Ký Xướng âm – những khái niệm cơ bản

Ký Xướng âm – những khái niệm cơ bản

Ký xướng âm là gì

Ký Xướng âm là một bộ môn giảng dạy phương pháp, kỹ năng đọc nhạc và ghi nhạc được các trường sử dụng trong đào tạo âm nhạc. Những kỹ năng về Ký Xướng âm là hết sức quan trọng trong hoạt động âm nhạc của người nhạc sỹ, nghệ sĩ cũng như khả năng đọc hiểu, cảm thụ tác phẩm âm nhạc của công chúng. Bất kỳ một người nào khi học âm nhạc chuyên nghiệp đều được học bộ môn Ký Xướng âm trong suốt quá trình học tập, đặc biệt là trong thời gian học các bậc học cơ bản. Ở nước ta, Ký Xướng âm được giảng dạy tại tất cả các cấp giáo dục âm nhạc, từ sơ cấp đến trình độ đại học. Ký Xướng âm bao gồm hai môn học là Ghi âm (còn gọi là ký âm) và Xướng âm. Ghi âm là quá trình nghe và ghi lại giai điệu, tiết tấu hay hoà âm thành nốt nhạc. Xướng âm là hát bản nhạc mà không cần sự trợ giúp của bất cứ nhạc cụ nào, hay có thể gọi đơn giản là đọc nhạc.

Xướng âm

Xướng âm là một thuật ngữ có gốc từ tiếng Pháp – solfège. Thuật ngữ này xuất phát từ hai từ chỉ cao độ là Sol và Fa được dùng để ám chỉ việc đọc (hay hát) nốt nhạc theo hệ thống các từ chỉ cao độ. Trong cuốn, Phương pháp xướng âm Nhà xuất bản Hà Nội (1980), nhạc sĩ Doãn Mẫn cho rằng xướng âm là môn học đọc các dấu nhạc thành điệu. Tuy nhiên, ngoài việc nhìn và đọc nốt nhạc chúng ta còn phải “xướng” đúng cao độ và tiết tấu của bản nhạc. Vậy, học xướng âm là học những phương pháp để đọc và hát đúng nhịp điệu, đúng cao độ, trường độ, sắc thái mạnh, nhẹ bằng giọng người theo các dấu hiệu đã được ghi trong bản nhạc. Có thể ví xướng âm như là cách mà chúng ta đọc chính tả vậy.

Xướng âm là quá trình giúp cho người học rèn luyện khả năng nghe nhạc, cách xác định và ghi nhớ cao độ âm thanh cũng như đọc đúng cao độ và tiết tấu của tác phẩm. Khi đọc nốt nhạc, chúng ta sử dụng bảy từ để đọc cao độ nốt nhạc: đô, rê, mi, fa, son, la, si. Hiện nay có hai phương pháp trong xướng âm là phương pháp cố định (fixed do) và phương pháp bất định (movable do).

Phương pháp cố định là dùng các từ chỉ cao độ cố định với cao độ mà nó áp dụng, chẳng hạn, từ “Đô” chỉ được dùng với cao độ của nốt C mà thôi. Với phương pháp này thứ tự các từ chỉ cao độ ứng với nốt nhạc như sau: Đô – C; Rê – D; Mi – E ; Fa – F; Sol – G; La – A; Si – B. Phương pháp này hiện đang được sử dụng ở Việt Nam.

Phương pháp bất định là dùng từ chỉ cao độ với các cao độ khác nhau tuỳ theo từng trường hợp. Phương pháp bất định sử dụng bảy từ chỉ cao độ và áp dụng với bất cứ giọng nào. Khi đó người ta sử dụng số bậc trong thang âm để ghi nhớ và dịch chuyển sang các giọng khác nhau.

Ví dụ:

Phương pháp này có ưu điểm là ngay lập tức có thể chơi ở nhiều giọng khác nhau nếu người sử dụng có một dải băng ghi tên các nốt nhạc và dịch chuyển mỗi khi sang giọng mới. Phương pháp này thường phù hợp với những người mới học nhạc. Khi dịch giọng khác nhau, chúng ta vẫn đọc nguyên các từ chỉ cao độ như vậy. Còn với phương pháp cố định, chúng ta phải đọc tên nốt khác nhau ở mỗi giọng. Một số người cho rằng, phương pháp bất định sẽ giúp người học nhanh tiếp cận hơn với âm nhạc. Họ nghe các nốt liên quan đến nhau căn cứ vào nốt chủ âm là Đô. Điều này tương tự như các nhạc công chơi đàn keyboard ở Việt Nam sử dụng giọng Đô cho tất cả các bài, khi muốn chuyển giọng, họ chỉ cần nhấn nút dịch giọng (transpose) cộng, trừ trên đàn. Khi đó người nhạc công vẫn tư duy tác phẩm trên giọng Đô mà không cần quan tâm âm vang thực thế ở giọng nào.

Việc dùng hệ thống phương pháp nào trong việc giảng dạy thì vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Hiện nay phương pháp cố định vẫn được sử dụng nhiều nhất trong các trường âm nhạc. Tuy nhiên, ứng dụng những ưu điểm của phương pháp bất định, chúng ta có thể đọc nốt nhạc với các từ cố định như “la là lá la” hay “ta tà tá ta”…để luyện tập tiết tấu mà không cần chú ý đến tên gọi của nốt nhạc.

Xung quanh khái niệm Xướng âm, chúng ta còn có khái niệm thị xướng (sight-reading). Theo từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thuật ngữ này là kỹ năng đọc và xướng một đoạn nhạc hay tác phẩm âm nhạc được thể hiện trên văn bản giấy mà người đọc chưa từng nhìn thấy văn bản nhạc này trước đó([1]). Thuật ngữ này được dùng để nói đến quá trình hay khả năng nhìn và đọc ngay lập tức. Đây cũng là quá trình chuyển đổi từ thông tin (nốt nhạc, ký hiệu âm nhạc..) từ dạng “nhìn” sang dạng “nghe” (Udtaisuk 2005) [3]. Ở mức độ cao hơn, người ta còn sử dụng thuật ngữ này để nói đến kỹ năng đọc nhẩm (đọc thầm) mà không tạo ra âm thanh nhạc cụ hay giọng người. Với kỹ năng này, người đọc nhìn vào văn bản nhạc và tưởng tượng cao độ ở trong đầu mà không đọc ra miệng hoặc không chơi trên đàn.