Ví dụ về kinh tế tập thể

Ví dụ về kinh tế tập thể

Kinh tế tập thể là gì

Ở Việt Nam, với mục tiêu xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, kinh tế tập thể được coi là một thành phần quan trọng, được coi là nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Vì đặc điểm của kinh tế tập thể rất phù hợp với bản chất chế độ XHCN nên Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích phát triển thành phần kinh tế này.

Để giúp Quý độc giả hiểu hơn về thành phần kinh tế tập thể, chúng tôi thực hiện bài viết Ví dụ về kinh tế tập thể nhằm đem đến các thông tin hữu ích có liên quan đến thành phần kinh tế này.

Kinh tế tập thể là gì?

Kinh tế tập thể là những cơ sở kinh tế do các thành viên tự nguyện góp vốn, tài sản, tư liệu sản xuất hoặc/và góp sức; cùng sản xuất, kinh doanh (SXKD); cùng quản lý theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng; phân phối theo vốn góp, lao động hoặc theo mức độ tham gia dịch vụ; thành viên kinh tế tập thể khi tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên thì được tổ chức kinh tế tập thể trả lại phần vốn, tài sản, tư liệu lao động đã đóng góp. Kinh tế tập thể tồn tại dưới nhiều hình thức, phổ biến hơn cả là hợp tác xã (HTX), liên hiệp (LH) HTX, tổ hợp tác… Trong đó, HTX được coi là loại hình nòng cốt của kinh tế tập thể.

Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, tính đến tháng 6-2020, cả nước có 25.282 HTX (trong đó có 16.012 HTX nông nghiệp, 8.087 HTX phi nông nghiệp, 1.183 quỹ tín dụng nhân dân), tăng 2002 HTX so với cùng kỳ năm trước; 91 LH HTX và 120.811 tổ hợp tác. Tổng vốn điều lệ đạt hơn 36,6 nghìn tỷ đồng, trung bình 1,434 tỷ đồng/HTX; tổng giá trị tài sản đạt trên 181,74 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 2% so với năm 2019); doanh thu bình quân đạt 1,7 tỷ đồng; thu nhập thành viên, người lao động đạt trung bình 2,7 triệu đồng/người/tháng. Số HTX SXKD có hiệu quả đạt 58% tổng số HTX đang hoạt động.

Các tổ hợp tác có vốn góp ước đạt 22.000 tỷ đồng (trung bình 182 triệu đồng/ tổ hợp tác); doanh thu bình quân đạt 232 triệu đồng/tổ hợp tác; thu nhập bình quân người lao động đạt 2,4 triệu đồng/người/tháng. Cả nước có trên 1.700 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, công nghiệp cao (tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó có 1.147 HTX nông nghiệp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế hộ thành viên.

Đặc điểm của kinh tế tập thể

Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế làm chính, bao gồm lợi ích của các thành viên và lợi ích tập thể, đồng thời coi trọng lợi ích xã hội của các thành viên, góp phần xoá đói, giảm nghèo; tiến lên làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng.

Đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể phải trên cơ sở quan điểm toàn diện, cả kinh tế – chính trị – xã hội, cả hiệu quả của tập thể và của các thành viên.

Phát triển kinh tế tập thể theo phương châm tích cực, vững chắc, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đi từ thấp đến cao, đạt hiệu quả thiết thực, vì sự phát triển của sản xuất.

Nhà nước giúp đỡ hợp tác xã đào tạo cán bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng thị trường, xây dựng quĩ hỗ trợ hợp tác xã.

Ví dụ về kinh tế tập thể

Hợp tác xã chăn nuôi Nam Sách- Hải Dương:

HTX chăn nuôi Nam Sách, Hải Dương là HTX kiểu mới được thành lập năm 2002, lúc đầu chỉ 20 xã viên từ 3 xã, nay có 35 xã viên từ 8 xã lân cận thuộc huyện Nam sách. Trước khi tham gia HTX, mỗi hộ nói chung chỉ nuôi khoảng 1-5 con lợn mỗi năm, tức quy mô sản xuất rất nhỏ. Sau khi tham gia HTX 3-4 năm, mỗi hộ thành viên đã nuôi heo theo phương pháp công nghiệp, từ 30 đến 200 con, thậm chí nhiều hơn, kết hợp nuôi gà và cá, thực chất là phát triển thành các trang trại chăn nuôi. Đời sống của các gia đình hộ xã viên từ vài năm gần đây đã được cải thiện rất nhiều, nhiều hộ xã viên đã giàu có. Thực sự, HTX là tổ chức hợp tác của nhiều trang trại chăn nuôi heo gia đình, hoạt động thực sự vì lợi ích xã viên chứ không phải “nghe ngóng”, chờ trợ cấp.

HTX chủ yếu cung cấp vật tư, nguyên liệu phục vụ chăn nuôi, kỹ thuật chuồng trại và nuôi heo, dịch vụ thú y, hỗ trợ vay tín dụng ngân hàng, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên- tức các nhu cầu chung cho chăn nuôi heo của các hộ xã viên mà từng xã viên riêng lẻ làm kém hiệu quả, hoặc khó tự thực hiện. Chủ nhiệm HTX đồng thời là một chủ hộ xã viên của HTX, là người năng động, sáng tạo, có tinh thần hợp tác, giúp đỡ cộng đồng và có năng lực cuốn hút người khác trong hoạt động của HTX.

Lúc đầu trụ sở của HTX là nhà của chủ nhiệm. Sau vài năm, HTX kiến nghị và được chính quyền xã chấp thuận sử dụng một cái ao hố bom cũ. Cộng đồng xã viên đã cùng nhau san lấp ao, xây dựng trụ sở, vừa làm nơi hội họp, vừa làm nơi sinh hoạt văn hoá của cộng đồng xã viên.

HTX phát triển đến quy mô khoảng 35 hộ xã viên thì tạm đủ vì còn tuỳ thuộc năng lực quản lý và hiệu quả của HTX, nhưng đã giúp đỡ và phổ biến kinh nghiệm phát triển của HTX tạo điều kiện cho 9 HTX tương tự khác thành lập và phát triển trong huyện Nam sách. Trên cơ sở nhiều HTX chăn nuôi và từ nhu cầu chung của các HTX chăn nuôi- mà thực chất là nhu cầu chung của các hộ xã viên, Liên hiệp HTX chăn nuôi Nam sách đã được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu đầu vào, dịch vụ kĩ thuật, đặc biệt mở dịch vụ tiêu thụ, chế biến heo cho các HTX thành viên- mà thực chất là của các xã viên HTX thành viên. Quy mô hoạt động của liên hiệp tăng hơn hẳn so với từng HTX thành viên riêng lẻ, do vậy hiệu quả của HTX và của kinh tế hộ xã viên cao hơn hẳn so với trước đây. Liên hiệp HTX thực chất là HTX của các HTX, một tổ chức hợp tác cấp cao hơn so với HTX tập hợp được nhiều xã viên hơn.

Đây chính là mô hình tổ chức HTX dịch vụ phục vụ xã viên, theo đó xã viên vừa là chủ sở hữu vừa là người sử dụng dịch vụ của HTX. Măy mắn là HTX này được một tổ chứuc phi chính phủ của Pháp(GRET) hỗ trợ tư vấn trong thành lập, tổ chức và hoạt động.

Trên đây là nội dung chúng tôi chia sẻ về Ví dụ về kinh tế tập thể, mong rằng bài viết đã giúp Quý độc giả hiểu hơn về thành phần kinh tế quan trọng này.