CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Khoán là gì

Bên cạnh việc trả lương theo thời gian, trả lương theo sản phẩm thì hình thức trả lương khoán được áp dụng phổ biến hiện nay. Vậy, trả lương khoán là gì và những quy chế trả lương khoán mà người lao động và người sử dụng lao động cần nắm được.

Lương khoán là gì?

Lương khoán được trả cho người lao động theo tiến độ hoàn thành công việc

1. Lương khoán là gì

Trên thực tế người lao động và người sử dụng lao động được phép thỏa thuận hình thức trả lương. Cụ thể tại Điều 96 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

“ 1. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.

2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.

Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.”

Để trả lời lương khoán là gì cần căn cứ theo Điểm c, Khoản 1, Điều 54, Nghị Định 145/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14/12/2020. Cụ thể tại Điểm c điều này nêu rõ:

“Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.”

Như vậy, Lương khoán là khoản tiền lương được người sử dụng lao động trả cho người lao động dựa trên chất lượng công việc, khối lượng công việc và thời gian hoàn thành công việc được giao.

Hiện nay, lương khoán được sử dụng phổ biến trong các công việc mang tính chất thời vụ, tạm thời.

1.1 Cách tính lương khoán

Theo như khái niệm trên thì lương khoán sẽ được tính căn cứ vào khối lượng hoàn thành công việc thỏa thuận trước (đúng chất lượng, thời gian,đơn giá khoán).

Như vậy cách tính lương khoán theo sản phẩm như sau: Lương khoán = Mức lương khoán x Tỷ lệ % sản phẩm hoàn thành

Ví dụ: Lao động A được thuê gia công 10 bộ bàn ghế trong vòng 1 tháng, với mức lương lương khoán cho 10 bộ bàn ghế hoàn thành (đúng mẫu mã, chất lượng thỏa thuận) lao động A sẽ được trả 10 triệu đồng.

Sau 1 tháng lao động A hoàn thành toàn bộ 10 bộ bàn ghế, A sẽ nhận được toàn bộ số tiền làm khoán theo thỏa thuận là 100% x 10 triệu = 10 triệu đồng.

Trường hợp sau 1 tháng mà A chỉ hoàn thành 5 bộ bàn ghế (tương đương 50% công việc thỏa thuận) thì lương khoán A nhận được là 50% x 10 triệu = 5 triệu đồng.

Như vậy, người sử dụng lao động cần thỏa thuận trước với người lao động về mức lương khoán và hình thức trả lương khoán để làm căn cứ tính lương khoán trả cho người lao động.

1.2 Lương khoán có tính đóng Bảo hiểm xã hội không?

Trường hợp người lao động được người sử dụng lao động thuê làm khoán một công việc theo hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc trong một khoảng thời gian nhất định thì khoản tiền lương khoán người lao động nhận được từ người sử dụng lao động vẫn được tính đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Đối với trường hợp người làm khoán không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH, được người sử dụng lao động thuê để làm khoán công việc theo hợp đồng dân sự, trong trường hợp này tiền lương khoán là tiền thù lao được trả theo đầu việc được giao do đó sẽ không tính đóng BHXH.

Như vậy, lương khoán có phải đóng BHXH hay không sẽ tùy thuộc vào hình thức khoán của 2 bên trong trường hợp có phát sinh hợp đồng lao động thì tiền lương khoán sẽ được tính đóng BHXH theo quy định.

2. Quy chế trả lương khoán

Người sử dụng lao động trả lương làm khoán cho người lao động được thuê cần nắm rõ các nguyên tắc trả lương, kỳ hạn trả lương khoán.

2.1 Kỳ hạn trả lương khoán

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 97, Bộ luật Lao động 2019 quy định về kỳ hạn trả lương khoán thì người lao động hưởng lương theo hình thức khoán được trả lương theo kỳ hạn thỏa thuận của hai bên. Trường hợp công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

quy chế trả lương khoán cho người lao động

Kỳ hạn trả lương khoán theo thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động

Với quy định này sẽ đảm bảo lợi ích cho người lao động khi nhận lương khoán. Đảm bảo trong suốt quá trình hoàn thiện công việc người lao động vẫn có tiền để chi trả chi phí sinh hoạt.

2.2 Trả lương khoán đúng hạn trong trường hợp bất khả kháng

Việc trả lương khoán không đúng hạn theo thỏa thuận, người sử dụng lao động sẽ bị phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng (nếu trong hợp đồng quy định). Tuy nhiên trường hợp bất khả kháng dẫn tới không thể trả lương đúng quy định được thực hiện theo Khoản 4, Điều 97, Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể:

  • Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày;

  • Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

2.3 Quy định về hình thức trả lương

Ngoài việc hiểu lương khoán là gì người lao động và người sử dụng cần nắm rõ hình thức trả lương. Mặc dù được lựa chọn hình thức trả lương nhưng sẽ có quy định riêng nếu lựa chọn hình thức trả lương mà người lao động không có cơ sở thuận tiện. Cụ thể:

  • Người sử dụng có thể trả lương trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.

  • Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương khi chọn trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động.

Hiểu được lương khoán là gì và những quy định khi trả lương khoán giúp người lao động và người sử dụng lao động bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời giúp người sử dụng lao động tránh những rủi ro liên quan đến vấn đề pháp lý khi thực hiện trả lương khoán.

Bảo hiểm xã hội điện tử eBH hy vọng rằng những chia sẻ trong bài viết trên đây có thể mang lại cho quý độc giả những thông tin hữu ích nhất.