Người ở mom sông – Vanchuongviet.org

Mom sông nghĩa là gì

Hơn 20 năm đất nước bị chia cắt, có những bà mẹ lâm vào hoàn cảnh rất trớ trêu, rất đặc biệt. Có bà mẹ vừa quấn khăn tang khóc đứa con thứ nhất hy sinh cho ngày hòa bình, thống nhất của tổ quốc. Sau đó ít lâu, mẹ thêm một lần quấn khăn tang đau đớn vĩnh biệt đứa con mình đứt ruột đẻ ra chết cho “chính nghĩa quốc gia”. “Tôi là một bà mẹ thuộc diện “gia đình đau khổ”. Một bà mẹ đã tự nói lên hoàn cảnh của mình như thế với đôi mắt đờ đẫn vì nỗi đau mất con có lúc đã làm bà trở nên vô cảm. Rồi có những bà mẹ không chồng, bao năm cắn răng nuốt lại tủi nhục, nhọc nhằn nuôi đứa con duy nhất lớn khôn. Khi đất nước chiến tranh, con trai mẹ cầm súng đánh giặc…Nửa thế kỷ sau, mẹ ngỡ ngàng khi được nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Anh hùng là gì, mẹ cũng không biết… Trên những nẻo đường đất nước, tôi đã gặp biết bao nỗi niềm, thân phận. Có những chuyện không thể viết bằng thể loại ký nêu tên người thật, việc thật. Tôi đành phải viết truyện ngắn. Nhưng truyện ấy nào phải là không có thật… <?xml:namespace prefix = o ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:office” />

Hương chủ Tam đỏ mặt tía tai, vỗ bàn quát nạt Hương quản Mẹo:

– Một năm chú mày hưởng mấy chục giạ lúa bổng lộc để làm cái chuyện gì, hả ?. Tại sao cái bụng con Út Thiệt lùm lùm ra, hả? Nè, nói cho mà biết, chú mày không tém dẹp được chuyện đó thì có nước đội quần, mau mau làm lễ nộp phạt cho làng, liệu mà trả chức hương quản. Đầu trên xóm dưới ai chẳng biết con Út Thiệt là cháu gọi mày là bác ruột . Càng là con em hàng chức sắc, càng phải xử nghiêm để làm gương. Chú mày hiểu chưa, hả?

Hương quản Mẹo mặt xanh như tàu lá, cớm rớm thanh minh :

– Bẩm ông, xưa nay Út Thiệt vốn hiền lành nết na. Đùng một cái… Thiệt, nhà có con gái như hủ mắm treo đầu giàn, chẳng biết lúc nào mùi thúi nó xì ra. Bẩm ông xét lại, nó làm cái chuyện đó lén lút, chỉ trời đất, giường chiếu, trăng sao biết. Con siêng năng khám điền thổ nhà khác, đâu dè nhà mình… Chừng đổ hô ra…

– Thì cái chức hương quản của chú mày chắc gì còn. Coi cực khổ vậy chớ nhiều đứa thèm nhễu nước miếng.Việc này đổ bể, chú mày còn mặt mũi nào nhận miếng thịt giữa làng- Hương chủ Tam chậc lưỡi: – Nhè lúc Làng Phong Mỹ mình ganh đua với mấy làng khác lãnh cái “mề đay”, cái bụng con Út Thiệt làm đổ bể hết…

Hương quản Mẹo rầu rĩ :

– Bẩm quan lớn, bây giờ con biết tính sao đây ?

– Còn gì nữa mà tính . Lẽ ra chú mày phải lo tém dẹp chuyện cái bụng Út Thiệt lúc còn trứng nước . Không gả chồng được cho nó thì tống đi đâu cho khuất mắt, hiểu chưa ?!

Út Thiệt mồ côi cha mẹ từ năm lên 9. Mấy mẫu ruộng sâu cùng một con trâu nái cha mẹ cô để lại mặc nhiên thuộc quyền quản lý của ông Mẹo, người anh ruột của cha cô. Nhờ có của ăn của để, từ một nông dân lam lũ vô danh tiểu tốt, ông Mẹo đã vươn lên chức Hương quản trong làng. Từ khi có chút tiếng tăm, quyền lực, Hương quản Mẹo trở nên trái tính trái nết. Ra đường ông được mọi người vì nể, xun xoe đã đành. Về nhà, ông càng tỏ ra mình quan trọng. Ông ăn cơm riêng mâm ở gian nhà trên. Khi ông cất tiếng gọi, mọi người dạ ran, luôn chực chờ làm thỏa mãn ý muốn của ông. Út Thiệt lui cui dưới bếp, đôi má hồng rực, lúc xào cho ông bác dĩa lòng gà, lúc nướng khô sặc, bầm xoài tượng làm đồ nhậu cho ông. Chân ngoài đồng tay trong nhà, hết mùa lúa này qua mùa lúa khác, cô bé Thiệt đen đúa, ốm nhom ngày nào đã trở thành một thiếu nữ với vòm ngực nẩy căng. Cũng như bao cô gái khác trong làng, Thiệt làm lụng, ước mơ và khao khát. Nhưng cô không có ai để thổ lộ và chia xẻ. Người thím mặc nhiên xem cô là con ở. Ông bác thì quyền uy xa cách. Ông chỉ dành thời gian cho những việc lớn lao, trọng đại của làng nước. Út Thiệt cô đơn, lầm lũi trong núi công việc không tên của đồng ruộng, bếp núc. Người ta chỉ chú ý đến Thiệt khi cái bụng của cô không còn giấu được dưới làn áo bà ba thôn nữ. Hương quản Mẹo nổi trận lôi đình, trút xuống Thiệt những trận đòn thừa sống thiếu chết rồi đuổi cô ra khỏi nhà. Ông thị uy để phân bua trước làng:

Nhà này danh giá, không chứa gái hư. Con gái hư thì không được hưởng thứ gì trong nhà này. Của cải cha mẹ nó để lại không đủ bù công tôi nuôi nó lớn.

