Narcissist là gì? Quá yêu bản thân có phải là một cái tội?
Bạn đã bao giờ gặp phải một người mà tất cả mọi thứ đều xoay quanh họ, họ không quan tâm đến cảm xúc của người khác và luôn tự cho rằng mình tuyệt vời hơn bất kỳ ai khác? Đó chính là đặc trưng của một người ái kỷ – Narcissist.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá sâu hơn về người ái kỷ, các đặc điểm của họ và cách nhận biết.
Narcissist là gì?
Narcissist là người thể hiện sự quan tâm hoặc ngưỡng mộ quá mức đối với bản thân. Người ái kỷ nghĩ rằng thế giới hoàn toàn xoay quanh họ, luôn tự cho mình là trung tâm, là cái rốn của vũ trụ. (Theo từ điển Oxford).
Những người ái kỷ thường đề cao tầm quan trọng của bản thân một cách thái quá. Họ luôn tìm kiếm sự chú ý và mong muốn được mọi người ngưỡng mộ, ca tụng. Họ cũng chú trọng quá mức vào vẻ bề ngoài của mình.
Nhân vật Dorian Gray trong tác phẩm kinh điển “Chân dung của Dorian Gray” của tác giả Oscar Wilde chính là một ví dụ về một người mang chủ nghĩa ái kỷ (narcissism). Dorian ám ảnh với vẻ đẹp của bản thân trong bức chân dung chính mình được vẽ bởi một người bạn. Nỗi ám ảnh lớn dần khi bức tranh phản ánh quy luật của tự nhiên mà già đi xấu xí nhăn nheo theo năm tháng còn anh chàng thì cứ trẻ mãi. Một tấn bi kịch xảy ra theo đó, chủ nghĩa ái kỷ có thể là một phần nguyên nhân.
Quay trở lại thực tế, những ái kỷ có thể thiếu khả năng hoặc không thể chú ý và thấu hiểu cảm xúc của người khác. Do đó, Narcissist có thể nói là kiểu người hoàn toàn trái ngược với Empath – người thấu cảm.
Theo góc nhìn tâm lý học, đây là những biểu hiện của hội chứng Rối loạn nhân cách ái kỷ, có tên khoa học là Narcissistic Personality Disorder (NPD).
Những dấu hiệu nhận biết một người ái kỷ
Hiểu được narcissist là gì, bạn có nhận ra mình đang tiếp xúc hay làm việc với một người ái kỷ? Bạn muốn giúp đỡ họ hoặc chí ít là giúp đỡ chính mình nhưng chưa chắc chắn liệu họ có đang mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ hay không? Sau đây là những đặc điểm để xác định một người có phải là Narcissist.
1. Người ái kỷ luôn khao khát có được sự ngưỡng mộ từ người khác
Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của người ái kỷ là nhu cầu được khen ngợi và ngưỡng mộ. Họ cần sự công nhận từ người khác nên thường có xu hướng khoe khoang hoặc phóng đại thành tích của mình để có được sự công nhận đó.
Narcissist mong đợi được người khác công nhận ngay cả khi không có thành tích gì nổi bật nhằm thúc đẩy sự thoả mãn cái tôi của họ.
Một tác giả có tên J.B. Snow đã nói như thế này:
“Cách tốt nhất để làm phật lòng một người ái kỷ là phớt lờ anh ta.”
2. Lòng đồng cảm không có trong từ điển của người ái kỷ
Đồng cảm là khả năng thấu hiểu cảm xúc hay nhìn nhận sự việc từ quan điểm của người khác. Thiếu lòng đồng cảm là một dấu hiệu khác của người ái kỷ. Họ không sẵn lòng hoặc không thể thông cảm với người khác. Họ phớt lờ hoặc xem nhẹ cảm xúc của người khác.
Điều này dẫn tới việc người ái kỷ không thừa nhận hoặc không ý thức được rằng hành vi của họ có thể làm tổn thương người khác. Họ cũng sẽ không sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu thực sự phạm phải lỗi sai.
3. Người ái kỷ có hành vi thao túng người khác
Narcissist còn có thể được nhìn ra bởi hành vi thao túng và thích kiểm soát người khác. Người ái kỷ có thể tiếp cận ai đó với ấn tượng tốt đẹp ban đầu nhưng cuối cùng thứ mà họ cần là lợi ích của cá nhân họ. Narcissist luôn đặt lợi ích của mình lên hàng đầu.
Trong một nhóm, người ái kỷ có thể kiểm soát và lôi kéo người khác về phía mình với mục đích chuộc lợi cá nhân hoặc thậm chí gây nên ý kiến trái chiều, bất đồng quan điểm trong nhóm dẫn đến xung đột.
Đọc thêm: Gaslighting Là Gì? Cách Để Không Trở Thành Con Rối Trong “Vở Kịch Gaslight”
4. Người ái kỷ quá đề cao cái tôi của bản thân
Những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ thường tự cho mình vượt trội hơn tất cả mọi người. Họ ý thức về bản thân bằng cách tách mình ra khỏi đám đông và luôn nhìn mọi thứ từ trên cao xuống, tức là mọi người đều ở dưới cơ và trong tầm kiểm soát của họ.
Những người ái kỷ thường cố gắng để luôn dẫn đầu, trở thành người tài giỏi nhất và thành công nhất. Trong một nhóm, họ phải là người có tiếng nói quyết định cuối cùng. Không lạ nếu thấy một ai đó là narcissist nhưng cực kỳ thành công như Jack Welch và George Soros – hai vị lãnh đạo nổi tiếng mang danh “productive narcissists” (người ái kỷ năng suất).
Tuy nhiên, không giống như hai tên tuổi trên, người ái kỷ cũng có thể khiến những nhu cầu này trở thành nguồn năng lượng tiêu cực. Nếu rơi vào hoàn cảnh khó khăn hoặc trải qua bi kịch, họ dễ trở nên hiếu chiến thái quá và độc đoán, từ đó đưa ra những quyết định làm tổn hại chính mình và người khác.
5. Người ái kỷ luôn cảm thấy bất an
Chính vì cảm giác bất an nên người ái kỷ luôn khao khát sự chú ý của mọi người và thổi phồng cái tôi cá nhân. Đa số cảm giác bất an này dẫn đến những hành vi tiêu cực. Tiêu biểu là sự lo lắng, bất an và thiếu cảm giác an toàn khiến người ái kỷ thể hiện sự kiểm soát quá mức trong mọi tình huống.
Narcissist hiếm khi thể hiện cảm xúc thật ra ngoài, đặc biệt là những cảm xúc và trạng thái khiến họ trở nên đuối trong mắt người khác. Người ái kỷ cũng thường nhìn nhận vấn đề theo tư duy nhị nguyên – tức là nhìn nhận và đánh giá vấn đề, sự vật, tình huống chỉ theo hai hướng hoàn toàn tốt hoặc xấu.
Tạm kết
Trên đây là giải thích narcissist là gì cũng như những đặc trưng của người ái kỷ. Với những dấu hiệu được đề cập, không khó để nói tại sao nhắc đến narcissist người ta thường nghĩ theo chiều hướng tiêu cực.
Tuy nhiên, có nhiều loại narcissist khác nhau và không phải ai mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ cũng trở nên độc hại. Một chút đề cập về các lãnh đạo nổi tiếng là narcissist sẽ là khởi đầu cho chủ đề tiếp theo mà chúng ta sẽ cùng bạn luận liên quan đến người ái kỷ và hội chứng tâm lý khá phổ biến này.
Đừng quên theo dõi Glints blog để cập nhật nội dung mới nhất nhé!
Tác Giả