Văn hóa – Xã hội

Văn hóa – Xã hội

Nội sinh và ngoại sinh là gì

VAI TRÒ CỦA NGUỒN LỰC NỘI SINH VÀ NGOẠI SINH

Nguồn lực nội sinh (Endogène) còn được gọi là sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia, được cấu thành từ hai nguồn: sức mạnh cứng (gồm trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, nguồn lao động, tiềm lực về kinh tế, quốc phòng, an ninh,…) và sức mạnh mềm (thể chế chính trị, truyền thống lịch sử – văn hóa, sức sáng tạo của con người, hệ giá trị và chính sách của quốc gia). Nguồn lực nội sinh do cộng đồng dân tộc, quốc gia tự sản sinh, bồi đắp trong chiều dài lịch sử, qua sự tương tác, cải tạo thế giới tự nhiên. Đồng thời đó cũng là kết quả của quá trình không ngừng học tập, trau đồi, tiếp thu tri thức, thành tựu văn minh nhân loại để kết thành hệ giá trị, nguồn lực nội sinh của mình. Như vậy, nguồn lực nội sinh là kết quả của quá trình sáng tạo bền bỉ về vật chất và tinh thần của người dân mỗi quốc gia trong quá trình tương tác với thế giới tự nhiên, xã hội, được biểu hiện phong phú qua nhiều dạng thức (tiềm lực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, giáo dục, văn hóa,…), tạo nên sức mạnh tổng hợp, đáp ứng tốt nhu cầu sinh tồn của người dân và sự phát triển của mỗi dân tộc. Trong tương quan với nguồn lực ngoại sinh thì nguồn lực nội sinh có vai trò, vị trí quan trọng, quyết định đến sự phát triển của quốc gia; là yếu tố nền tảng, kiến tạo bản sắc văn hóa dân tộc.

Cùng với nguồn lực nội sinh thì nguồn lực ngoại sinh (Exogène) cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, chi phối, quyết định đến sự phát triển của quốc gia, khu vực và thế giới. Đó là nguồn lực vật chất và tinh thần do các quốc gia sáng tạo trong quá trình phát triển, như tích lũy tư bản (hàng hóa – tiền tệ), sáng tạo khoa học kỹ thuật, công nghệ; kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, trong quản trị, điều hành xã hội; thành tựu trong giáo dục, y tế; ngôn ngữ; liên minh chính trị của các tổ chức quốc tế,… Nguồn lực ngoại sinh là vô cùng lớn với trữ lượng tài nguyên khổng lồ về tri thức, kinh nghiệm sáng tạo của người dân các nước trên thế giới.

Xét từ góc độ chủ thể sáng tạo, nguồn lực nội sinh là do các thế hệ người dân trong nước sáng tạo nên, mang đậm dấu ấn chủ quan và bản sắc dân tộc, còn ngoại sinh là cái khách thể ở bên ngoài, do nhiều chủ thể sáng tạo, bồi đắp. Xét ở góc độ không gian, lãnh thổ thì yếu tố nội sinh gắn liền với không gian cụ thể của một quốc gia, dân tộc, còn yếu tố ngoại sinh trải dài trong phạm vi không gian rộng lớn với sự cộng hưởng của nhiều quốc gia, khu vực, châu lục. Việc kết hợp nguồn lực nội sinh và nguồn lực ngoại sinh luôn được các quốc gia quan tâm, chú trọng, bởi đó là hai nhân tố quyết định nhất đến sự thành công, lớn mạnh của các quốc gia.PHÁT HUY NGUỒN LỰC NỘI SINH VÀ NGUỒN LỰC NGOẠI SINH VĂN HÓA Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Bài học từ truyền thống lịch sử Việt Nam cho thấy việc kết hợp sức mạnh nội sinh với sức mạnh ngoại sinh đã được cha ông ta vận dụng, kết hợp một cách khéo léo, tài tình, đưa nước ta từ một nước thuần nông, có điểm xuất phát thấp về kinh tế, thường xuyên phải đương đầu với những cuộc xâm lăng của kẻ thù đến từ phương Bắc, phương Tây, người dân từng chịu cảnh nô lệ, trở thành nước độc lập, tự do, vị thế, uy tín và tiềm lực đất nước không ngừng được củng cố, tăng cường. Mặc dù trong những điều kiện, hoàn cảnh chính trị nhất định, việc kết hợp sức mạnh nội sinh với ngoại sinh có lúc không thuận chiều nhưng điểm nhất quán trong tư duy phát triển của các giai đoạn, thời kỳ là đẩy mạnh phát huy sức mạnh nội lực với sức mạnh ngoại lực để đất nước không ngừng phát triển, đi lên.