Út Thiệt hiểu cô không còn có chỗ trong ngôi nhà mà cô đã gắn bó, nương tựa từ năm lên 9, cho dù đó chỉ là chái bếp với chiếc giường tre ọp ẹp. Đêm đêm, cô giật mình thức giấc vì những chú gà ngủ trên chái bếp ỉa xuống chỗ cô nằm. Vì danh dự của người bác làm đến chức hương quản, Út Thiệt ra đi …

Nhưng đi đâu ? Chỉ có mom sông rìa làng là nơi cô có thể nương tựa, vì nó là phần đất đầu ghềnh cuối bãi còn nhão nhoét bùn sình bị quên lãng. Thời còn bé đi chăn trâu cho bác, Út Thiệt đã từng lang thang ngoài mom sông này suốt ngày. Mom sông là phần đất bồi chưa hình thành, với những cây bần trụ lại nơi đầu bãi, vươn những chiếc rễ lên trời, mặc cho gió vùi sóng dập. Út Thiệt đã từng ngẩn ngơ nhìn những cánh bần trắng muốt rơi lả tả trên sông theo từng cơn gió bị thổi bạt. Không hiểu sao lúc ấy mắt cô rưng rưng. Cô khóc vì cám cảnh mồ côi, bị bạc đãi, và vì một cái gì dâng lên từ sâu thẳm nỗi lòng, một nỗi buồn không gọi thành tên mà cô không giải thích được. Giờ đây bụng mang dạ chửa, đôi chân ì ộp dưới lớp phù sa ngập quá đầu gối, Út Thiệt khó nhọc tiến từng bước ra mom sông. Nỗi buồn tủi dâng lên khiến mắt cô cay xè. Cái quẫy đạp của đứa bé trong bụng khiến cô cắn chặt răng, lau nước mắt. Cô không còn đủ thời gian để buồn. Út Thiệt ngắm thế đất. Cô tất bật lặng lẽ dựng lên ngôi nhà sàn ở mom sông. Thật ra đó là một túp lều mọc trên chạc ba những góc bần. Cô lầm lũi hái những bông lúa ma, sàng sấy chắt lọc từng hạt gạo trắng ngần. Cô lầm lũi phát hoang cấy lúa, lầm lũi đặt những lưỡi cuốc đầu tiên đắp bờ bao níu giữ lại những hạt phù sa. Một khu vườn sơ khai đang bắt đầu hình thành với những bờ mương đầy tôm cá . Cô trồng so đũa trên những vạt đất đầy cỏ. Lầm lũi từng ngày, mồ hôi trộn với nước mắt, Út Thiệt đã dựng cho mình một cơ ngơi trong lãng quên và cô độc. Cô chẻ tre đan nò, đó, bện những tấm đăng bắt cá. Cô cưu mang đứa con trong bụng bằng những bông sua đũa, những đọt lục bình, những trái bần chua, những đọt rau ngổ mọc lên xanh mướt quanh bờ mương, những hạt lúa ma hoang dại, tôm cá từ dòng sông mang tới… Và đêm đêm, dưới ngọn đèn dầu mù u vàng vọt, leo lét, cô may những chiếc áo sơ sinh, tả lót cho con. Cô nuốt lại những giọt nước mắt, thì thầm những lời hòa trong tiếng sóng của dòng sông mẹ đang thao thiết chảy. Sống! Tiếng gọi ấy vang lên mãnh liệt và thống thiết từ trái tim đau khổ của người mẹ…

Út Thiệt chuyển bụng sinh con trong tiếng trống nô nức của làng đón Tết. Năm nay làng cô ăn Tết lớn vì được mùa, vì làng nhận được “mề đay” của quan trên. Không hiểu sao trong cơn đau quằn quại, Út Thiệt vẫn hình dung ra cảnh hương chủ Tam ngồi vểnh râu cầm chầu, đôi mắt ti hí hấp háy trước sắc đẹp lộng lẫy của cô đào đóng vai chánh trong vở “Hồ nguyệt cô hóa cáo”. Kế đó là hương cả, hương quản… Hàng chức sắc tranh nhau giành miếng thịt giữa làng. Thật ra thì làng cô khá trù phú, tôm cá ê hề, gà vịt tràn đồng, heo trong chuồng mập ú. Nhưng miếng thịt giữa làng bằng một sàng xó bếp là danh dự, ngôi thứ. Vì những thứ đó mà cô phải ra mom sông … Gió từ lòng sông hầy hậy thổi vào túp lều bé nhỏ, trống hoác của Út Thiệt. Cô vừa đau bụng vừa lạnh run . Lúc đầu, cô rên lên từng chặp. Nhưng một lúc sau, cô cắn chặt răng cố chịu đựng cơn đau. Những cơn co ngắn dần, càng lúc càng mãnh liệt. Giây phút ấy, Út Thiệt thèm có người ở bên cạnh cô biết bao. Nhưng mom sông vẫn quạnh vắng như thời thơ ấu cô biết. Chỉ có gió khua trên những cành bần xào xạc là chia xẻ cùng cô cơn đau chuyển dạ. Trong làng giờ này sẽ thật đông vui với những hội hè. Người ta tụm lại, bù khú bên chiếu bạc, đám cá cược đá gà, đám hát, cùng vỗ tay, reo hò ỏm tỏi. Đêm xuân vui vẻ này có ai thèm nghĩ đến một mom sông đầy cỏ dại và những hạt lúa ma hiu hắt. Một dòng nước vỡ ra từ người cô, không gì ngăn lại nổi, như nước chảy tràn bờ. Những cơn đau liên tục dồn xuống bụng dưới, lan rộng ra sau lưng cô. Út Thiệt có cảm giác như sống lưng cô sắp gãy làm đôi. Những cơn đau thúc giục cô dồn hết sinh lực cho một cơn rặn dài. Cơn rặn mà cô có cảm giác một phần của cơ thể bị bứt lìa khỏi thân …

