Cắt bì là gì? Trong Thánh Kinh Cựu Ước cắt bì biểu tượng cho điều gì? Ngày nay ta còn thực hành cắt bì nữa hay không?
Cắt bì là một tục lệ khá phổ thông trong cổ thời của Kinh Thánh. Cắt bì tức là cắt phần da bọc chung quanh quy đầu của người nam. Ngày nay mỗi khi sinh con trai, các nhà thương hay nhà hộ sinh thường bảo cha hay mẹ phải bằng lòng để cắt bì cho trẻ. Lý do là vì da quy đầu có chỗ mở quá hẹp, khó tắm rửa, dễ sinh ra ngứa ngáy và sưng mọng. Tuy nhiên vào thời đại của Kinh Thánh thì việc thực hành cắt bì còn tuỳ theo tuổi và vì nhiều lý do khác nhau chứ không phải chỉ vì vệ sinh mà thôi.
Các học giả Kinh Thánh đã phân biệt được ba lý do căn bản tại sao người xưa cắt da bao quy đầu hay cắt bì:
1. Thứ nhất có lẽ là vì giữ vệ sinh và sạch sẽ. 2. Thứ hai người ta không rõ lắm, nhưng có quan hệ tới lễ nghi dâng sinh tế gì đó. Vì trong nghi thức cắt da bao quy đầu có đổ máu và được coi như một phần của tế lễ. 3. Thứ ba là lý do có ý nghĩa nhất, và thông thường nhất, đó là tượng trưng cho một lễ gia nhập vào một tổ chức nào đó. Gia nhập có nghĩa là được thu nhận làm hội viên. Khi gia nhập như thế, có lời thề nguyền là sẽ không còn tiếp tục ở trong nề nếp cũ nữa nhưng tuân thủ theo thể thức hay tổ chức mới.
Trong Kinh Thánh thì cắt bì có nghĩa gì?
Cắt bì được nói đến lần đầu tiên trong Sáng Thế Ký 17:13 như sau: “Chớ bỏ làm phép cắt bì cho ai sanh tại trong nhà ngươi, hay đem tiền ra mua về; vì giao ước của ta sẽ lập đời đời trong xác thịt của các ngươi vậy. Một người nam nào không chịu cắt bì nơi thân xác, sẽ bị loại ra khỏi ngoài cộng đồng; người đó là kẻ bội lời giao ước ta.”
Qua câu này ta hiểu rằng đây là lệnh Chúa truyền cho Áp-ra-ham về việc cắt bì. Cắt bì trở thành một dấu hiệu cho giao ước giữa Chúa và dân Ngài. Người chịu cắt bì là chính thức gia nhập vào dân Chúa, và ai không chịu cắt bì, sẽ bị loại ra vì không giữ giao ước với Chúa ghi dấu trên xác thịt mình. Việc cắt bì đối với Áp-ra-ham và gia đình ông còn có ý nghĩa là kể từ khi ấy, họ không còn thuộc về chủng tộc và cộng đồng cũ tại U-rơ là nơi Áp-ra-ham xuất phát. Việc cắt bì của dân Chúa và các dân tộc ngoài Chúa khác biệt ở chỗ là trong dân Chúa, trẻ sơ sinh 8 ngày là phải làm cắt bì, các dân tộc khác làm lễ này khi người đã đến tuổi công dân.
Như thế nghi lễ cắt bì của Áp-ra-ham mang tính chất ghi dấu việc thành lập dân Chúa, một nước được Chúa hình thành qua Áp-ra-ham.
Khi vâng lệnh Chúa về lễ cắt bì, chính Áp-ra-ham và hậu tự của ông đã nhận một giao ước. Việc cắt bì này cho phép cả những tôi tớ trong gia đình được nhận.
