Dãy Ba Vì là một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở hai huyện Ba Vì, Thạch Thất thuộc thành phố Hà Nội và thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Trên Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên (còn gọi là Ngọc Tản, Tản Sơn, hoặc Phượng Hoàng Sơn). Núi này cao 1227m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản. Núi Tản là nơi thờ Sơn thánh Tản Viên.
Ngoài Tản Viên, trên Ba Vì còn có các núi cao là Ngọc Lĩnh, Tương Miêu, U Bò, Núi Tre, Ghẹ Đùng, Trăm Voi, Ngọc Hoa (đặt theo tên của công chúa con vua Hùng thứ 18 được gả cho Sơn thánh Tản Viên) và núi Vua. Núi Vua cao tới 1296m. Trên đỉnh núi Vua có đền thờ Đức Hồ Chí Minh.
Theo truyền thuyết, vào thời thần thánh còn ở chung để dẫn dắt loài người, thần núi Tản Viên, Sơn thánh Tản Viên, còn được gọi là Sơn Tinh, lấy công chúa Ngọc Hoa, con Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18). Cuộc hôn nhân này dẫn đến cuộc đấu truyền kiếp giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh.
Sơn thánh Tản Viên giúp vua Hùng đánh giặc, đi khắp nơi dạy nhân dân làm ăn sinh sống như: dạy làm ra lửa, làm ruộng, săn bắn, đánh bắt cá, luyện võ, dệt lụa, múa hát và mở hội…
Khu vực quanh núi Ba Vì, nhiều tên đất, tên làng, tên vạt đồi đồng nội, dòng sông, khe suối, địa danh, địa hình, địa vật, đầm hồ, bờ bãi, đình, đền, miếu mạo và con người gắn liền với sự tích Sơn Tinh, Thủy Tinh.
Việc thờ Sơn thánh Tản Viên có từ rất lâu đời. Khu vực quanh núi Ba Vì hiện có đến gần 100 ngôi đình, đền thờ Sơn Tinh. Người dân đến đây cầu đảo, cúng khấn khi hạn hán, mưa lũ, ngăn ngừa họa lớn, đều thấy hết sức linh ứng và hiệu nghiệm. Trải các triều đại quân chủ Việt Nam, Tản Viên Sơn Thánh luôn được coi là bậc thần đứng đầu trong các vị thần tối linh của nước Việt. Núi Tản Viên được coi là Núi tổ của Việt Nam.
Năm 1836, vua Minh Mạng (hoàng đế thứ 2 triều Nguyễn, trị vì 1820 – 1841) cho đúc Cửu Đỉnh làm biểu tượng cho uy thế và sự bền vững của triều đình. Hình núi Tản Viên là một trong chín núi lớn được khắc vào Cửu đỉnh (Thiên Tôn, Ngự Bình, Thương Sơn, Hồng Lĩnh, Tản Viên, Duệ Sơn, Đại Lãnh, Hải Vân, Đèo Ngang).
Đền Tản Viên Sơn Thánh nằm trên địa bàn hai xã Minh Quang và Ba Vì, thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Đền thờ Đức Thánh Tản Viên và hai người em thúc bá là Cao Sơn (Sùng công) và Quý Minh (Hiển công).
Khu đền Tản Viên Sơn Thánh gồm ba ngôi đền: đền Thượng, đền Trung và đền Hạ.
Đền Hạ Đền Hạ còn có tên gọi là Tây cung (trong hệ thống Tứ cung của xứ Đoài: Bắc Cung thuộc xã Tam Hồng, huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc; Nam Cung thuộc xã Tản Lĩnh; Tây Cung thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội; Đông Cung thuộc phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).
Đây là ngôi đền cổ tọa lạc dưới chân núi Tản Viên, ven bờ sông Đà thuộc xã Minh Quang. Theo truyền thuyết, đền Hạ xuất hiện muộn hơn so với đền Trung và đền Thượng.
Vào đầu thế kỷ 18 tại đây đã có đền Hạ. Ngôi đền hiện nay được xây dựng lại vào thế kỷ 19 và được tu sửa vào năm 1998. Đền Hạ thờ Tam vị đức thượng đẳng thần: Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương.
Kiến trúc của đền Hạ gồm: Tam quan, Điện thờ, nhà thờ Mẫu và công trình phụ trợ.
Tam quan đền Hạ có 3 cổng. Hai bên cổng chính có 2 pho tượng Hộ pháp. Trên cổng chính có mái 2 tầng, 8 mái. Giữa hai tầng mái là bốn chữ Hán “Quốc sơn từ Hạ”.
Phía sau Tam quan là một sân, bên trong có tấm bia đá ghi dòng chữ “Tản Viên từ ký” (ghi chép về đền thờ Tản Viên), dựng vào năm 1848, triều Nguyễn. Nội dung bia cho biết đền Hạ được xây dựng quy mô lớn, vua Tự Đức (hoàng đế thứ 4 triều Nguyễn, trị vì năm 1847- 1883) đã cấp hai nghìn quan tiền để xây dựng đền.
Điện thờ đền Hạ kiểu chữ “tam” gồm Tiền đường, Trung đường và Hậu đường. Trong đền có nhiều bức chạm trổ mô phỏng hình tượng mặt trời, tia sét, chim phượng, con nghê, đao mác, lửa…theo phong cách nghệ thuật điêu khắc cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.
Đền Trung