Khái niệm
Lối sống là một phạm trù xã hội khái quát toàn bộ hoạt động sống của các dân tộc, các giai cấp, các nhóm xã hội, các cá nhân trong những điều kiện của một hình thái kinh tế xã hội nhất định và biểu hiện trên các lĩnh vực của đời sống: trong lao động và hưởng thụ, trong quan hệ giữa người với người, trong sinh hoạt tinh thần và văn hóa. Lối sống là phức hợp những mẫu hình nhận thức và hành động biểu hiện như sự lặp lại, phổ biến, ổn định dưới dạng thức hoạt động đặc trưng cho một dân tộc, một quốc gia, một giai cấp, một tập đoàn xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định
Lối sống bao gồm những yếu tố cấu thành như: Cách thức lao động, làm ăn, kinh doanh, các phong tục tập quán, cách thức giao tiếp ứng xử với nhau, quan niệm về đạo đức, nhân cách.
Ở một bình diện chung nhất, lối sống là một phạm trù thuộc lĩnh vực văn hóa. Khi nói về phạm trù “lối sống”, có rất nhiều quan niệm khác nhau do cách tiếp cận khác nhau.
Tâm lý học coi các yếu tố khí chất, tính cách, nhân cách là thuộc tính cơ bản của lối sống. Vì thế, khi nói “tính cách người Anh”, “tính cách người Việt” thì điều đó có nghĩa kiểu hành vi, kiểu ứng xử, kiểu suy nghĩ và cách biểu hiện cảm xúc, tình cảm này là đã mang tính chất đặc trưng cho mỗi nhóm xã hội và cả cộng đồng người đó rồi.
Nhân học, dân tộc học nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa của lối sống. Chính vì thế theo cách tiếp cận này, mỗi dân tộc cụ thể đều có một lối sống đặc trưng bởi hệ giá trị, chuẩn mực, phong tục tập quán, truyền thống, thói quen thể hiện qua cách ăn, mặc, lao động, nghỉ ngơi, sinh hoạt, ứng xử và giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi lối sống chứa đựng bản sắc văn hóa của dân tộc, nhờ vậy có thể nhận diện và phân biệt được người dân tộc này với người dân tộc khác.
Xã hội học cho rằng, lối sống là một phạm trù xã hội học dùng để chỉ kiểu hành vi, kiểu quan hệ xã hội tương ứng với vị thế – vai trò và cấu trúc xã hội nhất định. Lối sống qui định đặc điểm của tư duy, cách giao tiếp, ứng xử của con người trong các lĩnh vực lao động sản xuất, văn hóa xã hội, chính trị tư tưởng và đời sống sinh hoạt hàng ngày. Nhưng bản thân lối sống lại bị qui định bởi cấu trúc xã hội, phân tầng xã hội và hệ thống xã hội. Theo từ điển tóm tắt xã hội học (Liên Xô cũ): lối sống là những hình thức hoạt động sống (cá nhân, nhóm, tầng lớp) điển hình với những quan hệ xã hội cụ thể trong lịch sử.
Từ phạm vi rộng lớn ấy, có thể thấy: Lối sống là một thói quen có định hướng, có chất lượng lý tưởng. Nó là cách thể hiện tổng hợp tất cả các cấu trúc, nền văn hóa, đặc trưng văn hóa của một người hay một cộng đồng, là một yếu tố xã hội. Nó là tiêu chí đầu tiên, tổng hợp nhất thể hiện chất lượng văn hóa và trí tuệ của con người.
Như vậy, lối sống là một phạm trù xã hội khái quát toàn bộ hoạt động sống của các dân tộc, các giai cấp các nhóm xã hội, các cá nhân trong những điều kiện của một hình thái kinh tế xã hội nhất định và biểu hiện trên các lĩnh vực của đời sống: trong lao động và hưởng thụ, trong quan hệ giữa người với người, trong sinh hoạt tinh thần và văn hóa. Lối sống là phức hợp những mẫu hình nhận thức và hành động biểu hiện như sự lặp lại, phổ biến, ổn định dưới dạng thức hoạt động đặc trưng cho một dân tộc, một quốc gia, một giai cấp, một tập đoàn xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Ở đây, những chuẩn mực, giá trị, những truyền thống, tập quán có vai trò hết sức lớn đến phương thức hoạt động, tu duy cách ứng xử của người ta trong xã hội. Tất cả tạo thành cơ sở của khuôn mẫu hành vi của mỗi người, mỗi nhóm và tập đoàn người khác nhau trong xã hội. Nói cách khác, lối sống là tổng thể các nét căn bản đặc trưng cho hoạt động của các dân tộc, các giai cấp, các nhóm xã hội trong những điều kiện xã hội nhất định về mặt lịch sử. Nó là những cách thức, phép tắc tổ chức và điều khiển đời sống cá nhân, cộng đồng đã được thừa nhận rộng rãi và trở thành thói quen.
