chung là tạo ra mối liên kết pháp lý về quốc tịch phù hợp với mối liên hệ khăn khít của cá nhân đó với quốc gia liên quan.[11] Mối liên hệ khăn khít (genuine connection) là một tiêu chí được xem xét để xác định quốc tịch thực sự trong trường hợp một người có nhiều quốc tịch. Thông thường các quốc gia thường trao quốc tịch dựa trên hai nguyên tắc chính là nguyên tắc huyết thống của cha mẹ (jus sanguinis) và nguyên tắc lãnh thổ nơi sinh (jus soli).[12] Các nước theo dân luật như Pháp và Đức nhấn mạnh đến nguyên tắc huyết thống trong khi các nước dân luật có xu hướng nghiêng về nguyên tắc lãnh thổ.[13] Pháp luật về quốc tịch của Việt Nam cũng sử dụng hai nguyên tắc trên và kèm theo nguyên tắc thỏa thuận quốc tế.[14]

Theo nguyên tắc quốc tịch (nationality principle), một quốc gia có thể xác lập thẩm quyền của mình đối với bất kỳ hành vi nào do công dân của mình thực hiện bất kể nơi hành vi đó diễn ra. Một người có hành vi ở nước ngoài vẫn có khả năng bị xử lý bởi cơ quan nhà nước của quốc gia mà người đó mang quốc tịch. Việc có hay không xử lý, hay nói cách khác, có hay không xác lập thẩm quyền đối với những hành vi ở nước ngoài phụ thuộc vào pháp luật của từng quốc gia. Một phái sinh của nguyên tắc trên là nguyên tắc chủ thể bị động (passive personality principle), theo đó, một quốc gia có thể xác lập thẩm quyền đối với một vụ việc và cá nhân liên quan nếu hành vi được thực hiện ở nước ngoài nhưng có tác động hay ảnh hưởng đến công dân của nước mình.[15] Một số điều ước quốc tế quy định thẩm quyền dựa trên nguyên tắc này như Công ước về chống bắt giữ con tin năm 1979 quy định quốc gia mà con tin là công dân có thể có thẩm quyền để xét xử.[16] Tuy nhiên, nếu xét từ gốc độ một căn cứ chung thì nguyên tắc chủ thể bị động là một nguyên tắc còn gây nhiều tranh cãi và phê phán.[17]

  1. Nguyên tắc bảo hộ

Nguyên tắc này (protective principle) hay nguyên tắc an ninh (security principle) cho phép một quốc gia có thể xác lập thẩm quyền của mình đối với một hành vi nhất định mà không cần mối liên hệ về lãnh thổ hay quốc tịch. Nguyên tắc bảo hộ cho phép một quốc gia có thẩm quyền đối với các hành vi gây tổn hại đến an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến lợi ích thiết yếu của quốc gia đó.[18] Ví dụ như hành vi lên kế hoạch lật đổ chính phủ, gián điệp, hay làm tiền giả.[19] Nguyên tắc này cũng được sử dụng như một cơ sở xác lập thẩm quyền trong một số điều ước quốc tế, như Công ước về chống bắt giữ con tin năm 1979. Lý do cho việc chấp nhận nguyên tắc bảo hộ là do trong một số trường hợp mà hành vi rõ ràng gây tổn hại cho quốc gia đó nhưng lại không thể dựa vào nguyên tắc lãnh thổ hay quốc tịch để xác lập thẩm quyền. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên tắc có nhiều khả năng bị lạm dụng tùy thuộc vào việc giải thích rộng hay hẹp khác niệm “an ninh quốc gia” và “lợi ích thiết yếu”. Theo James Crawford, danh sách các lợi ích thiết yếu là mở và hiện không có bất kỳ một tiêu chí nào để xác định các lợi ích đó, ngoại trừ tiêu chí khá mơ hồ về tính nghiêm trọng (gravity) của hành vi liên quan.[20]

  1. Học thuyết tác động

Đôi khi các quốc gia viện dẫn học thuyết tác động (effect doctrine) để xác lập thẩm quyền của mình đối với những hành vi bên ngoài lãnh thổ nhưng có tác động tiêu cực đến quốc gia liên quan, mà tác động tiêu cực đó chưa đến mức có thể xem là lợi ích thiết yếu để viện dẫn nguyên tắc bảo hộ.[21] Học thuyết này còn gây tranh cãi, hiện nay chủ yếu được Mỹ và EU áp dụng.

