Để trả lời được câu hỏi trên, trước hết, cần bàn về nghệ sĩ – những người trực tiếp làm ra sản phẩm nghệ thuật. Theo siêu mẫu Hà Anh, “Nghệ sĩ là những người hoạt động trong nghệ thuật sáng tạo (hội họa, âm nhạc, phim ảnh, thời trang…), họ trực tiếp tham gia để biểu diễn hoặc sáng tạo loại hình nghệ thuật ấy. Và nhiệm vụ của họ là làm giàu văn hóa – tinh thần cho mọi người và cuộc sống, giúp cuộc sống đẹp hơn”.
Nhưng, trước sự xuất hiện ồ ạt (và đa dạng) của các tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam, với đủ mọi màu sắc hỉ-nộ-ái-ố, làm thế nào để chúng ta “tính” được giá trị văn hóa trong từng tác phẩm? Và giả như, một nghệ sĩ luôn mang đến những tác phẩm có giá trị tích cực cho công chúng, bỗng một ngày trở nên vỡ lở rùm beng vì những tai tiếng cá nhân – liệu họ có còn được coi là một nghệ sĩ chân chính?
Mời bạn, hãy cùng tôi đi vào cuộc tìm kiếm khái niệm nghệ sĩ.
I. Người… lao động
Người đầu tiên tôi tìm đến là Nam Thi, cái tên đứng sau kha khá MV ca nhạc, quảng cáo, các ấn phẩm tạp chí về phong cách sống và gần đây nhất, là một tập thơ mới phát hành do anh tự sáng tác.
“Nghệ sĩ, cũng như mọi ngành nghề khác, là người phải lao động với chuyên môn của mình, mà quan trọng là lao động tử tế” – anh Thi nhận định. “Khi lao động tử tế, họ sẽ làm ra các tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao, và tự khắc các tác phẩm sẽ phát tiết ra tất cả giá trị khác như giáo dục, đạo đức, văn hóa, xã hội”.
“Vậy còn những người vừa tạo ra các tác phẩm, vừa tạo ra… scandal?”
“Việc tạo ra bê bối và scandal lại chính là hoạt động thực dụng hóa Nghệ thuật, biến Nghệ thuật thành một công cụ có tính tiêu dùng, nhằm phục vụ mục đích kinh tế cá nhân chẳng hạn.”
“Có sợ rằng, để đạt lợi ích cá nhân, họ sẽ đem đến giá trị ‘xấu’ cho Nghệ thuật?”
“Chẳng mấy mà họ sẽ bị đào thải thôi, không thể trường sức được, vì chúng ta đều biết đấy, xã hội ngày càng phát triển, người dân ngày càng được ăn học đầy đủ và dễ dàng tiếp cận văn minh thế giới. Chẳng ai cứ ‘dốt’ mãi để chạy theo những thứ vô nghĩa nhằm mang lại lợi ích cho một người dưng cả.”
Vậy là, có vẻ, thước đo khách quan nhất cho một tác phẩm nghệ thuật lại là thời gian. Khoan kết luận một tác phẩm/tác giả là tốt hay tệ chỉ sau một lần tiếp xúc – hãy cho nó thêm thời gian, để mặc nó tự trả lời. Một ngày, một tháng, hoặc thậm chí một thập kỷ. Nếu đó là tác phẩm có giá trị, công chúng sẽ tự nguyện ôm ấp nó, cho nó một vị trí đứng trong cuộc sống – thời đại; còn nếu nó vô giá trị, có lẽ bây giờ chúng ta cũng chẳng còn nhớ nổi tên.
II. Người ẩn mình
Đừng ngạc nhiên, người thứ hai trong cuộc tìm kiếm của tôi là… Hữu Vi – nhân vật nhiều năm về trước liên tục “huyên náo” trên mạng xã hội và truyền hình. Các chương trình anh tham gia, những MV ca nhạc anh góp mặt, vài bộ phim trẻ trung anh đảm nhận vai chính, “tốt” hay “dở” thật khó bàn, nhưng sự ồn ào của công chúng dành cho anh thì ai cũng đã thấy.
Sau hơn hai năm không xuất hiện trước truyền thông, 2020, Hữu Vi chính thức trở lại ngành Nghệ thuật bằng việc tham gia các dự án phim mới. Lần này, không còn sự ồn ào nữa, anh trở thành một người lao động nghệ thuật đơn thuần (và mặc cho công chúng nhận xét hình ảnh mới của mình “sa sút” so với vẻ tài sắc xưa kia).
– Nghệ sĩ là người không quan tâm đến sự sa sút của chính mình – Hữu Vi nói – Họ quan tâm đến một điều duy nhất: dòng chảy nghệ thuật bên trong cơ thể.
– Dòng chảy ấy đi đâu?
– Đi thẳng vào khán giả, qua đường mắt, tai,… Họ truyền thụ thông điệp đến từ những thế giới chưa mấy ai biết tới.
– Bản thân nghệ sĩ giống như một… cánh cổng – anh nói tiếp. Ở đó, tư duy và tâm hồn của nghệ sĩ chính là lối đi.
