Ngành điện cho rằng, việc khách hàng sử dụng dưới 30% công suất định mức của máy biến áp, làm cho tỷ lệ tổn thất tăng cao khi máy biến áp vận hành non tải. Điều này đã làm ảnh hưởng đến tỷ lệ tổn thất và doanh thu của ngành điện.
Thắc mắc nảy sinh từ thực tiễn
Một vài doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam cho rằng, thời gian qua Công ty Điện lực Hà Nam đã tiến hành truy thu tiền bồi thường non tải đối với máy biến áp sử dụng công suất nhỏ hơn 30% công suất định mức trái quy định pháp luật. Nội dung phản ánh là vậy, vậy thực tế thì ra sao?
Tháng 4/2015, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc mà đại diện là ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Điện lực Hà Nam ký kết Hợp đồng mua bán điện với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
Tại mục 9.3, Điều 9 của Hợp đồng (thỏa thuận cụ thể khác) ghi rõ: “Trường hợp bên A (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc) bán điện qua máy biến áp của bên B (Doanh nghiệp): Trong thời gian 6 tháng liên tục kể từ ngày sử dụng điện ổn định ghi tại Điểm 8 Phụ lục I, nếu Bên B sử dụng điện nhỏ hơn 30% công suất định mức của máy biến áp thì trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày bên A gửi thông báo, bên B có trách nhiệm phải thay máy biến áp có công suất phù hợp với công suất sử dụng điện”.
Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thiết kế lại dây chuyền sản xuất và máy biến áp. Doanh nghiệp đã kiến nghị với Điện lực Hà Nam, lúc này Điện lực Hà Nam đã đưa ra một công thức tính toán đó là truy thu điện năng do sử dụng non tải máy biến áp đối với doanh nghiệp. Tất cả nội dung này đều không nêu trong Hợp đồng mua bán điện.
Đáng chú ý, căn cứ hợp đồng mua bán điện mà Điện lực Hà Nam ký kết với doanh nghiệp ghi rất rõ các điều khoản mà bên A buộc phải thực hiện.
Một ví dụ khác, cuối năm 2017 đại diện Điện lực Hà Nam đã ký kết hợp đồng mua bán điện với một doanh nghiệp, Hợp đồng mua bán điện có vỏn vẹn 3 Điều, khác với Hợp đồng trước đó đã ký có tới 14 Điều.
Đặc biệt, tại Điều 2: Những thỏa thuận khác, mục 8 có ghi: “Trường hợp bên A bán điện qua máy biến áp (MBA) của bên B: Trong thời gian 6 tháng liên tục kể từ ngày sử dụng điện ổn định, nếu bên B sử dụng điện nhỏ hơn 30% công suất định mức của máy biến áp đang sử dụng thì trong thời hạn 3 tháng kế từ ngày bên A gửi thông báo, bên B có trách nhiệm thực hiện một trong các nhiệm vụ sau:
Bố trí quy hoạch, tập trung dây chuyền sản suất để tách bớt máy biến áp ra khỏi vận hành (đối với các đơn vị có nhiều máy biến áp). Thực hiện thay máy biến áp có công suất phù hợp với công suất sử dụng điện (đối với các đơn vị có một máy biến áp); Thực hiện thỏa thuận thanh toán phần điện năng tổn thất trong máy biến áp khi bên mua điện sử dụng điện nhỏ hơn 30% công suất định mức của máy biến áp.
Như vậy, có thể thấy, nếu bên A không sử dụng hết công suất đã đăng ký thì sẽ bị “truy thu”.
EVN trả lời ra sao?
Năm 2017, có một bạn đọc ở Hà Nam đã gửi thắc mắc tới tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với nội dung như sau, Pháp luật Plus xin được trích nguyên văn: “Kính chào Ban biên tập website, tôi là người dân ở Hà Nam, bạn bè tôi đang có dự định mở công ty và mong muốn lắp đặt trạm biến áp chuyên dùng riêng. Qua tìm hiểu các thông tin trên mạng, tôi được biết khi lắp đặt trạm biến áp riêng, có nhiều quy định, trong đó có 1 quy định về việc sử dụng công suất nhỏ hơn 30% công suất đăng ký trong hợp đồng mua bán điện thì bên mua điện phải chi trả thêm tiền do sử dụng non tải máy biến áp cho bên bán điện.