  1. Nguyên tắc phổ quát

Nguyên tắc phổ quát (universality principle) hay thẩm quyền phổ quát (universal jurisdiction) có thể được hiểu là việc một quốc gia xác lập thẩm quyền của mình đối với một hành vi mà không có bất kỳ mối liên hệ giữa hành vi đó với quốc gia muốn xác lập thẩm quyền để có thể viện dẫn bất kỳ nguyên tắc nào nêu trên. Nói đon giản, hành vi đó có thể do người nước ngoài thực hiện ở lãnh thổ nước ngoài và không hề gây thiệt hại cho công dân, pháp nhân hay bất kỳ lợi ích nào của quốc gia mong muốn xác lập thẩm quyền. Thẩm quyền phổ quát được xác định dựa trên tính chất của hành vi mà không dựa trên bất kỳ mối liên hệ nào khác như lãnh thổ, quốc tịch hay lợi ích.[22] Các hành vi đó thường là một số tội ác quốc tế. Những tội ác này có tính động nghiêm trọng đến trật tự quốc tế mà bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền xác lập và thực thi thẩm quyền đối với các tội ác này, ví dụ như tội cướp biển, tội ác chống lại loài người, diệt chủng, tra tấn, tội ác chiến tranh.[23] Thông thường các thảo luận về thẩm quyền phổ quát viện dẫn đến các lập luận đạo đức là chủ yếu, nhưng thực tế cho thấy việc viện dẫn thẩm quyền này chịu nhiều bởi yếu tố chính trị.[24]

Như các nguyên tắc xác lập thẩm quyền khác, quốc gia có quyền lựa chọn áp dụng hay không nguyên tắc phổ quát. Trong một số trường hợp, theo quy định của điều ước quốc tế áp dụng nguyên tắc phổ quát là một nghĩa vụ, thường dưới dạng quy định bắt buộc quốc gia phải khởi tố nghi phạm hoặc nếu không thì phải dẫn độ nghi phạm sang quốc gia sẵn sàng khởi tố (aut dedere aut iudicare).[25]

  1. Xung đột thẩm quyền

Như đã nêu ở trên có khá nhiều căn cứ để một quốc gia có thể xác lập và thực thi thẩm quyền đối với cá nhân, pháp nhân hay hành vi. Điều này vừa tạo không gian tuỳ chọn cho các quốc gia, đồng thời tạo ra bất cập do khả năng phát sinh hiện tượng nhiều quốc gia có thể cùng xác lập thẩm quyền đối với một vụ việc. Hiện tượng thẩm quyền đồng thời này đôi khi dẫn đến xung đột thẩm quyền khi các quốc gia cùng muốn thực thi thẩm quyền. Luật pháp quốc tế có quy định trao cho bất kỳ căn cứ nào ưu thế hơn so với các căn cứ khác trong một vụ việc cụ thể.[26] Ví dụ như vụ việc liên quan đến Đoàn Thị Hương,[27] một công dân Việt Nam, bị cơ quan chức năng của Malaysia bắt giữ với cáo buộc giết người ở sân bây Kular Lumpur của Malaysia ngày 13/02/2017 mà nạn nhân là người Triều Tiên. Phức tạp hơn khi Đoàn Thị Hương bị cáo buộc thực hiện hành vi trên với các đồng phạm là người Indonesia và Triều Tiên. Như vậy, có đến ba quốc gia có thể xác lập thẩm quyền; cụ thể Việt Nam dựa trên nguyên tắc quốc tịch chủ động (của nghi phạm), Triều Tiên có thể dựa trên nguyên tắc chủ thể bị động (của nạn nhân) và nguyên tắc quốc tịch chủ động (của đồng phạm) và Malaysia dựa trên nguyên tắc lãnh thổ (nơi hành vi diễn ra).

Bên cạnh việc không quy định ưu thế cho bất kỳ căn cứ nào, luật quốc tế cũng không có quy định về cách thức giải quyết khi có xung đột thẩm quyền. Điều này có thể dẫn đến tranh chấp giữa các quốc gia. Thông thường, thực tế cho thấy quốc gia đang bắt giữ thực tế nghi phạm sẽ thực thi thẩm quyền của mình, trừ khi có điều ước về dẫn độ.[28] Tuy nhiên, các yếu tố khác cũng có thể được xem xét đến để một quốc gia nên hoặc không nên thực thi thẩm quyền, ví dụ như nơi thuận lợi cho việc thu thập bằng chứng hay triệu tập nhân chứng. Cũng lưu ý rằng thẩm quyền hình sự thông thường mang nặng tính chất lãnh thổ do đặc thù của pháp luật hình sự là pháp luật công điều chỉnh quan hệ giữa nhà nước và cá nhân, pháp nhân. Khi có hiện tượng thẩm quyền đồng thời, các quốc gia nên căn nhắc liệu quốc gia nào và chính mình có nên thúc đẩy yêu sách thực thi thẩm quyền hay không. Trong vụ việc Đoàn Thị Hương, cả Việt Nam, Triều Tiên và Indonesia không tranh chấp thực thi thẩm quyền với Malaysia, và do đó không dẫn đến xung đột thẩm quyền.

