Tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, là một trong ba đột phá chiến lược trong 10 năm tới của nước ta là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là, đồng thời thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì?
Khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được chính thức sử dụng trong các văn kiện Đại hội IX (tháng 4-2001) của Đảng; theo đó, “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016) tiếp tục bổ sung, phát triển: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Đây là bước đột phá dũng cảm nhưng hết sức khoa học về tư duy lý luận của Đảng ta.
Từ góc độ lịch sử chúng ta thấy, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, suốt một thời gian dài, cả về mặt lý luận và thực tiễn, người ta đã đem đối lập một cách tuyệt đối và siêu hình chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản; coi những gì có trong chủ nghĩa tư bản thì chủ nghĩa xã hội phải xóa đi hết và ngược lại, trong đó có kinh tế thị trường vốn là thành quả phát triển của lịch sử loài người. Cần nhận thức rõ rằng, xã hội cộng sản với tính cách một hình thái kinh tế – xã hội không thể có sẵn mọi thứ trong lòng xã hội tư bản nhưng cũng đã có những tiền đề về nhiều mặt quan trọng cho sự ra đời của một hình thái kinh tế – xã hội mới. Một trong những tiền đề ấy là nền kinh tế thị trường đã rất phát triển nhờ sự phát triển hết sức cao và mạnh mẽ của lực lượng sản xuất.
Chính V.I. Lê-nin cũng đã sớm nhận ra sai lầm nóng vội khi đề ra và thực hiện Chính sách cộng sản thời chiến nên đã kịp thời sửa chữa sai lầm ấy bằng cách đề ra Chính sách kinh tế mới (NEP) để nước Nga chấp nhận phát triển nền sản xuất hàng hóa nhiều thành phần và bước đầu đi vào nền kinh tế thị trường. Về điều này, V.I. Lê-nin đã khẳng định mạnh mẽ rằng, “chúng ta không hình dung một thứ chủ nghĩa xã hội nào khác hơn là chủ nghĩa xã hội dựa trên cơ sở tất cả những bài học mà nền văn minh lớn của chủ nghĩa tư bản đã thu được”.
Việc dứt khoát từ bỏ chế độ kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp để chính thức đi vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn khách quan, sáng tạo, độc lập và phù hợp với xu thế vận động chung của nền kinh tế thế giới hiện đại. Chúng ta thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng một đất nước tất cả đều vì con người và do con người. Một nền kinh tế như vậy, một mặt, tôn trọng và tuân theo các quy luật khách quan của kinh tế thị trường; nghĩa là sản xuất và kinh doanh phải thu được lợi nhuận, phải chấp nhận cạnh tranh theo pháp luật để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; mặt khác, quan trọng hơn là nền kinh tế ấy phải tạo được một lực lượng sản xuất ngày càng phát triển, trong đó con người vừa phải là động lực, vừa phải là mục tiêu của sự phát triển.
Đồng thời, nền kinh tế thị trường mà chúng ta chủ trương xây dựng phải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc thuộc bản chất của chủ nghĩa xã hội về quyền sở hữu, về cách thức tổ chức sản xuất và về phương thức phân phối thành quả lao động.
Đảng và Nhà nước ta chủ trương và nhất quán vận hành nền kinh tế thị trường chủ yếu bằng cơ chế thị trường và thông qua cơ chế thị trường nhưng coi trọng sự quản lý và sự điều tiết của Nhà nước, thực hiện phân phối công bằng, nhưng không cào bằng thành quả thu được cho mọi thành viên để không ai, kể cả những người yếu thế, bị bỏ lại phía sau. Đó chính là định hướng cực kỳ quan trọng cho toàn bộ quá trình phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếng Anh là Socialist oriented market economy
Xem thêm: Tích lũy tư bản là gì? Bản chất và quy luật tích lũy tư bản?
