Sau hơn 10 ngày xảy ra cái chết thương tâm của anh Phan Văn Mấn ở bản Nà Bỏ tại ngầm tràn vào bản Coóc Pa, những người chứng kiến vẫn còn bàng hoàng. Chị Vàng Thị Nụ (bản CoócPa) kể lại: “Sáng 28/5, trên địa bàn có mưa lớn, nước dâng ngập ngầm tràn. Khi đó, anh Mấn 2 lần đi bộ vượt ngầm tràn và nói với những người phụ nữ đứng ở 2 bên là nước không sâu lắm có thể qua được, thấy mọi người còn e ngại, anh Mấn tiếp tục vượt ngầm tràn lần 3 bằng xe đạp. Khi xe đến giữa dòng do nước chảy xiết đã cuốn trôi cả người và xe. Thấy có người gặp nạn chúng tôi hô hoán ứng cứu, tuy nhiên dòng nước lũ chảy xiết cộng với lòng suối có nhiều tảng đá lớn khiến anh Mấn thiệt mạng. Thi thể anh được tìm thấy cách ngầm tràn 1km”.
Chính quyền địa phương cùng người dân khảo sát thực tế tại ngầm tràn vào bản CoócPa.
Chỉ vì chủ quan mà anh Mấn đã phải trả giá bằng cả tính mạng. Sau tai nạn thương tâm đó, dân bản kể cả đàn ông đều không dám vượt ngầm tràn khi nước lũ đang về.
Trên địa bàn xã Bản Giang có 4 ngầm tràn thường xuyên bị ngập khi mùa mưa lũ về, trong đó đường về bản Coóc Pa có 2 ngầm tràn cách nhau 50m. Trong những ngày mưa lớn, ngầm tràn bị ngập sẽ làm cô lập 5 bản của xã gồm: Coóc Pa, Nà Cơ, Tẩn Phù Nhiêu, Suối Thầu và Sin Chải. Đây còn là vùng phát triển mạnh về cây mía, lúa, ngô, chè, nuôi thủy sản… Thường xuyên bị cô lập vào mùa mưa ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, sản xuất, giao thương cũng như việc học tập của con em.
Ông Lò Văn Cheo – Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã cho biết: “Đảm bảo an toàn cho người dân, trước khi bước vào mùa mưa lũ, chính quyền, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã cử cán bộ, thành viên phụ trách các bản phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn người dân cảnh giác với các dấu hiệu bất thường của thời tiết. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân chủ quan, bất chấp cảnh báo vượt tràn khi có lũ. Hiện nay đang bước vào thời kỳ cao điểm mùa mưa, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, dẫn chứng ví dụ cụ thể để người dân nâng cao ý thức, tuyệt đối không chủ quan với mưa lũ và không lưu thông khi nước lũ ngập ngầm tràn. Tại các ngầm tràn xã cũng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm khu vực xảy ra lũ lụt, sạt lở”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hệ thống các khe, suối của xã Bản Giang là điểm thu nước mưa của các khe, dòng chảy từ thành phố Lai Châu. Vì vậy, mưa lớn kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ sẽ khiến một số ngầm tràn ngập nước. Điển hình là 2 ngầm tràn vào bản Coóc Pa. Vào mùa khô, nước ở 2 khe suối này cạn trơ đáy nhưng mùa mưa dòng chảy mạnh, xiết. Nhiều ngày nước dâng ngập phần lớn diện tích đất sản xuất của người dân gần đó. Theo người dân ở đây, nước ngập ngầm tràn thời điểm cao nhất trên 1m.
Đảm bảo việc đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân trong mùa mưa lũ, hiện nay, đường về bản Nà Cơ, Tẩn Phù Nhiêu đang được Nhà nước đầu tư xây dựng cây cầu mới thay thế. Dù vậy, hơn hết mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác, không chủ quan khi lưu thông qua ngầm tràn vào mùa mưa lũ, theo dõi sát sao quá trình nước dâng và chỉ lưu thông khi mực nước ở ngưỡng an toàn.