Hoạch định nhu cầu nguyên vật liệu MRP
Khái niệm
Hoạch định nhu cầu nguyên vật liệu hay lập kế hoạch yêu cầu vật liệu trong tiếng Anh được gọi là Material Requirements Planning.
Hoạch định nhu cầu nguyên vật liệu (MRP) là một hệ thống quản lí hàng tồn kho dựa trên máy tính được thiết kế để cải thiện năng suất cho doanh nghiệp. Các công ty sử dụng hoạch định nhu cầu nguyên vật liệu MRP để ước tính số lượng nguyên liệu thô và lên lịch giao hàng.
Hoạch định nhu cầu nguyên vật liệu là một nội dung cơ bản của quản trị sản xuất được xây dựng trên cơ sở trợ giúp của kĩ thuật máy tính được phát hiện và đưa vào sử dụng lần đầu tiên ở Mỹ vào những năm 70.
Cách tiếp cận MRP là xác định lượng dự trữ nguyên vật liệu, chi tiết bộ phận là nhỏ nhất, không cần dự trữ nhiều, nhưng khi cần sản xuất là có ngay. Điều này đòi hỏi phải lập kế hoạch hết sức chính xác, chặt chẽ đối với từng loại vật tư, đối với từng chi tiết và từng nguyên liệu.
Người ta sử dụng kĩ thuật máy tính để duy trì đơn đặt hàng hoặc lịch sản xuất nguyên vật liệu dự trữ sao cho đúng thời điểm cần thiết.
Ý nghĩa
Nhờ sự mở rộng ứng dụng máy tính vào hoạt động quản lí sản xuất, phương pháp MRP đã giúp cho các doanh nghiệp thực hiện được công tác lập kế hoạch hết sức chính xác chặt chẽ và theo dõi các loại vật tư, nguyên liệu chính xác, nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Giảm nhẹ các công việc tính toán hàng ngày và cập nhật thông tin thường xuyên, đảm bảo cung cấp đúng số lượng và thời điểm cần đáp ứng.
Phương pháp hoạch định
Phương pháp hoạch định nhu cầu nguyên vật liệu tỏ ra rất có hiệu quả, vì vậy nó không ngừng được hoàn thiện và mở rộng ứng dụng sang các lĩnh vực hoạt động khác của doanh nghiệp. Một số phương pháp hoạch định nhu cầu nguyên vật liệu chính chủ yếu là:
– MRP (Material Requirement Planning) hay còn gọi là MRP I mục đích là lập kế hoạch sản xuất không xét đến năng lực sản xuất, coi năng lực sản xuất của doanh nghiệp là vô hạn.
– MRP II (Material Resource Planning) ra đời cuối những năm 70 trên cơ sở MRP I có điều chỉnh bằng cách đưa biến số năng lực sản xuất của doanh nghiệp vào mô hình.
– MRP III: phát triển MRP II bằng cách đưa ra những chương trình phần mềm chuyên dụng cho một số loại hình doanh nghiệp với mục đích kiểm soát toàn bộ các nguồn lực của doanh nghiệp trong kế hoạch hóa sản xuất.
Lợi ích
Qua ứng dụng và triển khai thực tế người ta thấy được những lợi ích của MRP như sau:
– Đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu đúng thời điểm, khối lượng và giảm thời gian chờ đợi
– Giảm thiểu lượng dự trữ mà không làm ảnh hưởng đến mức độ đáp ứng và phục vụ khách hàng
– Nâng cao khả năng sử dụng một cách tối ưu các phương tiện vật chất và lao động
– Tạo sự thỏa mãn và niềm tin tưởng cho khách hàng
– Tạo điều kiện cho các bộ phận phối hợp chặt chẽ, thống nhất với nhau, phát huy tổng hợp khả năng sản xuất của doanh nghiệp
– Tăng hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh
(Tài liệu tham khảo: Quản trị tác nghiệp, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)