- Bi kịch của đứa con bất hạnh
- Thư của người con bất hạnh gửi mẹ
Mẹ tôi có 5 người con. Tôi là đứa con thứ 2 của mẹ. Là cô con gái duy nhất của bà trong số 5 đứa con.
Từ bé cho đến lớn tôi luôn tự hỏi một câu rằng: Tôi là gì của bố mẹ tôi. Tôi là gì của mẹ. Ngay cả khi đã trưởng thành, tôi cũng không thể nào trả lời được câu hỏi đó và mối nghi hoặc ngày càng lớn dần lên trong tâm trí tôi rằng, liệu tôi có phải là con gái ruột của bố mẹ tôi không? Hay bố mẹ đã nhặt tôi – một đứa con rơi vãi ở đâu đó về nhà và nuôi tôi để làm phúc làm đức.
Sự ghẻ lạnh của bố mẹ, đặc biệt là của mẹ làm tôi đau xót. Những trận đòn vô cơn cớ, những phân biệt đối xử của bố mẹ, đặc biệt là của mẹ đối với tôi so với 4 đứa con trai còn lại của bà đã giết chết tâm hồn tôi ngay từ thuở ấu thơ.
Tôi nhớ mãi tuổi thơ tôi chưa bao giờ nhận được một lời khen, một cử chỉ âu yếm, một lời vỗ về xuất phát từ tình mẫu tử của bố mẹ, đặc biệt là mẹ. Mỗi sáng tôi phải thức dậy sớm cùng mẹ nấu cơm cho anh trai và các em ăn đi học. Khi anh em trai tôi thức dậy, mẹ đều âu yếm ngọt ngào gọi các con vào ăn cơm nhanh để đi học.
Còn riêng tôi, lúc nào mẹ cũng cao giọng gắt lên: “Con V. mày chết giẫm ở đâu. Thế mày có định dọn cơm cho anh mày và các em ăn sáng để đi học không”.
Mẹ cư xử cứ như thể tôi là người hầu, tôi sinh ra để hầu hạ 4 đứa con trai của mẹ và việc đó là đương nhiên. Không có bất kỳ sự công bằng nào dành cho tôi trong căn nhà này. Mẹ cũng không bao giờ dùng những lời lẽ âu yếm nhẹ nhàng với tôi. Tất cả chỉ có những mệnh lệnh phũ phàng và những gắt gỏng vô lối. Cứ như thể tôi sinh ra lọt vào gia đình của mẹ là một sự sai lầm, một sự lạc loài.
Tôi luôn bị văng ra như một khúc xương xẩu của gia đình, như một mắt xích bị lỗi trong guồng quay của nó. Thành thử tôi là cái gai trong mắt mẹ. Tôi là thứ gì đó luôn làm mẹ ngứa mắt và hễ có chuyện gì bực mình không vừa ý trong nhà mẹ sẵn sàng hắt đổ lên đầu tôi, coi tôi như là nguyên nhân của mọi chuyện xui xẻo rắc rối của mẹ.
Hầu như ngày nào mẹ cũng kiếm chuyện đánh mắng tôi. Kể cũng lạ, với những người con trai khác của mẹ, rất ít khi thấy mẹ nói nặng lời. Mẹ chiều chuộng các con trai của mẹ bất kể lí do và hoàn cảnh. Bất cứ yêu cầu gì mong muốn gì của các con trai, dù khó khăn đến mấy mẹ đều tìm mọi cách để đáp ứng.
Nhưng với riêng tôi, cô con gái duy nhất của mẹ lại khác. Đơn giản nhất vào năm học mới hay Tết đến trẻ con thường được mẹ mua sắm cho bộ quần áo mới. Một năm trẻ con chúng tôi có hai dịp để mong chờ được mặc quần áo mới. Mong đến đỏ con mắt, và bấy nhiêu sung sướng khi Tết về có bộ quần áo mới là đủ.
Không có Tết nào, mẹ quên mua quần áo mới cho 4 người con trai. Tôi không bao giờ quên được nỗi uất hận tủi thân chồng chất trong những cái Tết không có quần áo mới.
