Sáng ngày 23/12/2022, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN cùng phối hợp tổ chức Hội thảo cấp quốc gia “Khoa học cơ bản: vai trò và định hướng phát triển trong đào tạo và nghiên cứu khoa học”.
Đây là diễn đàn khoa học quy mô cấp quốc gia đã tập hợp những nhà quản lý cấp cao và học giả đến từ các trường đại học thành viên từ hai hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM và Hà Nội cũng như các cơ sở giáo dục đại học khác trên cả nước, cùng tham gia thảo luận về những thách thức và cơ hội đặt ra cho công tác đào tạo và nghiên cứu của các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, bao gồm khoa học xã hội và nhân văn và khoa học tự nhiên, trong bối cảnh hiện nay.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo – Ảnh: Anh Thư
Hội thảo vinh dự được đón tiếp sự tham dự của lãnh đạo ĐHQG-HN, ĐHQG-HCM cùng lãnh đạo các Trường ĐH KHXH&NV và ĐH KHTN thuộc hai ĐHQG, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Đà Lạt cùng các nhà nghiên cứu, giảng viên và đông đảo nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên của các trường.
PGS. TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN, phát biểu khai mạc Hội thảo – Ảnh: Lý Nguyên
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc ĐHQGHN chia sẻ sự tán thành và vui mừng khi thấy hai Trường ĐH KHXH&NV thuộc hai ĐHQG đã có sáng kiến tổ chức một sự kiện khoa học quan trọng nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản. Ông Sơn khẳng định vai trò nền tảng của khoa học cơ bản trong phát triển khoa học công nghệ đặc biệt là những công nghệ mới mang tính đột phá. Tuy nhiên, PGS. TS Phạm Bảo Sơn cũng nhìn nhận tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản đang gặp nhiều khó khăn và đây là vấn đề trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản cũng đang gặp khó khăn trong bối cảnh tự chủ đại học khi mà các cơ sở giáo dục đại học phải vừa tự chủ nguồn thu vừa phải thực hiện các nhiệm vụ với đất nước trong đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản, chính vì vậy, Hội thảo là một diễn đàn thực sự quan trọng để thảo luận để từ đó đưa ra những đề xuất mang tính chính sách nhằm tháo gỡ các khó khăn đang tồn tại và thúc đẩy công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học học cơ bản phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước.
PGS. TS. Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo – Ảnh: Lý Nguyên
Tiếp lời PGS. TS. Phạm Bảo Sơn, PGS. TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đã báo cáo tóm tắt những chủ đề chính của các tham luận gửi về tham dự Hội thảo. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và quản lý thuộc hai ĐHQG và các cơ sở giáo dục khác với 20 tham luận chính thức sau quá trình bình duyệt khoa học. Hai mươi tham luận được chia thành 3 nhóm chủ đề chính bao gồm: (1) Thực trạng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các ngành khoa học cơ bản; (2) Nhận diện các thách thức và đề xuất các giải pháp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của các ngành khoa học cơ bản; (3) Vai trò các ngành khoa học cơ bản trong phát triển kinh tế – xã hội. Các tham luận đã bao quát được những vấn đề hiện nay đặt ra trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản, ghi nhận những nỗ lực của các bên liên quan cũng như đề xuất một số giải pháp thực tiễn. PGS. TS. Ngô Thị Phương Lan cũng bày tỏ mong muốn mở rộng quy mô của Hội thảo thành một sự kiện thường niên quy tụ thêm các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản trên cả nước để có thêm những góp ý và thảo luận nhằm tăng cường sự kết nối và thảo luận từ đó đề ra những giải pháp ngày càng thiết thực hơn, và không dừng tại đó, sau Hội thảo những kết quả thảo luận sẽ được Ban tổ chức đúc kết thành những khuyến nghị chính sách gửi đến các cơ quan Trung ương có thẩm quyền để góp phần xây dựng những giải pháp nâng cao hiệu quả nghiên cứu và đào tạo khoa học cơ bản ở nước ta hiện nay.
Tiếp theo báo cáo đề dẫn là phần trình bày của các tham luận quan trọng do chủ tọa đoàn chủ trì. Thành phần chủ tọa đoàn gồm có: PGS. TS. Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM; GS. TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HN; PGS. TS. Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, Đại học Đà Nẵng; GS. TS Lê Thanh Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HN; và PGS. TS. Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM.
