Soạn bài: Ôn tập phần Tiếng Việt

Nói có đầu có đuôi là phương châm gì

I – NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

Ôn lại các phương châm hội thoại, xưng hô trong hội thoại, cách dẫn trực tiếp và gián tiếp. Thấy được việc sử dụng phương châm hội thoại, chọn cách xưng hô, cách dẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do đó, người nói phải biết vận dụng một cách phù hợp, linh hoạt thì mới có hiệu quả.

II – HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Các phương châm hội thoại

Bài tập 1

– Phương châm về lượng : nội dung nói đáp ứng yêu cầu cuộc giao tiếp, không thiếu, không thừa.

– Phương châm về chất: chỉ nói những điều mình tin là đúng hoặc có bằng chứng xác thực.

– Phương châm quan hệ : nói đúng vào đề tài giao tiếp.

– Phương châm cách thức : nói ngắn gọn, rành mạch, tránh mơ hồ.

– Phương châm lịch sự: nói tế nhị và tôn trọng người khác.

Bài tập 2. Có thể tìm trong các truyện vui hoặc tình huống mà mình đã gặp để minh hoạ cho một số phương châm hội thoại không được tuân thủ. Ví dụ truyện vui dân gian sau :

NÓI CÓ ĐẦU CÓ ĐUÔI

Một phú ông có người đầy tớ tính rất bộp chộp, gặp gì nói nấy, chẳng có đầu có đuôi gì cả. Phú ông mới gọi anh ta mà dạy:

– Mày ăn nói chẳng có đầu có đuôi gì cả, người ta cười cho cả tao lẫn mày. Từ rày định nói cái gì thì phải nghĩ cho kĩ xem bắt đầu như thế nào rồi hãy nói, nghe không !

Một hôm phú ông mặc quần áo mới để đi chơi, đang ngồi hút thuốc thì anh đầy tớ chắp tay trịnh trọng:

-Thưa ông, con tằm nó ăn lá dâu, nó nhả ra tơ, người ta mang tơ bán cho người Tàu, người Tàu đem dệt thành the rồi bán sang ta. Ông đi mua the về may thành áo. Hôm nay ông mặc áo, ông hút thuốc. Tàn thuốc nó rơi vào áo ông, và áo ông đang cháy ạ.

Phú ông giật mình nhìn xuống thì áo đã cháy một miếng to.

(Trong truyện này, người nói đã không tuân thủ phương châm cách thức).

2. Xưng hô trong hội thoại

Bài tập 1. Xem lại các từ ngữ xưng hô thông dụng trong tiếng Việt và cách dùng chúng (Bài tập 1, SGK Ngữ văn 9, tập một, tr.38).

Bài tập 2

Người Việt xưng hô theo phương châm “xưng khiêm, hô tôn”, nghĩa là khi xưng thì khiêm nhường (thường dùng từ thể hiện mình ở tuổi ít hơn hoặc vị trí xã hội thấp hơn người đối thoại), khi hô (gọi) thì đặt người đối thoại ở vị trí cao hơn mình). Ví dụ :

– Thời xưa : xưng hàn sĩ, học trò, bần tăng, thảo dân,… ; gọi đại nhân, đại huynh, tiên sinh, bệ hạ,… Những người phụ nữ thường xưng cháu, nhà cháu với người ngang hàng hoặc dưới hàng (xưng thay con hoặc cháu).

– Thời nay : Tuy mức độ ít hơn thời xưa nhưng cũng còn khá phổ biến cách xưng vai dưới và gọi người đối thoại bằng vai trên (xưng em, cháu, gọi anh, chị, chú, bác,… khi hỏi thăm đường, khi đến nơi mới lạ). Trong một số tình huống xã giao, gọi người đối thoại là quý ông, quý bà, quý cô.

Bài tập 3

Đốì với người Việt Nam, xưng hô thể hiện mốì quan hệ, thái độ, tình cảm. Hệ thống từ xưng hô trong tiếng Việt lại hết sức phong phú và linh hoạt. Ngoài nhóm đại từ nhân xưng, hầu hết các danh từ chỉ quan hệ thân tộc, chức danh, chức vụ đều có thể chuyển thành từ xưng hô. Cách xưng hô thay đổi tuỳ theo tình huống giao tiếp (thân mật, xã giao,…), mối quan hệ (khinh hay trọng, ngang vai hay không ngang vai,…). Rất ít từ xưng hô được coi là trung hoà như các ngôn ngữ Ấn – Âu. Nếu xưng hô không đúng tình huống và quan hệ nói trên sẽ bị người nghe coi là khiếm nhã, thậm chí hỗn xược, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giao tiếp. Nhà văn Nguyễn Công Hoan coi sự xưng hô trong tiếng Việt có thể dẫn đến đánh nhau là vì thế.

3. Cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp

Bài tập 1. Xem lại phần Ghi nhớ, SGK Ngữ văn 9, tập một, tr.53.

Bài tập 2

– Có thể chuyển như sau : … Đến Nghệ An, nhà vua hỏi Nguyễn Thiếp về việc quân Thanh sang đánh, nếu đem binh ra chống cự thì việc thắng thua sẽ thế nào. Nguyễn Thiếp cho rằng giữa lúc trong nước trống không, lòng người tan rã, quân Thanh ở xa tới, không biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, không hiểu rõ thế nên đánh nên giữ ra sao, vậy nếu nhà vua cất quân đánh thì không quá mười ngày quân Thanh sẽ bị tiêu diệt.

– Những thay đổi về từ ngữ từ lời thoại sang lời dẫn gián tiếp : tôi (ngôi thứ nhất) —> tỉnh lược ; chúa công (ngôi thứ hai) —> nhà vua (ngôi thứ ba); tiên sinh (ngôi thứ hai) —> tỉnh lược.