Một tâm hồn luôn tỏa sáng, vẹn tròn hai chữ hiếu – trung
Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1/7/1822 tại làng Tân Thới, tỉnh Gia Định (nay là phường Cầu Kho, Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Thời thơ ấu, được sống trong sự nuôi dạy chu đáo nhưng đường đời của ông cũng sớm gặp gian truân. Năm 25 tuổi, sau một thời gian nỗ lực, ra công đèn sách, Nguyễn Đình Chiểu trở ra kinh đô Huế ứng thí, nhưng chưa đến khoa thi thì hay tin mẹ lâm bệnh nặng đã mất tại Gia Định.
Vì quá đau buồn, thương khóc mẹ, trên đường về chịu tang mẹ lại nhiễm phong sương và bị chứng đau mắt, dù được chữa trị, nhưng đôi mắt ông mãi mãi không nhìn thấy nữa. Không còn nhìn thấy ánh sáng, nhưng tâm hồn luôn tỏa sáng, giữ tròn chữ trung, chữ hiếu, mà hai câu thơ: “Thà đui mà giữ đạo nhà/Còn hơn có mắt ông cha không thờ” đã nói lên tất cả. Ông mất vào ngày 3/7/1888, được an táng tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Cả cuộc đời 66 năm, Nguyễn Đình Chiểu sống bằng nghề dạy học, nghề thầy thuốc và sáng tác văn chương. Sự nghiệp văn chương của Cụ, trừ một bài thơ viết bằng chữ Hán, còn lại đều viết bằng chữ Nôm, với các truyện thơ nổi tiếng như: Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, các bài văn tế, thơ điếu, thơ luật Đường. Nói đến sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu thì phải nói đến truyện thơ Lục Vân Tiên, là một tác phẩm đầu tay chứa đựng triết lý, trọng đạo nghĩa, tiết tháo làm người, thể hiện quan điểm ca ngợi, bảo vệ cái tốt, cái hay, cái đẹp và phê phán, “ghét cay, ghét đắng” cái xấu, cái ác. Qua tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu thể hiện tư tưởng đổi mới Nho giáo mới với những nguyên tắc trung – hiếu – tiết – nghĩa rất gần gũi, bình dị và rất Nam Bộ.
Đặc biệt trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu là các bài văn tế, nhất là bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc. Các bài văn tế đã đưa ông lên vị trí người mở đầu cho dòng văn học yêu nước nửa cuối thế kỷ XIX, một trong những tác giả dẫn đầu phong trào phi thực dân hóa ở khu vực và quốc tế giai đoạn này. Khác các tác giả trước đó, Nguyễn Đình Chiểu đã nhìn thấy sức mạnh to lớn của những người nông dân trong chống giặc xâm lược; kính trọng, ca ngợi họ như những người anh hùng. Năm 1963, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước mà tác phẩm là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của Nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây ngay buổi đầu lúc chúng đặt chân lên đất nước chúng ta”. Trong đó, “bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca của những người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang”. Nguyễn Đình Chiểu là người đầu tiên dùng văn chương tạc vào lịch sử chân dung những người nông dân – nghĩa binh, những tướng lĩnh đánh giặc.
Làm thầy thuốc, làm thầy giáo là lựa chọn của Nguyễn Đình Chiểu. Lựa chọn ấy đặt ra bao thách thức cho một người bình thường, càng gay gắt cho một thầy thuốc, một thầy giáo mù lòa, dang dở công danh. Trọn đời, thầy Đồ Chiểu chăm lo dạy dỗ môn sinh, truyền thụ cho thế hệ tương lai những điều cốt lõi của văn hóa Việt Nam, về đạo lý truyền thống của dân tộc và nhân cách của một kẻ sỹ.
Trọn đời, thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu tận hiến cứu người, giúp đời bằng nghề thuốc của mình. Tác phẩm Ngư Tiều y thuật vấn đáp là một tập hợp phong phú nhiều bài thuốc mà ông đã dày công tổng hợp, học hỏi và nghiên cứu, để lại giá trị cho muôn đời sau. Ông xứng đáng được ghi nhận là một nhà văn hóa lớn, nhà thơ yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, nhà giáo của nhiều thế hệ, thầy thuốc tinh thông y lý, y thuật và nổi tiếng về y đức.