Nhìn anh trai và các em của tôi xúng xính quần áo mới từ 25-26 Tết mà tôi chưa thấy mẹ nhắc nhở động tĩnh gì, ngày nào tôi cũng bồn chồn mong ngóng đến lượt mình sẽ có quần áo mới. Tôi chờ đợi mẹ đi chợ về, chờ đợi tiếng gọi của mẹ “V. ơi, quần áo mới mặc Tết của mày đây”.
Tôi cứ thế chờ đợi đến mỏi mòn. Những cái Tết là những quãng thời gian cay đắng nhất của tôi. Sự chờ đợi và mong mỏi đã làm cho tôi nghẹt thở vì tủi thân, nước mắt chảy giàn giụa.
Những năm đầu đời tôi thường hay oà khóc và hỏi mẹ: “Mẹ ơi quần áo mới mặc Tết của con đâu”. Mẹ tôi ớ người ra rồi trả lời một câu xanh rờn: “À, tao quên rồi. Tại mày là con gái, mua quần áo phải khác nên tao chưa kịp mua”.
Những tổn thương tinh thần từ những phân biệt đối xử của bố mẹ đã khắc vào lòng tôi những vết thương sâu hoắm. Việc tôi là đứa con duy nhất trong nhà không khi nào có quần áo mới mặc Tết đã đành. Khốn khổ hơn, mẹ tôi luôn khó chịu vì tôi cắp sách đến trường.
Mẹ tôi có một quán ăn nhỏ trong ngõ nhà, thế nên mẹ luôn muốn tôi bỏ học để ở nhà phụ giúp bà bán quán. Hễ bực mình chuyện gì đó bà lại gào lên: “Con V.! Mày học gì lắm. Nghỉ học đi ở nhà phụ giúp công việc với tao. Mày con gái học làm gì nhiều”.
Bắt đầu từ năm lớp 7, lớp 8, mẹ tôi đã ép tôi nghỉ học. Tôi không hiểu sao bà lại ghét tôi, phân biệt đối xử với tôi, không coi trọng con gái, xem con gái là thứ vô tích sự và không xứng đáng để được mặc quần áo mới dịp Tết, không xứng đáng để học lên, tốt nghiệp cấp 3 và thi đại học. Lí do gì để bà coi thường con gái đến mức như vậy là câu hỏi dằn vặt tôi trong suốt tuổi ấu thơ đẫm nước mắt.
Tủi nhục nhất là đến kỳ nộp tiền xây dựng trường hay một phần tiền học phí, hay bất kỳ thứ tiền nào đóng góp thì tôi luôn là đứa con phải chịu khổ nhục khi năn nỉ xin mẹ để nộp.
Trong khi các con trai của mẹ chỉ cần thông báo là mẹ đã cho tiền đầy đủ. Riêng tôi, mỗi lần xin tiền mẹ lại gào lên: “Tao đã bảo rồi, mày nghỉ học đi. Nhà này 4 đứa con trai đi học là đủ rồi. Tao không sức đâu mà nuôi thêm một đứa con gái nữa đi học. Mày là con gái học làm gì nhiều. Mày nghỉ học đi”.
Tôi thèm khát được đến trường, vì thế mà phải chịu khổ nhục để được mẹ cho đi học. Ngoài việc học ra tôi phải cáng đáng việc nhà cùng với mẹ như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, phụ mẹ bán hàng. Phải hết mọi việc nhà tôi mới được lén lút ngồi vào bàn học. Đang ngồi học mà mẹ sai việc gì thì phải chạy đi làm thật nhanh nếu không lại ăn chửi và ăn đòn.
Lên cấp 3 đang học dở lớp 10, mẹ tôi kiên quyết bắt tôi nghỉ học để ở nhà phụ mẹ nuôi 4 đứa con trai. Tôi ở nhà cặm cụi phụ việc bán quán với mẹ suốt cả thời thiếu nữ.
Quanh năm đầu tắt mặt tối không ngẩng đầu lên được. 4 đứa con trai của mẹ lần lượt lớn lên và trưởng thành trong sự chăm sóc của tôi và mẹ. Anh trai tôi vào bộ đội và công tác trong quân đội. Các em tôi đều học ngành học nghề đi thoát li cả.
