Giới thiệu khái quát huyện Long Thành – Tỉnh Đồng Nai – Vansudia.net

Long thành ở đâu

Long Thành là một huyện nằm ở phía nam tỉnh Đồng Nai. Huyện được tái lập ngày 23 tháng 6 năm 1994, có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế động lực miền Đông Nam Bộ. Huyện đang có dự án sân bay quốc tế Long Thành tầm cỡ Đông Nam Á.

Địa lý

Long Thành là một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có diện tích 431,01 km². Huyện nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60 km, cách Biên Hòa 33 km, Vũng Tàu 60 km và cách Bình Dương khoảng 40 km. Phía đông giáp huyện Trảng Bom, huyện Thống Nhất và huyện Cẩm Mỹ. Phía tây giáp huyện Nhơn Trạch và Thành phố Hồ Chí Minh. Phía nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Phía bắc giáp thành phố Biên Hoà.

Lịch sử

Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn: Năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu sai Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Kính (tức Nguyễn Hữu Cảnh) vào làm kinh lược sứ vùng đất phương Nam. Ông sắp xếp lại bộ máy quản lý hành chính và chính thức đưa vùng đất mới trở thành một phần của Đại Việt. Ông lấy đất Đồng Nai thành lập phủ Gia Định gồm huyện Tân Bình (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) với dinh Phiên Trấn và huyện Phước Long (nay là Đồng Nai) với dinh Trấn Biên.

Long Thành vào năm 1698 là một tổng của huyện Phước Long. Năm 1808 (tức Gia Long năm thứ 7), Long Thành được nâng lên thành huyện thuộc phủ Phước Long trấn Biên gồm hai tổng Long Vĩnh Thượng (có 34 xã, thôn, phường ấp) và tổng Thành Tuy (có 9 thôn, ấp).

Đến năm 1820, quận Long Thành còn lại hai tổng Long Vĩnh và Thành Tuy với 53 thôn, phường. Năm 1836, vua Minh Mạng cho lập địa bạ các tỉnh Nam bộ, trong đó có địa bạ tỉnh Biên Hòa. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837) huyện Long Thành chuyển về thuộc phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hòa. Hai tổng cũ được chia thành 4 tổng: Long Vĩnh Thượng, Long Vĩnh Hạ, Thành Tuy Thượng, Thành Tuy Hạ.

Năm 1863, sau khi đánh chiếm Biên Hòa và ba tỉnh miền Đông, thực dân Pháp giữ lại các đơn vị hành chính của nhà Nguyễn. Theo đó huyện Long Thành gồm 4 tổng, 58 làng, xã.

Năm 1867, tỉnh Biên Hòa được chia làm 5 sở Tham biện, trong đó có sở Tham biện Long Thành gồm 5 tổng Việt Nam, 5 tổng Thượng (tức tổng gồm người dân tộc thiểu số), 105 xã thôn.

Ngày 27/7/1871, thực dân Pháp giải thể sở Tham biện Long Thành, nhập ba tổng Thành Tuy Thượng, Thành Tuy Hạ, Long Vĩnh Thượng vào hạt thanh tra Biên Hòa, tổng Long Vĩnh Hạ thuộc về hạt thanh tra Sài Gòn.

Ngày 14/8/1925, quận Long Thành thuộc tỉnh Biên Hòa thành lập lại gồm có 4 tổng, 43 làng: Bình Lâm Thượng (có 8 làng); Long Vĩnh Thượng (có 8 làng); Thành Tuy Thượng (có 16 làng); Thành Tuy Hạ (có 11 làng).

Theo thời sự cẩm nang năm 1939, quận Long Thành gồm 3 tổng:

– Tổng Long Vĩnh Thượng gồm 8 xã: An Hòa, Long Bình, Phước Tân, Long Hưng, Tam An, Tam Phước, An Lợi, Tân Hưng.

– Tổng Thành Tuy Thượng gồm 8 xã: Long An, Phước Mỹ, Phước Lai, Phước Lộc, Phước Thiền, Thái Thiện, Long Phước, Phước Hiệp.

– Tổng Thành Tuy Hạ gồm 6 làng: Phước An, Phước Lý, Phước Khánh, Phước Thạnh, Long Tân, Phú Hội.

Sau khi thực dân Pháp rút khỏi miền Nam, năm 1956 chính quyền Sài Gòn thống nhất gọi các làng là xã. Quận Long Thành gồm 2 tổng, 21 xã: Thành Tuy Thượng (có 14 xã); Thành Tuy Hạ (có 7 xã). Ngày 9/9/1960, chính quyền Sài Gòn tách một phần quận Long Thành lập quận Nhơn Trạch.

