Logo là gì? Các đặc trưng cơ bản trong thiết kế logo thương hiệu

Logo là gì

Bạn nhớ đến điều gì đầu tiên khi nghĩ về một thương hiệu? Chắc chắn phần lớn chúng ta sẽ nghĩ đến logo của thương hiệu đó. Một thương hiệu mạnh sẽ không thể thiếu một logo độc đáo, dễ nhận diện. Để tìm hiểu thêm về logo thương hiệu, hãy cùng mình xem tiếp bài viết sau đây nhé!

I. Logo là gì?

Logo là một biểu tượng được tạo thành từ văn bản và hình ảnh để nhận diện một doanh nghiệp. Một logo tốt phải thể hiện được ngành nghề, lĩnh vực của công ty và giá trị của thương hiệu. Thiết kế logo là việc tạo ra một nhãn hiệu trực quan thật hoàn hảo cho công ty. Logo có thể là một biểu tượng, chữ, đôi khi kèm dòng tagline.

II. Logo được sử dụng phổ biến

– Trang web: Tất cả các doanh nghiệp sở hữu website đều sử dụng logo để tăng độ nhận diện thương hiệu và tính nhất quán trên nền tảng online. Nếu bạn đang tạo một website thì nên lưu ý logo phải được hiển thị ở vị trí dễ nhận biết đối với người truy cập. Logo thường được đặt ở đầu trang hoặc chân trang của một website, căn trái và liên kết với trang chủ của website.

– Danh thiếp: Khi thiết kế danh thiếp, hãy nhớ rằng nó giống như một vật lưu niệm nhỏ, một thứ để khách hàng tiềm năng có thể lưu giữ và nhớ đến bạn. Thêm logo của công ty trên danh thiếp sẽ giúp khách hàng dễ ghi nhớ thương hiệu trong tâm trí, và tăng khả năng quay lại với bạn cũng như doanh nghiệp.

– Bao bì sản phẩm: In logo trên tất cả các sản phẩm và hàng hóa của doanh nghiệp là chìa khóa để tăng độ nhận diện thương hiệu. Đó cũng là một cách tuyệt vời để xây dựng lòng tin và lòng trung thành. Hãy tưởng tượng ai đó đang đi bộ xuống phố mang theo một sản phẩm có logo của công ty bạn thì thương hiệu công ty sẽ được quảng cáo miễn phí.

– Giao tiếp với khách hàng: Logo của bạn phải xuất hiện trong tất cả hình thức giao tiếp với khách hàng bao gồm email, bản tin, chiến dịch và tin nhắn tức thì. Logo cần phải dễ dàng nhận biết đối với khách hàng của bạn để họ có thể biết ngay rằng mình đang nói chuyện với ai. Điều này giúp củng cố bản sắc thương hiệu và tăng độ tin cậy của khách hàng đối với công ty của bạn.

– Social Media: Có logo của bạn trên các kênh social media giúp phát triển sự hiện diện liên kết thương hiệu. Vì đặc trưng của mạng xã hội là chia sẻ, lan tỏa nên bạn cần tận dụng điều này, đảm bảo tất cả hình ảnh đăng tải trên tài khoản đều có có thương hiệu của công ty. Điều này không chỉ áp dụng cho các bài đăng trên Instagram, Facebook, LinkedIn, YouTube mà còn các nền tảng khác như Reddit, Pinterest, Quora,…

– Nội dung bên trong: Ngoài các mục đích sử dụng bên ngoài, logo còn phục vụ cho mục đích nội bộ, quảng bá văn hóa công ty. Những sự kiện như thuyết trình toàn công ty, email hoặc các buổi đào tạo phải luôn phải có logo công ty. Bên cạnh đó, phải truyền tải ý nghĩa của logo cho toàn thể nhân viên hiểu rõ.

III. Tầm quan trọng logo đối với doanh nghiệp

1. Định hình bản sắc thương hiệu

Cùng với việc phân định doanh nghiệp, một logo tốt cũng cung cấp cho khách hàng một số thông tin quan trọng về công ty của bạn. Logo có thể truyền đạt cho khách hàng biết được đặc trưng ngành hàng, dịch vụ bạn cung cấp, đối tượng mục tiêu và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

2. Tăng khả năng nhận diện thương hiệu

Logo có thể tạo ra những liên tưởng hình ảnh mạnh mẽ với một doanh nghiệp. Sự liên kết này giúp khách hàng ghi nhớ thương hiệu của bạn, nó nhắc nhở khách hàng rằng thương hiệu của bạn đã và đang tồn tại trên thị trường. Hãy nghĩ về các thương hiệu như Apple, Nike hoặc McDonald’s, các logo này phổ biến đến mức có thể được nhận ra ngay lập tức dù có hoặc không kèm theo tên.

