Đại gia đình và nếp sống đa thế hệ.
Chuyện Quốc Văn Giáo Khoa Thư: Anh em họ Điền.
“Đời xưa có chuyện anh em họ Điền, cha mẹ mất sớm, ba anh em ở với nhau. Anh cả và anh hai lấy vợ rồi, ở chung một nhà mà không có điều gì. Đến khi người con thứ ba lấy phải người vợ không hiền, thấy sự ăn tiêu chung chạ như thế, sợ hai anh chiếm giữ mất quyền lợi của mình, mới xui chồng xin ra ở riêng. Người chồng thấy vợ nói ra nói vào, cũng chiều lòng mà nói với hai anh xin chia của ra.
Hai anh trước còn không thuận, sau thấy vợ chồng người em cứ kêu nài mãi, bèn đem của cải chia ra làm ba phần. Lúc ấy ở trước sân có một cây cổ thụ, xưa nay vẫn tươi tốt. ba anh em định ngày hôm sau thì chặt xuống để chia ra mỗi người một phần cho đều.
Sáng ngày hôm sau người anh cả gọi hai em đến để đi chặt cây, thì thấy cây đã chết khô rồi. Người anh cả mới ôm gốc cây mà khóc. Hai em đều nói rằng: “Cây kia đáng giá bao nhiêu mà anh thương tiếc như thế? Người anh nói: “Nào có vị gì cây này mà ta khóc đâu. Ta nghĩ ba anh em ta cùng một cha mẹ sinh ra, khác gì cây kia một gốc sinh ra biết bao nhiêu cành và lá, rườm rà tốt tươi là dường nào! Chỉ vì hôm qua hai anh em ta định chặt nó xuống để chia cho nhau, có lẽ nó không nỡ sống mà chịu sự phân li ra, cho nên mới có một đêm mà đã chết khô. Nếu anh em ta phân li ra thì cũng giống cây này mà thôi. Bởi thế cho nên ta động lòng thương mà khóc.”
Người em thứ ba nghe anh nói vậy, trong lòng cảm động, nghĩ mình không bằng giống thảo mộc, mới ôm anh anh mà khóc rồi tình nguyện, xin cứ ăn chung ở chung như cũ.Từ đó về sau, họ Điền cứ đời đời ở với nhau rất là hoà thuận, tiếng khen khắp cả thiên hạ.”
Đại gia đình trên đất Mỹ.
Câu chuyện trên đây trích từ cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, do học giả , sử gia Trần Trọng Kim soạn cùng Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận soạn khoảng năm 1930-1940, dùng để dạy cho các học sinh tiểu học, và đã trở thành cuốn sách chính dạy “đạo đức học làm người” cho nhiều thế hệ sau đó.
Mặc dù trên thực tế chưa hẳn được như vậy, văn hoá chúng ta nhấn mạnh vào sự đoàn kết nội bộ, đồng thời cổ xuý sự đề kháng đối với các yếu tố bên ngoài. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Câu chuyện ngụ ngôn đứa trẻ nào cũng phải học là bài học bó đũa, nếu là một bó thì không ai bẻ gãy nổi, nếu chia ra từng chiếc sẽ bị bẻ gẫy dễ dàng. Chúng ta sợ “chia rẻ là chết”, đến nỗi có lúc chúng “bị” đoàn kết,thống nhất đến cùng, dù là trong cái chết.
Hợp Chủng Quốc tự tên nó đã khác. Trên phù hiệu nước Mỹ “E pluribus, unum” (Out of many, one; tạm dịch: ” Một thực thể từ nhiều thực thể”, một nước tạo nên bởi nhiều bang, nhiều sắc dân, màu da…) nhưng “Novus ordo seclorum “(New order of the Ages) ; tạm dịch ‘Trật tự mới của những thời đại”. Cho nên chúng ta đôi khi gặp khó khăn trong việc thích ứng với “trật tự mới “đa dạng đó của nước Mỹ, và điểm đầu tiên là sự tan rã của đời sống “đại gia đình”, liên kết nhiều thế hệ mà trong truyền thống chúng ta từng quen thuộc và đề cao.
Trẻ con từ lúc còn em bé đã ngủ riêng một phòng, ít nữa thì một giường. Phòng đứa trẻ thiếu niên là nơi cấm địa đối với cha mẹ. Lên 18 tuổi thì vào đại học, ở riêng (mặc dù có thể cha mẹ còn trả tiền đài thọ). Sau khi ra trường rồi thì dứt khoát ai ở nhà người đó. Con cái mướn nhà ở riêng, nếu dưới “basement” mà vẫn còn chứa một anh, một chị đã trưởng thành, ngay các bạn bè của người con cũng sẽ rất là dị nghị.