Một cái gì bật ra, rời khỏi cô, nhẹ hẫng. Cô mệt lả, gục xuống sàn nhà. Tiếng khóc! Út Thiệt chờ đợi tiếng khóc chào đời của đứa con vang lên. Nhưng đáp lại sự mong đợi của cô chỉ có tiếng gió rú rít, thét gào trên những tán cây. Cô cố chống tay nhỏm dậy. Đập vào mắt cô là chiếc bọc tròn màu xám. Cô khẽ kêu lên: “Trời, bọc điều!”. Cái sinh linh bé bỏng cần sự trợ giúp ấy không cho phép cô gục xuống. “Cần phải xé cái bọc ra!”. Nhưng chợt cô co rúm người vì sợ hãi. Nỗi sợ của con người trước khi đối diện trước một điều gì đó thật lớn lao, dữ dội mà ta chưa biết trước nó sẽ ra sao… Những câu chuyện của những bà thợ cấy về ái tình, sinh nở loáng thoáng trên cánh đồng trở về tâm trí Út Thiệt. Bàn tay tháo vát, mềm mại của cô cũng đã từng đỡ sanh cho những chú bê, chú nghé ra đời. Cô đã từng thò tay vào miệng lấy nhớt dãi, lột móng chân cho chúng … Tất cả những chuyện “ thấy ghê” ấy , kỳ lạ thay , giờ đây trở nên thật gần gũi . Chúng trỗi dậy, mách bảo cô hành động , giúp cô thêm phần can đảm …

Cô xé cái bọc ra , nâng trên tay một bé trai tím tái vì ngộp. Cô thổi vào miệng, vào mũi bé,hà hơi, tiếp sức. Lời kêu cứu khẩn thiết của cô vang lên trong túp lều: “Có ai đó không? Bà con cô bác ơi. Có ai khô…ng!”. Chỉ có tiếng sóng vỗ rì rào của dòng sông mẹ và tiếng gió không nguôi đáp lại lời cô. Cô quýnh lên, móc nhớt dãi trong miệng bé, rồi lại mút, lại thổi…Đứa bé cựa quậy, rồi một tiếng khóc yếu ớt vang lên. “Sống rồi!”. Út Thiệt reo lên, ứa nước mắt vì mừng rỡ. Cô tự cắt rún cho bé bằng một thanh tre mỏng rồi cẩn thận quấn bé trong chiếc chăn đã cũ. Đến lượt cô tự lấy nhau ra. Cô cho bé bú những giọt sữa dầu tiên. Bé vụng về ngoạm lấy đầu vú mẹ. Khi bé nín khóc, ngủ say, cô mới tự cho phép mình gục xuống…

“Thưa bà, những năm tháng ấy bà làm gì để nuôi con?”

Bà Thiệt giương đôi mắt kèm nhèm nhìn cô nhà báo đang lăm lăm cây bút trên tay, đôi mắt mở to, ngước nhìn bà, chờ đợi… Đột nhiên, bà đâm ra có cảm tình và thấy gần gũi với con người trông có vẻ lanh lợi và sang trọng mà bà buộc phải tiếp. Cô ta là người thành phố. Chính quyền địa phương đã đưa cô ta đến đây gặp bà. Thoạt đầu, bà ác cảm với bộ đồ jean cô ta mặc trên người, cùng lỉnh kỉnh viết, bút, máy ảnh… Trông cô ta xa lạ với bà. Nhưng cô đã biết hỏi bà một điều vô cùng giản dị : làm gì để nuôi con. Suốt mấy mươi năm, chưa ai chia sẻ với bà điều cốt lõi và gan ruột ấy, những người quan hệ máu mủ với bà, cả con người gọi là cha của con bà… Không một ai chia sẻ cùng bà những năm tháng đơn thân nuôi con, những đêm bà thức trắng canh giấc khi “cu Thà” sài đẹn, không ai giúp bà một hộp sữa, viên thuốc nuôi con. “Nhưng lớn lên, nó nói nó là con của Tổ quốc. Nó phải đi đánh giặc để giữ nước. Nó đã quyết chí, mình làm sao cản được. Chà, khi nó mặc đồ bộ đội, mang súng trên vai, trông nó cũng oách lắm. Nó lẫn trong đoàn quân. Mình cố nhón chân cho thật cao kiếm nó. Nhưng đông người quá, mình chẳng thấy nó đâu..”. Đôi mắt cô nhà báo mở to đăm đắm nhìn bà chờ đợi câu trả lời khiến bà Thiệt trở về thực tại. Bà hấp háy đôi mắt già nua, cố nhớ lại. Túi lệ bà chợt vỡ ra những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt lăn xuống, chảy tràn những rảnh ngang dọc chằng chịt trên gương mặt bà. Nước mắt chảy xuôi. Bà xắn tay áo chùi nước mắt…

