Từ quê hương Lam Sơn, Anh hùng dân tộc Lê Lợi đã phất cao cờ đại nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược để cứu nước, cứu dân. Trải qua 10 năm kháng chiến gian lao vất vả đất nước hoàn toàn giải phóng. Ông lên ngôi vua trị vì đất nước gần 6 năm với nhiều cải cách tiến bộ, đặt nền móng vững chắc để vương triều Hậu Lê kéo dài 360 năm, là triều đại dài nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Lê Lợi mãi là tấm gương để hậu thế noi theo.
Lam Kinh đẹp với không gian cổ kính đến nơi đây vào dịp thu về mang đến cho con người nhiều xúc cảm.
Sau khi đánh tan giặc Minh xâm lược, với tấm lòng nhân nghĩa yêu hòa bình, ghét chiến tranh Lê Lợi đã cấp thuyền, ngựa, lương thực cho 30 vạn tàn quân Minh theo hai đường thủy, bộ rút về nước. Đó là nhãn quan chính trị sáng suốt của đức quân vương khi phải sống bên cạnh lũ giặc hung bạo, cũng là “dập tắt chiến tranh muôn thuở”. Khi đất nước đã sạch bóng quân xâm lược, thuận theo ý trời, hợp với lòng người Lê Lợi đã lên ngôi vua tại điện Kính Thiên (Đông Đô – Hà Nội) vào ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428). Ông đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Đại Việt, xưng là “Thuận Thiên thừa vận Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương”.
Xuất thân từ một hào trưởng, không qua con đường khoa cử nhưng Lê Lợi đã dốc tâm vào nghiên cứu binh thư, sách lược thao để nâng tầm hiểu biết, kiến thức. Ông lại là người rất khiêmnhường, đức độ bởi vậy mọi anh hùng hào kiệt từ bốn phương qui tụ về đất Lam Sơn đã tôn ông làm minh chủ, thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa. Mỗi người đều đem hết tài năng, mưu trí của mình để hiến kế cho “minh chủ” trong cuộc kháng chiến. Chính nhờ quy tụ, tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân nên dẫu phải trải qua bao gian lao, vất vả, mất mát đau thương nhưng khởi nghĩa thắng lợi đất nước hoàn toàn giải phóng.
Thắng lợi trọn vẹn của cuộc khởi nghĩa để lại cho hậu thế nhiều bài học lịch sử sâu sắc. Người đứng đầu cuộc khởi nghĩa ấy luôn là người hiểu mình, biết người. Ngay khi cuộc chiến gần kết thúc ông nói: “Ta không có tài dũng, trí tuệ, một mình gánh vác công việc nặng nề, sợ không làm nổi, cho nên phải nhún mình cầu hiền, dốc lòng trọng sỹ, cùng mưu việc lớn, để cứu vớt sinh dân. Ai tiến cử được người mưu trí dũng lược hơn người, hoặc người nào tự tiến cử mình thì đều làm quan cao, tước trọng”. Ông cũng khuyên răn đội ngũ quan lại, tướng sỹ phải dốc lòng vì việc nước, không lơi là, trễ nải trong công việc; người dân phải chấp hành nghiêm luật, lệnh. Là người đứng đầu triều đình nhưng ông là tấm gương về dốc sức ngày đêm cho công việc và giữ nếp sống kiệm cần. Từng trải qua bao gian lao vất vả, đói khát trong những ngày lăn lộn nơi rừng sâu, núi thẳm nên ông càng trân trọng với những thành quả giành được.
