Núi lửa Mauna Loa (Nguồn Reuters)
Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cho biết đợt phun trào bắt đầu từ miệng núi lửa từ trưa 27/11 và có thể nhìn thấy được từ Kona, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở bờ biển phía Tây Hawaii. Dung nham vẫn ở trên đỉnh núi lửa và không đe dọa người dân Hawaii sống dưới triền núi.
Tới nay vẫn chưa có lệnh sơ tán nào được ban hành mặc dù các trung tâm trú ẩn đã được mở cửa để đề phòng bất trắc. Giới chức địa phương cảnh báo khí gas và tro có thể sẽ bay theo chiều gió xuống một số khu vực dân cư.
Mauna Loa là núi lửa còn hoạt động lớn nhất thế giới, lần cuối cùng núi lửa này phun trào là năm 1984. Ngọn núi này cao 4.169 mét trên mặt nước biển Thái Bình Dương và là một phần của chuỗi núi lửa hình thành nên các đảo ở Hawaii.
Những ngọn núi lửa nguy hiểm nhất thế giới
Eyjafjallajökull, Iceland: Vào năm 2010, núi lửa Eyjafjallajökull phun ra đám mây tro bụi khổng lồ khiến cả châu Âu chìm trong bóng tối. Phải mất 6 ngày sau, bầu trời mới sáng trở lại. Tuy được cảnh báo nguy hiểm, ngày nay rất đông du khách vẫn tìm cách khám phá ngọn núi qua những chuyến đi bộ đường dài, trekking.
Núi lửa Vesuvius, Italy: Ngọn núi lửa Vesuvius có hình nón độc đáo nằm ở thành phố Naples, Italy. Lần phun trào gần nhất đã diễn ra năm 1944, từ đó đến nay nó luôn trong trạng thái sẵn sàng bùng nổ bất kỳ lúc nào. Trong quá khứ, Vesuvius từng hủy diệt thành phố Pompeii thịnh vượng của Đế chế La Mã vào năm 79 TCN, bằng cơn mưa tro bụi và đá núi lửa.
Núi Phú Sĩ, Nhật Bản: Núi Phú Sĩ là một biểu tượng của Nhật Bản, nơi thu hút rất đông du khách tới khám phá mỗi ngày. Lần phun trào cuối cùng của ngọn núi khổng lồ này diễn ra từ năm 1707, không rõ lúc nào nó sẽ hoạt động trở lại. Tháng 7-9 hàng năm là mùa leo núi tại đây do thời tiết ôn hòa, tuy nhiên từ mùa hè 2020 toàn bộ đã bị đóng cửa.
Đảo Trắng (Whakaari), New Zealand: Đảo Trắng là một hòn đảo núi lửa nằm cách bờ biển North Island 48 km. Hầu hết miệng núi lửa tại đây nằm dưới mực nước biển. Để tới đây tham quan, bạn bắt buộc phải có mặt nạ phòng độc và mũ bảo hộ, do lượng khí lưu huỳnh dày đặc của đảo. Tuy nhiên lần phun trào năm 2019 đã cướp đi sinh mạng 20 du khách, khiến đảo bị đóng cửa vô thời hạn.
Núi Nyiragongo, Cộng hòa Dân chủ Congo: Khu vực quanh núi lửa Nyiragongo là nơi sinh sống của 1/4 số khỉ đột núi cực kỳ nguy cấp. Du khách tới đây còn được chiêm ngưỡng nhiều loài động vật hoang dã trong chuyến đi bộ đường dài có hướng dẫn viên. Năm 2002, hơn 100 dân làng xung quanh núi đã chết trong vụ phun trào dữ dội, tạo ra từ hồ dung nham lớn nhất thế giới trên đỉnh.