Những năm tháng ấy làm gì để nuôi con hả? Bà Thiệt thần người nhớ lại. Bà đã làm tất cả, ăn mắm hút dòi, lặn ngòi oi nước để nuôi thân, nuôi con. Cứ vào độ tháng 10 âm với những ngày gió chướng thổi về, rừng so đũa mom sông trổ đầy hoa trắng. Những giàn đậu rồng cũng hé mở những cách bướm xinh xinh. Rồi những trái đậu rồng non nhú ra dần. Bà gượng nhẹ hái từng bông so đũa, những trái đậu rồng đem ra chợ bán. Tháng chạp, trời lạnh cắt da, nửa đêm, bà bì bõm mom sông xúc tép. Những con tép tẩm rượu làm mắm cong mình đỏ au dưới nắng. Mùa hạ, bà cắt những bông bí xếp từng nạm vào thúng. Bé Thà còn nhỏ quá, bà đành để chú lọt thỏm giữa thúng hoa, kĩu kịt trên vai gánh hoa vàng đi chợ đường xa. Bà cắt cỏ cấy lúa, cuốc đất trồng bắp trồng khoai trên những bờ mẫu hoang vắng. <?xml:namespace prefix = st1 ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags” />Tay chân bà bể bạt, chai sần, nứt nẻ. Bà chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai, trái bắp, bông hoa…mua cho con manh quần tấm áo. Không ai thức cùng bà canh giấc ngủ con thơ , không ai chia sẻ cùng bà những ngày bầu vú cạn sữa. Xuân hạ thu đông tuần tự đi qua khiến đôi má người mẹ dần phai nhạt. Chú bé Thà dần lớn lên, cao vồng, chắc lẳn. Dần dà, chú đã đỡ đần cho mẹ những công việc nặng nhọc. Chú đã biết sửa lại giàn đậu rồng, lợp lại mái nhà, trồng thêm bờ so đũa, đắp bờ, phát cỏ… Sự cần cù, thương khó của mẹ con bà đã biến mom sông quạnh vắng ngày nào thành mảnh vườn xanh ngắt. Có đồng ra đồng vào, cuộc sống mẹ con bà Thiệt cũng đỡ vất vả. Ở tuổi 40, màu hồng chưa mất hẳn trên đôi má bà Thiệt. Lòng bà vẫn còn xao động trước vầng trăng tròn đầy soi xuống dòng sông lấp lánh ánh bạc. Nỗi khao khát có lúc bùng lên, đốt cháy bà, khi chính bàn tay bà phối giống cho bò, heo, gà, vịt. Bà mát tay đỡ những chú heo con tròn trặn, kháu khỉnh ra đời. Mom sông ngày thêm trù phú bởi sự giao hòa của hoa lá chim muông, gió trăng, trời nước… Chung quanh bà là bầu không khí của sinh phồn thực. Những con ong hút nhụy hoa bay vù vù. Mật ong sóng sánh trên những cành cây… Ấy cũng là lúc những ngài hương cả, hương chủ, hương… để mắt đến mom sông của người góa phụ. Cậu bé Thà ghét cay ghét đắng những ông “hương” trong làng. Họ bao giờ cũng quần áo bảnh chọe, vẻ hách dịch, oai quyền. Lấy cớ đi khám điền thổ, họ sục đến bất cứ ngõ ngách nào. Mom sông đầy lúa ma hoang dại của mẹ chú ngày nào cũng không thoát khỏi những đôi mắt cú vọ của chúng. Thường những bậc chức sắc đi “khám điền thổ” từ mom sông trở về đều gặp phải những sự cố như chìm xuồng, bị ong chích, sa vào ổ kiến, sụp hầm… Chú bé ghét nhất là tên hương quản Tỵ để râu con kiến. Hắn luôn lấy cớ coi sóc việc an ninh của xã sục sạo vào mom sông của mẹ con chú vào bất cứ lúc nào. Một lần, hắn ôm gương mặt sưng vù vì tổ ong vò vẽ bay túa ra, đuổi theo hắn mà đốt. Hắn biết rõ thủ phạm gây ra mọi sự cố trục trặc, đáng ghét chính là chú bé Thà. Chú tuy còn bé nhưng quyết liệt bảo vệ mẹ. Không ăn được thì đạp đổ, dần dà, chúng đâm ra ghét cay đắng mom sông. Vào một ngày cuối năm, bà Thiệt nhận được trát đòi trình làng. Tên hương bộ dí quyển sổ dày cộp vào mặt bà truy thu tiền thuế. Bà Thiệt há hốc mồm, ngơ ngác. “Trời đất, hồi mình bụng mang dạ chửa ra mom sông lập nghiệp tới giờ đã hơn chục năm. Hồi đó, đất ở đây còn ngập bùn nhão nhoét, chỉ có bần, lác, lúa ma… Mấy năm nay nhờ mình cần cù, bền chí đắp từng cái bờ bao, bồi mương, cuốc đất vất vả mới có được khu vườn này”. Mẹ con bà đã lỉa đất từ chỗ cao đắp xuống chỗ trũng cho khu vườn bằng phẳng, lành lặn. Những ngày đầu trốn ra đây, bà phải bắt ốc hái rau, lặn hụp mò cá tôm ngoài bãi sông đắp đổi qua ngày. Bao nhiêu là mồ hôi nước mắt, khó nhọc, họ chẳng cần biết tới. Bây giờ làng cho truy thu thuế, bà chẳng biết lấy gì mà nộp. Tên hương quản đắc chí vểnh bộ râu con kiến: “Một tháng nữa mà Út không nộp đủ thuế là đất không nằm trong sổ bộ. Đất lậu. Người nào bỏ tiền ra đóng thuế thì thuộc quyền sở hữu của người đó, Út hiểu không ?”. Thân phận bà góa, thấp cổ bé miệng, chịu bao nhiêu nỗi o ép, Út Thiệt chỉ biết kêu trời, mặc cho những giọt nước mắt uất ức tuôn trên má …