Đã có 04 tham luận lần lượt được trình bày những nhận định về vai trò, vị trí của khoa học cơ bản trong bức tranh tổng thể khoa học – công nghệ nói chung và ở nước ta nói riêng cũng như chỉ ra những thách thức mà những ngành khoa học cơ bản đang gặp phải trong công tác đào tạo và nghiên cứu từ góc độ lý luận và thực tiễn của các trường đại học hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên ở phía Bắc và phía Nam. Về vai trò của khoa học cơ bản, các báo cáo viên đều thống nhất về vai trò nền tảng của khoa học cơ bản đối với sự phát triển của khoa học công nghệ thông qua các phát minh khoa học từ đó phát triển các công nghệ lõi để triển khai thành các sản phẩm công nghệ đột phá, cũng như đóng vai trò là luận cứ khoa học cho các chính sách phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của đất nước và quan trọng hơn nữa là kiến tạo và dẫn dắt giá trị làm nền tảng tinh thần cho xã hội, đặc biệt là các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Về đào tạo, những tri thức và kỹ năng học tập các ngành khoa học cơ bản mang tính chất tổng hợp và liên ngành trang bị giúp người học có thể từ đó tiếp thu và ứng dụng hiệu quả những kỹ năng cụ thể của nhiều lĩnh vực ngành nghề đa dạng. Đối với những giải pháp, các tham luận đã đưa ra một số khuyến nghị bao gồm:
(1) Cần có cơ chế đặt hàng từ Nhà nước về nguồn nhân lực các ngành khoa học cơ bản đồng thời tăng cường đầu tư từ ngân sách kết hợp trao quyền tự chủ cho các trường đại học theo cơ chế đánh giá theo kết quả đầu ra, cũng như hỗ trợ giảng viên và sinh viên các ngành khoa học cơ bản;
(2) Phải hiểu một cách đúng đắn về tự chủ đại học để tránh việc đưa các ngành khoa học cơ bản với vai trò trọng yếu của mình phải cạnh tranh tự thân trong một thị trường giáo dục đại học khốc liệt như hiện nay;
(3) Cần phải có những cải cách trong chương trình đào tạo các ngành khoa học cơ bản với những chuẩn đầu ra năng lực đáp ứng nhu cầu kỹ năng của xã hội, đặc biệt là ngoại ngữ, cũng như cần truyền thông tới cộng đồng từ đó có sự chung tay của xã hội;
(4) Cần có những hỗ trợ về cơ chế và tài chính để tăng hiệu quả nghiên cứu khoa học cơ bản tiếp cận với xu hướng quốc tế.
PGS. TS. Bùi Thành Nam – Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HN báo cáo tham luận số 1- Ảnh: Quỳnh Nguyễn
GS. TS Võ Văn Sen – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM báo cáo tham luận số 2 – Ảnh: Quỳnh Nguyễn
PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HN báo cáo tham luận số 3 – Ảnh: Lý Nguyên
PGS. TS Trần Văn Mẫn -Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM, báo cáo tham luận số 4 – Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Sau bốn báo cáo tham luận Hội thảo bước vào phần thảo luận với sự đóng góp ý kiến của các đại biểu. (1) GS. TS Nguyễn Văn Khánh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN, đã chia sẻ những gợi ý nhắn mạnh yêu cầu cần phải tăng chất lượng tuyển sinh, đổi mới chương trình đào tạo với sự chú trọng đến trình độ ngoại ngữ và đặc biệt là phải có những hỗ trợ tài chính cần thiết để thu hút sinh viên các ngành đặc thù như khảo cổ học và Hán – Nôm. (2) PGS. TS Lưu Trang đã chia sẻ những kinh nghiệm của Trường ĐHSP, ĐHĐN, đó là cần có sự thay đổi về tư duy của người dạy và người học về triển vọng việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên ngành khoa học cơ bản, theo đó, cần xóa bỏ tư duy làm đúng ngành mà nên xem đào tạo đại học chỉ là bước đầu để từ đó tham gia thị trường lao động. Bên cạnh đó, nhà trường cần liên kết chặt chẽ với địa phương và doanh nghiệp để một mặt tạo điều kiện thực tập – thực tế cho sinh viên vừa quảng bá hình ảnh nhà trường và các ngành khoa học cơ bản thông qua chính sinh viên mà mình đang đào tạo phục vụ tại địa phương. (3) Đến từ khu vực Tây Nguyên, ThS. Trần Thống, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt đã bày tỏ sự vui mừng tham gia thảo luận những vấn đề liên