Vitamin A là một loại vi chất tăng trưởng và cần thiết cho sự phát triển của trẻ, góp phần tăng cường hệ miễn dịch và chống lại các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu bổ sung quá nhiều gây dư thừa vitamin A cũng dẫn tới nhiều tác hại, dẫn đến các triệu chứng ngộ độc gan, đau khớp, đau đầu, biến đổi xương, nôn, da khô dễ bong vẩy hay gây thóp phồng ở trẻ em. Do đó, các cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần biết khi nào uống vitamin A liều cao.
Vitamin A liều cao là gì?
Vitamin A thông thường sẽ được cung cấp chủ yếu qua sữa mẹ, thực phẩm hàng ngày và bổ sung bằng đường uống dưới dạng vitamin A liều cao. Trong đó, sữa mẹ là một nguồn cung cấp dồi dào vitamin A cho trẻ. Do vậy, các bà mẹ nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ đặc biệt là trong 6 tháng đầu đời của trẻ. Ngoài ra, trong thực phẩm, vitamin A sẽ tồn tại dưới dạng retinil ester có trong thịt, trứng, cá, … và Beta-Caroten trong các loại rau màu xanh, trái cây có màu vàng đậm, đỏ đậm và xanh đậm. Vitamin A tan được trong dầu vì vậy trong bữa ăn cần có đầy đủ chất đạm, dầu mỡ giúp tăng hấp thụ và chuyển hóa vitamin A.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu vitamin A được bổ sung bằng thực phẩm không đủ, có thể cần phải bổ sung vitamin A liều cao bằng thuốc tùy vào mức độ thiếu hụt của mỗi người.
Viên nan Vitamin A 100.000 IU (màu xanh) và 200.000 IU màu đỏ
Những trường hợp nào cần bổ sung vitamin A liều cao ?
Nhằm phòng chống tình trạng thiếu vitamin A, những đối tượng sau đây cần uống Vitamin A liều cao:
1. Bà mẹ sau sinh: sau khi sinh bà mẹ cần đảm bảo nguồn Vitamin A để cung cấp cho trẻ thông qua sữa mẹ để đảm bảo cho sự phát triển của trẻ. Mẹ cần uống 01 viên vitamin A liều cao 200.000 IU.
2. Trẻ 6-36 tháng được uống viên Vitamin A mỗi năm 2 lần (đối với trẻ 6 – 11 tháng cho uống viên nang 100.000 IU mỗi lần, trẻ 12 – 36 tháng cho uống viên nang 200.000 IU mỗi lần).
3. Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, nhiễm trùng tái đi tái lại, bị bệnh sởi, … là những trẻ có nguy cơ cao thiếu vitamin A cần được bổ sung vitamin A liều cao.
Những trường hợp nào không được uống vitamin A liều cao ?
1. Trẻ chưa đủ 6 tháng tuổi: không được uống, vì mẹ sau sinh đã được uống và vitamin A sẽ được bổ sung thông qua đường sữa mẹ.
2. Bà mẹ đang mang thai: Bổ sung quá mức vitamin A khi mang thai có nguy cơ gây ra quái thai, dị tật thai tùy thuộc vào mức độ vitamin A dư thừa và giai đoạn mang thai. Nguy cơ tăng cao đối với 60 ngày đầu tiên sau khi thụ thai. Vì vậy, thai phụ chỉ được bổ sung Vitamin A qua đường thực phẩm hoặc các viên uống vitamin tổng hợp với thành phần và liều lượng Vitamin A thấp theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý uống viên Vitamin A liều cao khi đang mang thai.
3. Trường hợp trẻ sắp được 6 tháng tuổi hay hơn 3 tuổi thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho uống.
Uống vitamin A liều cao ở đâu?
Vitamin A liều cao thường sẽ không được bán tại các quầy thuốc mà được cung cấp miễn phí tại các cơ sở Y tế. Đối với các bà mẹ, sau khi sinh bé tại các cơ sở y tế sẽ được phát 01 viên 200.000 IU để uống. Riêng đối trẻ em, hàng năm, ngành y tế đều tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao trên toàn quốc dành cho trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi và uống bổ sung cho trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A. Một năm sẽ có 2 đợt cho trẻ uống vitamin A vào ngày 1 – 2 tháng 6 và ngày 1 – 2 tháng 12, được tổ chức bởi Bộ Y tế (hoàn toàn miễn phí).
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19, chiến dịch năm nay sẽ triển khai chậm hơn. Tại huyện Tân Phú Đông, chiến dịch đợt 2 năm 2020 sẽ tổ chức từ ngày 05 – 10/12 tại các trường mẫu giáo và Trạm Y tế xã. Bà mẹ có con trong độ tuổi tuổi 6-36 tháng hay đưa trẻ đến điểm uống theo thông báo của trạm Y tế được được bổ sung Vitamin A liều cao đúng thời điểm.
Uống vitamin A liều cao có tác dụng phụ không?
Viên nang vitamin A sử dụng an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, một tỷ lệ rất nhỏ có thể có biểu hiện tác dụng phụ, rất hiếm xảy ra. Cha mẹ trẻ cần theo dõi tình trạng của trẻ sau khi uống thuốc, nếu chỉ có dụng phụ thoáng qua như đau bụng, nhức đầu nhẹ sẽ tự mất đi sau ít giờ mà không cần xử trí. Nếu có các tác dụng phụ biểu hiện nhiều hơn như đau bụng nhiều, nôn mửa liên tục, dị ứng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Bổ sung Vitamin A cho các đối tượng nguy cơ (trẻ em và bà mẹ) là giải pháp cấp thời nhằm giải quyết nhanh tình trạng khô mắt gây nên hậu quả mù ở trẻ. Tuy nhiên, về lâu dài, mỗi hộ gia đình cần đảm bảo một chế độ dinh dưỡng ăn uống hợp lý, cân đối các chất dinh dưỡng và đủ Vitamin A. Chú trọng phát triển các sản xuất để tạo nguồn thực phẩm giàu đạm, mỡ và Vitamin A cho bữa ăn hàng ngày. Đây là giải pháp cơ bản và lâu dài để giải quyết vấn đề thiếu Vitamin A./.
Hồ Văn Son – Khoa KSBT