2. Tính ưu việt của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; vừa vận động theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam có một số đặc trưng cơ bản sau:
a) Vị trí đặc thù của kinh tế thị trường trong công cuộc xây dựng CNXH
Nền kinh tế thị trường là cơ sở kinh tế của xã hội quá độ tiến lên CNXH ở VN. Đặc trưng này hàm ý không có một nền kinh tế nào khác ngoài kinh tế thị trường có thể đảm nhiệm vai trò là cơ sở kinh tế để xây dựng CNXH ở nước ta. Đây là sự khẳng định trên thực tế VN nguyên lý kinh điển của C.Mác về vai trò của kinh tế thị trường trong tiến trình phát triển của loài người.
b) Mục tiêu phát triển của nền kinh tế
Tính định hướng XHCN trong phát triển kinh tế – xã hội quy định phát triển kinh tế thị trường ở nước ta nhằm “xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”.
Không thể làm cho “dân giàu, nước mạnh” nếu không có tăng trưởng kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh CNH, HĐH. Không thể có tăng trưởng kinh tế nếu không phát triển và quản lý có hiệu quả nền kinh tế thị trường. Chỉ có sức mạnh của nền kinh tế thị trường hỗn hợp nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần mới là cơ sở kinh tế của sự phát triển theo định hướng XHCN chứ không phải chỉ duy nhất kinh tế quốc doanh như có thời lầm tưởng.
c) Lực lượng sản xuất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN
Trong điều kiện hiện đại, nền kinh tế XHCN phải có LLSX đạt trình độ cao hơn về chất so với tiêu chuẩn đặt ra trong quan niệm truyền thống về CNXH. Trình độ đó không chỉ đo bằng chuẩn “đại CN cơ khí” mà còn được đo bằng chuẩn công nghệ cao. Trong nền kinh tế này, yếu tố ngày càng có vai trò quyết định là khoa học – kỹ thuật và trí tuệ con người.
Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011)
Điều này đúng với dự đoán của C. Mác trước đây: sau giai đoạn đại công nghiệp cơ khí, tức là sau CNTB, khoa học kỹ thuật sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
Do có sự thay đổi như vậy, quan niệm truyền thống về công nghiệp hoá XHCN, vốn gắn với cơ chế kế hoạch hoá tập trung và bị nguyên lý tự cấp – tự túc chi phối, đã không còn thích hợp. Cần phải có một cách thức, một mô hình CNH mới phù hợp có khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển mới này. Trong thời đại ngày nay, CNH không chỉ gắn với các mục tiêu, giải pháp truyền thống mà phải đạt tới mục tiêu hiện đại, được thực hiện dựa trên các công cụ và giải pháp hiện đại. Theo nghĩa đó, CNH cũng chính là và phải là quá trình HĐH. Khái niệm CNH, HĐH, vì vậy, được hiểu là quá trình CNH với các mục tiêu và giải pháp phù hợp với điều kiện và xu hướng phát triển hiện đại. Đây là một trong những nội dung – đặc điểm quan trọng bậc nhất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.
d) Đa dạng hình thức sở hữu
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là nền kinh tế hỗn hợp, bao gồm nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại trong một thể thống nhất, trong đó, chế độ công hữu ngày càng trở thành nền tảng vững chắc. Không thể có nền kinh tế định hướng XHCN nếu trong nó, chế độ công hữu không đóng vai trò nền tảng. Đây là một cấu trúc đặc thù của nền kinh tế thị trường theo nghĩa:
– Không loại trừ các quan hệ sở hữu tư nhân và sở hữu TBCN, thừa nhận tính chất “hỗn hợp” sở hữu như bất cứ nền kinh tế thị trường nào;
– Khu vực kinh tế nhà nước chứ không phải bất cứ lực lượng kinh tế nào khác đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.
