Nữ quyền: Làm sao để hiểu cho đúng?

Nữ quyền: Làm sao để hiểu cho đúng?

Nữ quyền là gì

Thời gian đọc: 21 phút

Trong thời gian gần đây, cụm từ “Nữ quyền” ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Đây là một phần thành quả của các cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Tuy vậy, hiện vẫn còn tồn tại một số ngộ nhận khiến nhiều người có cái nhìn sai lệch về phong trào này.

Do đó, việc chủ động trang bị cho bản thân một nền tảng kiến thức chính xác là vô cùng cần thiết. Từ đó, ta sẽ có sự nhìn nhận đúng đắn và tránh lan truyền những hiểu lầm tai hại. Hãy cùng Vietnam Youth Alliance tìm hiểu những vấn đề xoay quanh “nữ quyền” với bài viết dưới đây nhé!

Nữ quyền là gì?

Nguồn ảnh: UN Women

Nữ quyền (tiếng Anh: Feminism) là hành động đấu tranh cho sự bình đẳng về quyền và cơ hội cho mọi giới.

Những nhà hoạt động nữ quyền đấu tranh cho việc tôn trọng sự đa dạng về trải nghiệm, bản dạng, kiến thức và sức mạnh. Từ đó, phong trào thúc đẩy mọi phụ nữ ý thức được toàn quyền của bản thân. Ngoài ra, phong trào còn đấu tranh để đảm bảo rằng tất cả nữ giới và bé gái (cộng đồng đang yếu thế hơn trong xã hội) đều có được những quyền cơ bản và được trao cơ hội như nam giới và bé trai.

“Trao quyền cho phụ nữ”

“Trao quyền cho phụ nữ” là tư tưởng chủ đạo của cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ. Nó không chỉ nâng cao sức mạnh và tiếng nói của nữ giới mà còn của cả xã hội. Từ đó, một cộng đồng văn minh và nhân đạo được xây dựng nên. Phong trào này chống lại những quan niệm nam quyền trong gia đình và xã hội. Qua đó, thực hiện quyền con người của nữ giới và trẻ em gái.

Nguồn ảnh: Paisano

Vì sao ta nên ủng hộ nữ quyền?

Tác động tích cực của phong trào nữ quyền

  • Thúc đẩy vai trò chủ động, tính độc lập về kinh tế – xã hội và cảm xúc của phụ nữ;
  • Nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề bất bình đẳng giới;
  • Tối ưu hóa sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ trong những lĩnh vực do nam giới chiếm ưu thế trong xã hội;
  • Xóa bỏ các tín ngưỡng và hành vi văn hóa được thúc đẩy bởi định kiến giới;
  • Mang lại các cải cách về luật pháp và xã hội nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ;
  • Củng cố vị thế, cơ hội và kết quả bình đẳng cho cả nam và nữ. Qua đó, tạo cơ hội xây dựng nên xã hội tốt đẹp hơn;
  • Củng cố quyền cá nhân và quyền mưu cầu hạnh phúc của phụ nữ;
  • Thách thức các chuẩn mực giới mà xã hội đặt ra cho phụ nữ làm kìm hãm sự phát triển của họ;
  • Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, quyền sinh sản và sự bảo vệ khỏi bạo lực, qua đó đem lại ảnh hưởng tích cực đến tuổi thọ và sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ nhỏ;
  • Thúc đẩy đầu tư công phát triển mạnh mẽ hơn. Bởi mức độ phân quyền thấp hơn sẽ thu hút vốn Nhà nước đầu tư vào dân số rộng lớn hơn; đồng nghĩa với việc số tiền chi cho y tế công và nhu cầu của trẻ tăng lên;
  • Đối với nam giới, nữ quyền có thể là nguồn cảm hứng để hướng tới mối quan hệ tình cảm và tình bạn bình đẳng; phân chia đồng đều việc chăm sóc, trách nhiệm công việc; cùng hành động hướng tới giảm bớt tình trạng bạo lực.

