Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Đền Taj Mahal của Ấn Độ là Di sản văn hóa thế giới năm 1983.
Đền Taj Mahal – Di sản văn hóa thế giới tại Ấn Độ
Taj Mahal, ngôi đền nổi tiếng ở Ấn Độ được xem là biểu tượng của tình yêu bất diệt giữa hoàng đế Shah Jahan và hoàng hậu Mumtaz Mahal. Đền Taj Mahal nằm ở thành phố Agra bang Utar Pradesh, phía bắc Ấn Độ. Ngôi đền được xây bằng đá trắng trên một không gian rộng lớn, hài hòa làm tôn lên vẻ đẹp diễm lệ, thanh khiết của nó. Với kiến trúc Ấn – Hồi đặc trưng, Taj Mahal lung linh trên trời xanh như một viên ngọc quý làm ngây ngất bất cứ ai có dịp được chiêm ngưỡng.
Lịch sử xây dựng Taj Mahal gắn liền với câu chuyện về tình yêu bất diệt của hoàng đế Shah Jahan (lên ngôi năm 1627) với người vợ yêu quý là hoàng hậu Mumtaz Mahah. Bà không may qua đời ở tuổi 39 sau khi sinh người con thứ 14 của họ (1631).
Có nhiều câu chuyện về cái chết của hoàng hậu đã được truyền tai nhau qua nhiều thế kỷ trong đó câu chuyện được kể nhiều nhất là: cái chết của hoàng hậu Mumtaz khiến hoàng đế đau buồn vô hạn, chỉ sau một đêm tóc của ông trở nên bạc trắng. Trước khi nhắm mắt, hoàng hậu Mumtaz đề nghị đề nghị hoàng đế xây cho mình một lăng mộ để kỷ niệm tình yêu của họ. Ngay sau đó, vì tình yêu dành cho hoàng hậu, hoàng đế Shah Jahan đã tự mình theo dõi việc xây dựng Taj Mahal trong 16 năm (1632 – 1648) để có được một món quà tặng cho người vợ quá cố.Taj Mahal được xây bằng đá cẩm thạch trắng và nhiều loại đá quý được mang về từ nhiều nơi trên thế giới. Chính vì thế, màu sắc ngôi đền biến đổi kỳ ảo trong ngày nhờ sự biến màu của các loại đá quý theo những thời điểm khác nhau tùy thuộc vào sắc nắng.
Quần thể kiến trúc đền Taj Mahal có 5 hạng mục là cổng chính, vườn cây, nhà thờ Hồi giáo, khu nghỉ và lăng mộ chính. Đền Taj Mahal được xây trên một khu đất rộng 304m và dài 580m, ở chính giữa khu đất là một lâu đài (lăng mộ của hoàng đế Shah Jahan và hoàng hậu Mumtaz Mahah) đáy hình bát giác cao 75m với mái vòm tròn được làm hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng và sa thạch. Bao quanh là 4 vòm tròn nhỏ. Bốn góc đền là 4 tháp cao 40m. Theo quan niệm Hồi giáo, số 4 tượng trưng cho sự thiêng liêng và bất diệt. Chiều cao của ngôi đền khoảng 80m. Xung quanh tòa lâu đài là những bức tường nhiều cửa sổ và cửa ra vào hình vòm cuốn, được chạm khắc cực kỳ tinh xảo bằng các loại đá quý khác nhau. Trên gian phòng lớn ở tầng hai là 2 ngôi mộ của hoàng đế Shah Jahan và hoàng hậu Mumtaz Mahal được khảm bằng 12 loại đá quý nhiều màu sắc trên nền cẩm thạch trắng trang trí nhiều họa tiết trang nhã.
Các công trình phụ xung quanh Taj Mahal cùng vườn cây hoàn thành khoảng 5 năm sau đó tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa, làm tôn thêm vẻ đẹp tráng lệ của công trình chính.
Taj Mahal được kiến trúc sư Ustad Tsa người Iran vẽ thiết kế, theo những câu chuyện lưu truyền thì ông chính là kiến trúc sư giỏi nhất thời kỳ đó đã được Hoàng đế Shah Jahan bỏ ra nhiều công sức để mời về để thiết kế và giám sát xây dựng kỳ quan này.
Để hoàn thành đền Taj Mahal ước tính cần đến 20.000 công nhân và thợ thủ công của Ấn Độ. Để chuyên trở nguyên vật liệu chủ yếu là đá, nhà vua đã mua hơn 1.000 con voi để đủ sức chở vật liệu về đến đền. Nhiều loại nguyên liệu quý đã được tìm mua và đưa về từ nhiều vùng đất xa xôi, chính những điều này đã tạo nên sự khác biệt cho ngôi đền.
Nếu như Agra là cả một vườn hoa đẹp của nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ thời Mogol, thì Taj Mahal là niềm tự hào của đất nước này. Thật sự Taj Mahal đã được tạo nên bằng máu thịt và trí tuệ của người Ấn Độ và trở thành một trong những kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc nhân loại.
Bởi vẻ đẹp tráng lệ và câu chuyện tình yêu bất diệt, đền Taj Mahal được biết đến rộng rãi trên khắp thế giới. Ngôi đền này rất xứng đáng với tên gọi là Viên ngọc châu của những đền đài Ấn Độ hay Giấc mơ tiên hiện thành đá trắng và là một trong những di sản văn hóa nổi tiếng nhất của Ấn Độ.
- Phố cổ Hội An
- Thành cổ Bình Dao – Trung Quốc
- Taj Mahal – Viên ngọc châu của đền đài Ấn Độ