Theo quan niệm của C. Mác, sở hữu công cộng (chế độ công hữu) là sở hữu được xã hội hoá và mang tính xã hội trực tiếp. Công hữu phải từng bước trở thành nền tảng vững chắc là vấn đề có tính nguyên tắc không chỉ đối với nền kinh tế XHCN mà còn đối với nền kinh tế định hướng XHCN. Tuy nhiên, vai trò nền tảng của nó trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa thể đậm nét như trong nền kinh tế XHCN. Nhưng sự khác biệt ở đây không phải là về bản chất mà là về quy mô, mức độ và phạm vi tác động
Chế độ sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN dựa trên hai hình thức cơ bản là sở hữu công cộng (công hữu) và sở hữu tư nhân (tư hữu). Còn sở hữu hỗn hợp được hình thành trên cơ sở đan xen, hỗn hợp giữa các hình thức sở hữu và là kết quả của sự hợp tác, liên doanh giữa các chủ sở hữu khác nhau là nhà nước, tập thể (nhóm) và tư nhân. Công hữu ngày càng trở thành nền tảng vững chắc, các hình thức sở hữu khác cùng phát triển mạnh mẽ không hạn chế và đan xen, hỗn hợp với nhau theo luật định cần được xem là chế độ kinh tế cơ bản của giai đoạn phát triển theo định hướng XHCN ở nước ta.
Trước đây, theo quan niệm truyền thống, các hình thức sở hữu là đơn nhất: nhà nước, tập thể hoặc tư nhân. Trong gần 20 năm đổi mới, kinh tế hỗn hợp đang được hình thành và từng bước phát triển mạnh; chế độ cổ phần đang dần trở thành hình thức tổ chức chủ yếu của kinh tế công hữu. Vì thế, công hữu không chỉ bao gồm sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể đơn nhất mà còn bao gồm cả phần sở hữu của nhà nước và tập thể trong kinh tế hỗn hợp.
Cũng như vậy, tư hữu không chỉ bao gồm sở hữu tư nhân đơn nhất mà còn bao gồm cả phần sở hữu của tư nhân trong kinh tế hỗn hợp. Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, hình thức đơn nhất của công hữu có xu hướng giảm nhưng ý nghĩa nền tảng của công hữu ngày càng được củng cố vững chắc và được tăng cường ở những lĩnh vực then chốt, thể hiện ở:
– Vốn của kinh tế công hữu (bao gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và phần công hữu trong kinh tế hỗn hợp) vẫn đóng vai trò quan trọng trong tổng vốn đầu tư XH.
– Kinh tế nhà nước nắm giữ các vị trí then chốt trong nền kinh tế.
Một yêu cầu khách quan của thị trường và kinh tế thị trường là phải xác nhận và xác định quyền sở hữu dưới dạng tiền tệ những đóng góp tài sản, tiền vốn, trí tuệ, v.v. vào kinh doanh nhằm lượng hoá quyền sở hữu của từng chủ sở hữu. Không có quyền sở hữu chung chung, vô chủ, cũng không có quyền sở hữu như nhau cho tất cả mọi người trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
e) Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế
Trong nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế nhà nước phải nắm giữ vai trò chủ đạo ở một số lĩnh vực then chốt. Đó là những “đài chỉ huy”, là huyết mạch chính của nền kinh tế. Đây là điều kiện có tính nguyên tắc bảo đảm tính định hướng XHCN. Nó thể hiện sự khác biệt về bản chất của mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN so với các mô hình kinh tế thị trường khác.
Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước được thể hiện trước hết và chủ yếu ở sức mạnh định hướng, hỗ trợ phát triển và điều tiết nền kinh tế chứ không phải ở quy mô và sự hiện diện của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ở tất cả hoặc hầu hết các ngành, các lĩnh vực.
Đồng thời với việc nhấn mạnh vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và vai trò điều tiết của Nhà nước, cần coi trọng vai trò của các thành phần kinh tế khác. Các thành phần này gắn bó hữu cơ với nhau trong một thể thống nhất, không tách rời kinh tế nhà nước ở tất cả các giai đoạn phát triển và đều là những thực thể của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mọi DN đều được khuyến khích phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật; quyền bình đẳng về cơ hội phát triển và lợi ích chính đáng được pháp luật bảo vệ.