Cuộc sống của mọi người đều ổn định, khá giả. Riêng tôi khó khăn nhất. Do không được học hành đến nơi đến chốn nên tôi ở quê và lấy một người chồng làm thợ xây. Mẹ tôi ngày càng già yếu không đảm đương quán xá được. Tôi thay mẹ làm chủ quán ăn nhỏ trong ngõ gần nhà để còn chạy qua chạy lại chăm sóc bố mẹ lúc trái gió trở trời đau ốm.
Mẹ tôi vẫn không hề thay đổi trong cư xử với tôi cho đến khi tôi đã trưởng thành có gia đình có chồng con. Có công lớn việc bé gì của bên ngoại mẹ đều gọi tôi về đảm đương dù tôi là con gái xuất giá tòng phu. Còn con trai, con dâu của mẹ là khách quý. Nhà có giỗ chạp tôi lăn vào làm đầu tắt mặt tối còn con trai con dâu của mẹ từ xa về được mẹ nâng niu đón tiếp quý hóa. Tôi cứ thế như một osin của mẹ tôi, của đại gia đình tôi.
Họp gia đình để quyết bất cứ việc lớn gì tôi lần như không được họp. Những lúc cần bàn việc lớn thì mẹ tuyên bố tôi là con gái đã xuất giá thành người của người ta. Còn những lúc cần người nấu nướng hầu hạ thì mẹ gọi tôi về như một ô sin.
Cũng thật kỳ lạ là mẹ rất chiều 4 cô con dâu và tôn trọng họ. Nhưng riêng tôi mẹ vẫn cư xử bất bình đẳng, sẵn sàng chửi rủa trước mặt các người con khác của mẹ.
Nhưng thật kỳ lạ, cả anh trai và 3 người em trai của tôi cũng y như mẹ rất coi thường tôi, coi tôi như đứa con thấp bé, hèn kém nhất nhà. Bố tôi thì đặc biệt nghe mẹ tôi, từ ngày trẻ ông đã chẳng bao giờ bênh vực tôi những khi mẹ tôi bạo hành tinh thần.
Giờ về già bố tôi lại càng thờ ơ không để ý coi như chuyện của người khác. Còn 4 gia đình người con trai của mẹ, là anh và em của tôi cũng mặc định theo cách ứng xử của mẹ không coi tôi ra gì.
Bố tôi bị ốm nặng rồi mất. Ba tháng trời tôi nghỉ bán quán để chăm bố trong bệnh viện và lo cho mẹ già ở nhà. Bốn gia đình con trai của mẹ trong suốt thời gian 3 tháng bố nằm viện cũng chỉ tranh thủ ghé qua một vài tiếng, gửi một ít tiền để thuốc thang cho bố rồi vội vã đi. Mọi sự chăm sóc cơm nước cho bố ở viện và mẹ ở nhà đều một mình tôi lo liệu.
Bố ốm nặng cũng trên tay tôi chăm sóc. Rồi bố qua đời cũng trên tay tôi. Ngày đưa tang bố xong, mẹ tôi họp gia đình các con lại và công bố bản di chúc. Mẹ cũng không gọi tôi về họp gia đình.
Mẹ nói tôi là con gái đã đi lấy chồng, coi như người ngoại tộc. Và cay đắng thay, căn nhà phố bố mẹ tôi đang sở hữu trên mảnh đất rộng 500 mét vuông bố mẹ tôi di chúc chia cho anh cả 1/2 để làm nơi thờ tự bố mẹ.
Phần còn lại chia đều cho 3 đứa con trai. Bố mẹ tôi không để lại một dòng chữ nào trong di chúc mà có nhắc đến tôi hay dành cho tôi lấy một mét đất nào.
Tôi đứng ngoài nghe lỏm mà uất hận nước mắt chảy dài. Khi mẹ công bố di chúc xong, quá uất hận tôi đã chạy vào nhà và lần đầu tiên trong cuộc đời đã ngoài tuổi tri thiên mệnh của tôi, những oan ức dồn nén đau khổ chỉ chực trào ra hết nhưng cuối cùng lại khiến cho tôi câm lặng run rẩy không thể dễ dàng để cất nên lời.