Tuy nhiên gần đây, khuynh hướng sống theo “nuclear family” này có chiều đão ngược lại đáng kể. Một mặt, các làn sóng di dân có khuynh hướng thay đổi nếp sống quá chú trọng vào chủ nghĩa cá nhân của Mỹ. Đợt suy thoái kinh tế trong nhiều năm vừa rồi cũng làm cho người trẻ mới tốt nghiệp đại học, ra đời khó mua hay mướn một căn nhà để ở riêng, do tìm việc làm khó, tỷ lệ thất nghiệp cao, và giá nhà càng ngày càng đắt đỏ , nhất là ở các trung tâm đô thị có nhiều cơ hội tìm được công ăn việc làm. Các phương tiện giữ trẻ, nhà trẻ đắt đỏ cũng khuyến khích thế hệ con cái ở chung với cha mẹ già để ông bà góp phần trông nom các cháu bé. Năm 2011, số người ở trong các hộ đa thế hệ là 51 triệu, có nghĩa cứ 6 người có một người ở trong hoàn cảnh đó (16% so với 12% năm 1980). Phần lớn do lý do kinh tế. Những người trẻ vì thất nghiệp, ly dị, mất nhà phải tá túc tại nhà cha mẹ (thường thuộc thế hệ sinh sản “bùng nổ” sau thế chiến thứ 2, gọi là “babyboomers”, khá giả hơn đời con) được tặng danh hiệu “boomerang kids”, theo cái búa boomerang của thổ dân Úc châu sau khi phóng đi thì lại quay về chốn cũ.
Ngược lại, người già cũng cần sự săn sóc của người trẻ lúc bịnh tật, hay trong những trường hợp đặc biệt như thông dịch tiếng Anh nếu là di dân, thu xếp tiền bạc, lái xe lúc cần đi xa…
Những lối thu xếp này thường là “đa thế hệ” (multigenerational), khác với lối đại gia đình nhiều anh em có vợ chồng sống chung như trong câu chuyện trên của Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Người cùng thế hệ như anh em khác nhau chỉ vài tuổi, có thể khó sống chung dưới cùng một mái nhà hơn, có lẽ khó nhường nhịn nhau hơn là nhường nhịn cha mẹ, khó chịu thiệt thòi nếu cần như cha mẹ chịu thiệt thòi nhịn nhục với con cái mình, và nhất là 2-3 bà “nội tướng” khó mà sống với nhau được lúc quyền điều khiển không còn trong tay người gia trưởng như trong câu chuyện trên đây.
Dù sao, chiều hướng này đang gia tăng. Theo thống kê năm 2000, ở Mỹ có chừng 4 triệu “hộ đa thế hệ” (multigenerational households), nghĩa là “hộ” chứa 3 thế hệ hoặc nhiều hơn. Trong hai phần ba các hộ này, người gia chủ là người thuộc thế hệ già , nuôi/chứa con và cháu nội ngoại trong nhà. Sự sống chung giữa nhiều thế hệ thường gặp nhất ở người gốc Châu Á (nhất là ở Hawai (6%)), người da đen và người gốc Mỹ La Tinh “Spanish”). Họ có thể gặp khó khăn ghi tên cho cháu đi học các trường địa phương (vì chủ nhà không phải là cha mẹ các cháu), hay lúc mua bảo hiểm sức khoẻ cho các cháu mình. Nếu người con của họ vắng mặt thường xuyên, không nghề nghiệp, dùng xì ke ma tuý, bị tù tội, bị bất lực do HIV, sự giáo dục và săn sóc các trẻ nhỏ có thể toàn bộ đặt trên vai ông bà.Thế hệ thứ hai vắng mặt này được mô tả như là thế hệ lỡ nhịp (skipped generation).
Phần ba còn lại của gia đình đa thế hệ là những gia chủ thuộc thế hệ đứng giữa vừa lo cho con cái, vừa lo phụng dưỡng cha mẹ. Họ được gọi là “sandwich generation” bị kẹp giữa thế hệ già và thế hệ nhỏ. Nếu họ muốn giữ cha mẹ tại nhà, họ phải trang bị lại nhà cửa để thích hợp cho người già, cũng như chấp nhận nhiều gián đoạn về thời gian làm việc, nghỉ mát, đi vắng.
- Trong những năm tới, sẽ có nhiều hơn trước số trẻ lớn lên được sự hổ trợ của ông bà của chúng. Ngay tồng thống Mỹ Obama cũng áp dụng biện pháp này, mời mẹ của bà Michelle vào ở chung trong Toà Bạch ốc để giúp nuôi các cháu, cho cuộc sống chúng “ổn định” hơn lúc cha mẹ quá bận rộn.
- Thế hệ 60 tuổi trở lên sẽ phải săn sóc cha mẹ mình nhiều hơn trước vì nhiều cụ sẽ sống đến 80-90 tuổi (hiện nay tuổi thọ trung bình cho đàn ông Mỹ là 76, đàn bà là 81, trung bình là 78; tại Anh 81 tuổi, Thuỵ sĩ 82.8 t)
- Nhiều người sẽ còn được gặp ông bà cố mình.
- Nhiều gia đình sẽ sống chung 4 thế hệ.
Tóm lại, trong cách sống giữa các thế hệ, cũng giống như trong cách ăn uống, người nhập cư chúng ta, từ những nền văn minh xưa cũ, truyển thống, đang dần dần ảnh hưởng và biến đổi “nếp sống Mỹ” theo những chiều hướng không xa lạ với chúng ta trong quá khứ.
Bs Hồ văn Hiền
Ngày 21 tháng 3 năm 2014
(Edited for Langhue.org 6-13-14)
References:
1) Together Again: Multigenerational Households on the Upswing
http://www.atyourlibrary.org/green-living/multi-generational-housing-upswing-it-you-wanda-urbanska
3) Multigenerational families.
http://www.pbs.org/americanfamily/gap/multi.html
(Images credits:
http://www.gocong.com/forums/printer_friendly_posts.asp?TID=4340)