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc kết hợp có hiệu quả hai nguồn lực này đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết. Đó là, trong nước, trữ lượng nguồn tài nguyên thiên nhiên không còn nhiều, ngày càng cạn kiệt; nhu cầu phát triển lớn; nhiều vấn đề mới, phức tạp nảy sinh, như vấn đề công ăn việc làm khi dân số đang ở độ tuổi “vàng”; nạn “chảy máu chất xám”; sự xâm lăng của những luồng tư tưởng, lối sống mới,… Ở phạm vi khu vực và thế giới, bên cạnh những tín hiệu tích cực, khả quan là sự cạnh tranh, xung đột của những trào lưu, hệ tư tưởng; là cuộc chạy đua vũ trang bằng vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học; chiến tranh thương mại; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo; mâu thuẫn, bất đồng về tôn giáo, đảng phái chính trị, sự bùng phát, lây lan dịch bệnh toàn cầu,… Những vấn đề đó đang đặt ra cơ hội và cả những khó khăn, thách thức, đòi hỏi các quốc gia phải có kế sách, chiến lược vừa kiên định, lâu dài, vừa linh hoạt, nhạy bén với những bước đi thận trọng nhằm tìm kiếm, tận dụng cơ hội trong việc phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh và sức mạnh ngoại sinh.

Sau nhiều thế kỷ phát triển dựa chủ yếu vào nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản sẵn có, đến nay, nguồn trữ lượng này đang ngày càng suy giảm, gây những mối nguy cơ về mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đặt con người trước những thách thức. Từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, nhất là những lỗ hổng, những khoảng trống của sự phát triển thiếu bền vững, con người bắt đầu có những suy nghĩ, nhận thức mới, tìm về với nguồn lực văn hóa, xem văn hóa không chỉ là để giải trí, làm đẹp… mà những sản phẩm văn hóa có thể tạo ra những giá trị kinh tế lớn nếu biết tận dụng, khai thác, phát huy.

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát huy nguồn lực nội sinh văn hóa, biểu hiện ở nguồn lao động trẻ, dồi dào với sức nghĩ, sức sáng tạo lớn. Đây là nhân tố quan trọng, là lực lượng tạo ra nhiều giá trị, sản phẩm văn hóa (đặc biệt là những sản phẩm thuộc văn hóa đại chúng, văn hóa tiêu dùng). Những sản phẩm đó không chỉ đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của công chúng trong nước mà còn có thể đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của công chúng nước ngoài thông qua kênh xuất khẩu, giao lưu, hợp tác. Với bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, Việt Nam có trữ lượng di sản văn hóa phong phú (cả về di sản vật thể và phi vật thể), trong đó có nhiều di sản văn hóa được UNESCO vinh danh; có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Là quốc gia đa tộc người với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống với những nét văn hóa độc đáo trong ứng xử, trong lao động sản xuất đã dệt nên bức tranh văn hóa Việt Nam đa dạng, nhiều sắc màu,… Những nét văn hóa ấy tạo ra đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, tiếp thêm động lực, niềm tin, sức mạnh để mỗi người không ngừng sáng tạo, cống hiến. Bên cạnh đó, nguồn lực nội sinh văn hóa cũng góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân; bắc những “cây cầu” hữu nghị trong việc thắt chặt quan hệ ngoại giao gữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, việc khai thác, phát huy lợi thế nguồn lực nội sinh văn hóa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có do những rào cản về nhận thức, về cơ chế chính sách phát triển, về cách làm thiếu đồng bộ, nhất quán của nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương; đặc biệt là việc xử lý, kết hợp giữa nguồn lực nội sinh và ngoại sinh trong lĩnh vực văn hóa (tức là quá trình giao lưu, trao đổi, mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa) vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc.

