Xét nghiệm máu có ý nghĩa rất quan trọng trong y học, hỗ trợ đánh giá toàn diện chức năng các hệ cơ quan trong cơ thể. NEU là một trong 18 chỉ số biểu thị công thức máu thường được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm trong chẩn đoán và thăm khám bệnh thông thường.
Xét nghiệm bạch cầu là gì?
Bạch cầu là thành phần vô cùng quan trọng của cơ thể có nhiệm vụ tăng cường sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh. Đặc biệt là các bệnh về nhiễm độc, nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng… Trước khi tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Chỉ số NEU trong máu là gì?” Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu đôi nét về xét nghiệm bạch cầu qua một số thông tin sau.
Xét nghiệm bạch cầu có vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh
Xét nghiệm bạch cầu là xét nghiệm nhằm kiểm tra số lượng bạch cầu trong máu. Bình thường, số lượng bạch cầu trong máu ở mức từ 6 – 9 k/ μL (tương đương với khoảng 6 – 9 ngàn bạch cầu trong 1 micro lít máu). Lượng bạch cầu tăng hoặc giảm đều có thể là dấu hiệu cảnh báo một số tình trạng hoặc bệnh lý nguy hiểm. Do đó, việc thực hiện xét nghiệm bạch cầu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Dựa vào các chỉ số xét nghiệm bạch cầu, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán về hiện trạng sức khỏe người bệnh. Ngoài NEU, xét nghiệm bạch cầu còn đưa ra các thông số khác của loại tế bào máu này như: Số lượng bạch cầu (WBC), chỉ số xét nghiệm bạch cầu LYM (Lymphocyte), chỉ số xét nghiệm bạch cầu MONO (Monocyte), chỉ số bạch cầu đa múi ưa acid EOS (Eosinophil), chỉ số bạch cầu đa múi ưa kiềm BASO (Basophil), chỉ số LUC (Large Unstained Cells)…
Chỉ số NEU là gì?
NEU trong máu là viết tắt của từ Neutrophil – chỉ số thể hiện mức độ bạch cầu trung tính có trong tế bào máu ngoại vi. Trong các tế bào máu, bạch cầu trung tính là một loại tế bào trưởng thành đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo máu và miễn dịch với sự tấn công của yếu tố gây hại. Đồng thời phá hủy, tiêu diệt các loại vi khuẩn, virus lạ xâm nhập vào trong cơ thể. Ngoài ra, chúng còn có nhiệm vụ chống viêm nhiễm, xử lý các mô nếu có tổn thương.
Chỉ số NEU thể hiện mức độ bạch cầu trung tính có trong tế bào máu ngoại vi
Ở người bình thường, chỉ số NEU chiếm từ 37 – 80% và sẽ nằm trong khoảng từ 2.0 – 6.9 G/L. Sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng nhiều nếu chỉ số này nằm ngoài mức giới hạn cho phép trên.
Để kiểm tra chỉ số NEU của bạch cầu, có thể sử dụng các loại xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần CBC để đếm số lượng bạch cầu trung tính. Tiến hành xét nghiệm này ba lần mỗi tuần và trong sáu tuần liên tiếp nhằm theo dõi sự thay đổi của chỉ số NEU.
- Để xác định lượng bạch cầu trung tính do tự miễn có thể tiến hành xét nghiệm kháng thể trong máu.
- Kiểm tra tế bào tủy xương vì đây là nơi bạch cầu được tạo ra.
- Xét nghiệm sinh học phân tử để kiểm tra cấu trúc tế bào.
Nguyên nhân gây thay đổi chỉ số NEU trong máu
Nếu phát hiện chỉ số NEU trong máu thay đổi và nằm ngoài mức bình thường, bạn cần lưu ý đến những nguyên nhân khiến chỉ số này tăng hoặc giảm. Đây cũng chính là căn cứ giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Các nguyên nhân làm tăng chỉ số NEU
- Người bệnh bị nhiễm khuẩn cấp, nhiễm trùng cấp tính như: Viêm ruột thừa cấp, viêm phổi, áp xe…
- Người bị nhồi máu cơ tim hay stress…
- Bệnh nhân bị ung thư, mắc bệnh bạch cầu dòng tủy.
- Mất nhiều máu do phẫu thuật hoặc sau khi điều trị bằng Corticoid.
- Sau khi ăn xong hoặc mỗi lần vận động nặng nhọc, chỉ số NEU cũng có hiện tượng tăng nhưng không đáng kể và chỉ ở mức tạm thời.
Người bệnh bị nhiễm khuẩn cấp chỉ số NEU trong máu sẽ tăng cao
Nguyên nhân khiến chỉ số NEU trong máu giảm
- Người bị lao lực, tình trạng sức khỏe suy kiệt.
- Suy tủy, giảm sản.
- Điều trị bằng hóa chất, xạ trị hay dùng thuốc ức chế miễn dịch.
- Nhiễm trùng, nhiễm virus, sốt rét, nhiễm độc hoặc nhiễm độc kim loại nặng.
Những điều cần lưu ý khi tiến hành xét nghiệm NEU trong máu
Trước khi làm xét nghiệm thông số NEU trong máu, người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau:
- Xét nghiệm chỉ số NEU thường được thực hiện vào buổi sáng.
- Để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác nhất, trước khi tiến hành xét nghiệm máu khoảng 12 tiếng, người bệnh không được dùng các chất kích thích (bia, rượu, cà phê…) hay uống các thức uống có ga.
- Bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm NEU.
- Vì một số loại thuốc có thể làm ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm thông số bạch cầu nên bạn cần thông báo về các loại thuốc mình đang sử dụng hoặc điều trị với bác sĩ.
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình thực hiện xét nghiệm NEU.
- Theo dõi cơ thể sau khi xét nghiệm chỉ số NEU và chờ kết luận chẩn đoán cuối cùng bác sĩ đưa ra.
Lưu ý khi tiến hành xét nghiệm NEU để có kết quả chính xác nhất
Ngoài chỉ số NEU trong máu, các bác sĩ còn phải căn cứ vào các thông số biểu thị công thức máu khác hoặc tiến hành thêm các loại xét nghiệm bổ sung. Từ đó, mới đưa ra được chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh lý người bệnh đang gặp phải và có phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả nhất cho bệnh nhân.
Có thể thấy, chỉ số NEU phản ánh nhiều vấn đề sức khỏe của cơ thể. Khi nhận được các chỉ số xét nghiệm nhưng không nắm rõ tình trạng bệnh, bạn cần được tư vấn bởi bác sĩ có chuyên môn. Tránh các trường hợp hoang mang, lo lắng và hoảng sợ cho bản thân do hiểu sai kết quả. Nếu chỉ số này tăng hoặc giảm bất thường, bạn có thể được chỉ định tiến hành thêm các xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân.
Minh QA
Nguồn: Tổng hợp