quan đến khoa học cơ bản và mong muốn sẽ tiếp tục tham gia đóng góp vào những hội thảo tiếp theo. (4) PGS.TS Nguyễn Xuân Tế, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM cũng có những chia sẻ tâm huyết đối với công tác đào tạo và nghiên cứu ngành khoa học chính trị cũng như những cam kết đối với sự nghiệp đào tạo khoa học cơ bản trong Nhà trường. Trong phần chia sẻ của mình, (5) PGS. TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 14, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM, đã đúc kết những nội dung mà mình tâm đắc từ Hội thảo cũng như có những ý kiến góp ý. Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, các đơn vị nghiên cứu và đào tạo cần tự khẳng định với chính mình về vị thế của khoa học cơ bản là nền tảng của khoa học công nghệ để có được những đột phá cũng như phát triển con người, từ đó quảng bá rộng ra toàn xã hội về tầm quan trọng này. (6) PGS. TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, nêu rõ sự cần thiết của gắn kết đào tạo với nghiên cứu và một thực tế là nghiên cứu khoa học cơ bản cần được nhìn nhận một cách khác đi về triển vọng nghề nghiệp, kỹ năng cũng như nội hàm tính liên – xuyên ngành của nó. Nghiên cứu khoa học cơ bản tự thân trong nó đã mang tính liên – xuyên ngành và người học qua quá trình học tập và thực hành nghiên cứu có thể phát triển những bộ kỹ năng toàn diện để phát triển kỹ năng nghề nghiệp từ đó tiếp cận những triển vọng việc làm tốt trong thị trường lao động.
GS. TS Nguyễn Văn Khánh – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HN, phát biểu ý kiến thảo luận tại hội thảo – Ảnh: Anh Thư
PGS. TS Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, Đại học Đà Nẵng chia sẻ tại Hội thảo – Ảnh: Anh Thư
ThS. Trần Thống – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt – Ảnh: Anh Thư
PGS. TS Nguyễn Xuân Tế – Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM – Ảnh: Anh Thư
PGS. TS Phan Thanh Bình – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 14, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM, chia sẻ những nội dung đúc kết từ Hội thảo và đưa ra một số khuyến nghị – Ảnh: Anh Thư
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chia sẻ những nhận định về công tác nghiên cứu khoa học cở bản – Ảnh: Anh Thư
GS. TS Hoàng Anh Tuấn phát biểu Tổng kết Hội thảo với các nhận định chính: “Hàn lâm là nền tảng, hiện đại là xu hướng” để đúc kết lại vai trò và thực trạng của đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản trong tình hình hiện nay. GS. TS Hoàng Anh Tuấn đúc kết các điểm chính của Hội thảo bao gồm: (1) Hội thảo là một cam kết tự thân của các trường đại học vào sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản; (2) Tái khẳng định vai trò không thể thay thế của khoa học cơ bản đối với khoa học công nghệ và xã hội; (3) Xã hội vẫn chưa nhìn nhận đúng vai trò của khoa học cơ bản từ đó chưa có sự quan tâm đúng mức từ cộng đồng cũng như từ góc độ chính sách; (4) Những kết quả thảo luận tại Hội thảo sẽ được đúc kết thành những kiến nghị chính sách đề đạt lên các bộ – ngành thông qua hai ĐHQG; (5) Tự thân các trường đại học cần có những sáng kiến cơ sở để triển khai các giải pháp mang tính căn cơ cho đơn vị mình; (6) Các đơn vị tham gia thống nhất tổ chức Hội thảo thường niên với kỳ vọng kiến tạo cộng đồng các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học cơ bản.
GS. TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN, phát biểu tổng kết bế mạc Hội thảo – Ảnh: Lý Nguyên
PGS. TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, thay mặt Ban Chủ tọa tuyên bố bế mạc Hội thảo – Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Sau hơn 4 giờ làm việc sôi nổi và hiệu quả, PGS. TS Ngô Thị Phương Lan đã tuyên bố bế mạc Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo – Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Quang cảnh Hội thảo – Ảnh: Lý Nguyên
Theo USSH – VNUHCM.
- Tags: