“Giá thú” được hiểu như sau:
Là sự phối hợp giữa nam và nữ nhằm mục đích thiết lập nên một gia đình chính thức, cùng nhau sinh sống, chung thủy, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau, sinh đẻ con cái để duy trì nòi giống… Sự phối hợp này nếu tuân thủ theo các điều kiện pháp luật đã quy định, thì được pháp luật công nhận và bảo hộ. Sau khi đã làm giá thú, nếu vợ chồng muốn bỏ nhau, phải thực hiện thông qua thủ tục ly hôn. Giá thú được coi là một chế định pháp lý và pháp luật có các quy định cụ thể về điều kiện để lập giá thú, hình
thức giá thú, hiệu lực giá thú, phân loại các giá thú trong những trường hợp, hoàn cảnh nhất định.
Thuật ngữ “giá thú” bắt nguồn từ gốc chữ Hán (chữ “giá” có nghĩa là con gái về nhà chồng; chữ “thú” có nghĩa là lấy vợ; giá thú là việc con trai, con gái lấy nhau thành vợ chồng). Giá thú là thuật ngữ pháp lý được sử dụng trong pháp luật dân sư Việt Nam thời phong kiến, thời Pháp thuộc và ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn trước năm 1975. Thuật ngữ này tương đương thuật ngữ “hôn nhân” (khi sử dụng là danh từ) và thuật ngữ “kết hôn” (khi sử dụng là động từ) trong Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện đại (Xt. Kết hôn).
Nghiên cứu nguồn gốc xuất xứ và quá trình phát triển của thuật ngữ “giá thú” trong đời sống xã hội, cũng như trong lịch sử pháp luật Việt Nam qua các thời đại cho thấy, mặc dù không có điều khoản nào định nghĩa về hôn nhân hay giá thú, song các quy định cụ thể về: các điều kiện nội dung giá thú; hình thức giá thú, các chế tài khi không tuân thủ các điều kiện lập giá thú; hiệu lực của giá thú… đã phản ánh rõ nét quan niệm của các nhà lập pháp về chế định giá thú. Ở mỗi thời kỳ, các quan niệm này có những điểm không đồng nhất, nhưng về cơ bản, nó tôn trọng sự tự nguyện của cả hai bên nam nữ, tính hợp pháp và hợp lý, hợp tình khi lập giá thú, ghi nhận quá trình hôn nhân giữa hai người con trai và con gái.
Theo quan niệm của pháp luật thời phong kiến (thông qua Quốc triều hình luật – Luật Hồng Đức thời Lê và Hoàng Việt luật lệ – Luật Gia Long thời Nguyễn) thì giá thú là sự kết hợp giữa một người con trai và một người con gái, được pháp luật thừa nhận với mục đích lập gia đình, sinh con để nối dõi và thờ phụng tổ tiên. Quan niệm về giá thú thời kỳ này, là sự kết hợp, giao hiếu giữa hai họ và liên quan mật thiết đến nền tảng của đại gia đình hơn là cái gia đình nhỏ mà hai bên trai, gái lập ra sau khi lấy nhau. Hơn nữa, mục đích của giá thú là sinh con để kế truyền hậu thế và thờ cúng trong tông miếu, bởi vậy, nếu phụ nữ không sinh được con, thì chồng có quyền tự ý bỏ vợ cùng với quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã làm cho vai trò tự nguyện ưng thuận của trai, gái khi giá thú bị xem nhẹ và dường như bị lãng quên trong vô vàn các quyền lợi tối trọng của đại gia đình, trong sự liên minh giao hiếu giữa hai họ.
Theo quan niệm của pháp luật thời kỳ Pháp thuộc (qua Bộ dân luật giản yếu năm 1883, Bộ dân luật Bắc Kỳ năm 1931 và Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật năm 1936), giá thú là chỉ việc trai, gái lấy nhau thành vợ chồng trước mặt viên hộ lại, phát sinh ra những nghĩa vụ tương hỗ cho hai bên về phương diện đồng cư, lập thành gia đình, sống trung thành và tương trợ lẫn nhau.
Pháp luật không bắt buộc hai bên trai, gái phải cử hành hôn lễ theo tục lệ hay tôn giáo. Các lễ này tùy thuộc ý muốn của các bên đương sự và không bắt buộc.
Việc giá thú trước mặt viên hộ lại phải được ghi vào sổ giá thú và lập thành chứng thư giá thú. Bản giá thú phải được niêm yết, công bố tại công sở, nơi cư trú, tạm trú của hai người trai, gái trong thời hạn 10 ngày trước khi làm hôn lễ. Do chấp nhận chế độ đa thê, pháp luật quy định hai loại giá thú:
Giá thú chính thất: là giá thú ghi nhận việc đàn ông cưới vợ cả (hay còn gọi là giá thú đệ nhất cấp).
Giá thú thứ thất: là giá thú ghi nhận việc đàn ông lấy vợ lẽ (hay còn gọi là giá thú đệ nhị cấp). Dù là vợ hai, vợ ba, hay vợ bốn… các giá thú này đều gọi là giá thú thứ thất. Pháp luật quy định, tất cả các vợ lẽ, lấy trước hay lấy sau đều có quy chế như nhau. Song, nếu chưa lập giá thú chính thất thì không được lập giá thú thứ thất (chưa lấy vợ chính thì không được lấy vợ thứ).
Hiện nay, thuật ngữ “giá thú” không còn được sử dụng trong Luật hôn nhân và gia đình hiện đại nữa, các nhà lập pháp đã thay thế nó bằng thuật ngữ “hôn nhân” khi sử dụng nó là danh từ và thuật ngữ “kết hôn” khi sử dụng là động từ.