Mục đích của trao quyền cho phụ nữ

Trao quyền cho phụ nữ nhằm đáp ứng nhu cầu cho hai nhóm phụ nữ:

  • Thứ nhất, khuyến khích, nâng đỡ những phụ nữ tài năng đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau và có khả năng giải quyết những vấn đề cấp bách của thế giới, đất nước hoặc địa phương, ngành, lĩnh vực…;
  • Thứ hai, trao quyền cho mọi phụ nữ không phân biệt giàu nghèo, trình độ học vấn, trình độ chính trị… với tư cách là công dân của đất nước, là thành viên của gia đình.

Sự bình đẳng mà phong trào nữ quyền hướng tới không phải là mọi người có quyền giống hay tương đương nhau, hay phụ nữ phải thay đổi bản thân theo tiêu chuẩn đo lường của đàn ông để đạt được những quyền lợi như đàn ông. Nữ quyền hướng tới loại bỏ các hình thức phụ thuộc của phụ nữ trong mọi mặt đời sống.

Về bản chất, trao quyền cho nữ giới chính là thực hiện quyền con người của họ giống nam giới. Tuy nhiên, nó có tính đến khía cạnh đặc điểm giới tính sinh học và chống lại các hủ tục ràng buộc, áp bức phụ nữ.

Nguồn ảnh: Knowledge Brewery

Lịch sử nữ quyền và đấu tranh cho bình đẳng giới trên thế giới

Khái niệm này được Frances Power Cobbe giới thiệu vào năm 1984 và được ví von với hình ảnh trừu tượng. Cụ thể hơn, chúng “như những cơn sóng biển, mỗi con lại được tiếp nối bởi một động lực đồng đều, mang dòng nước đi cao hơn và xa hơn dọc theo bờ biển”. Tuy nhiên, sự so sánh này đã giản lược và bỏ qua các phong trào đồng thời diễn ra trong và giữa các chủng tộc, dân tộc, quốc tịch, giai cấp… Như vậy, nó coi nhẹ sự dũng cảm của phụ nữ trên toàn cầu trước thế kỷ 19.

Làn sóng đầu tiên: Quyền được bầu cử

Làn sóng đầu tiên bắt đầu vào 1848 và kéo dài mãi đến đầu thế kỷ 20. Mục đích chính là mang lại quyền bầu cử cho phụ nữ. Làn sóng đầu tiên này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyền phụ nữ ở Mỹ. Tuy nhiên, phong trào này tập trung chủ yếu vào quyền cho phụ nữ da trắng.

Làn sóng thứ hai: Công bằng xã hội

Nó tập trung vào những lĩnh vực xã hội nơi phụ nữ vẫn bị coi như tầng lớp thứ cấp. Sau khi có được quyền bầu cử, phụ nữ muốn tăng sự hiện diện của phái nữ trong chính phủ. Ngoài ra, họ cũng mong muốn đặt ra các quy định giải quyết những vấn đề liên quan đến giới. Giống như làn sóng đầu tiên, làn sóng thứ hai cũng chỉ tập trung vào phụ nữ da trắng trung lưu. Họ cảm thấy ức chế vì thiếu cơ hội làm việc ngoài làm mẹ và nội trợ.

Làn sóng thứ ba và thứ tư: Tăng nhận thức và nữ quyền hiện đại

Những biến chuyển đột phá trong thập niên 60, 70 đã giúp xây dựng nền móng nữ quyền hiện đại. Từ chỗ không được bầu cử và bị đối xử như đồ vật, giờ đây nữ giới đã góp mặt ở nhiều vị trí: vận động viên hàng đầu thế giới, nhà hoạt động, biểu tượng của nền văn hoá đại chúng. Ở làn sóng này, người ta đã nhận ra và sửa chữa thiếu sót của hai làn sóng trước đó. Phụ nữ da màu, phụ nữ bản địa; song tính, phi nhị nguyên và người chuyển giới nữ; phụ nữ khuyết tật và các nhóm thiểu số khác đã có sự hiện diện trong làn sóng này.