Tôi vừa khóc, vừa nói được mấy lời: “Mẹ! Trước bàn thờ tang của bố, con hỏi mẹ con là gì của bố mẹ? Con có phải là con ruột của bố mẹ không? Con có phải là em, là chị ruột của 4 đứa con trai của mẹ không? Tại sao lại đối xử với con bất công đến như thế. Con đã phải bỏ học cùng mẹ làm lụng nuôi các em nên người. Các em đi thoát ly xa, con ở nhà chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ. Sao bố mẹ lại nỡ đối xử với con như vậy được chứ”.
Nói được chừng ấy, tôi nghẹn lời, nước mắt trào ra. Tôi ào chạy ra khỏi căn nhà chưa từng có chỗ cho tôi. Tôi chạy khỏi đám người mang tiếng là mẫu tử, mẹ con, anh chị em trong gia đình tôi. Tôi đã chạy ra khỏi đó trong nước mắt tủi nhục… Tôi quyết tâm sẽ không bao giờ còn quay trở lại căn nhà đó nữa. Coi như tôi chưa từng có một gia đình. Coi như tôi đã trả hết những nợ nần mà có khi kiếp trước tôi từng nợ bố mẹ tôi, các anh và em tôi.
Người con bất hạnh: BV
Lời Ban biên tập
Chị BV kính mến!
Chuyên mục “Những chuyện khó tin nhưng có thật” từng đã nhận được rất nhiều những bức thư gửi đến tâm sự chuyện đời, đặc biệt là câu chuyện bị bố mẹ phân biệt đối xử, bỏ rơi, hay bạo hành tinh thần.
Chúng tôi cũng đã từng trích đăng rất nhiều câu chuyện viết về những nỗi đau khổ của những người con sinh ra bị bố mẹ thờ ơ, ghẻ lạnh và đối xử tệ bạc. Không câu chuyện nào giống câu chuyện nào, nhưng tựu trung lại đều là những nỗi đau ứ nghẹn không nói nên lời.
Chúng tôi cũng không hiểu tại sao trên đời này vẫn xảy ra những câu chuyện đau lòng về tình mẫu tử. Ngạn ngữ có câu “hổ dữ không ăn thịt con” nhưng vẫn còn có không ít những ông bố, bà mẹ hơn loài dã thú khi bạo hành cả tinh thần lẫn thể xác đứa con mình rứt ruột đẻ ra, gây ra biết bao di chứng nặng nề về cả thể chất lẫn tinh thần cho con của mình. Thậm chí có nhiều ông bố bà mẹ phải vào tù vì đối xử với con mình quá độc ác.
Câu chuyện của chị thiên về sự bất công trong cư xử của bố mẹ đối với chị. Và dù chị chưa kể về những trận đòn roi, mà với những cư xử ghẻ lạnh, những bất công của bố mẹ chị đối với chị cũng đã đủ để gây nên những vết thương lòng mãi mãi không bao giờ lành trong chị.
Chúng tôi chỉ hơi băn khoăn một điều là chị quá ngoan ngoãn, quá nghe lời, sẵn sàng chịu nhục, chịu nhường nhịn các em và một mực nghe theo sắp đặt của bố mẹ.
Hiền ngoan, nghe lời là đức tính tốt nhưng trong trường hợp của chị chưa chắc đã là tốt bởi chị đã không nói ra được những phản ứng, những suy nghĩ của mình để bố mẹ chị biết cảm giác của chị, hoặc để họ nhận ra họ đang sai lầm đối với chị. Sự nhẫn nhục vâng lời của chị quá lâu đã tiếp tay cho cái xấu cái ác từ phía bố mẹ chị.
Chính sự không phản ứng của chị đã tạo cơ hội cho thói quen đàn áp của bố mẹ chị và chị là nạn nhân của thói độc đoán, bạo hành, phân biệt đối cử của bố mẹ chị.
Thật quá muộn để nói gì lúc này với chị. Theo chúng tôi chị nên họp gia đình lại, trước mẹ và các em, cả anh trai chị nữa, chị hãy nói một lần cho hết tất cả những uất ức dồn nén trong chị mấy chục năm qua. Nói một lần cho thỏa đáng. Chúng tôi tin rằng anh trai chị và các em trai của chị đều đã trưởng thành, họ sẽ nhận ra những bất công đối với chị và họ sẽ có những sửa sai khi chưa quá muộn.