Thuật ngữ nhũng nhiễu đã trở thành một thuật ngữ quá quen thuộc trong mọi lĩnh vực. Vậy bạn đã hiểu rõ nhũng nhiễu là gì chưa? Nhận diện về hành vi “nhũng nhiễu” và “tham nhũng vặt”? Cùng tìm hiểu chủ đề nhũng nhiễu là gì? qua nội dung bài viết này nhé.
Nhũng nhiễu là gì?
Căn cứ Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng 2018, Nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Người có chức vụ, quyền hạn là ai?
Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
– Cán bộ, công chức, viên chức;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
– Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
– Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;
– Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Có những hành vi tham nhũng nào?
– Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:
+ Tham ô tài sản;
+ Nhận hối lộ;
+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
+ Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
+ Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
+ Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;
+ Nhũng nhiễu vì vụ lợi;
+ Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
– Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:
+ Tham ô tài sản;
+ Nhận hối lộ;
+ Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc nào?
– Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc;
– Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
– Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
– Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;
– Sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
– Những việc khác mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan.
Nhận diện về hành vi “nhũng nhiễu” và “tham nhũng vặt”?
Theo Khoản 6 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, “nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ”. Hành vi nhũng nhiễu thường xảy ra trong hoạt động của một số cơ quan công quyền, nhất là tại các cơ quan hành chính, nơi trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
Đặc điểm nhận dạng đó là: Một số cán bộ, công chức hoặc người có chức vụ quyền hạn không thực hiện trách nhiệm với thái độ công tâm và tinh thần phục vụ mà ngược lại, thường tìm cách lợi dụng những sơ hở hoặc không rõ ràng của các thủ tục, thậm chí tự ý đặt ra các điều kiện gây thêm khó khăn cho công dân và doanh nghiệp, để buộc người dân và doanh nghiệp phải biếu xén quà cáp cho mình.
Thực chất của hành vi này là sự ép buộc đưa hối lộ được che đậy dưới hình thức tinh vi, rất khó có căn cứ để xử lý. Cũng có thể coi hành vi nhũng nhiễu là hành vi “đòi hối lộ” một cách gián tiếp hoặc ở mức độ chưa thật nghiêm trọng và có thể dùng biện pháp xử lý hành chính.
Nguyên nhân điển hình dẫn đến hành vi nhũng nhiễu?
Một số nguyên nhân điển hình có thể dẫn đến việc tồn tại của hành vi “nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt”, đó là:
Thứ nhất: Vẫn còn trường hợp lãnh đạo ở một số nơi còn xem nhẹ hành vi nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt”, còn suy nghĩ, thậm chí tư tưởng cho rằng bồi dưỡng ít tiền để anh em làm việc thuận lợi hơn, có động lực hơn; việc phát hiện cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chưa kịp thời và khi xử lý thì còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết.
Bên cạnh đó, còn thiếu cơ chế để thu hút nhân tài; những người được tuyển dụng, đề bạt do lo lót thường có tâm lý khi vào được vị trí công tác, phải bằng mọi cách, mọi thủ đoạn để nhũng nhiễu, vơ vét của Nhà nước và nhân dân, “tham nhũng vặt” của người dân để thu hồi “cả vốn lẫn lời”.
Thứ hai: Việc xác định, xây dựng và triển khai thực hiện vị trí việc làm để khắc phục ngay những sơ hở, bất cập, thiếu sót đối với những vị trí việc làm mà công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp có cơ hội vụ lợi đã không được nhiều cơ quan thực hiện nghiêm túc và khoa học. Rất nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo đúng vị trí, việc làm và có sở trường công tác lại không được bố trí đúng vị trí công tác để phát huy sở trường. Bên cạnh đó, vẫn còn cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức nhưng không bị thay thế, lại đảm nhận những vị trí liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm sẽ rất dễ phạm phải sai lầm dẫn đến nhũng nhiễu và “tham nhũng vặt”.
Thứ ba: Do việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát không nghiêm, mang tính hình thức nên không ngăn ngừa, hạn chế được tệ “tham nhũng vặt”. Mặt khác, biểu hiện dễ dãi, được chăng hay chớ vẫn đang tồn tại. Một số cán bộ, đảng viên, từ trong suy nghĩ cho rằng dù kém về năng lực, vi phạm quy định, đạo đức chưa chắc đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí vẫn thăng tiến đều, nếu có “ô dù” che chắn, nâng đỡ.
Trên đây là nội dung bài viết nhũng nhiễu là gì? Nếu bạn đọc có câu hỏi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.