Nhân hóa là gì
Nhân hoá là biện pháp gọi hoặc tả con vật, đồ vật, cây cối,… bằng những từ ngữ thường được sử dụng để gọi con người, qua đó làm cho các sự vật vô tri vô giác trở nên gần gũi với con người hơn, đồng thời thể hiện được suy nghĩ, tình cảm như con người.
Ví dụ: Ông trời mặc áo giáp đen ra trận / Muôn nghìn cây mía múa gươm / Kiến hành quân đầy đường
Trong những câu thơ được trích dẫn từ bài Mưa của tác giả Trần Đăng Khoa, các sự vật được nhắc đến bao gồm:
- Trời: được gọi với đại từ nhân xưng là ông, được miêu tả mặc áo giáp và ra trận
- Cây mía: được miêu tả đang múa gươm
- Kiến: được miêu tả hành quân
Các sự vật này được dùng những từ ngữ vốn để tả và gọi người để miêu tả về chúng. Cách sử dụng này giúp người đọc cảm nhận được sự sinh động của quang cảnh trước khi trời mưa, khiến các sự vật này trở nên gần gũi hơn. Thông qua đó, tác giả cũng biểu thị được tình cảm, suy nghĩ của sự vật khi đó: có hối hả, có khẩn trương, có nhộn nhịp, có hân hoan,… Một mặt khác, phép nhân hoá thể hiện cái tài của nhà văn Trần Đăng Khoa, khi ông có thể đưa ra những hình ảnh tinh tế với tình yêu thiên nhiên của mình.
Bạn có thể quan tâm
biện pháp tu từ là gì
tác dụng của biện pháp tu từ
hoán dụ là gì
ẩn dụ là gì
Có những biện pháp nhân hoá nào
Biện pháp nhân hoá được chia ra thành ba loại chính:
Nhân hoá sử dụng từ ngữ gọi người để gọi vật
Ví dụ:
– Ông mặt trời toả ánh nắng chói chang xuống mặt đất
– Chị mây hào phóng trao cho mọi người những làn gió mát
Đại từ “ông” và “chị” vốn dùng để gọi người nay được sử dụng để gọi “mặt trời” và “mây” khiến câu văn trở nên thú vị, có hồn hơn.
Nhân hoá sử dụng từ ngữ chỉ hoạt động, tính chất của con người để chỉ hoạt động, tính chất của sự vật
Ví dụ:
“ Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm”
Các từ “thân, tay, núi, bọc,…” là những từ được dùng để chỉ hoạt động, tính chất của con người nhưng được sử dụng cho sự vật.
Nhân hoá sử dụng các từ ngữ xưng hô, trò chuyện với vật như người
Ví dụ:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”
Trong ví dụ này, con trâu được xưng hô và gọi “Trâu ơi” như đang trò chuyện, xưng hô với một người bình thường.
Lưu ý khi sử dụng biện pháp nhân hoá
Không dùng biện pháp nhân hoá tuỳ tiện
Khi sử dụng biện pháp nhân hoá, cần phải hiểu thật rõ mục đích và cân nhắc lý do mình muốn sử dụng là gì. Khi có ý định cần sử dụng nhân hoá thì phải hiểu dụng ý nghệ thuật của mình là gì: Sử dụng biện pháp nhân hoá cho hình ảnh này có ý nghĩa gì? Hình ảnh nhân hoá muốn thể hiện điều gì? Bạn muốn người đọc hiểu được điều gì qua hình ảnh đó? Khi trả lời được tất cả những câu hỏi trên, bạn có thể lựa chọn và xây dựng một hình ảnh nhân hoá đẹp, đầy đủ và trọn vẹn nhất.
Phải phân biệt được biện pháp nhân hoá với các biện pháp tu từ khác để sử dụng phù hợp
Hiện nay, có 4 biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến là nhân hoá, so sánh, ẩn dụ và hoán dụ. Trong đó, có thể thấy rằng nhân hoá là biện pháp dễ phân biệt và dễ áp dụng nhất. Tuy nhiên, các bạn vẫn nên hiểu thật rõ rồi mới áp dụng, tránh việc hiểu sơ sơ không rõ ràng sẽ khiến việc sử dụng trở nên máy móc và dễ bị nhầm lẫn với các biện pháp tu từ khác.
Sử dụng linh hoạt biện pháp nhân hoá
Không chỉ riêng với biện pháp nhân hoá, tất cả các biện pháp tu từ đều cần sử dụng linh hoạt. Không thể bất cứ hình ảnh, chi tiết nào cũng thêm biện pháp nhân hoá mà không có sự chọn lọc. Cần phải lựa chọn và kết hợp linh hoạt với các biện pháp tu từ khác thì bài văn mới sống động, chân thực nhất.
Tham khảo các tài liệu Văn học tại AMA
Bài tập về biện pháp tu từ nhân hóa
Bài tập 1
Đọc bài thơ dưới đây và tìm phép nhân hoá được sử dụng trong bài thơ:
“Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì
Chỉ mang một chiếc bút chì
Và mang một mẩu bánh mì con con.”
Đáp án: Phép nhân hoá được sử dụng trong bài thơ là mèo con. Mèo con được nhân hoá bằng cách gán cho những hành động của con người như “đi học”, “mang bút chì”, mang mẩu bánh mì”. Hình ảnh nhân hoá này giúp đoạn thơ thêm sống động, thú vị hơn.
Bài tập 2
Các câu văn dưới đây có sử dụng hình ảnh nhân hoá hay không? Vì sao?
a, Chú bộ đội đang cùng bà con gánh lúa sau vụ mùa
b, Chị mưa xua tan đi cái nắng oi nóng của mùa hè bằng một dòng nước mát lạnh
c, Gà mẹ đang cần cù tìm kiếm mồi ngon cho đàn con thơ của mình.
Đáp án:
a, Không sử dụng biện pháp nhân hoá, chỉ miêu tả hoạt động của con người như bình thường
b, Sử dụng biện pháp nhân hoá qua hình ảnh “chị mưa”, gọi mưa bằng biệt hiệu xưng hô như con người
c, Sử dụng biện pháp nhân hoá bằng cách gán cho gà mẹ đức tính của con người là cần cù.
Trên đây là tổng hợp những thông tin liên quan đến nhân hóa là gì, và một số bài tập ví dụ điển hình để bạn có thể luyện tập thêm. Hy vọng rằng những thông tin kể trên sẽ là một nguồn tài liệu bổ ích để giúp bạn hiểu và vận dụng thành thạo biện pháp này trong văn học.
Anh ngữ AMA