Sau khi lên ngôi vua, ông đã nghĩ ngay đến việc xây dựng và phát triển đất nước sau 20 năm đau thương tang tóc của thời thuộc Minh. Ông là người luôn nghĩ đến dân và quyền lợi của họ nên ban hành kịp thời chính sách giảm thuế cho dân, kêu gọi mọi người dân phiêu tán quay về khai hoang, phục hóa, phát triển sản xuất, ổn định đời sống… Với những quan lại, tướng sỹ có công lao trong chiến trận đều được ông ban thưởng xứng đáng. Trải qua thực tiễn 10 năm chống giặc, với nhãn quan chính trị sáng suốt ông nhận thức rõ cần phải nhanh chóng xây dựng một nhà nước quân chủ hùng mạnh với đội ngũ võ tướng, văn quan đã giành nhiều công lao trong chiến trận và lựa chọn hiền tài qua khoa cử.
Bởi vậy ngay từ cuối năm 1426, Lê Lợi đã cho tổ chức khoa thi nhằm tuyển chọn nhân tài để bổ sung vào các vị trí trong triều đình cũng như các khu vực hành chính trong cả nước. Sau khi ở ngôi ông nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy từ triều đình đến chính quyền địa phương ở 5 đạo, các trấn, phủ, lộ, huyện, châu và đặt quan cai trị ở từng cấp. Lê Lợi thực hiện việc thu thuế ruộng đất công, ban thưởng ruộng đất cho các công thần và nhân dân chưa có ruộng đất. Lực lượng quân đội thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” đã có từ các triều đại trước; quân sỹ thay phiên nhau canh phòng, luyện tập hoặc về sản xuất tự túc lương ăn, khi cần nhà nước huy động. Triều đình nhiều lần nghị bàn về giảm các loại thuế, khóa trong đó giảm ngạch thuế khóa cho nông dân, nên chỉ trong vòng mấy năm người dân yên ổn làm ăn nên kinh tế đất nước nhanh chóng phục hồi, phát triển.
Cùng với chăm lo phát triển nông nghiệp, nhà nước quan tâm khôi phục, xây dựng các công trình thủy lợi, phát triển tiểu thủ, công nghiệp, thương nghiệp. Những chính sách tiến bộ chăm lo đời sống người dân đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng người dân nên khắp thôn cùng, ngõ vắng mọi người đều ca tụng công đức của nhà vua.
Song song với xây dựng và phát triển kinh tế, nhà vua cũng chú trọng mở mang phát triển văn hóa, xã hội. Hơn 10 năm chống giặc trải qua bao hiểm nguy, gian lao, những chiến công hào hùng và bi tráng đã trở thành dấu ấn, ký ức không phai mờ trong lòng mọi tầng lớp nhân dân. Lê Lợi vị thủ lĩnh tối cao và linh hồn cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thần thánh với tư tưởng nhân nghĩa nhất quán từ lúc dấy binh khởi nghĩa là ngọn cờ tập hợp được mọi lực lượng yêu nước tiến bộ, tài năng thời đại. Tư tưởng nhân nghĩa từ Lời thề Lũng Nhai (1416) đã lan tỏa rộng khắp trở thành âm hưởng chủ đạo của các tác phẩm văn học, nghệ thuật thấm đẫm tinh thần yêu nước và anh hùng trong nửa đầu thế kỷ XV.
Là người khai sáng vương triều, Lê Thái Tổ là biểu tượng của một nhân cách tốt đẹp, có tinh thần yêu nước, dân tộc cao. Nhà vua luôn thức khuya, dậy sớm chăm lo tới công việc chính trị, ngoại giao, mở mang phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Qua những suy nghĩ, lời nói và hành động trong quản lý, điều hành đất nước Lê Lợi đã tỏ rõ là một nhà văn hóa, nhà tư tưởng, nhà nhân đạo chủ nghĩa của thời đại. Nhà vua là tác giả của ba bài thơ: “Bia cổ Hoài Lai”, “Thân chinh đi đánh Châu Thái Nguyên”, “Đi đánh Đèo Cát Hãn trở về qua đê Long Thủy”. Lê Lợi cũng là người đã viết ký sự lịch sử “Lam Sơn thục lục” (bản Lê Sát, Nguyễn Diên Niên khảo chứng, Lê Văn Uông chú dịch, Nxb Khoa học Xã hội, 2006). Những tác phẩm nêu trên đã chứng tỏ tuy không qua con đường khoa cử nhưng sự dày công học tập nâng cao trình độ ở ông thực đáng khâm phục. Nhà vua luôn là tấm gương trong công việc cũng như lối sống, nếp sống.