Một lưu ý đặc biệt là xung đột thẩm quyền ở đây được xem xét dưới góc độ luật pháp quốc tế, khác với xung đột thẩm quyền trong tư pháp quốc tế. Xung đột thẩm quyền trong luật pháp quốc tế là tranh chấp giữa các quốc gia về việc xác lập và thực thi thẩm quyền theo luật pháp quốc tế; còn xung đột thẩm quyền trong tư pháp quốc tế là xung đột giữa các hệ thống pháp luật quốc gia với nhau liên quan đến quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Tuy là khác nhau nhưng các giải quyết xung đột thẩm quyền trong tư pháp quốc tế cũng là một trong những cách ngăn chặn xung đột thẩm quyền trong luật pháp quốc tế khi các quốc gia tự nguyện hoặc theo quy định của điều ước quốc tế từ bỏ việc xác lập và thực thi thẩm quyền của mình.

  1. Thẩm quyền trị ngoại lãnh thổ

Thẩm quyền trị ngoại lãnh thổ (extra-territorial jurisdiciton) thường được nhắc đến trong bối cảnh thực thi thẩm quyền, nói cách khác, liên quan đến thẩm quyền hành pháp là chủ yếu. Các quốc gia không vi phạm luật pháp quốc tế nếu xác lập hay thực thit hẩm quyền bằng các hành vi bên trong lãnh thổ quốc gia đó, ví dụ như ban hành pháp luật điều chỉnh hành vi bên ngoài lãnh thổ chẳng hạn. Tuy nhiên nếu quốc gia đó muốn thực thi thẩm quyền của mình trong lãnh thổ quốc gia khác (trị ngoại lãnh thổ) thì có thể xung đột với nguyên tắc chủ quyền lãnh thổ của quốc gia đó hoặc nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, trừ khi có điều ước quốc tế cho phép hoặc quốc gia sở tại cho phép. Ví dụ như việc bắt giữ nghi phạm hình sự ở nước ngoài hay yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định tư pháp ở nước ngoài.[29]

  1. Sơ lược tìm hiểu về các căn cứ xác lập thẩm quyền hình sự trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015

Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 quy định hiệu lực của Bộ luật này đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 5) và ở ngoài lãnh thổ Việt Nam (Điều 6). Điều năm quy định căn cứ pháp lý để xác lập thẩm quyền hình sự của Việt Nam đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, và cả những hành vi phạm tội hoặc hậu quả của h2nh vi phạm tội xảy ra trên tàu biển, máy bay mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế và thề lục địa của Việt Nam. Điều 6 quy định thẩm quyền hình sự của Việt Nam có thể xác lập đối với cá nhân, pháp nhân thương mại Việt Nam (bao gồm người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam) có hành vi phạm tội ở nước ngoài, và cá nhân, pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam nếu hành vi đó phạm tội của chủ thể nước ngoài này xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hay của nước Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam sẽ thực thi thẩm quyền đối với những trường hợp khác khi có quy định của điều ước quốc tế.[30]

Có thể thấy Việt Nam xác lập thẩm quyền hình sự của mình dựa trên nguyên tắc lãnh thổ chủ quan và khách quan (hành vi trong lãnh thổ Việt Nam, hậu quả của hành vi xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam), nguyên tắc quốc tịch chủ động (hành vi do công dân, pháp nhân thương mại Việt Nam), nguyên tắc chủ thể bị động (hành vi ở nước ngoài xâm hại đến lợi ích của công dân và nước Việt Nam).

Điều 6(3) quy định “Đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch Việt Nam đang ở tại biển cả hoặc tại giới hạn vùng trời nằm ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định.” Quy định này mở ra khả năng viện dẫn nguyên tắc phổ quát, trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định.

So với Bộ luật hình sự năm 2009, có hai điểm mới nổi bật ở Bộ luật hiện hành. Bộ luật này đã bổ sung thêm nguyên tắc chủ thể bị động nhằm bảo vệ tốt hơn lợi ích của công dân và nước Việt Nam chống lại những hành vi của cá nhân, pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện các hành vi phạm tội ở nước ngoài. Điều này ở mức độ nào đó thể hiện cam kết bảo vệ lợi ích của công dân và đất nước tốt hơn, đồng thời cũng thể hiện sự tự tin của Việt Nam trong quan hệ quốc tế thông qua việc xác lập thẩm quyền đối với những hành vi ở nước ngoài của các chủ thể nước ngoài. Có thể sẽ cần sự hợp tác với các quốc gia khác để thực thi thẩm quyền này trên thực tế. Điểm nổi bật thứ hai là quy định về việc xác lập thẩm quyền theo quy định của điều ước quốc tế, theo đó, mở ra khả năng và tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các nghĩa vụ truy tố hoặc dẫn độ (aut dedere aut iudicare) trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trần H. D. Minh