Ấy cũng là lúc Nhật đảo chính Pháp. Rồi chính quyền thuộc về Cách mạng. Thà đã trở thành chàng trai vạm vỡ. Anh gia nhập Thanh niên tiền phong bằng cả bầu máu nóng của tuổi trẻ. Anh đẹp lạ lùng trong chiếc quần “soóc”, áo sơ mi, chiếc nón bàng tập võ thuật, diễn thuyết, hòa vào đoàn biểu tình mừng ngày độc lập. Anh nói với mẹ, điều mà bà Thiệt không bao giờ ngờ đến :

– Mẹ ơi, đất nước mình đã độc lập!

Bà run lập cập hỏi lại :

– Độc lập rồi hả, là sao hả con?

– Là 80 năm đô hộ của bọn thực dân đã bị đổ nhào. Đất nước mình có quốc kỳ rồi mẹ à!

– Quốc kỳ là gì hả con?

– Là… cờ Tổ quốc. Mẹ thiệt là…

Anh Thà gắt. Lá cờ Tổ quốc đỏ thắm có ngôi sao vàng năm cánh ở giữa bay phất phới trên nóc Nhà Việc, nơi bà đã từng bị đòi đến để truy thu thuế. Bà Thiệt nghe lùng bùng bên tai về lời giải thích của Thà. Bà không thể hiểu được biểu tượng của màu đỏ, màu vàng, ngôi sao là gì. Bà chỉ biết đó là lá cờ Tổ quốc. Và lá cờ ấy có một sức mạnh thiêng liêng, đến nỗi con trai bà sẵn sàng chết để bảo vệ nó. Bà ngơ ngác nhìn con trai. Bà không nghĩ mấy năm vắt chày ra nước cho anh học hết lớp nhứt trường làng lại mang đến điều ích lợi không ngờ. Bà ngỡ ngàng nhìn con trai. Anh hiểu biết và chững chạc. Trước sự phấn khích của Thà, trước lá cờ Tổ quốc bay phất phới trong gió thu, nước mắt bà trào ra vì vui sướng. Độc lập rồi! Có nghĩa là những người phụ nữ từng dại dột, nhẹ dạ như bà không phải ra mom sông mà ở, không phải đóng thuế vô tội vạ, không còn những “ông hương” tìm mọi cách o ép đòi bà phải cho họ thứ này thứ khác. Một lần nữa, bà không ngăn được sự đa cảm, lắp bắp thốt lên :

– Độc lập, độc lập thiệt rồi hả con?

Từ trong sâu thẳm của ký ức, bà nghĩ đến một con người. Nhưng bà cố gạt đi. Con người ấy bây giờ xa xôi quá. Vả chăng, ông ta không còn mảy may cần thiết trong cuộc đời bà. Vả chăng, những tháng ngày gieo neo nhất bà đã vượt qua. Bụng mang dạ chửa phải cúi gằm mặt mà đi, bị đuổi ra mom sông , phải sinh con một mình. Bàn tay bé nhỏ của bà đã dựng nên túp lều, đã đơn thân độc mã nuôi con, cần cù khó nhọc …Con người ấy giờ đây xuất hiện sẽ làm đảo lộn cuộc đời bà. Những năm tháng thanh xuân góa bụa bà cũng đã cam chịu, đã chặt lòng chặt dạ đi qua. “Bây giờ mình đã già. Lòng khát khao cũng đã tắt. Mình chỉ còn lại thằng Thà. Nó mà biết được mình nghĩ ngợi lung tung thì kỳ lắm !” Bà càng cố quên , con người ấy càng hiện rõ trong tâm trí bà, nhập vào hình dạng của Thà. “Thằng nhỏ giống ổng quá, từ đầu mày cuối mắt, dáng đi. Nhưng ông ta đã bỏ rơi mình. Ông ta đã chết rồi!”. Con người ấy đã chết trong tâm tưởng của bà, hay ít ra, trong những phút xao động này, bà đang cố dìm xuống, dẹp bỏ …

Cô nhà báo lau nước mắt nhìn bà Thiệt, cái nhìn vừa chia sẻ vừa tò mò:

– Sao bà không muốn nhớ? Bà có dối lòng không?

Bà Thiệt lấy cục thuốc xỉa ra khỏi miệng, lau cổ trầu, nhìn lại cô nhà báo bằng đôi mắt kèm nhèm, đầy vết rạn chân chim. Bà buông từng tiếng thủng thỉnh :

– Ở đời, có nhiều điều sống để bụng, chết mang theo. Cô đã hỏi nhiều chuyện… tôi không tiện nói. Ái chà, tại tôi dễ tính, chớ người khác mà cô hỏi như vậy, chắc là họ đuổi cô ra khỏi nhà rồi đa!