3. Thu hút khách hàng, tăng doanh thu bán hàng

Những logo có thiết kế thu hút, thú vị luôn dễ dàng hấp dẫn người tiêu dùng. Khi logo của bạn đã hấp dẫn và để lại dấu ấn trong tâm trí khách hàng thì khả năng cao họ sẽ lựa chọn sản phẩm của công ty. Càng thu hút được nhiều khách hàng thì việc bán hàng sẽ thuận lợi hơn, doanh thu cũng tăng cao.

4. Xây dựng lòng trung thành cho thương hiệu

Uy tín của một thương hiệu là điều rất quan trọng mà bất kỳ công ty nào cũng chú trọng. Nhiều người tiêu dùng hiện nay sẽ tin tưởng lựa chọn một sản phẩm mới vì nó cùng thương hiệu, logo với một sản phẩm trước đó họ đã sử dụng và cảm thấy hài lòng.

Khi họ sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm của thương hiệu thì sẽ trở thành một khách hàng trung thành của thương hiệu. Vì vậy, logo của thương hiệu cần có sự đồng nhất, bền vững với thời gian, thực hiện được mục tiêu khiến khách hàng chỉ cần nhìn vào logo là có thể tin tưởng lựa chọn sản phẩm.

5. Đồng bộ, liên kết thương hiệu trên mọi phương tiện

Thương hiệu muốn được xây dựng vững mạnh thì cần đồng bộ logo trên tất cả các phương tiện kể cả online và offline. Cụ thể là trên tất cả các ấn phẩm tiếp thị, bao bì, phương tiện truyền thông, website, quảng cáo ngoài trời,… Đó là cách để quảng cáo thương hiệu cũng như tạo sự đồng bộ, liên kết hình ảnh, thông điệp thương hiệu trên mọi nơi có thể tiếp cận khách hàng.

6. Thể hiện tầm nhìn và sức mạnh của doanh nghiệp

Logo có thể góp phần tạo nên sự chuyên nghiệp, thế mạnh của thương hiệu để khách hàng có thể tin tưởng, coi trọng. Một khi đã xây dựng được điều đó thì thương hiệu của công ty sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, không phải logo nào cũng thành công trong việc đó vì cần có sự sáng tạo, độc đáo, liên kết mạnh mẽ với tầm nhìn, sứ mệnh công ty.

7. Giúp thương hiệu cạnh tranh với các đối thủ khác

Logo không chỉ giúp tăng độ nhận diện thương hiệu mà còn giúp tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường. Đặc biệt đối với các sản phẩm ngành hàng tiêu dùng, thời gian quyết định lựa chọn sản phẩm của khách hàng rất ngắn. Vì vậy, thương hiệu nào có logo, bao bì đặc sắc, thú vị hơn sẽ tăng khả năng được lựa chọn hơn so với các sản phẩm của thương hiệu khác.

Tuyển dụng có thể bạn quan tâm, việc làm thiết kế đồ họa:

– Nhân viên thiết kế đồ họa (Graphic Designer)

– Nhân viên Graphic Designer (phòng Marketing)

IV. Ý nghĩa của mẫu thiết kế logo thương hiệu

1. Một mẫu thiết kế logo thể hiện điều gì?

Logo không chỉ là một biểu tượng thuộc sở hữu của mỗi công ty mà nó mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Với thiết kế logo bằng những màu sắc, biểu tượng đặc trưng của công ty, nó thể hiện cá tính, hình ảnh thương hiệu, tầm nhìn sứ mệnh mà công ty hướng đến. Bên cạnh đó, logo còn thể hiện sự độc nhất của thương hiệu và giá trị mà sản phẩm hay công ty có thể mang lại cho khách hàng.

2. Ý nghĩa biểu tượng, hình khối trong thiết kế logo

– Hình tròn (Mặt Trời): Đây là biểu tượng mang ý nghĩa cội nguồn của sự sống vĩnh hằng, sự tái sinh, huy hoàng và rực rỡ. Thông điệp mà mẫu logo hình tròn hay Mặt Trời mang đến là sự ưu việt, hoàn hảo, tươi sáng, có thể tạo cho người xem một cảm giác tin tưởng.