Để phát huy tốt nhất nguồn lực nội sinh và ngoại sinh trong phát triển văn hóa hiện nay cần phải quan tâm, thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, đổi mới về nhận thức, tư duy

Đối với nguồn lực nội sinh văn hóa, cần tiếp tục kế thừa và phát huy quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về vai trò, tầm quan trọng của nguồn lực văn hóa. Đồng thời không ngừng đổi mới tư duy lý luận, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo những quan điểm đó trong bối cảnh mới hiện nay.

Văn hóa không chỉ là cái độc đáo, duy nhất mà trong thời đại công nghiệp hóa, các doanh nghiệp có thể sản xuất hàng loạt các sản phẩm văn hóa, đem chúng lưu thông trên thị trường, đáp ứng nhu cầu thị hiếu đa dạng của công chúng tiêu dùng. Sự lên ngôi của những làn sóng văn hóa tiêu dùng, văn hóa đại chúng đang đặt ra nhiều vấn đề mới cần phải không ngừng đổi mới nhận thức, tư duy hành động để khơi dậy và phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của nguồn nội sinh văn hóa.

Nhận thức biện chứng đó được thể hiện trong tư duy phát triển văn hóa của Đảng ở Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) khi lần đầu tiên Đảng đề ra chủ trương cần phải thực hiện tốt chính sách kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế với quan điểm: “Gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, văn nghệ, thể thao; cho phép các thành phần kinh tế kể cả tư nhân trong nước và nước ngoài thực hiện một số hình thức liên doanh, liên kết với một số cơ sở hoạt động văn hóa theo quy định của pháp luật “(1). Tiếp đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2014) tiếp tục đề ra một trong những nhiệm vụ quan trọng để đẩy nhanh sự nghiệp phát triển văn hóa nhằm khai thác, phát huy tối đa nguồn lực nội sinh quan trọng này, đó là phải: “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”(2).

Như vậy, bên cạnh hệ giá trị văn hóa dân tộc tạo nền tảng để gia tăng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân thì văn hóa còn được biểu hiện cụ thể, sinh động trong các sản phẩm, loại hình văn hóa đa dạng, nó không chỉ làm phong phú đời sống tư tưởng, tình cảm, lối sống tốt đẹp cho con người mà còn đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, củng cố hình ảnh, vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Đối với nguồn lực ngoại sinh văn hóa. Đây là nguồn lực lớn, quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia. Nhận định về nền văn hóa dân tộc, Đảng ta khẳng định: “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình”(3). Như vậy, bản sắc văn hóa dân tộc được hình thành do hai nguồn bồi đắp, đó kết quả của quá trình lao động sáng tạo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và quá trình học hỏi, thâu thái tinh hoa văn hóa nhân loại. Nếu bản sắc văn hóa, tâm hồn dân tộc được gọi là yếu tố nội sinh, thì tinh hoa văn hóa nhân loại được coi là yếu tố ngoại sinh. Việc kết hợp khéo léo hai nguồn đó với vai trò chủ thể của người dân Việt sẽ tạo nên nền văn hóa Việt Nam phong phú, giàu đẹp.

Nguồn lực ngoại sinh văn hóa rất đa dạng. Mỗi quốc gia, mỗi tộc người là một nền văn hóa độc đáo, không trộn lẫn. Mặc dù trong bức tranh văn hóa thế giới có những điểm chung, tương đồng về triết lý, khát vọng, hướng con người đến cái cao cả, thánh thiện, tôn thờ cái đẹp, đề cao tinh thần tự do, dân chủ, nhân văn, thượng pháp. Tuy nhiên mỗi sản phẩm văn hóa thuộc về chủ thể sáng tạo nhất định, được hình thành trong thời gian, không gian cụ thể, phản ánh nếp sống, nếp nghĩ, đặc biệt là ý thức hệ, tư tưởng chính trị, tôn giáo của chủ thể đó. Vì thế, việc tiếp thu yếu tố ngoại sinh cần tâm thế, bản lĩnh của cộng đồng, dân tộc, nhất là đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong việc lựa chọn, tiếp thu và cải biến nguồn lực ngoại sinh sao cho phù hợp với truyền thống, thị hiếu và nhu cầu của đông đảo công chúng trong nước để qua nguồn lực ngoại sinh sẽ làm cho yếu tố nội sinh ngày càng phong phú, giàu mạnh.