Cô nhà báo cười chữa thẹn. Cô hiểu mình đã chạm đến điều cấm kỵ của người xưa. Phải, cũng đã hơn 7 thập kỷ trôi qua, thế hệ bà và cô có biết bao khoảng cách, bao điều cấm kỵ. Thời của bà, phụ nữ nói đến “yêu đương” là không đứng đắn, cũng không được quyền chọn lựa. Họ sống trong bốn bức tường khuê môn bất xuất. Nụ hôn dành cho nhau phải giấu trong bóng tối. Nhưng xét cho cùng, cuộc sống ngày ấy và bây giờ cũng chẳng có gì khác nhau, cũng ái tình, cũng khao khát, cũng tham vọng, hèn nhát, chia ly và gặp gỡ… Người phụ nữ ngày xưa và bây giờ cũng có chung một nỗi đau, bởi họ quá yêu thương, cả tin, xả thân, vị tha và hy vọng … Cô hiểu mình đã đi quá xa mục đích chính của công việc cô đang làm. Cô đang cần có thực tế, cần tiếp cận với một Bà Mẹ Việt Nam anh hùng để viết bài cho số báo sắp tới với chủ đề “Bà mẹ”. Cô lặn lội cả mấy trăm cây số, tìm đến mom sông này gặp bà chỉ có vậy thôi. Vậy mà với sự đa cảm, tò mò dẫn dắt, cô đã cố tìm hiểu bà mẹ ở những ngóc ngách không tiện nói đến cho tấm gương bà mẹ anh hùng chút nào. Trông thấy cô lúng túng, bà Thiệt cũng tỏ ra độ lượng chuyển hướng. Bà đón ý :

– Cô muốn hỏi thằng Thà nhà tôi hy sinh như thế nào hả?

Cô nhà báo thở phào nhẹ nhõm. “Chà, bà già này cũng đáo để thật, biết tỏng cả ý nghĩ của mình!”. Nhưng liền sau đó cô lặng đi vì đôi mắt dài dại, xa vắng, buồn thăm thẳm của bà …

Ấy là lúc giặc Pháp quay trở lại. Thằng Thà nhà tôi gia nhập đoàn quân vệ quốc. Ái chà, lúc ấy đâu còn “hương cả”, “hương chủ” nữa mà nhớ tới chuyện nó là con vô danh hay có danh, nó là con vợ chánh hay vợ thứ, nó có cha hay bị bỏ rơi… Cái thời ấy, Tổ quốc lâm nguy- nó giải thích vội vội vàng vàng rồi sầm sập chạy đi cùng chúng bạn. Nó ra đi chỉ mang theo cái bòng đựng có mấy bộ đồ, nóp với giáo trên lưng. Tôi xúc cho nó cái ruột tượng gạo. Nó rơm rớm nước mắt nhìn tôi, cất lời an ủi: “Mẹ ở nhà ráng giữ cái mom sông . Còn mấy bờ mương con chưa kịp bồi. Mẹ cứ để đó, chờ đánh giặc xong con về…”. Vậy là nó đi. Tới chừng giáp trận -Ấy là sau này tôi nghe kể lại – Tiểu đội nó bị bao vây. Cần mở đường máu cho đồng đội, nó… nghĩ cách cho giặc hướng mũi súng về phía nó. Cô ơi, vào cái giây phút đó… đâu có người chiến sĩ nào nghĩ mình là con vô danh hay có danh, khai họ cha hay họ mẹ. Đứng trước mũi súng quân thù, nó là một người lính. Nó không sợ chết để bảo vệ lá cờ Tổ quốc– cái mà nó đã giải thích cho tôi: “Là 80 năm đô hộ của bọn thực dân đã bị đổ nhào. Mình đã có độc lập. Mình đã có quốc kỳ rồi mẹ à!”. Tôi nhớ như in trong đầu những lời nó nói. Nó giỏi lắm, hiểu biết hơn tôi nhiều. Tội nghiệp, nó chết còn trẻ măng, tôi chưa kịp cưới vợ cho nó. Nó là đứa con độc nhứt của tôi. Tôi biết là nó ham sống lắm chớ. Sống để cưới vợ, để có con đàn cháu đống như người ta, để lợp lại mái nhà cho tôi, để bồi mấy mương vườn, để sửa lại mấy giàn đậu rồng, để uống rượu tràn cung mây mấy ngày giỗ tết với bè bạn…Nó ham sống lắm. Nhưng mà trong trong lúc thập tử nhất sinh, nó là chiến sĩ. Đã là chiến sĩ thì sẵn sàng hy sinh. Vậy là nó ngã xuống…

