Mỡ máu là một bệnh lý liên quan mật thiết đến các thói quen sống hàng ngày. Bệnh thường khó phát hiện trong thời gian đầu. Chúng ta có thể được bác sĩ chẩn đoán bị máu nhiễm mỡ hay không sau khi có kết quả xét nghiệm máu. Vậy máu nhiễm mỡ là gì, nguyên nhân và cách điều trị như thế nào? Hãy đọc những thông tin dưới đây để hiểu thêm về bệnh máu nhiễm mỡ.
08/04/2020 | Làm gì để giảm lượng mỡ máu Triglyceride?09/01/2020 | Xét nghiệm bộ mỡ giúp đánh giá tình trạng mỡ máu chính xác26/12/2019 | Bí kíp kiểm soát chỉ số mỡ máu18/12/2019 | Xét nghiệm mỡ máu là gì và ý nghĩa các chỉ số trong xét nghiệm
1. Bệnh mỡ máu là gì?
Bệnh mỡ máu (hay còn được gọi là bệnh máu nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa lipid máu) là tình trạng chỉ số thành phần mỡ có trong máu vượt quá mức giới hạn do các nguyên nhân dẫn đến rối loạn chức năng chuyển hóa lipid trong máu.
Bệnh mỡ máu
Các chỉ số bình thường của các thành phần mỡ có trong máu:
-
Cholesterol toàn phần: < 5.2 mmol/L .
-
LDL – Cholesterol: < 3.3 mmol/L.
-
Triglyceride: < 2.2 mmol/L.
-
HDL – Cholesterol: > 1.3 mmol/L.
Các chỉ số trên ở mức bình thường, các xét nghiệm cho kết quả cholesterol toàn phần, LDL – cholesterol, Triglyceride cao hơn chứng tỏ bạn đang có biểu hiện bệnh mỡ máu. Tuỳ vào mức độ tăng cao của các chất trên mà biểu hiện tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Trong khi đó, HDL – Cholesterol là một Cholesterol tốt cho sức khỏe giúp tăng đào thải LDL – Cholesterol (gây hại cho sức khỏe), khi HDL – cholesterol tăng là một dấu hiệu tốt.
2. Nguyên nhân gây bệnh mỡ máu
Bệnh có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do lối sống sinh hoạt và ăn uống không phù hợp gây tổn hại đến sức khoẻ và làm giảm hiệu quả chuyển hoá lipid trong máu.
Có thể điểm lại một số nguyên nhân xuất phát từ lối sống gây nên tình trạng máu nhiễm mỡ:
-
Lười vận động, thừa cân, béo phì.
-
Hút thuốc lá.
-
Uống rượu bia.
-
Ăn nhiều thức ăn chứa nhiều chất béo, nhất là mỡ động vật.
Ăn uống không hợp lý gây nên máu nhiễm mỡ
Một nguyên nhân khác quan trọng đó là do di truyền: đây là một nguyên nhân liên quan đến vấn đề gen và đột biến. Nguyên nhân này gây nên các vấn đề trong chuyển hoá cholesterol, nhất là nhóm LDL.
Ngoài ra các nguyên nhân khác cũng tác động vào quá trình làm tăng mỡ máu như biến chứng của các bệnh: đái tháo đường, suy thận, suy gan, bệnh nhiễm trùng, hội chứng Cushing, viêm ruột,…
Sử dụng thuốc tránh thai, thuốc lợi niệu, thuốc an thần,… cũng có nguy cơ làm rối loạn chuyển hóa lipid, tăng lượng mỡ trong máu.
3. Các triệu chứng của bệnh mỡ máu
Bệnh mỡ máu thường không có hoặc có ít triệu chứng ban đầu khiến nó khó được phát hiện và làm người bệnh chủ quan. Các lipid xấu trong máu sẽ tích tụ dần vào trong lòng mạch (nguy hiểm nhất là ở động mạch) lâu ngày sẽ tạo thành các mảng bám lớn hơn chèn ép lối đi của dòng máu. Điều này cản trở sự lưu thông máu đến các cơ quan, gây ra các hiện tượng như: đau đầu, tê bì chân tay, chóng mặt, mệt mỏi,…
Đặc biệt khi các mảng bám lớn xuất hiện ở các mạch máu lớn ở tim, gan, thận gây tắc nghẽn mạch máu có thể khiến các cơ quan này ngừng hoạt động, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