Thực tế, tài năng và địa vị của ông trên văn đàn, y thuật và nền giáo dục nước nhà đã được ghi nhận, tôn vinh từ rất sớm, ngay cả lúc ông còn sinh thời và trong giai đoạn hiện nay. Là một trong những người khai sáng và là tác giả tiêu biểu nhất của dòng văn chương yêu nước chống ngoại xâm nửa sau thế kỷ XIX, ông đã góp phần nâng cao tầm vóc và ảnh hưởng của văn học nước nhà. Ông còn là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm, chống lại mọi cám dỗ về vật chất, đe dọa về tinh thần, thể hiện rõ khí phách hiên ngang của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa.
Mặc dù, cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu gặp nhiều gian truân, nhưng với tâm sáng, chí cao, nghèo khó nhưng không yếu hèn, ủy mị, ông đã luôn thể hiện bản lĩnh, vươn lên vượt qua nghịch cảnh. Trước cảnh nước mất, nhà tan, không thể cầm súng, gươm giết giặc, ông xung phong dùng ngòi bút sáng tác thơ văn để “chở đạo” và “trừ gian”, xem đây là cứu cánh để cổ vũ tinh thần của nghĩa binh và nhân dân; đồng thời, dùng y thuật để giúp dân, giúp nước trong cơn biến loạn. Nguyễn Đình Chiểu sống hòa mình vào nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân và đưa hình tượng người nông dân vào trong các tác phẩm của mình như những người tiêu biểu nhất của tinh thần yêu nước, với ý chí quật cường của dân tộc trong cơn khói lửa. Ông chiến đấu không ngừng nghỉ với những câu tuyên ngôn bất hủ để lại cho nhân loại.
UNESCO vinh danh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu
Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã gắn bó với tỉnh Bến Tre 26 năm cuối đời. Gần 200 năm qua, người dân Bến Tre luôn xác định Nguyễn Đình Chiểu là biểu tượng cao đẹp của vùng đất ba dãy cù lao (Bảo, Minh và An Hóa). Lịch sử và tâm thức người dân Bến Tre luôn khắc ghi tư tưởng và nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu. Tinh thần yêu nước, ý chí vượt khó vươn lên, đoàn kết vượt qua bao gian khổ hy sinh của ông đã truyền cảm hứng cho cuộc Đồng Khởi thần kỳ năm 1960, góp phần hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới.Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, kinh tế – xã hội của tỉnh có những bước phát triển tích cực, không ngừng khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.
Những năm qua, dù còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế ở vùng đất chịu nhiều tổn thất do chiến tranh, nhưng Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre luôn thực hiện những công việc có ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn, tri ân nhà thơ, nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Chiểu. Từ trùng tu khu mộ, nhà lưu niệm, xây dựng trạm vệ tinh của ngân hàng dữ liệu di sản các dân tộc Việt Nam đến xuất bản tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, các công trình nghiên cứu, sáng tác về Nguyễn Đình Chiểu.
Trong năm 2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre với sự hỗ trợ nhiệt tình của một số nhà khoa học, sự ủng hộ và tạo điều kiện của Bộ Ngoại giao, của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, đã xây dựng hồ sơ quốc gia trình UNESCO vinh danh Nguyễn Đình Chiểu, kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu. Sự kiện Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh Danh nhân và cùng tổ chức kỷ niệm 200 ngày sinh của ông là niềm tự hào cho đất nước Việt Nam nói chung, là vinh dự lớn cho tỉnh Bến Tre nói riêng.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, các chuyên gia và nhà khoa học đã hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành cùng tỉnh Bến Tre trong việc hoàn thành hồ sơ trình UNESCO bảo đảm nội dung, thời gian quy định và được UNESCO xem xét thông qua việc cùng kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu tại kỳ họp lần thứ 41 của Đại Hội đồng tại thành phố Paris (Cộng hòa Pháp) từ ngày 9 – 23/11/2021.
