Trong các đức tính của con người, Nhẫn luôn là một đức tính tốt và được mọi người đề cao, rèn luyện hàng ngày. Nhẫn có ý nghĩa như thế nào? Cùng Nhà sách Bác Nhã tìm hiểu chữ Nhẫn tiếng Trung có ý là gì nhé!
Ý nghĩa chữ Nhẫn trong tiếng Trung
- Tiếng Trung: 忍 rěn
- Bộ: 心 (忄,小) – Tâm
- Số nét: 7
- Hán Việt: NHẪN
- Dịch nghĩa: nhẫn nại; chịu đựng
Có rất nhiều cách hiểu chữ Nhẫn thông qua chiết tự chữ Hán. Chữ Nhẫn (忍) có nghĩa là chịu đựng, nhẫn nhịn, vị tha. Bên cạnh đó nó là sự tự kiềm chế và tự chủ trước những tham vọng của cuộc sống.
Bên trên của Nhẫn là chữ Đao (刀), bên dưới là chữ Tâm (心).
Ý nói rằng nếu ta dùng một thanh đao sắc bén mà đâm thẳng vào tim thì sẽ rất đau. Tổn thương này rất lớn, không có thể kìm được nỗi đau mà la lên. Nhưng nếu để ý có thể thấy chữ Tâm (心) nằm ngay dưới chữ Đao (刀) kia, vẫn vững vàng bất động, ý chí sắt đá, chịu đựng, biểu hiện này chính là hình ảnh lột tả nội hàm của chữ Nhẫn.
Ý nghĩa chữ Nhẫn trong đời sống
✜ Từ cổ chí kim, đã có rất nhiều bình luận về chữ Nhẫn, thể hiện trên nhiều quan điểm của cuộc sống như:
⇀ Người giàu mà biết nhẫn, sẽ bảo vệ được gia tiên. Người nghèo mà Nhẫn được, sẽ không thấy tự ti, hổ thẹn.
⇀ Giữa cha con mà biết nhẫn, đối đãi với nhau sẽ hòa ái và hiếu thuận.
⇀ Anh em mà học được nhẫn, mới cư xử chính đáng và chân thành.
⇀ Nếu bạn bè chịu nhẫn, tình bạn sẽ bền lâu.
⇀ Nếu vợ chồng biết nhẫn, quan hệ sẽ thuận hòa.
⇀ Trong cơn hoạn nạn, tất sẽ có nhiều người chê cười nhạo báng. Nhưng khi đại nạn qua đi, đáng hổ thẹn nhất lại chính những kẻ đã từng cười chê.
⇀ Trong Phật pháp, nhẫn hay nhẫn nhục được nâng cao ý nghĩa đến tối đa. Nhẫn nhục nhằm chỉ cái tâm an tịnh trước mọi sự sỉ nhục, gây hại. Nhẫn nhục được đề cập trong rất nhiều kinh điển Phật giáo.
⇀ Kinh Duy Ma Cật nói đến ba loại nhẫn về thân, khẩu, ý. Bị hành hạ, bệnh tật, nóng lạnh… (thân); dù bị khinh miệt, nói lời xấu cũng không lên tiếng (khẩu); không giữ sự căm hận, oán thù trong tâm (ý).
✜ Kinh Pháp Tập nêu rõ ý nghĩa của nhẫn đồng thời là sáu năng lực của người tu nhẫn:
1/ An tĩnh trước mọi lời mắng chửi, không có ý giận hờn, thù hằn.
2/ An tĩnh khi bị người ta đánh đập, hành hạ.
3/ An tĩnh trước sự áp bức, mưu hại mà không có ý trả thù;
4/ An tĩnh trước sự tức giận của người khác;
5/ An nhiên trước sự được mất, khen chê, đề cao hay hạ thấp, khổ vui;
6/ Không nhiễm phiền não.
Nhẫn không có nghĩa là hèn nhát, bất tài mà là nhẫn nại, nhẫn nhịn. Nhẫn còn thể hiện sự tự chủ của bản thân trước những khó khăn, áp lực từ bên ngoài tác động đến tâm lý mỗi người.
Nếu không làm chủ được bản thân để cơn nóng giận lên ngôi ắt hẳn sẽ ảnh hưởng hoặc phá hỏng nhiều mối quan hệ trong xã hội. Vậy nên trước khó khăn hoạn nạn cần hết sức bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo rồi mới đưa ra quyết định. Để sau này không phải hối hận.
Người có đức tính nhẫn nại sẽ có nhiều cơ hội để thay đổi, sửa sai. Nếu hành động bộc phát sẽ thường thất bại.
Nhẫn – không phải một sớm một chiều mà có được mà cần rèn luyện. Bản thân mỗi người qua nhiều khó khăn cũng ắt có được trải nghiệm quý báu mà rèn được nhẫn. Trước mỗi phong ba đều tĩnh lại để suy ngẫm.
Bạn đã rèn được chữ Nhẫn cho riêng mình?
XEM THÊM
- Ý nghĩa các con số trong tiếng Trung
- Một số thành ngữ trong tiếng Trung