Làn sóng thứ ba và thứ tư
Nguồn ảnh: Getty Images

Nữ quyền ở Việt Nam

Ở Việt Nam, nhiều phụ nữ vẫn coi hạnh phúc của mình phụ thuộc hoàn toàn vào đàn ông. Họ chưa thoát khỏi được sự dựa dẫm vào phái nam về tinh thần và thể xác. Họ quan niệm hạnh phúc của phụ nữ là tìm được một chỗ đứng trong nhà chồng và nối dõi tông đường. Tư tưởng này khiến những người nữ học cao và độc lập trở thành “hiện tượng lạ”. Họ được coi như đối tượng khó kiếm chồng trong xã hội. Đồng thời, chế độ phụ quyền khiến đàn ông ngại kết hôn với phụ nữ học cao.

Trong vòng một thế kỷ đến nay, phong trào nữ quyền đã thay đổi xã hội Việt Nam một cách đáng kinh ngạc. Nhưng hiện tại, hình tượng phụ nữ tiêu chuẩn vẫn chưa thay đổi quá nhiều. “Tứ đức” vẫn là một thước đo quan trọng cho phụ nữ. Sự tồn tại của những phong tục xưa cũ đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người Việt Nam. Từ xưa đến nay, áp bức giới là một phần của tâm lý cộng đồng theo giáo lý Nho giáo. Nó cũng là một thành luỹ kiên cố không thể vượt qua.

Từ những phong trào nữ quyền đầu tiên…

Ở thời kỳ xưa

Ở Việt Nam, việc trao quyền cho phụ nữ đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên, điều đó chỉ xảy ra trong những tình thế bắt buộc. Ví dụ như chế độ “buông rèm chấp chính” trong các triều đình phong kiến trước đây. Tuy nhiên, hành động này chỉ mang tính hình thức chứ bản chất không hề giống nữ quyền hiện đại. Có thể nói hoạt động chính trị thời phong kiến ở Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác hầu như vẫn chỉ nằm dưới quyền điều hành của nam giới.

Ở thời kỳ hiện đại

Phong trào nữ quyền ở nước ta chỉ thực sự bắt đầu vào những năm 1930. Đi đầu phong trào phụ nữ xã hội chủ nghĩa thời đó là bà Nguyễn Thị Minh Khai, người phụ nữ cộng sản đầu tiên và nổi tiếng nhất. Trong nhiều thập kỉ, trọng tâm của phong trào bao gồm:

  • Huy động phụ nữ tham gia chiến đấu;
  • Tối đa hoá năng suất lao động;
  • Hỗ trợ nền kinh tế trong chiến tranh.

Các phong trào trong khoảng 1954 – 1985 tập trung vào các cuộc kháng chiến và tái thiết đất nước sau chiến tranh. Xuyên suốt phong trào này, những thành tựu của phụ nữ Việt Nam được biểu hiện rõ rệt.

Ví dụ phong trào tiêu biểu

Đầu những năm 60, Sài Gòn đã chứng kiến một phong trào nữ quyền đầy chấn động. Phong trào được dẫn đầu bởi Trần Lệ Xuân – Đệ nhất Phu nhân của Việt Nam Cộng Hoà. Bà đã thúc đẩy ban hành và bảo trợ bộ Luật Gia đình mới. Bộ luật này đã củng cố vị thế của phụ nữ miền Nam, như:

  • Bảo vệ phụ nữ miền Nam khỏi những người chồng không chung thuỷ;
  • Cấm ngoại tình trừ khi được phép của Tổng thống Cộng hoà;
  • Bãi bỏ đa thê;
  • Cho người vợ đầy đủ năng lực pháp lý và quyền trong hôn nhân. Ví dụ: quyền chọn chỗ ở sau khi kết hôn, quyền đồng sở hữu và quản lý tài sản hôn nhân, quyền sử dụng tiền lương của chồng, quyền có sự nghiệp riêng.

Sau cuộc đảo chính năm 1963, Bộ luật đã được lược bỏ một số biện pháp mạnh tay nhưng vẫn giữ được sự bình đẳng. Kể từ phong trào của bà, người Sài Gòn đã tạo ra cụm: Phong trào Phụ nữ đòi Quyền sống.

Ví dụ về phong trào tiêu biểu
Nguồn ảnh: Chopsticks Alley

Cho tới thực trạng tại Việt Nam ngày nay…

Luật pháp Việt Nam về nữ quyền

Những điều đã đạt được

Một thành tựu nữa của phong trào phụ nữ XHCN là giải phóng phụ nữ trên phương diện luật pháp. Phong trào đã đưa những nữ nông dân lên vị thế bình đẳng bằng cách trao quyền sở hữu ruộng đất trong cuộc Cải cách Ruộng đất do Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện (1953 – 1956).

