Trong đầu tư, việc xác định lợi nhuận kì vọng là rất quan trọng trước mỗi quyết định đầu tư. Đây là thước đo để đi đến phương án đầu tư và mức giá chốt lời. Tuy nhiên trên thực tế, đa số nhà đầu tư lại rất mơ hồ về lợi nhuận kỳ vọng có thể đạt được và ở mức giá nào có thể chốt lời. Câu hỏi luôn được đặt ra là: nên chốt lời ở mức nào?
Với mô hình CAPM – Mô hình định giá tài sản vốn, sẽ cung cấp cho mọi người cách tiếp cận về mức sinh lợi kỳ vọng một cách đơn giản và có thể ứng dụng nhanh, rộng rãi ở tất cả các loại cổ phiếu.
Mô hình CAPM là gì?
Mô hình CAPM mô tả mối quan hệ giữa rủi ro và lợi tức kỳ vọng đối với tài sản, đặc biệt là cổ phiếu. Nói cách khác, công thức này lượng hóa mức kỳ vọng và chỉ ra lợi nhuận chính xác với kỳ vọng đó. Ví dụ đơn giản, cổ phiếu FLC mang tính rủi ro cao, vậy lợi nhuận kỳ vọng khi đầu tư cổ phiếu này ở mức độ nào?
Bất cứ khoản đầu tư nào cũng sẽ hàm chứa rủi ro và các mức lợi nhuận kỳ vọng khác nhau. Tất nhiên đối với mức độ rủi ro cao, nhà đầu tư cũng yêu cầu một mức sinh lợi cao hơn. CAPM sẽ trả lời cho câu hỏi với mức độ rủi ro nhất định thì lợi nhuận kỳ vọng chính xác là bao nhiêu.
1. Công thức tính CAMP
Công thức tính lợi nhuận kỳ vọng của một tài sản có rủi ro như sau:
R = Rf + Beta*(Rm – Rf)
Trong đó:
R: Lợi nhuận kỳ vọng trong đầu tư
Beta: Hệ số Beta
Rf: Lợi suất phi rủi ro (lãi suất trái phiếu chính phủ)
Rm: Lợi nhuận thị trường (tùy chỉ số chọn,có thể là Vn index hoặc Vn30)
CAPM là một phép tính đơn giản xác định tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng, có thể sử dụng trên mỗi loại tài sản rủi ro hoặc kết hợp cả một danh mục bao gồm nhiều loại tài sản. Trong công thức tính CAMP có tính đến rủi ro thị trường Beta. Như vậy, với các loại tài sản có rủi ro cao (chỉ số Beta cao), mức lợi nhuận kỳ vọng cũng ở mức cao hơn. Phần này sẽ bù đắp phần rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận. Nó thể hiện mối tương quan cùng chiều trong công thức trên. Tuy đơn giản nhưng mô hình CAMP được ứng dụng rộng rãi trong đầu tư, là công cụ giúp nhà đầu tư xác định mức lời nhuận kì vọng cũng như mức giá có thể chốt lời đối với cổ phiếu hoăc danh mục nắm giữ.
2. Tính toán và ứng dụng mô hình CAPM
Để dễ hình dung và so sánh các suất đầu tư khác nhau, nhà đầu tư áp dụng công thức CAPM. Nhờ công thức này, nhà đầu tư có thể phân biệt được sự khác nhau giữa tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào cổ phiếu có mức độ rủi ro thấp và cao. Chúng ta sẽ đi đến 02 ví dụ cụ thể đối với cổ phiếu VNM có chỉ số beta bằng 0,61 và cổ phiếu VCB có chỉ số Beta là 1,3.
Ví dụ 1: VNM có beta bằng 0,61, lãi suất bình quân thị trường bằng 15%/năm, lãi suất phi rủi ro bằng 3% (lãi suất ngân hàng hoặc trái phiếu chính phủ). Như vậy công thức tính toán sẽ là:
R = Rf + beta*(Rm-Rf) = 3% + 0,61*(15% – 3%) = 10,3%
Tỷ suất lợi nhuận kì vọng khi đầu tư vào cổ phiếu VNM là 10,3%
Ví dụ 2: Với VCB có beta bằng 1,3. Tỷ suất lợi nhuận thị trường 15% và lãi suất phi rủi ro 3%, tỷ suất lợi nhuận:
R = Rf + beta*(Rm-Rf) = 3% + 1,3*(15% – 3%) = 18,6%
Tỷ suất lợi nhuận kì vọng khi đầu tư vào cổ phiếu VNM là 10,3%
Rõ ràng khi đầu tư vào cổ phiếu có mức độ rủi ro cao hơn thể hiện qua chỉ số beta cao hơn, tỷ suất kỳ vọng cũng sẽ ở mức cao hơn. Như trong 02 ví dụ trên, tỷ suất của VCB với độ rủi ro cao cũng ở mức cao hơn so với cổ phiếu VNM, 18,6% so với 10,3%.
Kết luận: Với mô hình CAPM, nhà đầu tư có thể xác định nhanh chóng và dễ dàng tỷ suất lợi nhuận kì vọng. Đồng thời, có thể xác định mức lợi nhuận mong muốn khi đầu tư vào các loại tài sản có mức độ rủi ro khác nhau. Với nhà đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro để có lợi nhuận kì vọng cao hơn, có thể xem xét đối với các nhóm cổ phiếu có beta cao và ngược lại với phương châm “High risk – High return”.
>> Xem thêm:
Cách xác định dòng tiền lớn tham gia thị trường
Công cụ quản trị danh mục Finashark