Để tận dụng những cơ hội thuận lợi trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, trong đó có việc tiếp cận nguồn lực ngoại sinh văn hóa, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về đẩy mạnh, tăng cường hội nhập quốc tế, thể hiện qua nhiều văn kiện của Đảng, trong đó xác định: Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội; hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước.

Đối với lĩnh vực văn hóa, để quảng bá hình ảnh quốc gia, dân tộc cũng như giới thiệu những nét đặc sắc của nền văn hóa đến với bạn bè quốc tế; không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, các nghị quyết của Đảng và chiến lược của Chính phủ về lĩnh vực này đều nhấn mạnh đến một trong những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để phát triển văn hóa Việt Nam là phải tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa, tranh thủ nguồn lực ngoại sinh, gia tăng sức mạnh nền văn hóa dân tộc trước những yêu cầu, đòi hỏi của thời đại.

Thứ hai, tôn trọng quy luật vận động khách quan của văn hóa

Văn hóa là lĩnh vực đặc thù, liên quan trực tiếp đến vấn đề tự do sáng tạo, gắn liền với vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức – đó là vốn quý của dân tộc, tầng lớp tinh hoa của đất nước. Sự sáng tạo trong văn hóa là vô tận với những tác phẩm mang đậm tính nhân sinh, với những đổi mới, tìm tòi mang tính đột phá, đi trước thời đại. Vì thế để nguồn lực nội sinh văn hóa không ngừng được tái tạo, cần đặc biệt chú trọng đến công tác phát hiện, chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Đảm bảo tính kế thừa, phát triển thế hệ, tránh sự hụt hẫng đội ngũ, nhất là với nghệ nhân, nghệ sĩ – những người tham gia trực tiếp vào đời sống văn hóa, văn nghệ. Cần kiến tạo không gian, môi trường thông thoáng, lành mạnh, đảm bảo tốt vấn đề tự do, dân chủ đi đôi với kỷ cương kỷ luật, kích thích tài năng thăng hoa, phát triển và có nhiều cống hiến cho đất nước. Trong đánh giá, thẩm bình và thưởng thức văn hóa cần phải đảm bảo tính khách quan, công bằng, có tinh thần cầu thị, tránh quy kết, áp đặt chủ quan một chiều.

Bên cạnh đó, để văn hóa phát triển cần tôn trọng quy luật kế thừa và quy luật giao lưu, tiếp biến. Bởi văn hóa là quá trình học tập không ngừng để thâu thái, cải biến cái ngoại sinh, làm phong phú cho cái nội sinh.

Lịch sử phát triển của nhân loại chứng minh rằng, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình tồn tại đều không thể tự mình khép kín. Nhu cầu phát triển nội tại của mỗi nước cùng cơn lốc của quá trình toàn cầu hóa, bắt buộc các quốc gia phải mở cửa hội nhập, tham gia vào “sân chơi chung” của khu vực và thế giới. Việc kết hợp, phát huy sức mạnh nguồn lực bên trong (nguồn nội sinh) với nguồn lực bên ngoài (ngoại sinh) là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến quá trình phát triển của mỗi quốc gia dân tộc.

Một nền văn hóa khép kín, không giao lưu, vận động, tương tác với các nền văn hóa khác là “một nền văn hóa chết”. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi cơn lốc của quá trình toàn cầu hóa với sự hỗ trợ, phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã thu hẹp khoảng cách về không gian địa lý vùng miền, mang đến cho con người những cơ hội thuận lợi về trao đổi, hợp tác, học tập kinh nghiệm về mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Vì thế để gia tăng nguồn lực nội sinh thì việc mở rộng cánh cửa hợp tác, tranh thủ nguồn viện trợ, giúp đỡ của các nước anh em; tích cực học tập, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới là một yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết, một nhu cầu tự thân của nền văn hóa.