Để cứu sống đồng đội, anh Thà đã ngã xuống trong một trận đánh năm 1948…

Bà không muốn biết, không muốn tin đứa con trai duy nhứt của mình đã hy sinh. Bà tin anh còn ở trên đời. Mỗi lần có đoàn quân đi qua là bà cố nhón chân tìm. Bà cứ nghĩ anh đang lẫn trong đoàn quân. Cứ mỗi chiều bà lại ra mom sông trông ngóng. Mấy bờ mương anh Thà hẹn về bồi cỏ đã mọc lên dày bịt. Bà cắt cỏ, bà bồi vườn, bà lợp lại mái nhà thay anh với niềm tin anh sẽ trở về. “Tôi làm thay nó mọi việc, để khi nó về nhà, chỉ còn việc đi cưới vợ!”. Bà cười móm mém. Niềm tin vô biên ấy của bà gieo vào lòng người nỗi thương cảm. Chẳng ai dám nói với bà anh Thà đã chết thật rồi. Họ sợ bà tỉnh. Bà thui thủi một mình ở mom sông với những cơn mộng du trong niềm tin anh Thà sẽ trở về… Rồi cuộc chiến tranh mới lại tiếp diễn. Lần này bom đạn nhiều hơn. Người ta quên lãng mom sông vì bom đạn cày xới, vì chủ nhân nửa điên nửa dại, lặng lẽ như cái bóng. Bà cô độc và lẩn thẩn. Người ta nghĩ rằng bà chẳng có ích cho ai nhưng cũng vô hại. Không ai quan tâm và đề phòng một bà già lẩn thẩn. Chỉ có bà là biết được mình cần thiết cho ai. Bà cần phải trụ lại mom sông đầy bom đạn ấy để cấy lúa, trồng so đũa, hoa bí, bắp ngô, đậu rồng, để xúc từng con tép phơi khô gom góp lại… Chỉ cần có ai về lại mom sông, vạch bức vách túp lều thì thầm bên tai bà: “Mẹ ơi, tụi con bị vây trong rừng mấy ngày nay rồi, đói lắm. Mẹ có gì cho tụi con ăn hay không?” là bà lật đật ngồi dậy. Bà gom góp những thứ có được, giấu chúng trong thúng cỏ, trong bộ quần áo thùng thình, vá chằng vá đụp bạc phếch. Bóng bà ngã dài trong hoàng hôn tím ngắt in nơi chân trời phía bên kia sông. Trên mảnh đất ngày của bên này, đêm của bên kia, bà chắt chiu từng quả mít, gói cá khô, hủ mắm tép, nồi cơm nếp, chùm bánh la cà bắp , trái bắp, củ khoai để sẵn ngoài bìa rừng. Con người nửa mê nửa tỉnh mách bảo bà không nên dừng lại nơi đó lâu, sẽ có những cặp mắt cú vọ rình rập. Và như thế cũng có nghĩa là “đồng đội thằng Thà sẽ gặp nguy hiểm không lường…”. Bà lặng lẽ bỏ đi. Ngày hôm sau quay lại “điểm tiếp tế” đã ngầm qui ước với mớ bắp, khoai luộc. Những bờ khoai môn xòe những chiếc lá tròn rộng che chở cho bà. Bà biến vào màu xanh, vào đêm tối nhẹ nhàng… Bà nhìn vào hốc cây, nơi để thức ăn. Nếu như những thứ đó có “đồng đội thằng Thà” lấy đi rồi, bà thở phào nhẹ nhõm vì vui mừng: “Vậy là tụi nó đã có cái ăn!”. Nhưng cũng không ít lần bà lặng người nhìn những gói thức ăn còn nguyên đó. Xa xa, có tiếng súng nổ, giặc bố ráp, ngăn chặn mọi con đường. Trên đầu bà, những “con quạ đen” quần đảo, những ngọn cây ngã nghiêng. “Sao bom đạn chừa cái bà già khùng điên này mà không tha cho tụi nhỏ?”. Bà ngước nhìn theo hướng tiếng súng nổ, gan ruột bà thắt lại, nước mắt vòng quanh trên má. Cơm gạo đây rồi, khoai củ đây rồi mà “đồng đội thằng Thà” đành nhịn đói. Nhìn gói cơm mắm, khoai, bắp đã mốc meo lòng bà đau như cắt. Đàn kiến nối dài, đen đặc công kênh bu lấy phần thức ăn bị bỏ lại trong hốc cây có hiểu cho lòng bà. Tiếng súng, từng tràng súng chát chúa lại nổi lên. Bom đạn từ nơi đâu dội về làm rung rinh mặt đất nơi bà đứng. “Thà ơi, con ở đâu sao không về? Đồng đội của Thà ơi, các con ở đâu?”. Bà ngồi thụp xuống òa khóc…

Rồi hòa bình…

Bà vẫn nửa điên nửa dại, thui thủi ở mom sông. Mỗi hoàng hôn, mắt bà mờ dại nhìn ra khu vườn hoang vu . Đã lâu rồi, bà không còn sức cuốc đất bồi mương nữa, không còn đủ sức lỉa đất từ nơi cao đắp xuống chỗ thấp nữa. Cỏ dại mọc đầy trên những lối đi. Trên những cành cao chót vót đung đưa những trái chín dơi ăn phân nửa…Mom sông bây giờ có nhiều ngôi nhà mọc lên, không còn hoang sơ như trước nữa. Nhưng người xung quanh hầu như không ai nhớ đến bà…

Cho đến mãi gần 20 năm sau ngày hòa bình…

Vào một buổi chiều nắng quái, ông chủ tịch huyện cùng chị chủ tịch Hội tìm đến mom sông. Họ phải vạch cỏ mà đi, bởi từ lâu, dường như bà chẳng rời khỏi túp lều. Bà đang ngồi ngoáy trầu trên bộ ván mối mọt ăn lỗ chỗ. Nhác trông thấy người lạ, bà co rúm người vì sợ hãi. “Trời, hương chủ, hương cả, hương quản, hương tuần, hương… tới đây làm chi. Chuyện tôi có thằng Thà đã qua lâu lắm rồi, xin các người hãy tha cho tôi!”. Bà lùi dần vào bức vách, đôi mắt hoảng loạn. Ông chủ tịch huyện gật đầu chào bà đầy thương cảm, tôn kính. Chị chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ dịu dàng giải thích:

