Hiện nay, khí dung là một phương pháp điều trị tại chỗ được sử dụng rất nhiều trong các trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp, chẳng hạn như bệnh viêm xoang, viêm họng, hen phế quản,… Tuy nhiên, không nên lạm dụng khí dung vì nó có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của bạn. Vậy thở khí dung là gì và cần lưu ý những gì khi sử dụng khí dung?
03/09/2020 | Một vài lưu ý khi sử dụng máy khí dung cho trẻ28/06/2020 | Sử dụng máy khí dung cần lưu ý những vấn đề gì?
1. Thở khí dung là gì?
1.1. Thở khí dung là gì?
Thở khí dung chính là cách sử dụng máy khí dung để khuếch tán thuốc dưới dạng sương mù, giúp cho thuốc có tác động trực tiếp vào những vị trí bị viêm nhiễm trên hệ thống niêm mạc đường hô hấp.
Khí dung được sử dụng rất nhiều trong các trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp
Phương pháp này thường được áp dụng với những trường hợp bệnh nhân mắc viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm xoang, viêm thanh quản,… Một số trường hợp cụ thể được chỉ định sử dụng máy là tình trạng hen cấp tính, trường hợp cần làm loãng đờm, suy hô hấp, trường hợp cần dùng kháng sinh dạng hít liều cao,…
Hiện nay có 2 loại máy khí dung đang được sử dụng phổ biến đó là:
– Khí dung dùng cho đường hô hấp trên với đặc điểm hạt khí dung to, có thể đọng lại ở niêm mạc đường hô hấp trên.
– Khí dung dùng cho đường hô hấp dưới với đặc điểm hạt khí dung nhỏ hơn để thuốc có thể tác động đến các cơ quan đường hô hấp dưới.
Thời gian tác động của thuốc khí dung chỉ khoảng 3 đến 4 tiếng. Do đó đây được coi là phương pháp điều trị tại chỗ khá hiệu quả. Bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc khí dung từ 2 đến 4 lần trong một ngày.
1.2. Một số loại thuốc được sử dụng trong khí dung
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc pha khác nhau cũng như hướng dẫn sử dụng khí dung để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh. Cụ thể như sau:
– Đối với các trường hợp bệnh nhân bị viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi,..: Bác sĩ thường chỉ định sử dụng thuốc pha dạng corticoid với mục đích là ngăn ngừa chứng phù nề và tình trạng sung huyết. Trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn hay bội nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kết hợp với thuốc kháng sinh.
– Đối với những trường hợp bị co thắt khí quản hoặc phế quản: Cần sử dụng một số loại thuốc để làm giãn phế quản, giúp bệnh nhân có thể hít thở dễ dàng hơn.
– Đối với những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh phổi: Bệnh nhân cần được sử dụng khí dung với một số loại thuốc phù hợp để làm loãng đờm, thông thoáng đường thở.
Trẻ bị viêm tiểu phế quản có biểu hiện đờm đặc có thể sử dụng khí dung bằng nước muối
– Trẻ bị viêm tiểu phế quản có biểu hiện đờm đặc có thể sử dụng khí dung bằng nước muối để giúp loãng đờm, khiến trẻ dễ ho và tống đờm ra ngoài.
– Đối với một số bệnh nhân mắc bệnh cúm: Có thể sử dụng khí dung kết hợp với một số loại tinh dầu như bạc hà, khuynh diệp, lá chanh, sả, tía tô để sát trùng và làm thông thoáng đường mũi-họng.
2. Cần lưu ý những gì khi sử dụng khí dung
2.1. Quy trình sử dụng máy khí dung
– Dùng một ống tiêm sạch để lấy một lượng nước cất hay có thể thay bằng nước muối sinh lý 0,9% cho vào cốc đựng thuốc theo đúng liều lượng chỉ dẫn của bác sĩ.
– Sau đó, dùng ống tiêm lấy lượng thuốc theo chỉ định hòa cùng với lượng nước cất đã lấy từ trước.
– Nối mặt nạ hay ống thở với cốc đựng thuốc, sau đó đưa mặt nạ lên mặt, điều chỉnh dây cho vừa khít.
– Người bệnh thở chậm và hít sâu cho tới khi hết thuốc. Thời gian sử dụng khí dung trung bình từ 10 đến 20 phút.
2.2. Một số lưu ý khi dùng máy khí dung cho trẻ em
Sử dụng khí dung cho trẻ đúng cách để tránh nguy cơ tác dụng phụ
Khi sử dụng máy khí dung cho trẻ nhỏ, mẹ cần lưu ý những điều sau:
– Sử dụng đúng loại thuốc và liều lượng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh những hậu quả nghiêm trọng do sử dụng sai cách như gây đau ngực, tăng huyết áp, run tay, co thắt phế quản,…
– Trẻ dưới 5 tuổi không nên sử dụng ống ngậm thuốc có kèm theo trong mỗi máy khí dung.
– Khi sử dụng mặt nạ khí dung cần áp sát vào mặt của trẻ để tránh khí thuốc bị thoát ra ngoài hoặc thuốc đọng lại trên mặt của bé.
– Chọn thời điểm thích hợp để cho trẻ dùng máy thở khí dung, không nên sử dụng vào thời điểm gia đình diễn ra nhiều hoạt động.
– Lựa chọn môi trường yên tĩnh để cho trẻ dùng khí dung.
– Nên cho trẻ súc miệng và rửa mặt sau khi dùng khí dung để tránh tình trạng khàn tiếng, ho, nhiễm nấm vùng họng hầu,…
– Sau khi sử dụng cần bảo quản máy khí dung cẩn thận để tránh tình trạng nhiễm khuẩn vào phổi khi sử dụng máy có chứa vi khuẩn, đồng thời giúp đảm bảo độ bền của máy. Nên rửa mặt nạ, cốc đựng thuốc và ống tiêm dưới vòi nước sạch và để khô. Lưu ý không nên đặt máy vào nước. Thường xuyên dùng khăn ẩm để lau mặt ngoài của máy.
Không nên lạm dụng máy thở khí dung
Khí dung là phương pháp điều trị hiệu quả các bệnh lý về đường hô hấp nhưng không nên vì thế mà lạm dụng loại máy này. Phần lớn các loại thuốc được sử dụng trong khí dung là corticoid, nếu sử dụng quá liều sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt gây tổn hại cho phổi và nguy cơ cao dẫn đến nhiều tác dụng phụ khác.
Đối với người lớn, việc lạm dụng khí dung có thể gây giảm chức năng khứu giác. Ở trẻ nhỏ, lạm dụng phương pháp này có thể gây ức chế hô hấp, ngộ độc, thậm chí có thể gây điếc, co thắt phế quản,… Do đó, trước khi sử dụng, bệnh nhân cần được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn chi tiết, đặc biệt không nên tự ý sử dụng khí dung.
Như vậy, bạn đã hiểu rõ thở khí dung là gì và cần lưu ý những gì khi sử dụng khí dung. Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, bạn có thể gọi tới đường dây nóng 1900 56 56 56 để được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải thích chi tiết hơn cho bạn.