Núi lửa Taal, Philippines: Ngọn núi lửa đang hoạt động nhỏ nhất thế giới này có một hồ nước tuyệt đẹp trên đỉnh. Taal là ngọn núi hoạt động mạnh thứ 2 tại Philippines và lần phun trào gần nhất diễn ra năm ngoái (1/2020) đã khiến các trường học, cơ quan, chuyến bay gần đó buộc phải hủy bỏ. Kể từ đó, việc tham quan ngọn núi lửa này cũng bị nghiêm cấm.
Cotopaxi, Ecuador: Cotopaxi là một trong những ngọn núi lửa cao nhất thế giới (5.897 m), vì thế bất kỳ chuyến tham quan nào cũng cần chuẩn bị kỹ càng với thiết bị leo núi phù hợp. Vụ phun trào lớn năm 2015 khiến hoạt động leo núi tại đây bị hủy bỏ, nhưng mở cửa trở lại vào năm 2017. Giờ đây do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nơi này không được phép đón du khách tới tham quan, bỏ phí cảnh quan ngoạn mục của thiên nhiên và các dòng sông băng đẹp kỳ ảo.
Kīlauea, Hawaii, Mỹ: Núi lửa Kīlauea nằm trên Đảo Lớn của Hawaii, nó đã liên tục phun dung nham kể từ năm 1983 tới 2018. Cái tên Kīlauea trong tiếng Hawaii nghĩa là “phun nhiều”, để chỉ việc ngọn núi thường xuyên chảy dung nham vào lòng biển. Thông thường, bạn có thể tham gia chuyến tham quan bằng trực thăng để ngắm miệng núi lửa từ trên cao và đến gần những hồ dung nham sủi bọt.
Núi lửa Telica, Nicaragua: Telica là ngọn núi lửa hình nón ở bờ biển phía tây Nicaragua, nơi bạn cần chuyến đi bộ vất vả trong 6 giờ mới có thể lên tới đỉnh. Dù phong cảnh xung quanh rất đẹp và hoang sơ, ngọn núi này tiềm ẩn mối nguy hiểm không hề nhỏ. Lần gần nhất núi lửa Telica phun trào là tháng 7/2020, khiến hàng nghìn người phải di tản.
Núi lửa Etna, Italy: Là ngọn núi lửa đang hoạt động cao nhất châu Âu, Etna mang tới một thắng cảnh tráng lệ khi đến Sicily, Italy. Để tới chiêm ngưỡng nơi đây bạn có thể đi bộ đường dài hoặc sử dụng cáp treo để lên tới đỉnh núi. Hoạt động tham quan tại đây thường xuyên bị gián đoạn để giữ an toàn bởi Etna liên tục hoạt động không ngừng nghỉ.
Volcán de Colima, Mexico: Mexico có hơn 3.000 núi lửa nhưng chỉ 14 ngọn núi được cho là đang hoạt động. Mạnh nhất trong đó là Volcán de Colima với vụ phun trào tháng 1/2017 khiến cư dân phải sơ tán hàng loạt. Dù tiềm ẩn rủi ro nhưng du khách vẫn được phép tới đây tham quan. Phong cảnh ngoạn mục xung quanh ngọn núi lửa cao 2.720 m này là lý do mọi người bất chấp nguy hiểm tới đây khám phá.
Bromo, Indonesia: Núi lửa Bromo nằm trên vành đai núi lửa ở Thái Bình Dương, nơi chịu trách nhiệm cho phần lớn các vụ phun trào và động đất. Do có chiều cao nổi bật so với các ngọn núi xung quanh, Bromo (2.329 m) trông sừng sững và vô cùng hùng vĩ. Phần lớn du khách thường đặt tour theo hướng dẫn viên địa phương để tới đây ngắm bình minh vào buổi sáng. Sau đó có thể dùng ngựa để vượt qua biển cát trên miệng núi.
Volcán de Fuego, Guatemala: Trong nhiều núi lửa xung quanh thành phố Antigua ở Guatemala, Fuego được xem là hoạt động mạnh nhất. Lần phun trào tháng 6/2018 đã tạo ra cơn mưa tro bụi và giết chết 190 người ở các làng lân cận. Tháng 11/2018 nó tiếp tục hoạt động và khiến hàng chục nghìn người phải đi sơ tán. Dù vậy, không thể phủ nhận mỗi khi ngọn núi này phun trào đều tạo nên một quang cảnh đẹp ấn tượng và hoành tráng.
