Chấn thương vỡ nhãn cầu là một tình huống nặng nề trong nhãn khoa, không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ mà cả thị lực. Vỡ nhãn cầu xảy ra khi vì một lý do nào đó, người bệnh bị chấn thương khiến vỡ toàn bộ bề dày các thành phần của vỏ bọc nhãn cầu (giác mạc và củng mạc), có kèm theo phòi kẹt hoặc mất tổ chức nội nhãn.
Dấu hiệu vỡ nhãn cầu
Chấn thương vỡ nhãn cầu thường do tai nạn đụng dập, hoặc vết thương xuyên thủng nhãn cầu, cũng có khi vỡ tự nhiên trên bệnh nhân có bệnh lý tại lớp vỏ nhãn cầu.
– Cơ năng: Bệnh nhân bị đau, kích thích vật vã, thị lực mất sau khi xảy ra chấn thương.
– Thực thể: phù nề mi và kết mạc, tụ máu hoặc chảy máu tại mi mắt, xuất huyết dưới kết mạc. Tiền phòng thường sâu. Xuất huyết tiền phòng hay nội nhãn (thường có cục máu đông). Hạn chế vận nhãn (đưa mắt về phía nhãn cầu vỡ càng hạn chế). Tổ chức nội nhãn như màng bồ đào, võng mạc, thủy tinh thể có khi bị kẹt ngay tại vết vỡ, mất một phần hay toàn bộ. Nhãn cầu bị mềm và biến dạng.
Để chẩn đoán xác định, cần các chứng cứ cận lâm sàng như siêu âm để khu trú vị trí nhãn cầu bị vỡ, xác định có dị vật nội nhãn hoặc hốc mắt hay không, chụp CT Scan hoặc MRI (nếu cần).
Điều trị vỡ nhãn cầu
Mục tiêu điều trị khi xảy ra vỡ nhãn cầu là cố gắng bảo tồn nhãn cầu ở mức cao nhất.
Ở giai đoạn cấp cứu, khi đã chẩn đoán vỡ nhãn cầu hoặc vết thương xuyên thủng nhãn cầu trên lâm sàng, cần tránh những động tác đè ép lên nhãn cầu làm tăng nguy cơ phòi kẹt hoặc mất thêm tổ chức nội nhãn.
Ở tuyến địa phương – nơi không có điều trị chuyên khoa mắt, khi tiếp nhận bệnh nhân có chấn thương vỡ nhãn cầu, cần cấp cứu chống sốc, mất máu (nếu xảy ra sốc, mất máu), bảo vệ mắt bệnh nhân bằng sò che mắt, cho thuốc an thần nếu bệnh nhân có kích thích rồi chuyển tuyến đến bệnh viên chuyên khoa.
Với chấn thương vỡ nhãn cầu, bác sĩ chuyên khoa sẽ xem xét kỹ, đánh giá đúng mức độ trầm trọng của vết thương, cố gắng bảo tồn tối đa theo đúng cấu trúc giải phẫu.
– Trường hợp chấn thương nặng nề không thể cứu vãn, có thể phải bỏ nhãn cầu. Đây là quyết định cuối cùng nếu biện pháp bảo tồn là không khả thi.
Trường hợp bảo toàn nhãn cầu
– Thay băng hàng ngày, theo dõi tình trạng nhãn cầu.
– Tại chỗ: nhỏ mắt bằng kháng sinh và kháng viêm không steroid và/hoặc steroid.
– Toàn thân: kháng sinh hoạt phổ rộng và steroid, thời gian từ 7 – 10 ngày.
-Theo dõi chức năng thị giác, nhãn áp, tình trạng thủy tinh thể, mống mắt, nội nhãn, võng mạc, nhãn viêm giao cảm và những biến chứng khác. Có biện pháp xử trí kịp thời và thích hợp.
Trường hợp bỏ nhãn cầu
– Tại chỗ: kháng sinh, thay băng, rửa hốc mắt hàng ngày bằng dung dịch Bethadine 5,0%.
– Toàn thân: kháng sinh uống 7 ngày.
– Tiến hành đặt mắt giả khi hốc mắt sạch, hết phù nề.
-Theo dõi tình trạng hốc mắt, nhãn viêm giao cảm, tình trạng cùng đồ, mắt giả.
Biến chứng vỡ nhãn cầu
Cần đề phòng các biến chứng có thể gặp phải sau chấn thương vỡ nhãn cầu như:
– Viêm mủ nội nhãn.
– Glaucome cấp.
– Bong võng mạc…
Bệnh nhân sau khi ra viện cần tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá tình trạng mắt, xử lý các biến chứng cũng như những vấn đề bệnh nhân gặp phải sau chấn thương vỡ nhãn cầu (nếu có).
Bệnh viện Mắt Sài Gòn
Ths.BS Đỗ Minh Lâm