– Hình tam giác: Đây là biểu tượng đại diện cho các ngọn núi, thể hiện sự cân bằng, vững bền và oai nghi.

– Hình vuông: Người Việt xưa chúng ta có quan niệm “trời tròn, đất vuông” – điều này cũng được thể hiện trong các câu chuyện cổ tích. Vì vậy, đối với người Việt thì hình vuông được coi là đất, thể hiện cho sự bền vững và an lạc

– Hình ngôi sao: Ý nghĩa của biểu tượng ngôi sao là khát vọng, ước mơ hướng tới tương lai, tới những gì tốt đẹp nhất.

– Hình chữ thập: Là biểu tượng của sự chữa lành, được sử dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành y tế và dược phẩm. Ta có thể thấy logo này tại các bệnh viện, xe cứu thương.

– Hình con người: Biểu tượng con người được sử dụng trong logo thể hiện ý nghĩa khám phá những điều mới lạ, vươn đến cái tốt đẹp trong tương lai.

– Hình loài vật: Tùy theo đặc điểm của từng loài vật mà thương hiệu lựa chọn logo cho phù hợp để thể hiện được tính cách thương hiệu.

– Hình cây, cỏ, hoa lá: Những biểu tượng này tượng trưng cho sức sống đầy tràn, mạnh mẽ, tươi đẹp và tươi trẻ.

– Hình mũi tên: Biểu tượng mũi tên mang ý nghĩa vươn tới phía trước, sự chinh phục, phát triển và tương lai.

– Tia chớp: Là biểu tượng thể hiện sự dứt khoát, sức mạnh và khát khao chiến thắng.

– Mây: Biểu tượng mây bồng bềnh biểu hiện ý nghĩa sự nhẹ nhàng, tinh tế và tự do.

– Sóng nước: Biểu tượng này thường được sử dụng cho logo của các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến miền biển như ẩm thực biển, du lịch, dịch vụ biển, thể hiện cho sự tinh hoa của biển cả.

– Trái tim: Là một biểu tượng rất quen thuộc, thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, ấm áp của lòng người.

– Hình ảnh công cụ, thiết bị: Tùy vào lĩnh vực hoạt động mà mỗi doanh nghiệp lựa chọn biểu tượng công cụ, thiết bị phù hợp cho logo của mình

– Hình khiên: Tấm khiên là vật dụng dùng để che chắn khi chiến đấu trong các trận chiến xưa, nó thể hiện ý nghĩa sự bảo vệ, che chở và chiến đấu.

– Vương miện: Là một biểu tượng hoàng gia, được các nhãn hàng lựa chọn làm logo để thể hiện ý nghĩa uy tín, đẳng cấp và uy quyền.

V. Các đặc trưng cơ bản trong thiết kế logo

Theo Al Ries và Laura Ries (1998), Alycia Perry (2003) cùng một số chuyên gia về thương hiệu khác thì logo thương hiệu cần phải đảm bảo một số yêu cầu để trở nên hữu ích và thành công.

1. Yêu cầu

– Khác biệt: Logo không dùng biểu tượng giống hoặc gần giống với các logo khác trên thị trường mà nên thiết kế sao cho có thể gây ấn tượng thị giác đối với người xem, dễ phân biệt với các logo khác. Điều này cũng tăng khả năng được pháp luật bảo hộ.

– Đơn giản, dễ nhớ: Theo nghiên cứu thời gian chú ý và tập trung của con người ngày càng ngắn, vì vậy logo phải được thiết kế đơn giản càng tốt để khách hàng dễ ghi nhớ.

– Dễ thích nghi: Yêu cầu này có nghĩa là logo phải phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ của nhiều quốc gia trên thế giới để khi thương hiệu mở rộng sang nước ngoài thì vẫn có thể thích nghi với thị trường.

– Có ý nghĩa: Một logo nên có câu chuyện ý nghĩa đằng sau nó. Có thể là câu chuyện khởi nghiệp, tên người sáng lập thương hiệu, lợi ích đem đến cho khách hàng và xã hội,…

2. Hình dáng

– Kiểu chữ: Tùy vào màu sắc, đặc trưng thương hiệu mà lựa chọn phông chữ, chữ hoa – chữ thường, độ đậm nhạt, màu chữ phù hợp. Khi thiết kế logo có ký tự chữ thì doanh nghiệp có thể sử dụng tên đầy đủ của thương hiệu hoặc chữ viết tắt.

