Những năm gần đây, báo chí ở Việt Nam rất sính dùng chữ diva để ca tụng những nữ ca sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực ca nhạc quần chúng. Chữ diva có sức hấp dẫn đến mức gây ra những cuộc tranh cãi ai xứng đáng là diva, và thậm chí người ta còn phát động một cuộc bình chọn Diva thế hệ mới và kết quả là hàng loạt cuộc tranh cãi khác.
Thế nhưng, diva có nghĩa là gì?
Maria Callas, giọng opera tuyệt đỉnh, trong một buổi trình diễn năm 1958 tại Royal Opera House.
Chữ diva đã được báo chí tiếng Anh dùng từ năm 1883, mượn từ chữ diva trong tiếng Ý, nghĩa là nữ thần, để gọi những những nữ danh ca opera, đặc biệt cho giọng hát soprano (còn nam danh ca opera giọng tenor thì được chuyển sang giống đực là divo). Trong thế kỷ 20, khi nói diva, người ta liên tưởng ngay đến những giọng ca tuyệt đỉnh như Maria Callas, Joan Sutherland,
Dần dần, giới báo chí thương mại đã làm cho chữ diva lan sang lĩnh vực điện ảnh và nhạc phổ thông, rồi còn lan sang cả những lĩnh vực khác nữa, chẳng hạn: tennis diva, boxing diva, running diva, cooking diva, vân vân, thậm chí pole dance diva (nữ thần múa cột)
Cái kiểu dùng chữ diva càng ngày càng lệch lạc này đã bị báo Time phê phán. Ngày 21 tháng 10, 2002, báo Time khẳng định: By definition, a diva was originally used for great female opera singers, almost always sopranos, (Theo đúng định nghĩa, chữ diva đầu tiên được dùng cho những nữ danh ca opera, hầu như luôn luôn là những giọng hát soprano).
Thế nhưng, chữ diva lại còn có thêm một nghĩa mới nữa, nhưng là nghĩa xấu. Theo từ điển Oxford, nghĩa mới của diva là a woman regarded as temperamental or haughty (một người đàn bà bị xem là có tính nết cáu kỉnh hay ngạo mạn, khinh rẻ nhân gian).
Trong xã hội Âu Mỹ hôm nay, song song với kiểu báo lá cải hay gán nhãn hiệu diva bừa bãi với mục đích thương mại, chữ diva cũng thường được dùng theo nghĩa xấu để mô tả thái độ ứng xử tồi tệ của giới ca sĩ và diễn viên. Do đó, rất nhiều ca sĩ lừng danh ở các nước Âu Mỹ không muốn bị gọi là diva.
Diva ở Việt Nam
Ðến đây, một câu hỏi rất cần được nêu lên cho người Việt: Tiếng Việt đã có thừa từ ngữ hay ho và chính xác để mô tả những giọng ca tuyệt vời, thì tại sao lại không dùng, mà lại đi mượn chữ diva có nhiều nghĩa lằng nhằng dễ gây hiểu lầm của nước ngoài để mà dùng?
Không chỉ vay mượn một cách thiếu sáng suốt, báo chí ở Việt Nam còn dùng chữ diva một cách rất lạ lùng. Trên trang Wikipedia tiếng Việt có một mục gọi là Diva Việt Nam. Mục này giải thích rằng chỉ có 4 ca sĩ Hà Nội được xem là Diva Việt Nam (gồm Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, và Trần Thu Hà). Mục này còn giải thích rằng khái niệm diva thường chỉ được báo chí nhắc tới với những ca sĩ của tân nhạc Việt Nam đương đại, chứ không dùng cho các ca sĩ thế hệ trước như Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Lê Dung hay của các dòng nhạc khác như Ánh Tuyết, Khánh Hà, Ngọc Hạ
Tại sao chỉ có những ca sĩ của tân nhạc Việt Nam đương đại thì mới được gọi là Diva Việt Nam? Tại sao Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu thì không phải là Diva Việt Nam? Tại sao Ánh Tuyết, Khánh Hà, Ngọc Hạ, thì không phải là Diva Việt Nam?
Trong thực chất, ở Việt Nam, cái trò dán nhãn diva rõ ràng chỉ nhắm vào mục đích thương mại, chứ chẳng có một chút gì hợp lý và chẳng dựa trên một tiêu chí khả tín nào cả. Càng ngày cái trò ấy lại càng thêm nhảm nhí đến mức có hàng loạt bài báo ca tụng những ca sĩ xinh đẹp bốc lửa thể hiện đẳng cấp diva với bộ áo thời trang khoe trọn tấm lưng trần thon thả cùng làn da trắng nõn ngọc ngà, làm ngây ngất trái tim người hâm mộ bởi vẻ đẹp ngọt ngào, lôi cuốn chứ chẳng màng đến giọng hát.
Khi chữ diva đã trở thành một chữ càng ngày càng trở nên nhảm nhí và mang những ý nghĩa xấu như thế, thì ai còn muốn mình là diva nữa? Ấy vậy mà hồi nhân sinh nhật thứ 80 của Thái Thanh, báo Thế Giới Tiếp Thị cho rằng Thái Thanh có lẽ là người duy nhất xứng danh diva trong âm nhạc Việt. Chắc hẳn họ muốn dùng chữ diva với nghĩa tốt để ca ngợi Thái Thanh, thế nhưng, như nhà từ điển học Allison Wright đã nhận định, khi ta gọi một người nào đó là một diva thì giống như ta vạch ra một đường chỉ rất mỏng để bước đi lên đó, và đường chỉ ấy có rất nhiều hậu quả mang tính ngữ nghĩa, thế thì, thay vì dùng chữ diva, tại sao không dùng tiếng Việt rất phong phú và đẹp đẽ của chúng ta để ca ngợi Thái Thanh như một đại danh ca hay ca sĩ thượng thặng, hay tiếng hát vượt thời gian?
Hoàng Ngọc-Tuấn