5 thảm họa núi lửa khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại
Núi lửa Tambora (1815)
Với sức công phá khoảng 800 triệu tấn TNT, vụ núi lửa Tambora phun trào ngày 10/4/1815 tại Sumbawa, Indonesia là vụ nổ gây chấn động lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Ngọn núi lửa này có độ cao 2.772 m so với mặt nước biển. Lần phun trào năm 1815, người ta có thể thấy những cột khói phun trào cao gấp 3 lần thảm họa St.Helens năm 1980. 10.000 người đã thiệt mạng dưới dòng dung nham nóng bỏng.
Sau thảm họa, mùa màng và môi trường bị phá hủy, con số người chết vì thiếu lương thực lên tới 82.000 người.
Thảm kịch Krakatoa (1883)
Vào năm 1883, một ngọn núi lửa trên đảo Krakatoa (Indonesia ) tỉnh giấc với sức mạnh gấp 13.000 lần một quả bom nguyên tử.
Hoạt động của núi lửa Krakatoa gây nên những cơn siêu sóng thần và chúng cuốn người dân ra biển. Khoảng 36.000 người thiệt mạng vì thảm họa, còn đảo Krakatoa chìm xuống đáy đại dương.
Laki phun khí độc (1783)
Núi lửa Laki (Iceland) bắt đầu phun trào vào năm 1783. Nó đã phun nham thạch và khí độc trong suốt 8 tháng.
Chất sulphur dioxide đã gây ra mưa axít tàn phá cây cối và khí fluor đọng lại trên cỏ, cuối cùng đã giết chết 60% gia súc. Hơn 1/5 dân số Băng Đảo, tức là vào khoảng 10.000 người, đã chết vì đói và bệnh tật.
Tuy nhiên, sự tàn phá của núi lửa Laki vượt xa khỏi phạm vi của “hòn đảo băng và lửa”.
Khói mù khí sulphur nhanh chóng bay đến châu Âu, làm thiệt hại mùa màng và che các tia nắng mặt trời, dẫn đến nhiệt độ trở nên lạnh hơn.
Ngay cả ở Alaska, nhiệt độ vào mùa hè đã thấp hơn 4 độ C so với ngưỡng thông thường và các thương gia người Nga đã để ý thấy tình trạng sụt giảm dân số của người Inuit.
Mặc dù con số tử vong cuối cùng của vụ phun trào Laki gần như không thể ước tính, núi lửa này chắc chắn được nhìn nhận là một trong những núi lửa chết chóc nhất trên thế giới.
Núi Pelée (1902)
Nằm trên đảo Martinique trong biển Caribbe và có độ cao 1.463 m, Pelée phun trào dữ dội vào tháng 5/1902, giết chết gần 30.000 người tại thành phố cảng St. Pierre trên đảo. Thảm họa khủng khiếp đến nỗi từ “pelean” – được dùng để mô tả loại bụi, khí và mây bụi của núi lửa Pelée – trở thành một thuật ngữ chuyên ngành về núi lửa.
Núi Ruiz – phiên bản thứ 2 của thảm họa Pompeii (1985)
Thảm họa này diễn ra gần đây nhất, chỉ khoảng gần 40 năm về trước tại Colombia. Nó được coi là phiên bản thảm họa Pompeii hiện đại khi phá hủy trọn vẹn thành phố Amero. Sức mạnh của núi lửa này không phải là sự phun trào mà nằm ở chính dòng siêu mắc ma gây ra. Theo ước tính, chúng di chuyển với tốc độ 480 km/h và chỉ mất 15 phút để nhấn chìm thành phố. 20.000 người đã thiệt mạng trong thảm họa này.