Từ những khái niệm khác nhau như trên có thể đưa ra một khái niệm chung tổng quát như sau: Lối sống là tổng hợp toàn bộ các mô hình, cách thức và phong cách sống của con người thể hiện trong mọi phương thức cũng như lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt đến thái độ, hành vi, cách tư duy, lối ứng xử giữa con người với con người, giữa chủ thể với đối tượng, giữa điều kiện với phương tiện và mục đích sống. Trong lối sống tổng hoà những nét cơ bản, khắc hoạ những đặc điểm cuộc sống của các cá nhân, các nhóm người, của giai cấp, dân tộc trong một xã hội nhất định. (Tạ Ngọc Tấn (chủ biên) (2005), Cơ sở lý luận báo chí, Nxb Lý luận chính trị)
Một số đặc điểm cơ bản của lối sống
+ Lối sống có cấu trúc của những dạng hoạt động sống của con người.
+ Chất lượng của lối sống đóng vai trò quan trọng trong sự phân biệt lối sống của các cá nhân, các nhóm xã hội và giữa các thời đại. Ở đây, chất lượng của lối sống được thể hiện ở hai loại chỉ số: Chỉ số những hoạt động khách quan gồm những khía cạnh kinh tế – xã hội tạo ra chất cho hoạt động sông của con người và Chỉ số những hoạt động chủ quan bao gồm những yếu tố cơ bản sau: mức thỏa mãn về mặt tinh thần trong hoạt động lao động , động cơ của hoạt động.
+ Lối sống được xây dựng nên từ những điều kiện xã hội
+ Lối sống cũng được xây dựng nên từ điều kiện tự nhiên
+ Lối sống được hình thành và phát triển qua hành động của con người
Phân biệt lối sống với những khái niệm khác
Lối sống và Mức sống: Mức sống là một chỉ báo nói lên trình độ sinh hoạt vật chất của con người. Mức sống chỉ là phương tiện để con người đạt được mục đích cao hơn: xây dựng lối sống, lấy nhu cầu văn hóa làm nhu cầu cao nhất của mình. Đôi lúc mức sống tác động quyết định đến lối sống.
Lối sống với lẽ sống, nếp sống: Lẽ sống là mặt ý thức, là sự lựa chọn chủ quan con người về lối sống, sự phản ánh tính tất yếu khách quan lối sống vào đầu óc con người và nếp sống là y thức điều chỉnh chuẩn mực hành vi đã được định hình. Có thể nói lối sống là cơ sở đầu tiên hình thành lẽ sống, nếp sống.
Lối sống với chất lượng của lối sống: Chất lượng sống là sự thống nhất giữa mức sống mà con người được hưởng với những điều kiện tự do cho hoạt động sống tất yếu của mình. Chất lượng sống được đo bằng chỉ báo quan trọng như: lao động, phúc lợi- tiêu dùng – sinh hoạt hàng ngày, giáo dục văn hoá, sức khỏe dân cư, hoạt động chính trị xã hội. Hệ thống chỉ báo này là hệ thống mở tính riêng cho từng nhóm xã hội. Nó phát triển phong phú, đa dạng và năng động tùy theo trình độ phát triển của từng quốc gia dân tộc.
Phân biệt lối sống với phong hóa: phong hóa vừa phản ánh nếp sống bao gồm các phong tục tập quán, vừa chỉ rõ trình độ văn hóa, giáo dục dân tộc.
Lối sống cá nhân và lối sống cộng đồng: lối sống của nhóm, cộng đồng là tổng số những lối sống của những cá nhân cùng đặc điểm, hoàn cảnh xã hội, cùng tôn trọng những giá trị, chuẩn mực. Khuôn mẫu hành vi ấy lại chính là cái buộc cá nhân khi suy nghĩ và hành động phải tuân theo. Nếu không chính họ sẽ bị đào thải ra khỏi nhóm, cộng đồng nơi ,cá nhân đó đã tự hội nhập vào.
Phân loại lối sống
- Theo tiêu chí lãnh thổ: lối sống nông thôn, lối sống đô thị, lối sống đồng bằng, lối sống miền núi….
- Theo tiêu chí hình thái kinh tế xã hội: lối sống phong kiến, lối sống tư bản chủ nghĩa, và lối sống chủ nghĩa xã hội…
- Theo tiêu chí giai cấp có thể phân thành lối sống tư bản, lối sống tiêu tư sản, lối sống công nhân, lối sống nông dân, lối sống trí thức…
- Ngoài ra theo từng dấu hiệu xã hội đặc thù khác chúng ta cũng có thể phân loại lối sống theo tiêu chí khác. Tuy nhiên sự phân chia này chỉ là tương đối của lối sống thường xuyên có sự tương tác pha trộn, hòa đồng vào Nó chịu sự tác động của cả những điều kiện xã hội lần địa lí tự nhiên.