4. Bệnh mỡ máu có chữa trị được không và phương pháp như thế nào?
Do đặc điểm là phát triển chậm với các triệu chứng không rõ ràng nên việc phát hiện sớm bệnh này khá khó khăn. Vì thế đòi hỏi người bệnh phải thường xuyên chú ý đến sức khoẻ của mình và tiến hành xét nghiệm máu theo định kỳ. Phát hiện sớm bệnh sẽ giúp nâng cao tỷ lệ chữa khỏi và hạn chế gây biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên chính vì khó khăn đó mà đa số các trường hợp bị bệnh đều được phát hiện khi bệnh nhân đã trong tình trạng nặng, khiến việc điều trị triệt để là rất khó khăn. Bệnh gây biến chứng trên nhiều cơ quan khác nhau, lúc này ngoài việc điều trị đưa chỉ số mỡ có trong máu về mức độ bình thường thì bạn còn phải điều trị các biến chứng xảy ra.
Các biến chứng này thường là: Xơ vữa động mạch, suy tim, xơ gan,… Lúc này, việc chữa trị rất mất thời gian và tốn kém chi phí.
Xơ vữa động mạch: một biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh mỡ máu, khi trong máu có hàm lượng LDL – Cholesterol bị dư thừa, chúng sẽ tích tụ bám vào các thành động mạch. Các LDL – Cholesterol này sẽ bắt các LDL – Cholesterol khác và các thành phần khác trong máu như hồng cầu, tiểu cầu, làm hình thành khối máu đông gây tắc nghẽn lòng mạch. Hậu quả là máu lưu thông khó khăn khiến cho cơ quan nhận máu ít, ảnh hưởng đến chức năng cơ quan đó. Đặc biệt khi các mảng xơ vữa xuất hiện ở tim và não sẽ gây nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, có thể dẫn đến tử vong.
Các mảng xơ vữa gây hẹp động mạch
Phương pháp điều trị hiệu quả:
-
Ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ động vật.
-
Không hút thuốc lá, không uống rượu bia.
-
Tăng cường vận động cơ thể thường xuyên và đều đặn, đặc biệt các bài tập giảm mỡ vùng eo bụng.
-
Sống thoải mái, thư giãn, hạn chế căng thẳng.
-
Dùng thuốc điều trị: trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc điều trị bệnh mỡ máu, tuy nhiên mỗi loại thuốc phù hợp với cơ địa của từng người khác nhau vì vậy cần có chỉ định và kê đơn từ bác sĩ, nên phối hợp sử dụng các bài thuốc từ thảo dược.
Lưu ý: Nên phối hợp tất cả các phương pháp với nhau để cho hiệu quả tốt nhất. Khi kết quả điều trị thành công, các chỉ số mỡ trong máu trở lại mức bình thường thì vẫn nên giữ thói quen tốt nêu trên vì bệnh có khả năng tái phát dễ dàng, giữ lối sống khoa học và đi khám định kỳ thường xuyên để nắm chỉ số mỡ trong máu.
5. Nên ăn gì để kiểm soát mỡ máu?
Những người bị bệnh dù ở mức độ nào cũng nên thực hiện chế độ ăn hợp lý chứa các loại thực phẩm sau:
-
Nên ăn các loại rau xanh vì chúng ít Cholesterol.
-
Ăn thịt nạc thăn, hạn chế ăn thịt mỡ và nội tạng động vật.
-
Ăn thức ăn ít chất béo như cá, các họ đậu, hoa quả tươi.
-
Các loại nấm: nấm hương, mộc nhĩ.
-
Gừng hỗ trợ rất tốt trong việc giảm mỡ trong máu.
-
Trà sen hoặc các loại trà thanh lọc cơ thể.
Rau xanh tốt cho người bị bệnh máu nhiễm mỡ
Các loại thực phẩm cần tránh ăn nhiều:
-
Đồ ăn chiên nhiều dầu mỡ.
-
Đồ ăn chế biến sẵn.
-
Nội tạng động vật.
-
Ăn nhạt sẽ tốt hơn cho hoạt động của tim mạch.
Mỡ máu là một bệnh tương đối phổ biến và liên quan nhiều đến thói quen sống hàng ngày. Để kiểm soát bệnh tốt nhất, cần có một chế độ sinh hoạt khoa học trong ăn uống và luyện tập, đồng thời nên sử dụng một số thuốc có tác dụng kiểm soát mỡ máu. Nếu có vấn đề gì thắc mắc về tình trạng máu nhiễm mỡ, hãy liên hệ với đội ngũ chuyên viên của MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn miễn phí.