Thứ ba, tiếp biến yếu tố ngoại sinh trên tinh thần dân tộc

Trong xử lý mối quan hệ giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh văn hóa hiện nay cần đảm bảo hài hòa giữa truyền thống với hiện đại, quá khứ với hiện tại, đặc biệt là vấn đề dân tộc và thời đại. Nếu như nguồn lực nội sinh không đủ mạnh, tâm thế của chủ thể sáng tạo thiếu bản lĩnh, tầm nhìn thì rất dễ bị cái ngoại sinh “xâm lăng”, áp đảo, chi phối. Trong cái ngoại sinh hiện nay, bên cạnh những cái tiến bộ, tích cực, lành mạnh thì cũng có không ít những sản phẩm, tư tưởng mang danh văn hóa nhưng có nội dung phản động, xoáy sâu vào sự thù hằn, mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; cổ vũ bạo lực; ngợi ca lối sống thực dụng, hưởng lạc; đề cao chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ; đầu độc tâm hồn, hủy hoại nhân cách con người, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Đặc biệt với sự phát triển, bùng nổ của Internet, mạng xã hội, những luồng văn hóa ngoại lai đang hàng ngày, hàng giờ len lỏi, thâm nhập vào đời sống xã hội, làm đảo lộn những giá trị văn hóa truyền thống, làm băng hoại nền tảng đạo đức, làm lung lạc niềm tin của người dân đối với Đảng, chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Vì thế trong tiếp cận, giao lưu với nguồn lực ngoại sinh, trong đó có văn hóa cần tâm thế, bản lĩnh vững vàng của người tiếp nhận với phông nền kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn nhất định.

Việc lựa chọn nguồn lực ngoại sinh nào cần xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phù hợp với tâm lí, tính cách người Việt, với truyền thống lịch sử, văn hóa cha ông và điều kiện, hoàn cảnh thực tế đất nước. Việc kết hợp nguồn lực nội sinh và ngoại sinh văn hóa phải hướng đến phục vụ lợi ích quốc gia, vì độc lập dân tộc và lý tưởng, mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Vì thế tiếp nhận yếu tố ngoại sinh của văn hóa phải có tinh thần chủ động, tích cực trên nền tảng của yếu tố nội sinh để rồi từ yếu tố nội sinh văn hóa phong phú của dân tộc sẽ lại trở thành cái ngoại sinh hấp dẫn đối với các quốc gia, dân tộc khác. Mối quan hệ giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong văn hóa là mối quan hệ biện chứng hai chiều, có những thành tố tách biệt nhưng cũng có những thành tố thẩm thấu, đan quyện vào nhau sau quá trình giao lưu, tiếp xúc và cải biến để cùng tương trợ trong quá trình phát triển.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương chung đúc lại… Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam”(4). Lời chỉ dẫn của Người đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, nói lên tính chất, đặc trưng và quy luật vận động của nền văn hóa dân tộc. Để đất nước phát triển nhanh và bền vững, việc phát huy mạnh mẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa nguồn lực nội sinh và ngoại sinh, đặc biệt là nguồn lực văn hóa là một yêu cầu, đỏi hòi bức thiết. Để xử lý tốt mối quan hệ đó nhằm tạo nên những đột phá mới trong xây dựng, phát triển đất nước, cần trở lại với những tư tưởng nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với tư duy nhạy bén, bản lĩnh chủ động, sáng tạo của những người lãnh đạo, quản lý đất nước và toàn thể nhân dân./.

TS. Nguyễn Huy PhòngHọc viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

– (1) (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2015, t.57, tr.317, 293. (2) http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xi/nghi-quyet-so-33-nqtw-ngay-962014-hoi-nghi-lan-thu-9-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-xay-dung-va-phat-trien-590 (4) Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, H, 1997, tr.350.