(ĐCSVN) – Dù mỗi người đều có quan điểm riêng về hạnh phúc song không ai có thể phủ nhận rằng hạnh phúc chính là đích đến trong cuộc đời của mỗi người và con người dù ở giai đoạn lịch sử nào cũng luôn đi tìm hạnh phúc, đều ước muốn mình được hạnh phúc.
Hạnh phúc chính là đích đến trong cuộc đời của mỗi con người (Ảnh: UN)
Tại cuộc họp cấp cao về “Hạnh phúc và sung túc: Khái niệm của một mô hình kinh tế mới”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã tuyên bố rằng thế giới cần một mô hình kinh tế mới nhận thức rõ ràng về vai trò ngang bằng của 3 trụ cột của phát triển bền vững. Hạnh phúc xã hội, kinh tế và môi trường đều không thể tách rời. 3 trụ cột này cùng nhau xác định hạnh phúc của toàn thế giới.
Với nghị quyết 66/281 ngày 12/6/2012, Liên hợp quốc đã tuyên bố chọn ngày 20/3 là Ngày quốc tế hạnh phúc. 193 nước thành viên, trong đó có Việt Nam, cùng cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.
Ngày quốc tế hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Bhutan, một quốc gia nhỏ bé nằm sâu trong lục địa miền Đông Himalaya, vốn là nước có chỉ số đánh giá hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Bhutan là quốc gia đã ghi nhận ưu thế của hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia từ những năm đầu tiên của thập kỷ 70 thế kỷ 20 và nổi tiếng với việc thực thi mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay vì tổng sản phẩm quốc nội.
Kỷ niệm ngày có ý nghĩa này, Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các chính phủ thành viên, các tổ chức quốc tế và khu vực, cũng như xã hội dân sự và toàn thể cộng đồng cùng kỷ niệm Ngày quốc tế hạnh phúc thông qua nhiều hoạt động mang tính giáo dục được tổ chức và các chiến dịch tuyên truyền, vận động cộng đồng.
Trong thông điệp được đưa ra nhân Ngày quốc tế hạnh phúc năm nay (20/3/2014), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ: Hạnh phúc ngày càng có vị trí quan trọng trong những cuộc thảo luận quốc tế về phát triển bền vững và tương lai mà chúng ta mong muốn. Tại nhiều quốc gia, các cuộc thảo luận lý thuyết về chất lượng cuộc sống đã nhường chỗ cho việc thông qua nhiều biện pháp lập pháp và các chính sách cụ thể để thi hành những khái niệm này. Các nước khác có thể học tập từ những thực tiễn tốt đó để đo lường và định lượng hạnh phúc theo nghĩa rộng, không chỉ là thu nhập quốc gia, mà trở thành một thực tế phổ quát.
Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, mỗi người đều có ý tưởng riêng của mình về hạnh phúc, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng hạnh phúc chính là ngăn chặn xung đột và chấm dứt đói nghèo và điều kiện tồi tệ khác mà nhiều người trong số chúng ta vẫn đang phải sống.
Nhân ngày kỷ niệm này, Tổng Thư ký Ban Ki-moon kêu gọi tăng cường các nỗ lực quốc tế và quốc gia để xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy hòa nhập xã hội và sự hiểu biết liên văn hóa, mang lại cho mọi người các phương tiện để sống xứng đáng, để bảo vệ môi trường và đưa ra các cơ sở cần thiết cho quản trị tốt, mà không có hạnh phúc thì cuộc sống của con người sẽ chỉ là những lời nói trống rỗng.
Xuất phát từ thực tiễn của đất nước, đồng thời hưởng ứng Ngày quốc tế hạnh phúc được tổ chức trên thế giới, năm nay, lần đầu tiên, Việt Nam chính thức hưởng ứng và tổ chức Ngày quốc tế hạnh phúc (20/3/2014) với chủ đề “Yêu thương và chia sẽ” nhằm hướng tới mục tiêu hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và cùng tạo ra môi trường sống, làm việc ngày càng hạnh phúc hơn.
Cùng với việc hưởng ứng ý nghĩa chung của Ngày quốc tế hạnh phúc, chúng ta cùng nhau chia sẻ và tuyên truyền về những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc; cùng tuyên truyền và nêu bật những tấm gương người tốt, việc tốt, vì hạnh phúc cộng đồng; khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức có những hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng và đất nước.
Hạnh phúc không phải là phù phiếm cũng không phải là một điều gì đó xa xỉ. Nó là một khao khát mà tất cả mọi người dân sống trên trái đất đều mong muốn. Để hạnh phúc đến với từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đồng và mỗi quốc gia đòi hỏi một thiện chí và nỗ lực tập thể trong việc xóa đói giảm nghèo, chấm dứt xung đột, chiến tranh và bảo vệ môi trường sống bền vững./.