Tôi chưa hiểu điều này là như thế nào, và việc tính toán tiền non tải đó ra sao, có văn bản pháp luật nào quy định không, tôi tìm các thông tư nghị định chỉ nói đến việc sử dụng quá công suất chứ không thấy nói tới sử dụng thấp hơn công suất đăng ký. Kính mong tư vấn để chúng tôi hiểu rõ và có kế hoạch thực hiện dự định của mình. Tôi xin chân thành cảm ơn”.
Ngay sau đó, phía EVN hồi đáp như sau:
“Sau khi nhận được câu hỏi của độc giả, Ban biên tập website evn.com.vn đã liên hệ tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực miền Bắc và nhận được trả lời như sau:
Thực tế có nhiều khách hàng mua điện qua trạm biến áp chuyên dùng (kể cả TBA do ngành Điện đầu tư) sử dụng dưới 30% công suất định mức của máy biến áp, làm cho tỷ lệ tổn thất tăng cao khi máy biến áp vận hành non tải. Điều này đã làm ảnh hưởng đến tỷ lệ tổn thất và doanh thu của ngành Điện.
Hiện tại một số Công ty Điện lực tỉnh/Điện lực huyện, thành phố, Thị xã đang thực hiện thỏa thuận giữa bên mua điện và bên bán điện: Nếu bên mua điện sử dụng điện nhỏ hơn 30% công suất định mức của máy biến áp thì trong thời gian 6 tháng kể từ ngày bên bán điện gửi thông báo bên mua điện có tránh nhiệm thay máy biến áp khác có công suất phù hợp với công suất sử dụng thực tế hoặc trả cho bên bán điện một khoản tiền bù đắp tổn thất điện năng khi máy biến áp vận hành non tải.
Khách hàng phải trả tiền non tải máy biến áp khi hệ thống đo đếm điện năng đặt phía hạ áp của máy biến áp và có thỏa thuận với bên bán điện về việc thanh toán tiền non tải máy biến áp”.
Qua ví dụ kể trên, có thể thấy quan điểm của EVN là rất rõ ràng, “khách hàng sẽ phải trả tiền non tải máy biến áp…”.
Một vị lãnh đạo điện lực một huyện ở Bắc Giang nhận xét: Việc truy thu tiền điện non tải đã được thực hiện nhiều năm. Quan trọng là khách hàng phải chủ động được công suất sử dụng khi đăng ký, Điện lực sẽ thông báo bằng văn bản tới khách hàng và đề xuất phương án khách hàng nên thay thế TBA để phù hợp với tình hình sử dụng điện, nếu không sẽ bị truy thu tiền điện non tải.
Trở lại tỉnh Hà Nam, vậy năm 2020, Điện lực Hà Nam đã truy thu được bao nhiêu tiền điện non tải từ khách hàng.
Theo Văn bản số 2142/PCHN-KTGSMBĐ ngày 21/9/2020 về việc thanh toán tiền khuyến khích hoạt động KTGSMBĐ từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2020 của Điện lực Hà Nam, trong đó Công ty thanh toán tiền khuyến khích hoạt động kiểm tra giám sát mua bán điện cho các đơn vị với tổng số tiền là 137.239.644 đồng, riêng tiền truy thu non tải là 113.974.118 đồng. Cụ thể, Điện lực Duy Tiên được thanh toán 52.089.056 đồng, Điện lực Thanh Liêm được thanh toán 22.605.354 đồng, Điện lực Kim Bảng được thanh toán 33.538.222 đồng…
Được biết, không riêng tỉnh Hà Nam, mà còn nhiều tỉnh/thành phố khác cũng đang áp dụng việc truy thu tiền điện non tải mà khách hàng sử dụng điện không dùng hết công suất.
Tuy nhiên, điều cần làm rõ ở đây là việc bên bán điện cần minh bạch hóa, nêu rõ trong hợp đồng mua bán điện với khách hàng, đưa ra công thực tính hợp lý, nhất quán trong ngành điện, tránh những khúc mắc “thường xuyên” khi nhận “hóa đơn phạt” từ ngành điện.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.