Bình đẳng về quyền bầu cử

Trong bản Hiến pháp năm 1946 quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện. Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử“.

Bình đẳng về cơ hội phát triển kinh tế, xã hội

Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.

Ngoài ra, trong Luật Bình đẳng giới năm 2006 với mục tiêu: “Xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.

Bình đẳng trong hôn nhân và gia đình

Theo Điều 18 Luật Bình đẳng giới, “Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình”. Ngoài ra, cũng theo quy định tại điều này, “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình; vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật”.

Điều 18 cũng quy định: “Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển; các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.

Trong khi đó, tại Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình quy định như sau: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật có liên quan”.

Một số hạn chế còn tồn tại

Theo quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10.5.2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì Sự Phát Triển Bền Vững. Kế hoạch đã xác định rõ: trao quyền cho phụ nữ là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững nhằm thay đổi tiến trình của thế kỷ XXI và giải quyết những thách thức chính như đói nghèo, bất bình đẳng, bạo lực đối với phụ nữ.

Dù pháp luật đã quy định, cũng như đã có chính sách lương thưởng và phúc lợi; thực tế cho thấy cơ hội thăng tiến cũng như mức thu nhập của nữ giới thường thấp hơn rất nhiều so với nam giới có cùng trình độ. Nhiều người làm các công việc không chính thức và dễ bị tổn thương hơn nam giới; đồng thời họ cũng ít được tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội. Đặc biệt, phụ nữ chỉ chiếm thiểu số trong mọi cấp hoạch định chính sách trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội.

Báo cáo số liệu

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động là 71,2% nhưng vị thế còn thấp. Trong đó, 52,1% thuộc lao động đơn giản và 66,6% là lao động gia đình. Do đó, mức thu nhập bình quân của phụ nữ là 5,22 triệu đồng/ tháng. Con số này chỉ bằng 81,1% mức thu nhập bình quân của nam giới (5,92 triệu đồng/tháng). Hơn nữa, sự chênh lệch này ngày càng lớn dần ở nhóm người lao động có trình độ. Ở cấp độ chưa qua đào tạo, thu nhập của lao động nữ thấp hơn lao động nam cùng trình độ 8,1%. Mức chênh lệch này còn lên tới 19,7% với nhóm có trình độ đại học trở lên.

Trong lĩnh vực việc làm, vẫn còn đó sự chênh lệch giữa nam và nữ trong sử dụng nguồn nhân lực và hưởng thụ các chính sách đãi ngộ. Báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) năm 2018 cho thấy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam giới và phụ nữ từ 15 tuổi trở lên tiếp tục giảm dài hạn trên phạm vi toàn cầu. Năm 2018, con số này là 61,8%, thấp hơn khoảng 1,4% so với hơn một thập kỷ trước. Tỷ lệ tham gia thấp ở nữ giới chính là hệ quả của việc coi nhẹ thu hẹp khoảng cách giới.

Tình hình thực tế

Thực tế cho thấy, người phụ nữ không được tôn trọng bởi gia đình và xã hội nếu có trình độ thấp, không có việc làm hay thu nhập ổn định. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình trao quyền cho phụ nữ. Chính vì vậy, cần đảm bảo vấn đề bình đẳng giới trong việc làm và thu nhập. Nó có thể giải phóng được sức lao động và tận dụng hiệu quả nguồn lực. Ngoài ra, nó còn tạo môi trường lao động lành mạnh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, định kiến giới cũng ảnh hưởng xấu đến việc quyết định bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền. Điều này dẫn đến việc phụ nữ ít nằm trong quy hoạch đội ngũ lãnh đạo kế cận. Họ phải chịu áp lực gánh vác chính công việc gia đình. Do đó, phụ nữ hầu như không có thời gian mở rộng các mối quan hệ xã hội để làm tốt vai trò lãnh đạo. Họ cũng có thể không làm được tốt trong vai trò đại biểu của nhân dân khi được bầu. Thêm vào đó, một số quy định khác biệt giữa nam và nữ như độ tuổi nghỉ hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cũng làm hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các bất cập khác