– Nếu khán giả từ chối đón nhận tác phẩm – những thông điệp đến từ cánh cổng, anh làm gì?
– Việc khán giả từ chối một tác phẩm nghệ thuật lại không phải là vấn đề cần giải quyết. Từ chối đón nhận tức là tồn tại một tấm lá chắn, khi tấm lá chắn ấy phản lại họ, nó cũng đã tương đương với một sự hấp thu vào họ.
– Nghĩa là hãy cứ để tác phẩm tự nó phản chiếu vào khán giả, người nghệ sĩ không cần làm gì?
– Câu hỏi phải là, người nghệ sĩ có muốn phá vỡ tấm lá chắn của một người hay không. Còn lá chắn thì, đương nhiên nó luôn tồn tại và vốn tồn tại rất nhiều.
– Quay trở lại khái niệm về nghệ sĩ, nếu, như anh nói, nghệ sĩ là cánh cổng dẫn lối cho dòng chảy nghệ thuật đi qua họ để đến với công chúng, vậy trong dòng chảy đó có cái tôi của nghệ sĩ không?
– Đừng lệ thuộc vào anh, em tự tìm ra câu trả lời đi?
III. Người “ngoại đạo”
Trước mắt tôi là anh Huy (ChQcQ), đang training cho bạn nhân viên trong cửa hàng “thơm” ViinRiic mới khai trương ở Hà Nội. Cần nói thêm, ViinRiic là đại diện phân phối độc quyền của hơn 18 nhà hương niche nổi tiếng quốc tế tại Việt Nam, ví như Roja Parfums, Clive Christian, Amouage…. Chính tại đây, tôi được anh Huy “ra mắt” một hãng hương Ý lạ lùng có tên Mendittorosa.
Anh Huy gọi người phụ nữ đứng sau hãng nước hoa này, Stefania Squeglia, là một nghệ sĩ chân chính: cô ấy không tương tác với truyền thông, không thổ lộ mình trước báo giới, cũng không có ý định “làm màu làm mè” để thúc đẩy việc kinh doanh sản phẩm. Thời điểm bỗng bừng nở, tôi lập tức kéo anh Huy vào cuộc tìm kiếm dở dang của mình.
– Em đoán xem, làm cách nào để những người yêu hương có thể hiểu được về “thần tượng” Stefania của họ, khi mà cô ấy luôn yên lặng trước truyền thông? – anh Huy hỏi ngược lại tôi.
– Ta tìm hiểu qua… những sản phẩm cô làm ra?
– Chính xác! “Nếu muốn biết, hãy tìm hiểu về tôi qua những sản phẩm tôi làm” – đó là tuyên ngôn của Stefania, và cũng là tuyên ngôn thường thấy ở những nghệ sĩ tự trọng. Lấy ví dụ Việt Nam, chúng ta vẫn quen với việc một bộ phim khi công chiếu ngoài rạp chẳng may bị khán giả chê bai, đoàn làm phim lại vội vã lên báo kể công, kể khổ, rồi “xin” khán giả hãy ủng hộ, hãy thương lấy sản phẩm của họ. Đối với anh, đấy không phải là những nghệ sĩ tự trọng. Nếu có tự trọng, người nghệ sĩ sẽ làm ra sản phẩm có đủ chỉn chu, đủ sức đề kháng để khi ra đời, tự nó không sợ bị ai quật ngã.
Đối thoại tạm ngưng khi tôi mải chú ý tới những nắp chai nước hoa kì lạ của hãng Mendittorosa. Tất cả các nắp đều được Stefania làm bằng tay, mỗi cái ra một hình thù, có cái giống đầu đại bàng, có cái giống đầu… con chó.
– Nếu tạo ra một chai nước hoa lại cần tỉ mỉ đến thế này, có lẽ Stefania không làm số lượng nhiều? – tôi trỏ vào một cái nắp và hỏi anh.
– Tiếp tục chính xác. Stefania không chạy theo những xu hướng sớm nở chóng tàn, mỗi tác phẩm ít ỏi được làm ra đều là tự sự của cô ấy, dung hòa giữa cái tôi và cái ta. Tự sự của người nghệ sĩ cũng là tự sự của chung – của những con người cùng khát khao giá trị chân-thiện-mỹ, những giá trị có thể tái thiết thế giới tốt đẹp hơn.
– Tất cả 18 nhà làm hương được ViinRiic chọn lựa trưng bày đều là những nghệ sĩ như vậy?
– Có một câu anh rất thích là “Đường xa mới biết ngựa hay”. Nếu như em là một nghệ sĩ, em không thể chỉ có một tác phẩm để đời rồi thôi. Điểm chung của 18 người này, trong thời gian họ sống – tồn tại, họ đều đã sáng tạo ra nhiều mùi hương – tác phẩm có giá trị đẹp bền vững. Có những người làm được mùi hương nổi tiếng từ khi rất trẻ, 25-26 tuổi, và giờ sau hai mấy năm trôi qua, họ vẫn giữ được phong độ, vẫn được yêu thích. Người nghệ sĩ thực thụ không đánh mất đam mê một cách dễ dàng, họ không dễ trở nên lối mòn.
