Bên dãy núi Andes.
Peru là một quốc gia rộng lớn, chia thành nhiều tiểu vùng địa lý- khí hậu, trong đó có những khu vực đồng bằng khô hạn, vùng đất núi thuộc dãy Andes, những khu rừng nhiệt đới ở bồn địa Amazon. Tuy rộng tới gần 1,3 triệu km2 nhưng Peru lại khá thưa dân. Tới nay, con số ước chừng 31 triệu người, với nhiều dân tộc khác nhau, và mật độ dân cư phân bố cũng không đồng đều giữa các vùng miền, nhất là ở thành thị và vùng núi. Người dân Peru sử dụng ngôn ngữ Tây Ban Nha là chính, sau đó là tiếng Quechua – cũng được cho là ngôn ngữ dân tộc, đi cùng với một số ngôn ngữ bản địa, hay còn gọi là ngôn ngữ thiểu số. Chính sự đa dạng dân tộc, đa dạng ngôn ngữ, cách biệt giữa các vùng địa lý đã cho Peru ngày nay một nền văn hóa đa dạng, độc đáo, thể hiện trên các lĩnh vực nghệ thuật, ẩm thực, văn chương, và âm nhạc…
Sự đa dạng khí hậu của Peru bắt nguồn từ ảnh hưởng của dãy núi Andes và hải lưu Humboldt. Từ đó có những vùng đất ôn hòa, lượng mưa thấp, độ ẩm cao. Lại có nơi vào mùa hạ mưa khá dữ dội. Có nơi mùa đông lạnh giá. Cũng chính vì thế mà hệ dộng- thực vật của Peru rất phong phú, với nhiều loài được coi là đặc hữu, và cũng có nhiều loài được ghi vào Sách Đỏ thế giới. Về thực vật, Peru sở hữu 21.462 loài, trong đó có tới 5.855 loài đặc hữu.
Một vùng kiến trúc cổ vĩ đại.
Peru có nhiều dân tộc và cũng khá độc đáo so với các quốc gia khác. Trong đó phải kể đến người Mestizo (người lai da trắng và da đỏ). Họ chiếm gần 60% dân số cả nước. Kế đến là người Quechua, xấp xỉ 28%. Còn lại là những cộng đồng khác, ít người, như người Aymara (chiếm khoảng 2,7% dân số cả nước). Người da đỏ Amazon (khoảng 1,8%). Người da trắng (gần 5%). Người Mulatto (lai giữa người da trắng và da đen, khoảng 1,6%)… Tuy nhiều dân tộc nhưng nhìn chung người Peru sống chan hòa, hiền hậu, không có mâu thuẫn sắc tộc và cũng không có sự phân biệt.
Tuy thế, các nhà nghiên cứu dân tộc học cho rằng, người da đỏ chính là chủ nhân của vùng đất này. Theo đó người da đỏ sống ở lãnh thổ Peru ngày nay khoảng hơn 1.000 năm trước khi người Tây Ban Nha đến đây (thế kỉ 16). Nhưng theo thời gian, với nhiều lý do, số người da đỏ bản địa giảm dần. Theo sử gia Noble David Cook thì vào giữa thế kỉ 16, cả Peru có khoảng trên 5 triệu người da đỏ bản địa, nhưng tới nay con số chỉ còn khoảng trên dưới 1 triệu người. Đáng chú ý khoảng thời gian từ năm 1600 đến năm 1620, người da đỏ Peru suy giảm nghiêm trọng do không đương đầu được với những bệnh truyền nhiễm. Một thông tin chưa được giới chức xác nhận, tới nay trên lãnh thổ Peru có khoảng 15 bộ lạc da đỏ sống trong những vùng núi hoang sơ vẫn chưa tiếp xúc với nền văn minh hiện tại.
Phiên chợ của người dân địa phương.
Như đã nói, từ sự đa dạng về dân tộc, khác biệt về địa lý nên văn hóa Peru cũng rất đa dạng, phong phú. Tuy thế, người ta vẫn cho rằng dòng văn hóa bản địa da đỏ là dòng chảy chính, kết hợp với văn hóa Tây Ban Nha để hình thành một nền văn hóa “độc nhất vô nhị trên trái đất”.