Việc Nguyễn Đình Chiểu được thế giới vinh danh Danh nhân văn hóa là một sự kiện trọng đại, thể hiện sự trọng thị của thế giới. Thực tế minh chứng sức ảnh hưởng, cốt cách, giá trị những tác phẩm của ông đã vươn tầm thế giới, được cả nhân loại tìm hiểu, nghiên cứu. Văn đàn thế giới sẽ ghi thêm tên một Danh nhân của Việt Nam. Đối với người dân Bến Tre, đây là một niềm vinh dự và tự hào vô cùng to lớn.
Đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”, khai mạc sáng 29/6/2022 tại TP Bến Tre. (Ảnh: ĐH)
Nguồn cảm hứng cho phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”
Đối với khu vực Nam Bộ, nhất là tỉnh Bến Tre – vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ người Bến Tre nói riêng, Nam Bộ và cả nước nói chung về đạo lý làm người, về tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường, bất khuất. Nơi đây ấp ủ, lưu giữ di hài của nhà giáo Võ Trường Toản; quê hương của Long Vân hầu Trương Tấn Bửu, của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng và cũng là quê hương, nơi sống và làm việc của nhiều danh nhân văn hóa lịch sử. Đồng thời, trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, vùng đất này tiếp tục sản sinh ra các danh nhân như Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Giáo sư Ca Văn Thỉnh, nhà thơ Lê Anh Xuân, Bác sĩ – Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp…
Trong giai đoạn hiện nay, tấm gương yêu nước, sống gắn bó mật thiết với nhân dân, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, đem tài năng và trí tuệ của mình tận tâm, tận lực phục vụ cho dân, cho nước của Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành mạch nguồn truyền thống tốt đẹp luôn chuyển lưu, chảy mãi trên quê hương Bến Tre – quê hương Đồng Khởi anh hùng. Và việc vận dụng, phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống ấy vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ở hiện tại cũng như trong tương lai là trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre nói riêng, Nam Bộ và cả nước nói chung.
Với tinh thần đó, từ năm 1975 đến nay, tỉnh Bến Tre luôn xác định phát triển kinh tế – xã hội trên nền tảng truyền thống văn hóa, nhân văn, chủ nghĩa yêu nước được trao truyền từ các bậc tiền nhân, trong đó có Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, và nhất là tinh thần Đồng khởi năm 1960 được nâng lên và xây dựng thành phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” ngày nay, nhằm biến tinh thần Đồng khởi trong đấu tranh giải phóng dân tộc thành phong trào Đồng khởi trong xây dựng quê hương, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, xây dựng và phát triển tỉnh Bến Tre ngày càng giàu mạnh, thịnh vượng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã khẳng định quyết tâm phát triển nhanh và bền vững, “phấn đấu xây dựng tỉnh Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030”. Thực hiện Nghị quyết, tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều đề án, chương trình, kế hoạch và đạt kết quả bước đầu tích cực. Phát huy truyền thống văn hóa, tinh thần yêu nước, đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và Nhân dân, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự vững mạnh, nhất là người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì mục tiêu và lợi ích chung với quyết tâm chính trị cao và quyết liệt hành động của cả hệ thống chính trị. Các hoạt động thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội gắn với các công trình xây dựng quê hương Bến Tre giàu và đẹp đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre nỗ lực thực hiện và bước đầu ghi nhận những kết quả hết sức tích cực…
Với tất cả sự trân trọng, trong niềm vinh dự và tự hào, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Bến Tre nguyện tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức, nhân cách của Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, để tinh thần Đồng Khởi chống giặc ngoại xâm được lan tỏa mạnh mẽ và hiệu quả trong phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện tốt mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đồng thời phát huy những giá trị văn hoá của dân tộc trong xây dựng văn hoá, con người Bến Tre để văn hóa thấm sâu và trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế – xã hộị. Từ đó khơi dậy khát vọng phát triển tỉnh Bến Tre phồn vinh, hạnh phúc bằng tinh thần cách mạng tiến công, ý chí, khát vọng vươn lên, ý thức chủ động sáng tạo, đoàn kết, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh và hạnh phúc.
Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 – 1/7/2022), trong các ngày 29-30/6/2022, tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”. Đây là một trong những hoạt động quan trọng của tỉnh Bến Tre và Việt Nam thực hiện cam kết với UNESCO về việc vinh danh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân văn hóa.