Về kinh tế: Chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ cùng một vị trí công việc vẫn tồn tại. Cơ hội để phụ nữ tiếp cận những việc làm có thu nhập cao hiện vẫn đang thấp hơn so với nam giới. Điều đó cho thấy lao động nữ vẫn chưa được đối xử công bằng. Họ cũng là đối tượng chịu rủi ro hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực. Đặc biệt là hiện nay, thu nhập bình quân của lao động nữ luôn thấp hơn nam giới.

Về chính trị – xã hội: Tỷ lệ nữ giới làm công tác quản lý, lãnh đạo đã được cải thiện. Tuy nhiên, nó vẫn còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung, và so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng.

Trong gia đình: Phụ nữ vẫn phải làm những công việc nội trợ là chủ yếu. Nhiều nơi vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác. Ví dụ: bạo lực gia đình, buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục.

Hiện thực xã hội của nữ quyền tại Việt Nam

Vào năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Luật Bình đẳng cho phụ nữ. Song, hiện nay phụ nữ Việt Nam vẫn đang chịu nhiều định kiến bắt nguồn từ các vấn đề xã hội. Điển hình nhất là bạo lực gia đình và việc không được trọng dụng dù có học vị.

Báo cáo số liệu về tình trạng bạo lực với phụ nữ

Theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019:

  • Cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người đã bị bạo lực bằng một hoặc hơn một hình thức trong đời;
  • Hơn 1/4 phụ nữ từng bị bạo lực thể chất do chồng hiện tại hoặc chồng cũ gây ra trong đời;
  • Cứ tám phụ nữ thì có một phụ nữ từng bị chồng bạo lực tình dục. Họ bị ép buộc quan hệ tình dục trái với ý muốn của mình. Đây là một dạng của cưỡng dâm trong hôn nhân – là hành vi bạo lực tình dục phổ biến nhất.

Ngoài ra họ còn phải chịu nhiều hình thức bạo lực tinh thần hoặc tâm lý khác.

Gần một nửa (47%) phụ nữ bị chồng hiện tại hoặc chồng cũ bạo lực tinh thần trong đời. 19% phụ nữ đang phải chịu đựng loại bạo lực này. Bạo lực tinh thần bao gồm:

  • Xúc phạm vợ, làm nhục vợ trước mặt những người khác;
  • Đe dọa hoặc dọa nạt, dọa đánh vợ hoặc đánh người thân của vợ;

Kiểm soát hành vi cũng là một hình thức bạo lực tâm lý, trong đó có:

  • Không cho vợ gặp gỡ gia đình hoặc bạn bè;
  • Luôn khăng khăng cần biết vợ mình đã đi và đến đâu;
  • Tức giận nếu vợ nói chuyện với người đàn ông khác.

Hơn một phần tư (27%) phụ nữ đã bị chồng kiểm soát hành vi trong đời. 13% phụ nữ đang phải chịu hình thức bạo lực này hiện thời.

Báo cáo số liệu về tình trạng tảo hôn

Mặt khác, tỉ lệ tảo hôn ở trẻ em gái vẫn còn đặc biệt cao. Nạn tảo hôn xuất hiện ở rất nhiều vùng miền trên cả nước. Vấn nạn này chủ yếu diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê, 11% phụ nữ tuổi từ 20 đến 49 đã kết hôn hoặc đã sống chung như vợ chồng trước tuổi 18. Trung du miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ tảo hôn cao hơn so với các vùng khác. Trong độ tuổi từ 10 – 17 tuổi, cứ 10 em trai thì có 01 em có vợ; cứ 05 em gái có 01 em có chồng.

Sau Trung du miền núi phía Bắc thì Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao thứ hai: 15,8 %; Đồng bằng sông Hồng 7,9% và Đông Nam Bộ 8,1%. Các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao nhất trong cả nước gồm: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Kon Tum, Gia Lai. So với 54 dân tộc anh em thì các dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao gấp 6 lần so với dân tộc Kinh và gấp gần 3,5 lần so với tỷ lệ chung của cả nước.

Trong mối quan hệ nói chung

Trong mối quan hệ yêu đương, cơ thể của các bạn nữ và phụ nữ trưởng thành bị soi mói và kiểm soát bởi bạn trai của mình. Nó cũng bị tác động bởi quan niệm rằng cơ thể của phụ nữ là để phục vụ đàn ông. Những điều này bình thường hóa nạn hiếp dâm trong quan hệ yêu đương và các kiểu bạo hành khác.

Sự tập trung quá mức vào ngoại hình ảnh hưởng tới tâm lý của phụ nữ. Nó làm họ tự vật hóa bản thân, nghĩa là xem giá trị bản thân chỉ dừng lại ở thân thể chứ không phải là một con người hoàn thiện. Điều này hạn chế phụ nữ không dám đứng lên chống lại sự phân biệt giới tính và tham gia những hoạt động nhằm xóa bỏ nó.

Những ngộ nhận sai về nữ quyền

“Nữ quyền là quyền thượng đẳng của phụ nữ”

Mục đích của nữ quyền là bình đẳng. Đây là ý tưởng chính của khái niệm và phong trào này, tương tự như phong trào chống phân biệt chủng tộc. Các nhà hoạt động và nhà lý luận đấu tranh vì bình đẳng, không phải sự phân chia tách biệt.

Nữ quyền không phải chèn ép nam giới hay gán nam giới với những định kiến xấu như lời đồn. Nữ quyền được định nghĩa là “khái niệm bình đẳng về mặt chính trị, kinh tế và xã hội giữa các giới,…, niềm tin rằng các giới xứng đáng có quyền lợi và cơ hội ngang nhau”. Từ đó, phong trào nữ quyền chính là phong trào hướng đến bình đẳng cho tất cả các giới.

Ví dụ về cách hiểu sai lệch:

Nguồn ảnh: Redpill VN
Nguồn ảnh: Tình Báo Hoàn Cầu

→ Cách hiểu sai lệch về nữ quyền, cho rằng hoạt động của nữ quyền chỉ nhằm đề cao quyền lợi của phụ nữ, hạ thấp đàn ông.

“Nữ quyền đang biến tướng/làm mất đi các giá trị truyền thống của người phụ nữ”

Không có gì sai khi phụ nữ mặc váy, trang điểm, làm nội trợ, thích nấu ăn hay hoa cảnh. Có niềm yêu thích và đam mê với những điều này là bình thường. Họ có thể vừa thực hiện những điều trên và vừa ủng hộ nữ quyền.

Nữ quyền không nhằm phá bỏ đặc điểm tính nữ truyền thống. Thực chất, nó đang cố gắng tạo điều kiện cho những phụ nữ nào mong muốn thoát ly khỏi những quan niệm ấy, được khám phá những điều mới mẻ cho bản thân, được cảm thấy thoải mái và an toàn. Trong các thời kỳ trước, vai trò của phụ nữ bị giới hạn bởi họ phải ở nhà trông con. Một số trường hợp còn phải ăn mặc, trang điểm hoặc “giữ dáng” theo khuôn mẫu nhất định để được coi là nữ tính.

Bây giờ là thời khắc của tự do và lựa chọn. Phụ nữ nên được quyền lựa chọn theo đuổi phong cách sống mà mình muốn hoặc tận hưởng kiểu sống truyền thống. Thay vì gán ép quan niệm về sự nữ tính được tạo ra bởi nam giới – một hình mẫu hoàn hảo không tưởng, không thể đạt được – thì sự nữ tính truyền thống nên, và chính là một sự lựa chọn.

Ví dụ về cách hiểu sai lệch:

Nguồn ảnh: Tifosi

“Không cần nữ quyền để đạt được bình đẳng/Phân biệt giới tính không còn nữa”

Các ý kiến cho rằng “phân biệt đối với nữ giới không còn là vấn đề” đều không có cơ sở khi nhìn vào thực trạng về các vấn đề của phụ nữ trong xã hội. Quả thực là quyền phụ nữ đã được công nhận nhiều hơn quá khứ. Tuy nhiên, thực tại thì phụ nữ vẫn còn đang bị áp bức.

Chúng ta không thể giải quyết triệt để tình trạng phân biệt nữ giới nếu vẫn còn giữ thái độ bàng quan đối với sự phân biệt nam giới. Tình trạng phân biệt với nam giới vẫn hiện hữu. Đây cũng là một trong những vấn đề mà nữ quyền hiện đại đang hướng tới xử lý. Tuy có những biểu hiện khác nhau, những tác hại của nhóm người, tư tưởng phân biệt làm hại tới tất cả các giới. Chỉ khi hỗ trợ, đấu tranh cho tất cả các giới cùng lúc thì ta mới đạt được thành quả. Từ đó làm nền tảng để tiến tới bình đẳng.

“Chỉ phụ nữ mới có thể ủng hộ nữ quyền và nữ quyền chỉ mang lại quyền lợi cho phụ nữ”

Thực tế là nữ quyền đấu tranh cho sự bình đẳng giữa tất cả các giới, không phải là sự thượng đẳng cho nữ giới. Một trong những nhiệm vụ chính là phá bỏ các hạn chế có trong vai trò giới. Điều này là nhằm mọi người được sống tự do và không bị bó buộc. Đây là phong trào hướng tới, đã và đang đem đến lợi ích cho mọi giới. Nó là một phong trào mà ai ai cũng có thể, và nên tham gia.

“Nữ quyền là không cần thiết nữa: phụ nữ đã được bầu cử, đã có công việc, …. Mục tiêu đã đạt được hết”

Những thành tựu trên là những cột mốc quan trọng trong lịch sử của nữ quyền. Tuy nhiên, mục tiêu là sự đối xử và trao cơ hội công bằng cho các giới, không phải chịu thỏa thuận với bất cứ điều gì vẫn chưa đạt được. Xã hội vẫn tồn tại vô vàn sự phân biệt dựa trên cơ sở giới. Nữ quyền hướng tới xây dựng một xã hội mà ở đó không một ai phải chịu đựng áp bức và phải từ bỏ những sở thích, đam mê và ước muốn của họ vì giới tính hay bản dạng giới của bản thân.

Ngoài ra, quyền lợi khi đã đạt được, thì phải được bảo vệ trên mặt luật pháp và xã hội.

“Nữ quyền là ăn theo phương Tây”

Nữ quyền đã luôn là một phong trào rộng khắp các văn hóa. Nhưng ta cần hiểu và chấp nhận rằng, phong trào nữ quyền của các tầng lớp, chủng tộc hay văn hóa khác nhau sẽ có những vấn đề và ưu tiên khác nhau. Các nhà hoạt động nữ quyền hiện nay đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nhưng họ đều cùng vì mục đích chống lại sự phân biệt. Nếu những nhóm xã hội hay chủng tộc tập trung vào vấn đề ảnh hưởng tới họ, thì cả phong trào nói chung sẽ mang tính bao quát mà vẫn giữ hiệu quả.

Nữ quyền cũng đã tồn tại trong lịch sử Việt Nam từ lâu. Nó đã góp sức với phong trào dựng và giữ nước. Cho đến hiện nay, nữ quyền vẫn đang được tiếp tục trong xã hội và nhà nước.

“Phụ nữ muốn được nể trọng thì chỉ cần thành đạt, tự chủ, … là được”

Phụ nữ vượt qua áp bức, phân biệt đối xử để đạt lấy thành công là điều đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, đây là những thành công trên quy mô cá nhân. Chúng là ngoại lệ của sự áp bức mang tính hệ thống chứ không phải là minh chứng cho thấy sự áp bức không tồn tại hay không gây hại. Những vấn đề mang tính hệ thống không thể được xử lý bằng những giải pháp mang tính cá nhân. Nhận định này còn bác bỏ giá trị của những phụ nữ đang bị chịu áp bức và phân biệt. Ví dụ: Nhóm phụ nữ vẫn phấn đấu nhưng chưa đạt được thành công, phụ nữ có những thành công khác với những gì xã hội công nhận và tán thưởng.