– Không, mẹ ơi, đã lâu rồi, lâu lắm rồi đâu còn các bậc chức sắc. Đã lâu rồi, những người phụ nữ lâm vào hoàn cảnh như mẹ không phải ra mom sông mà ở. Hơn nữa, Mẹ… Mẹ là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng…”

9. “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng ? Anh hùng? Mình là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng sao? Bà Thiệt ngẩn ngơ nhìn quốc kỳ đang được kéo lên, bay phất phới trong làn gió xuân trước lễ đài. Bà đang ngồi trên hàng ghế danh dự dành cho những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng bà không tin vào mắt, vào tai mình nữa. Mọi việc đột ngột quá. Bà được Hội Phụ Nữ tặng cho bộ quần áo dài đẹp để mặc nhân ngày lễ trọng đại. Gần 20 năm sau ngày hòa bình, Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho những bà mẹ có một con độc nhất là liệt sĩ, có hai con và chồng hy sinh, có ba con là liệt sĩ trở lên… Bà Thiệt len lét nhìn quanh. Bà nhận ra có quá nhiều những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Có những bà mẹ có đến 9, 10 người con hy sinh. Bà chùi nước mắt, nhận ra không chỉ có anh Thà là không trở về, bắt bà chờ đợi, ngóng trông nơi mom sông lặng lẽ. Bà ngộp trong rừng cờ hoa. Bà bấu vào tay cho thật đau để biết mình đang ở đâu, mơ hay là thật. “Sao đột nhiên mình được tôn vinh một cách kỳ lạ như vậy? Mình-bà mẹ đã từng hoang thai, bị gia đình người bác trước sức ép của các bậc chức sắc đuổi ra khỏi nhà vì tội làm bại hoại gia phong. Mình phải ra mom sông mà ở. Mình đã cực khổ, gieo neo sinh thằng Thà một mình, âm thầm nuôi nó lớn khôn. Tháng 10 âm mình hái hoa so đũa đem bán, mùa hạ hái bông bí, tháng chạp hái đậu rồng, tháng giêng, hai trồng khoai bắp, trồng đậu, trồng cà… Thằng Thà lớn lên từ những thứ ấy. Nó chắc nọi, đen trùi trũi. Nó khoe với mình lần đầu tiên đất nước có quốc kỳ. Rồi nó vào lính đánh Tây… Mình chờ nó, năm này qua năm khác, thương cả những đồng đội của nó, mình ở lại mom sông…Cái con út Thiệt ngày nào cúi gầm mặt xuống đất mà đi trở thành mẹ của anh lính vệ quốc, rồi giờ đây, gần đất xa trời mình lại được mặc bộ quần áo dài đẹp, đội khăn đẹp, được dìu ra chiếc xe đẹp, lớn ơi là lớn, chạy êm ru xuống huyện làm lễ phong tặng cho những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Anh hùng, mình là Bà mẹ Việt Nam anh hùng ?”…

Từ nơi sâu thẳm của trí nhớ, bà Thiệt nhìn thấy lá cờ Tổ quốc trong một buổi sáng mùa thu năm nào. Bà nhẩm tính, cũng đã gần 50 năm ngày anh Thà ra đi. Bà đã chôn vùi cuộc đời góa bụa và cô độc của mình ở mom sông, đã bị lãng quên, đã tắt đi niềm hy vọng. Sao lại có ngày hôm nay… Hôm nay là ngày gì mà long trọng quá. Từng đoàn người xếp hàng ngay ngắn trước khoảng sân rộng. Bà được mời lên ngồi trang trọng trên lễ đài cùng những bà mẹ một thời chân đất khác. Bà nhận ra đuôi mắt của những bà mẹ ấy rất giống mình, thứ “đuôi mắt khóc con và trông đợi triền miên, đôi mắt giấu nỗi buồn đau sâu thẳm khi con mình ra đi không trở về. Ông chủ tịch huyện đọc diễn văn khai mạc: … “Dù nơi thủ đô phồn hoa hay xóm làng heo hút, dù chỉ một người con độc nhứt hay có đến 9, 10 người con hy sinh, giọt nước mắt khóc con của bà mẹ nào cũng đau đớn và trĩu nặng. Chiến tranh đã qua đi, chỉ nỗi đau mất con của những bà mẹ là còn ở lại, âm thầm, dai dẳng… Đất nước hòa bình, thống nhất đã 20 năm, việc đền ơn đáp nghĩa những bà mẹ có con hy sinh cho ngày hòa bình đã trở thành một việc làm mang tính đạo lý…”. Cả hội trường vỗ tay rào rào sau lời tuyên dương hùng tráng. Vị chủ tịch gắn huy hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng lên ngực áo bà. Bà chợt nghe ngực mình trĩu nặng, nước mắt không ngăn được cứ trào ra. Bà chợt thấy lại ngày bụng mang dạ chửa côi cút ngoài mom sông. Mom sông nơi bà đến ngày càng bồi. Bên kia sông thì lở. Bà thở dài: “Sông có khúc người có lúc”, chỉ lá cờ Tổ quốc là vẫn tươi thắm rực rỡ như ngày đầu tiên bà nhìn thấy trên nóc nhà việc. Bà chợt nhìn thấy anh Thà trở về với gương mặt trẻ trung, đôi mắt sáng long lanh và nụ cười mở rộng khoe mấy chiếc răng khểnh, khi anh vui sướng thốt lên: “Mẹ ơi, độc lập rồi! Mẹ có nhìn thấy không, kìa, lá cờ Tổ quốc”.