—————————————————————

[1] Malcolm N. Shaw, International Law, 6th ed., CUP, 2008, tr. 645. [2] Peter Malanczuk, Akehurst’s Modern Introduction to International Law, 7th ed., Routledge, 1997, tr. 109. [3] Như trên, tr. 110. [4] Malcolm N. Shaw (n 1) tr. 651. [5] Ian Brownlie, Principles of Public International Law, 4th ed., OUP, 1990, tr. 299, trích dẫn lại trong Peter Malanczuk, như trên, chú thích số 13. [6] Malcolm N. Shaw (n 1) tr. 652. [7] Như trên. [8] Như trên, tr. 653 – 654. [9] Peter Malanczuk (n 2) tr. 111; Malcolm N. Shaw, như trên, tr. 660. [10] Như trên.

[11] Vụ Nottebohm (Liechtenstein v. Guatemala), Phán quyết về nội dung của Tòa ICJ năm 1955, tr. 23.

[12] Malcolm N. Shaw (n 1) tr. 661. [13] Như trên.

[14] Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Luật số 24/2008/QH12, Điều 14.

[15] Malcolm N. Shaw (n 1) tr. 664.

[16] Công ước quốc tế về chống bắt giữ con tin năm 1975, Điều 5(1)(d).

[17] James Crawford, Brownlie’s Principles of Public International Law, 8th ed., OUP, 2012, tr. 461. [18] Malcolm N. Shaw, tr. 666 – 667; Peter Malanczuk, tr. 111 – 112. [19] Peter Malanczuk, tr. 111 – 112. [20] James Crawford, tr. 462. [21] Như trên, tr. 462 – 463. [22] Như trên, tr. 467. [23] Như trên, tr. 468; Martin Dixon, International Law, 6th ed., OUP, 2007, tr. 147 – 148. [24] James Crawford, như trên.

[25] Công ước Geneva về cải thiện điều kiện cho thương, bệnh binh trên chiến trường năm 1949, Điều 49; Công ước Geneva về cải thiện điều kiện của thương, bệnh binh và thành viên thuỷ thủ trên biển năm 1949, Điều 50; Công ước Geneva về đối xử với tù binh chiến tranh năm 1949, Điều 129; Công ước Geneva về bảo vệ thường dân trong thời chiến năm 1949, Điều 146; Công ước về chống bắt giữ trái phép máy bay năm 1970, Điều 4(2); Công ước về chống các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng năm 1971, Điều 5(1)(c), (2) và (2bis); Công ước về ngăn chặn và trừng phạt tội ác chống lại người được quốc tế bảo vệ, bao gồm nhân viên ngoại giao năm 1973, Điều 3(2); Công ước quốc tế về chống bắt giữ con tin năm 1979, Điều 5(2); Công ước về bảo vệ vật lý nguyên liệu hạt nhân năm 1980, Điều 8(2); Công ước chống tra tấn năm 1984, Điều 5(2); Công ước về chống các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải năm 1988, Điều 6(4); Nghị định thư về chống các hành vi trái phép chống lại an toàn của các giàn cố định trên thềm lục địa năm 1988, Điều 3(2); Công ước về chống tuyển dụng, sử dụng, tài trợ và huấn luyện lính đánh thuê năm 1989, Điều 9(2); Công ước về an toàn của Liên hợp quốc và những người liên quan năm 1994, Điều 10(4); Công ước quốc tế về chống đánh bom khủng bố năm 1997, Điều 6(4); Công ước quốc tế về chống tài trợ khủng bố năm 1999, Điều 7(4); Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000, Điều 15(4); Công ước quốc tế về chống khủng bố hạt nhân năm 2005, Điều 9(4); Công ước quốc tế về bảo vệ những người bị cưỡng bức mất tích năm 2006, Điều 9(2); Công ước về chống các hành vi trái phép liên quan đến hàng không dân dụng quốc tế năm 2010, Điều 8(3). Xem james Crawford, như trên, chú thích số 114 và 115.

[26] Peter Malanczuk, tr. 116.

[27] “Toàn cảnh vụ án Đoàn Thị Hương”, ngày 04/3/2017, Báo Vietnamnet, xem tại http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/toan-canh-vu-an-doan-thi-huong-359553.html

[28] Martin Dixon, tr. 145. [29] James Crawford, tr. 479 – 485. [30] Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 6(2) và (3).