– Hình ảnh: Hình ảnh logo nên đơn giản, là hình ảnh đặc trưng cho sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.

– Dòng giới thiệu: Dòng giới thiệu hay còn thường được gọi là tagline phải thật ngắn gọn khoảng 5-7 từ, liên kết chặt chẽ với bản chất thương hiệu. Nhằm giúp khách hàng hiểu rõ hơn về thương hiệu.

3. Màu sắc

Xu hướng chọn màu sắc cũng là tối giản, thu hút, dễ nhận thấy. Người thiết kế logo có thể chọn màu sắc tương hợp, tương sinh với triết lý âm dương, ngũ hành,… Theo tìm hiểu, các ngành nghề hợp với từng màu sắc như sau:

– Kim: Văn phòng chính quyền, Ngân hàng, Tài chính – Kế toán, Công nghệ, Kiến trúc,…

– Mộc: Trường học – Giáo dục, Hoa, Thời trang, Du lịch, Công chúng,…

– Thủy: Dịch vụ dọn vệ sinh, Tuyển dụng, Chăm sóc sắc đẹp, Y tế – trị liệu,…

– Hỏa: Studio, Nhà hàng, Quán cafe, Cửa hàng bán lẻ, Công ty về Thể thao,…

– Thổ: Xây dựng, Nhà hàng – Khách sạn, Bất động sản, Công ty liên quan đến Nông nghiệp,…

VI. Mẹo thiết kế logo thương hiệu chuyên nghiệp

– Thiết kế độc quyền, không sao chép: Để thể hiện là một doanh nghiệp uy tín, chuyên nghiệp thì không được thiết kế logo giống các đối thủ khác, kể cả gần giống cũng không nên. Hãy đảm bảo logo thương hiệu của mình độc đáo, duy nhất. Nếu không thể tự thiết kế logo thì hãy hợp tác với các đơn vị thiết kế logo chuyên nghiệp để chất lượng logo được tốt nhất.

– Mẫu thiết kế ấn tượng và độc đáo: Để đáp ứng được điều này, doanh nghiệp nên truyền đạt thật rõ ý tưởng và các yêu cầu cho designer nội bộ của công ty. Hoặc doanh nghiệp có thể tìm kiếm các designer nổi tiếng, uy tín để hợp tác thiết kế.

– Phù hợp với sản phẩm và thị hiếu khách hàng: Để thiết kế logo thật sự có tác động mạnh mẽ đến khách hàng thì doanh nghiệp phải nghiên cứu rõ về đặc điểm sản phẩm, sở thích về sản sản phẩm, hình ảnh, màu sắc của khách hàng mục tiêu để áp dụng cho logo của mình.

– Truyền tải đúng thông điệp của doanh nghiệp: Logo thương hiệu phải truyền tải đúng tinh thần thương hiệu muốn hướng đến và thông điệp thương hiệu muốn lan tỏa cho mọi người.

– Thuận tiện cho việc in ấn: Vì logo của bạn sẽ được in trên rất nhiều ấn phẩm, phương tiện, vật liệu nên bạn cần đảm bảo các chi tiết không quá rắc rối để khi in ấn không bị sai sót, kích thước vừa phải. Logo thương hiệu được in đồng nhất ở mọi ấn phẩm sẽ thể hiện sự chuyên nghiệp, chỉn chu, cẩn thận của thương hiệu.

VII. Ý nghĩa của một số logo thương hiệu nổi tiếng

Google: Logo Google bắt nguồn từ việc chơi chữ của từ “Googol” trong tiếng Latin. Đó là một thuật ngữ toán học được đặt tên bởi Milton Sirotta, cháu trai của nhà toán học Edward Kasner, có nghĩa là 10 lũy thừa 100, hoặc 1 theo sau là 100 số không. Ý nghĩa khi sử dụng cho logo Google là lượng thông tin vô hạn mà Google cung cấp cho mọi người.

Apple: Ta đều biết rằng logo của Apple là hình ảnh trái táo bị cắn dở. Từ “cắn” – “bite” rất giống với “byte” là một thuật ngữ trong lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, quả táo cắn dở cũng được thiết kế theo tỷ lệ vàng của dãy Fibonacci. Đặc biệt, Logo này còn thể hiện sự chưa hoàn hảo và khát vọng tiến lên không ngừng của Apple.

