Thành Cổ Loa – nơi hai lần được chọn làm kinh đô của nước ta
Bằng chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã có công chấm dứt ách đô hộ hơn nghìn năm của Phương Bắc, xây dựng một quốc gia độc lập hoàn toàn. Tại kinh đô Cổ Loa, Ngô Vương bước đầu tổ chức một triều chính độc lập “đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục”. Triều đình của Ngô Vương tuy còn đơn sơ, nhưng được xây dựng theo thể chế của một vương triều hoàn toàn độc lập. Trong sáu năm trị vì tại Cổ Loa (939 – 944) chắc chắn triều Ngô vẫn chưa xây dựng được thêm gì nhiều ở Loa thành xưa. Khảo cổ học chỉ phát hiện được những đoạn thành sửa đắp vào thời Ngô Quyền trên nền tảng hoang phế thành cũ của Thục An Dương Vương. Truyền thuyết dân gian vùng đất Cổ Loa kể lại rằng, Ngô Vương khi đóng đô ở đây đã cho trồng cây đa ở trước am thờ Mỵ Châu và cho đào cái giếng nước ở trên của đền. Người dân vùng này còn truyền tụng những câu cửa miệng: “Cây đa nghìn tuổi”, “giếng nước nhà Ngô”. Với việc Ngô Vương đóng đô ở Cổ Loa, vùng đất Hà Nội lại khôi phục vị trí trung tâm chính trị của đất nước trong buổi đầu phục hưng độc lập sau hơn nghìn năm Bắc thuộc. Đóng đô ở Cổ Loa, Ngô Quyền muốn dựa vào thành cao, hào sâu ở vị trí đầu mối của các luồng giao thông thủy bộ giữa trung tâm châu thổ sông Hồng, để triều đình có thể nắm chắc miền châu thổ mà vươn ra quản lý toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Việc Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa năm 939 cũng cho thấy, Tiền Ngô Vương ý thức rất rõ việc quốc thống, nối nghiệp của các vua Hùng, vua Thục, từ đó cho thấy Ngô Quyền xứng với vị thế là Tổ trung hưng của dân tộc Việt.
Tưởng nhớ công lao của Tiền Ngô Vương, nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng đền thờ. Tính riêng Hải Phòng – mảnh đất gắn với chiến thắng Bạch Đằng có hơn 30 di tích; Thái Bình 3 di tích, Hà Nam 1 di tích, Phú Thọ 1 di tích. Hà Nội có hai nơi thờ Ngô Quyền là ở quê hương ông tại xã Đường Lâm – Sơn Tây và đền Thượng Tiết nơi ghi dấu chân ông hành quân tại xã Đại Hưng – huyện Mỹ Đức.
Tuy nhiên, tại mảnh đất Cổ Loa lịch sử, nơi Ngô Quyền chọn để định đô cho triều Ngô đến nay vẫn chưa có một công trình nào tưởng niệm về Ngô Quyền. Tất cả các di tích liên quan đến Ngô Quyền mà các công trình nghiên cứu đề cập trên phạm vi cả nước chỉ là đền, thờ, lăng mộ, bia ký… đều là các di tích muộn sau này để nghi nhớ các chiến công, thân thế, sự nghiệp, sự tích liên quan tới thời Ngô. Nhiều nhà nghiên cứu khoa học đã khẳng định trên mảnh đất Cổ Loa có đền thờ An Dương Vương – khởi dựng Nhà nước Âu Lạc, rồi mất nước vào tay phong kiến phương Bắc; Ngô Quyền đã lấy lại độc lập tự chủ, lấy lại quốc thống. Vì vậy cần nghiên cứu xây dựng các công trình thờ phụng, tưởng nhớ Ngô Quyền ở Cổ Loa theo các hướng: Xây dựng một khu lưu niệm về Ngô Quyền trong quần thể di tích Cổ Loa; chọn khoảng đất còn trống gần trung tâm quần thể di tích Cổ Loa để thực hiện đề án này. Tại đây, nên xây dựng một ngôi đền (hay đình) thờ Ngô Quyền, cùng các công trình phụ trợ khác để xứng đáng với công lao và tầm vóc lịch sử của vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền.
Kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa (939 – 2019) là dịp để mỗi người trong chúng ta ôn lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc; tri ân công lao của Ngô Quyền với sự nghiệp trung hưng đất nước góp phần giáo dục, nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử trong các thế hệ hôm nay và mai sau./.
Phan Thanh
Phan Hồng Thanh