Với chính quyền kháng chiến, để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào kháng chiến địa phương, tổ chức hành chính và chiến trường huyện Long Thành nhiều lần được điều chỉnh:

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1948 chuyển các quận gọi là huyện, huyện Long Thành thuộc tỉnh Biên Hòa. Từ tháng 5/1951 đến tháng 7/1954 thuộc tỉnh Bà Chợ (Bà Rịa – Chợ Lớn). Từ cuối năm 1960 tách một phần huyện Long Thành thành lập huyện Nhơn Trạch. Huyện Long Thành gồm 17 xã, thị trấn: Long Hưng, An Hòa, Phước Tân, Tam Phước, An Lợi, Tam An, Phước Nguyên, Shiph (Long Đức), Thị trấn (Phước Lộc), Long An, Long Phước, Phước Thái, Bàu Cạn, Tân Hiệp, Lộc An, Bình Sơn, Cẩm Đường.

Từ tháng 10/1966 lại nhập hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch thành huyện Long Thành, tỉnh Biên Hòa. Chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy xuân 1968, tháng 10/1967 đến tháng 5/1971, huyện Long Thành thuộc phân khu 4. Từ tháng 5/1971 đến tháng 10/1972 tách thành hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch thuộc Phân khu Bà Rịa. Từ tháng 10/1972 đến 30/4/1975, huyện Long Thành thuộc tỉnh Biên Hòa.

Tháng 1/1976, hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch nhập thành huyện Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai, gồm thị trấn Long Thành và 30 xã: Lộc An, Long An, Long Phước, Tân Hiệp, Phước Thái, An Phước, Tam An, Phước Nguyên, Tam Phước, Phước Tân, Shiph, Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long Hưng, Phước Long, An Lợi, An Hòa, Đại Phước, Vĩnh Thanh, Phước Thọ, Phước Kiểng, Phước Thiền, Phú Hội, Phước Khánh, Phú Hữu, Long Tân, Phú Thạnh, Phước Lai.

Ngày 1/3/1980 đổi tên xã Shiph thành xã Long Đức. Ngày 17/1/1984 nhập xã Phước Long, Phước Thọ thành xã Long Thọ; nhập hai xã Phước Kiểng, Phước Lai thành xã Hiệp Phước; nhập hai xã An Lợi, Phước Nguyên thành xã An Phước. Ngày 12/2/1987 nhập hai xã An Hòa, Long Hưng thành xã Hòa Hưng.

Ngày 23/6/1994, Chính phủ ra Nghị định số 51/NĐ-CP chia huyện Long Thành làm hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Huyện Long Thành gồm thị trấn Long Thành và 19 xã: An Hòa, Long Hưng, Phước Tân, Tam Phước, Tam An, An Phước, Long Đức, Lộc An, Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước, Phước Thái, Bàu Cạn, Tân Hiệp và hai xã mới Bình An và Phước Bình.

Đơn vị Hành chính

Năm 2010 chuyển 4 xã An Hòa, Long Hưng, Phước Tân và Tam Phước về thành phố Biên Hòa. Huyện Long Thành hiện còn 15 đơn vị hành chính (gồm thị trấn Long Thành và 14 xã: Tam An, An Phước, Long Đức, Lộc An, Bình Sơn, Bình An, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước, Phước Thái, Phước Bình, Bàu Cạn, Tân Hiệp).​

Giao thông

Huyện Long Thành có những lợi thế so sánh về mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện gồm đường bộ – đường sắt – đường thủy – hàng không. Hệ thống đường giao thông do trung ương đầu tư gồm các tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn Long Thành gồm: tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; tuyến đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; tuyến đường cao tốc Bến Lức – Nhơn Trạch – Long Thành. Đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 51B đạt tiêu chuẩn cấp II với 4-6 làn xe để thực hiện chuyển giao QL 51A đoạn ngang qua thị trấn Long Thành cho địa phương quản lý. Các tuyến đường tỉnh gồm đường tỉnh 769, đường tỉnh 319 đoạn đi qua địa bàn huyện; Đường tỉnh Cụm cảng hàng không quốc tế Long Thành – Cẩm Mỹ nối với các tỉnh Nam Trung bộ; nâng cấp đường tỉnh 25B từ QL51 đi Nhơn Trạch. Mở mới tuyến đường tỉnh 25C từ Cụm cảng hàng không Quốc tế Long Thành đi Nhơn Trạch; xây dựng tuyến đường tỉnh ở khu vực kho trung chuyển miền Đông đi Biên Hòa.

Nằm trên tuyến đường Tp.HCM đi Vũng Tàu sẽ hình thành xây dựng các bến xe và trạm dừng xe trên tuyến QL51, ngoài ra còn có ở các khu vực trung tâm các xã Bình Sơn, Phước Thái.

Khai thác lợi thế đường sông như xây dựng bến tàu khách trên sông Đồng Nai, bến tàu khách Gò Dầu trên sông Thị Vải, bến tàu khách du lịch Tam An.

Trung ương xây dựng cụm Cảng hàng không Quốc tế Long Thành với quy mô diện tích 5.000 ha, công suất 80-100 triệu lượt hành khách/năm.

Với hệ thống đường cao tốc và các tuyến đường tỉnh đi qua địa bàn huyện cùng với các tuyến đường huyện được đầu tư nâng cấp mở rộng và hạ tầng khu trung tâm hành chính huyện được hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch được duyệt đã tạo thành mạng lưới giao thông đường bộ thuận lợi. Ngoài ra sự phát triển đồng bộ gồm đường bộ – đường sắt – đường thủy – hàng không gắn kết với các vùng là lợi thế và động lực thúc đẩy kinh tế trên địa bàn huyện ngày càng phát triển.

Kinh tế – Xã hội

  1. Dịch vụ:Hiện nay trên địa bàn Long Thành có chi nhánh của 20 Ngân hàng thương mại, 2 Quỹ tín dụng nhân dân, cần đẩy mạnh hoạt động tín dụng có uy tín, an toàn, có hiệu quả, có khả năng huy động tốt các nguồn lực trong xã hội để mở rộng đầu tư cho nền kinh tế. Thu hút dịch vụ thanh toán xuất nhập khẩu đối với các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, nhất là đối với doanh nghiệp FDI trong các Khu công nghiệp.Các công trình lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hầu hết đều đi ngang Long Thành hoặc đặt trên địa bàn huyện Long Thành, do vậy thị trường bất động sản đã và đang hoạt động sôi động, trong thời gian tới cần nắm chắc hoạt động này để bất động sản được vận động theo cơ chế thị trường, trở thành nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Nhà nước quản lý thị trường bất động sản để phát triển và điều tiết thị trường. Tạo điều kiện về đầu tư các dự án xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê để mở rộng loại hình dịch vụ cho thuê văn phòng, tận dụng lợi thế về vị trí địa lý của huyện Long Thành trong tỉnh Đồng Nai. Đẩy mạnh phát triển các loại dịch vụ tài chính về số lượng và chủng loại, tăng khả năng cung ứng dịch vụ của các chủ thể cung ứng dịch vụ tài chính. Rà soát để kiến nghị, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý có hiệu lực, đảm bảo bình đẳng, an toàn cho mọi tổ chức dịch vụ tài chính – ngân hàng. Tiếp tục phát triển và mở rộng bảo hiểm nhân thọ, đẩy mạnh hoạt động phi nhân thọ, xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm với đầy đủ các yếu tố thị trường.
  1. Công nghiệp:Có 7 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt và được Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai quản lý, gồm: Khu công nghiệp An Phước : 201 ha; Khu công nghiệp Gò Dầu : 210 ha; Khu công nghiệp Long Đức : 580 ha; Khu công nghiệp Long Thành : 488 ha; Khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn : 498 ha; Khu công nghiệp Phước Bình : 640 ha (Đang xây dựng); Khu công nghiệp công nghệ cao Amata Long Thành : 410 ha (Đang xây dựng) và và 4 cụm công nghiệp với tổng số 225 doanh nghiệp, trong đó 191 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, còn có 7.668 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ-thương mại, đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 37.000 lao động, đồng thời giúp cho công tác thu ngân sách Nhà nước hàng năm của địa phương đều vượt chỉ tiêu so với kế hoạch.
  1. Nông nghiệp:Phát triển một số mô hình cây trồng, vật nuôi chủ lực có hiệu quả kinh tế như: Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGap tại 2 xã Bình Sơn, Bình An tổng thu nhập từ 500-600 triệu đồng/ha/năm, tăng khoảng 300% so với thu nhập trước đây của các hộ nông dân; Mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao; Mô hình sản xuất và tiêu thụ rau sạch; Thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động Khu giết mổ gia cầm, gia súc tập trung tại xã Long An; chăn nuôi bò sữa và chế biến các sản phẩm từ bò sữa.
  1. Thương mại – Dịch vụ:Hiện nay Thị trấn Long Thành – huyện Long Thành đã được định hướng quy hoạch lên đô thị loại 4, đến năm 2030 sẽ là đô thị loại 3. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với tỉnh Đồng Nai xem xét quy hoạch vùng đô thị xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành, với định hướng phát triển đô thị như thế thì lĩnh vực dịch vụ-thương mại trong thời gian tới đây sẽ tăng nhanh. Huyện Long Thành đã và đang hình thành một số khu đô thị mới như khu đô thị Airlink City, khu đô thị Airlink Town, khu đô thị Aquamarine Town, khu đô thị Long Thành Center, khu đô thị Long Thành Dragon Land, khu đô thị Long Thành Pearl, khu đô thị Sunshine Residences…​​
  1. Các Di sản văn hóa:Long Thành hiện nay có 04 Di tích lịch sử- văn hóa được công nhận xếp hạng, trong đó có 01 di tích được công nhận xếp hạng cấp quốc gia và 03 di tích được công nhận cấp tỉnh. Ngoài ra tại địa phương còn có 181 di tích phổ thông có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật và mang đậm tín ngưỡng dân gian cần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa – lịch sử.