Samsung: Hình ảnh chữ Samsung được bao quanh bởi một hình elip nằm nghiêng màu xanh có ý nghĩa là Samsung luôn sẵn sàng với chuyển động của thế giới, sáng tạo và đổi mới không ngừng. Đồng thời, trong tiếng Hàn, “sam” có nghĩa là “ba”, còn “sung” có nghĩa là ngôi sao, Samsung khi ghép lại là “tam sao”, mang ý nghĩa về sự quyền lực, trường tồn và sức mạnh của tập đoàn này.

LG: Chữ “L” cách điệu tượng trưng cho chiếc mũi và chữ “G” tượng trưng cho khuôn mặt, dấu chấm tượng trưng cho mắt. Tổng thể logo LG là khuôn mặt tươi cười đang nhìn bạn trìu mến, thân thiện tạo cảm nhận vui vẻ, ấm áp. Biểu tượng vòng tròn mở trong logo LG tạo nên một hơi hướng hiện đại, không bó buộc, luôn sáng tạo những điều mới mẻ.

Nike: Nike là tên Nữ thần chiến thắng ở Hy Lạp, logo mang tên Nike có thể được xem là đôi cánh của vị thần này. Nó tượng trưng cho sự chuyển động và tốc độ, phù hợp với định vị thương hiệu Nike trong suốt những thập kỷ qua.

– Adidas: Tên thương hiệu Adidas có nguồn gốc từ nhà sáng lập thương hiệu này là Adolf Dassler. Biểu tượng của Adidas gồm 3 đường kẻ sọc tạo nên hình ảnh một ngọn núi, tượng trưng cho những thách thức, khó khăn mà các vận động viên phải vượt qua để đạt được mục tiêu của bản thân.

– Mercedes-Benz: Biểu tượng logo của thương hiệu là 3 vòng tròn, thể hiện cho 3 yếu tố không thể thiếu trong thế giới động cơ là đất, nước và không khí. Vòng tròn bao quanh ban đầu là hình ảnh vòng nguyệt quế nhưng đã được tối giản hóa để phù hợp với thế giới hiện đại.

– BMW: Biểu tượng của logo này được lấy cảm hứng từ cánh quạt xanh xứ Bavaria, Đức, tượng trưng cho sự chuyển động hai cánh quạt trên những chiếc máy bay vào thập kỷ 20.

Khi những người phi công ngồi trong buồng lái và nhìn lên trời, hai cánh quạt này sẽ chia thành 4 phần bằng nhau với 2 phần màu xanh là bầu trời xinh đẹp của Bavaria.

– Walt Disney: Logo của thương hiệu này chính là chữ ký của người sáng lập, ông Walt Disney. Tuy đây không phải chữ ký thật nhưng nó thể hiện thực sự đã trở thành hiện thân cho tầm nhìn của thương hiệu dành cho trẻ em hàng đầu này.

– Starbucks: Logo Starbucks được lấy cảm hứng từ nữ thần Siren – nàng tiên cá trong thần thoại Hy Lạp. Hình ảnh này không chỉ khơi nguồn cảm hứng cho Starbucks mà còn thúc đầy thương hiệu này vươn tới tương lai.

– Chupa Chups: Logo Chupa Chups có thiết kế hoa cúc với màu sắc tươi sáng không chỉ thu hút sự chú ý của khách hàng mà còn ẩn chứa mục đích đặc biệt. Đó là logo sẽ nằm gọn trên đỉnh của viên kẹo khi gói lại, gây ấn tượng cho người mua khi mở kẹo ra.

– Unilever: Unilever là công ty đa quốc gia, sản xuất đa dạng các mặt hàng tiêu dùng vệ sinh khác nhau. Logo hình chữ U được ghép lại từ các biểu tượng mang ý nghĩa riêng biệt. Ví dụ một số biểu tượng như trái tim tượng trưng cho tình yêu, sự quan tâm và thấu hiểu, chú chim đại diện cho sự tự do, độc lập trước những ràng buộc để sự tận hưởng trọn vẹn cuộc sống,…

Xem thêm:

– Logo là gì? Các đặc trưng cơ bản trong thiết kế logo thương hiệu

– Pattern là gì? Các loại Pattern thường gặp trong ngành thiết kế

– Banner là gì? Kích thước tiêu chuẩn và cách thiết kế Banner thu hút

Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ hiểu rõ hơn về ý nghĩa, đặc trưng và vai trò của logo đối với doanh nghiệp. Nếu thấy bài viết bổ ích thì hãy để lại bình luận và chia sẻ bài viết nhé!

Nguồn tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/Biểu_trưng