– Đối lập với 18 nhà hương niche ở đây là vô vàn hãng designer với các mùi hương phục vụ xu hướng số đông. Vậy họ liệu có được coi là nghệ sĩ, hay đơn thuần là người làm kinh doanh?
– Có ai sống mà không làm kinh doanh? – nói đến đây, anh Huy bật cười – Họ là nghệ sĩ chứ! Nếu như những lọ nước hoa đó có “công dụng” giúp ai đó thêm vui vẻ, hạnh phúc, nghĩa là họ vẫn đem giá trị đến cho đời, vậy tại sao lại không xứng đáng được vinh danh?
Tôi vô thức nhoẻn miệng cười theo, cảm thấy không còn gì cần hỏi thêm. Anh Huy cũng im lặng, được một lúc, rồi bất chợt nói tiếp: “Thực ra, bản thân nghệ sĩ, anh nghĩ, họ không màng đề cao giá trị bản thân hay danh xưng của mình đâu, họ còn đang bận chuyên tâm làm ra sản phẩm”.
IV. Người nghệ sĩ đi tìm
Năm 1975 đã diễn ra một cuộc gặp gỡ, giữa những song sắt, của nghệ sĩ Bob Dylan và vận động viên boxer nổi tiếng với tên gọi “Hurricane”. Rubin Hurricane Carter, một nạn nhân của sự phân biệt sắc tộc nặng nề trên đất nước Hoa Kỳ thời bấy giờ, ngồi tù vì tội mưu sát một người da trắng – trong khi anh khẳng định rằng mình hoàn toàn không có chút liên quan nào tới án mạng này.
Trước những làn sóng phẫn nộ của cộng đồng người da màu và sự thúc giục từ bạn bè lẫn người mến mộ – họ mong Bob Dylan có thể viết lên một bài ca “đòi lại” công bằng cho Hurricane, Bob Dylan trì hoãn mà rằng: “Tôi chưa từng gặp Hurricane, tôi không chắc về câu chuyện này”.
Rút cục, để truy cầu một tác phẩm nghệ thuật “vị nhân sinh”, người nghệ sĩ 34 tuổi lúc đó đã tìm đến nhà tù, mặt đối mặt với Hurricane.
“Những người khác khi tìm đến tôi, họ đều chăm chăm hỏi ngay xem có phải tôi phạm tội thật không. Nhưng Dylan thì không hề hỏi vậy, hoàn toàn không” – Hurricane kể lại về cuộc gặp gỡ với người nghệ sĩ. “Giống như anh ấy đang tìm kiếm một thứ gì đó khác. Giống như, anh ấy chỉ muốn biết tôi là ai, tôi có phải là người đúng như anh ấy đang nhìn thấy không”.
Sau đó không lâu, một bài hát dài hơn 7 phút, mang tên “Hurricane” ra đời, được Bob Dylan biểu diễn cùng ban nhạc trong tour lưu diễn Rolling Thunder Revue của mình. Người nghệ sĩ hát đi hát lại câu chuyện “Hurricane”, khắp mọi nơi, trước mọi đối tượng khán giả, để không ai có thể ngơ đi tiếng kêu của một người còn đang chịu oan trong nhà tù.
“Bob luôn luôn tìm kiếm” – Hurricane nói, trong một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau khi đã được minh oan và trả tự do. “Chúng tôi không gặp nhau thường xuyên, nhưng mỗi lần gặp, tôi đều hỏi Bob: ‘Anh đã tìm được chưa?’ và Bob sẽ đáp: ‘Ừ, tôi tìm được rồi’, nhưng tôi biết là chưa. Vì anh ấy là người luôn tìm kiếm, sẽ cứ mãi tìm kiếm”.
“Lúc nào gặp nhau, Hurricane cũng hỏi hôm nay tôi tìm kiếm điều gì”, Bob ở tuổi 80 kể lại, “Tôi đành đáp là mình đang tìm… Chén Thánh”.
“Đúng, tôi sẽ tiếp tục tìm, tìm cho đến khi nào thấy chiếc Chén Thánh của mình, giống như kị sĩ Galahad”.
*Chén Thánh (Holy Grail), theo truyền thuyết, là một cái chén/dĩa/ly mà Chúa Jesus đã sử dụng trong Bữa tiệc Biệt ly. Xuyên suốt hai nghìn năm “thất lạc”, Chén Thánh (đối với các tín đồ Thiên Chúa giáo) đã trở thành biểu tượng của sức mạnh, tài năng và đức hạnh tuyệt đối, chỉ người đủ xứng đáng mới tìm thấy được.
*Kị sĩ Galahad là một nhân vật trong hội Bàn Tròn của vua Arthur, nổi tiếng với lòng dũng cảm và tính cách thuần khiết, đồng thời từng được tin là người có thể tìm ra Chén Thánh.