Ví dụ về cách hiểu sai lệch

Trong đêm Gala trao giải Rap Việt vào tối 14/11/2020, TLinh và Suboi, hai nữ rapper duy nhất góp mặt tại vòng chung kết Rap Việt, đã biểu diễn tiết mục Tèn Tèn Girls. Bài hát nhằm tôn vinh nữ giới trong xã hội nói chung và cộng đồng nữ rapper nói riêng.

“Phụ nữ mà tự tin, hay ho như thế thì làm gì phải đi đòi nữ quyền”, Trấn Thành bình luận sau màn biểu diễn của hai nữ rapper.

Lời bình của nam MC nhanh chóng trở thành chủ đề gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng phát ngôn trên truyền tải quan điểm phiến diện về nữ quyền. Nó ám chỉ phụ nữ phải “tự tin, hay ho” mới được xã hội công nhận.

Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam (VOGE) bình luận: “Câu nói của Trấn Thành, tuy là một lời khen và ủng hộ hết mình với những nữ rapper, lại vô tình khiến chúng ta tự hỏi: Vậy nữ quyền chỉ phù hợp, xứng đáng với một số thành phần nữ nhất định? Với những người nữ có một số tính cách, khả năng khác thì sao?”.

Nguồn ảnh: Be The Change Vietnam

Đến đây, VYA tin rằng bạn đã hiểu hơn về phong trào nữ quyền cũng như những lí do mà ta nên ủng hộ. Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn có thể chia sẻ những kiến thức mình đã biết cho những người thân, bạn bè xung quanh để phong trào càng lan tỏa rộng rãi hơn. Cuối cùng, đừng quên theo dõi và đón chờ những bài viết tiếp theo của VYA bạn nhé!

Người thực hiện: Hà, Lam, Linh Châu, K.N., X.T., Louis, T.M.T., Ngô Tố, N. T. D., Như Ngọc, Nguyễn Ngọc Anh

Tài liệu tham khảo

Xem thêm

What Is Feminism?

https://tcnn.vn/news/detail/48988/Trao-quyen-cho-phu-nu-de-thuc-hien-binh-dang-gioi-o-Viet-Nam.html

https://digitalcommons.law.uw.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1252&context=wilj

Why Feminism Is Good for Your Health

https://www.unwomen.org/en/news/stories/2020/6/explainer-intersectional-feminism-what-it-means-and-why-it-matters

What is the role of men in feminism?

https://info.populationmedia.org/blog/then-and-now-goals-of-the-womens-rights-movements

https://papers.iafor.org/wp-content/uploads/papers/acas2017/ACAS2017_37284.pdf

https://digitalcommons.law.uw.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1252&context=wilj

https://vietnam.unfpa.org/sites/default/files/pub-pdf/5._ban_tin_nhanh_so_1.pdf

Tảo hôn, thực trạng, nguyên nhân và giải pháp

https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/quyen-cua-phu-nu-trong-he-thong-phap-luat-viet-nam

http://www.congdoan.vn/tin-tuc/cong-tac-nu-cong-gioi-510/binh-dang-gioi-tai-viet-nam-con-nhieu-khoang-trong-499257.tld

http://laodongxahoi.net/binh-dang-gioi-o-viet-nam-thanh-tuu-va-thach-thuc-trong-giai-doan-hien-nay-1310941.html

https://www.unicef.org/vietnam/vi/nh%E1%BB%AFng-c%C3%A2u-chuy%E1%BB%87n/b%C3%B3c-l%E1%BB%99t-t%C3%ACnh-d%E1%BB%A5c-tr%E1%BA%BB-em-trai-trong-th%E1%BB%9Di-k%E1%BB%B3-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng

https://wiki.ubc.ca/Misconceptions_of_Feminism

Feminism: Common Misconceptions and What It’s Really About

https://zingnews.vn/vi-sao-phat-ngon-cua-tran-thanh-ve-nu-quyen-o-rap-viet-gay-tranh-cai-post1153502.html

The feminist movement: Why is it important to young people?

11 Myths and Facts about Feminism

https://www.lifehack.org/articles/communication/8-myths-about-feminism-debunked.html

https://www.oxfam.org/en/ten-harmful-beliefs-perpetuate-violence-against-women-and-girls

https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpsyg.2019.01867/full