Văn hóa bản địa người da đỏ tới nay vẫn hiển hiện qua nghệ thuật gốm, đồ dệt may, trang sức và những công trình điêu khắc của văn hóa tiền Inca. Người Inca nổi tiếng là những thợ thủ công bậc nhất thế giới. Họ cũng là những người thợ đá, những nhà xây dựng tài ba, dựng lên được những công trình kiến trúc vượt thời gian.
Một biểu hiện độc đáo của văn hóa Peru chính là nghệ thuật ẩm thực. Đó là sự pha trộn hài hòa đến độ tinh tế các món ăn của người bản địa với phong cách ẩm thực châu Âu – mà rõ rệt là ẩm thực Tây Ban Nha. Sau này, ẩm thực Peru còn có màu sắc của ẩm thực vùng Trung Đông, Trung Hoa và chút ít châu Phi do những người di dân mang lại.
Riêng về âm nhạc, người Peru tự hào là những nghệ sĩ chân chính. Âm nhạc của họ hòa quyện giữa âm nhạc thổ dân da đỏ với âm nhạc Tây Ban Nha và châu Phi. Vì thế, nó có tính hội hè, mạnh mẽ khỏe khoắn và cũng đặc biệt trữ tình về mặt giai điệu. Trong lễ hội, cùng với vũ điệu Flamenco thì người ta cũng rất hào hứng với những vũ đạo dân gian Marinera, Tondero, Zamacueca, Diablada và Huayno
Một góc thủ đô Lima về đêm.
Đến Peru mà không đến thủ đô Lima là một sai lầm, bởi đây là thành phố tuyệt vời kết hợp giữa những gì xa xưa với một phần hiện đại đầy màu sắc. Lima còn được biết đến với tên gọi “Thành phố của các hoàng đế” bởi hệ thống cung điện, đền đài vững chãi cũng như những huyền thoại hào hùng “không bao giờ dứt”. Nhà thám hiểm Francisco Pizarro là người đã chinh phục đế chế Inca và sáng lập nên Lima vào ngày 18-1-1535 và tên gọi “Thành phố của các hoàng đế” cũng bắt đầu từ khi đó. Lima cũng được coi là “thủ phủ ẩm thực” bởi trên bất cứ đường phố nào cũng có nhiều quán ăn, ngon và rẻ, thái độ phục vụ tận tình.
Nhưng, một điều thú vị nữa khi đến Peru, đó là được nghe kể về bùa chú và những tập tục, cho dù xã hội hiện đại hầu như không chấp nhận. Người dân sống ở vùng núi tới nay vẫn rất tin vào tâm linh và thường sử dụng nhiều loại bùa trong cuộc sống hàng ngày. “Đó cũng là một chỗ dựa cho niềm tin nguyên sơ”- Lapaluos Stalimaru, một nhà nghiên cứu văn hóa bản địa nhận xét. Ngay cả trước các cửa hiệu buôn bán, hay là quán ăn ở thành thị, trước cửa người ta cũng hay kín đáo dán những lá bùa: một cái hướng vào với hy vọng sẽ có nhiều khách vào cửa hàng của mình.
Theo ông Hugo Apaza Quispe- giáo sư sử học ở thành phố Puno, để tự bảo vệ bản thân, dân Peru miền núi thường có bùa đựng trong một lọ nhỏ, luôn mang theo bên mình. Lọ bùa đó gồm hạt Cuti màu đỏ có chấm đen để tránh những ghen tị, hiềm khích; cây Murachi được khắc thành hình một đôi vợ chồng có tác dụng bảo vệ hạnh phúc gia đình; một miếng nam châm để hút những kim loại như tiền, đồng, vàng, bạc vào gia đình. Cạnh đó, còn có 7 loại gỗ khác nhau để tránh 7 loại điềm gở như bệnh tật, sa sút trong làm ăn.