Sau khi lên ngôi ông đã ban chiếu cầu hiền tài cùng ông chăm lo việc nước. Ông truyền bách quan không được làm các nghi lễ khánh hạ, cấm các đại thần, tổng quản và các quan ở các viện, sảnh, cục tham lam lười biếng. Các bài chiếu răn dạy Tư Tề, Nguyên Long với những lời lẽ chí nghĩa, chí tình, trách nhiệm thể hiện khát vọng của ông với vận mệnh của nước nhà mà ông đã cùng bao tướng sỹ, người dân đã đổ bao máu xương mới có.
Trải hơn 10 năm lãnh đạo khởi nghĩa ông đã thể hiện rõ thiên tài về chính trị, quân sự, ngoại giao, binh vận. Ông còn là nhà tư tưởng nhà văn hóa lớn của thời đại. Lời nói, hành động, việc làm nhân nghĩa của ông đã truyền cảm hứng cho văn thần võ tướng, binh sỹ, mọi người dân khí thế lạc quan, tin tưởng vào sự tất thắng của cuộc kháng chiến. Với tất cả những đóng góp lớn lao trong khángchiến cũng như thời gian trị vì đất nước, tên tuổi ông đã gắn vào hồn thiêng sông núi, sự nghiệp lừng lẫy của ông được sử sách truyền mãi muôn đời. Các sứ thần triều Lê trong Đại Việt sử ký toàn thư đã chép: “…Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh, sau 10 năm thì thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi đã ấn định luật lệ, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ, huyện, thu thập sách vở, mở mang trường học, có thể gọi là mưu kế xa rộng, mở mang cơ nghiệp…”.
Nhà bác học Lê Quý Đôn trong cuốn Đại Việt thông sử đã bàn như sau: “…Vua khôi phục non sông, đem lại thái bình, công đức ban khắp đương thời, cơ nghiệp truyền cho hậu thế. Rực rỡ lắm thay”. Nhà yêu nước Phan Bội Châu thế kỷ XX khi lập bảng vàng các anh hùng dân tộc đã gọi các vua Hùng là “Tổ mở nước” gọi Ngô Quyền là “Tổ trung hưng thứ nhất”, gọi là Lê Lợi là “Tổ trung hưng thứ hai”. Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã nói: “Chúng ta có quyền tự hào về những trang sử vẻ vang của thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”.
Kế tục và phát huy sự nghiệp cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc của Lê Lợi, toàn dân tộc đồng tâm xây dựng khối đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX như đánh đổ chế độ thực dân, phát xít Nhật – Pháp, lật nhào chế độ phong kiến, đánh thắng Mỹ – Ngụy để Nam – Bắc vui sum họp một nhà. Chúng ta cũng bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam, phía Bắc trước sự xâm lấn của lực lượng thù địch. Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện sâu sắc do Đảng khởi xướng lãnh đạo nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình. Vị thế và uy tín trên trường quốc tế ngày một nâng cao.
Tình hình quốc tế hiện nay có nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng còn nhiều thách thức khó khăn khi xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh thương mại… đang đe dọa an ninh trật tự, sự phát triển kinh tế toàn cầu. Hơn lúc nào hết chúng ta cần giương cao ngọn cờ nhân nghĩa, qui tụ, tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước, tự tôn, tự hào dân tộc trong xây dựng, bảo vệ đất nước. Với truyền thống hào hùng của Lam Sơn quật khởi, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, quyết tâm của mọi tầng lớp nhân dân, nhất định chúng ta sẽ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, xây dựng đất nước phồn vinh trong giai đoạn tới.
Phạm Minh Trị