Trong Kinh Thánh nhiều khi lễ cắt bì còn được dùng theo nghĩa bóng, và khi ấy có nghĩa là:
“Dâng hiến đời mình cho Chúa” hay là “mở rộng tâm hồn đón nhận lời Chúa dạy truyền”
Thí dụ như Giê-rê-mi 4:4 ghi:
“4 Hỡi các ngươi, là người Giu-đa và dân cư Giê-ru-sa-lem, hãy tự cắt bì mình cho Đức Giê-hô-va, và cất dương bì khỏi lòng ngươi! Bằng chẳng vậy, cơn giận ta sẽ phừng lên như lửa, đốt cháy các ngươi, không ai giập tắt được, vì việc ác các ngươi đã làm.”
Đây không phải là lệnh truyền về nghi lễ nữa, nhưng là việc biệt riêng thời giờ ăn năn hối lỗi trước Chúa. Trong Giê-rê-mi 6:10 cũng ghi:
“10 Ta sẽ nói và làm chứng cho ai, đặng họ nghe ta! Nầy, tai họ chưa cắt bì, họ không nghe được. Nầy, lời của Đức Giê-hô-va đã trở nên sự quở trách cho họ, họ chẳng lấy làm đẹp lòng chút nào.”
Trong câu này “tai chưa cắt bì” có nghĩa là chưa được chuẩn bị hạ mình xưng tội để nghe lời Chúa, vẫn còn ngang bướng chống nghịch.
Trong Kinh Tân Ước thì nghi lễ cắt bì không còn là điều kiện để nhập vào dân Chúa nữa.
Ga-la-ti 5:6 ghi:
“6 Vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, cái điều có giá trị, không phải tại chịu phép cắt bì hoặc không chịu phép cắt bì, nhưng tại đức tin hay làm ra bởi sự yêu thương vậy.”
Ga-la-ti 6:15 cũng ghi:
“Vì điều yếu cần, chẳng phải sự chịu cắt bì, hay là sự chẳng chịu cắt bì, bèn là trở nên người mới.”
Trong Công vụ Các Sứ-đồ 15 còn ghi rõ quyết định của Giáo Hội Nghị tại Giê-ru-sa-lem là việc cắt bì không còn là điều kiện trở thành dân Chúa hay tín đồ của Chúa Giê-xu nữa, trước đó có những người chủ trương rằng người ngoài Do-thái phải chịu nghi lễ cắt bì mới được gia nhập dân Chúa.
Rô-ma 2:25-29 ghi:
“25 Thật thế, nếu ngươi làm theo luật pháp, thì phép cắt bì có ích; còn nếu ngươi phạm luật pháp, thì dầu chịu cắt bì cũng như không.26 Vậy nếu kẻ chưa chịu cắt bì giữ các điều răn của luật pháp thì sự chưa chịu cắt bì đó há chẳng cầm như đã chịu sao?27 Kẻ vốn không chịu cắt bì, mà làm trọn luật pháp sẽ đoán xét ngươi, là kẻ dẫu có chữ của luật pháp và phép cắt bì, lại phạm luật pháp.28 Vì người nào chỉ bề ngoài là người Giu-đa, thì không phải là người Giu-đa, còn phép cắt bì làm về xác thịt ở ngoài, thì không phải là phép cắt bì;29 nhưng bề trong là người Giu-đa mới là người Giu-đa, phép cắt bì bởi trong lòng, làm theo cách thiêng liêng, không theo chữ nghĩa, mới là phép cắt bì thật. Một người Giu-đa như vậy được khen ngợi, chẳng phải bởi loài người, bèn là bởi Đức Chúa Trời.
Tại đây Phao-lô lý luận rằng việc thánh hóa của Thánh Linh quan trọng hơn nghi lễ cắt bì trong thân xác.
Phi-líp 3:3 cũng ghi:
“Vì, ấy chính chúng ta là kẻ chịu phép cắt bì thật, là kẻ cậy Đức Thánh Linh Đức Chúa Trời mà hầu việc Đức Chúa Trời, khoe mình trong Đấng Christ, và không để lòng tin cậy trong xác thịt bao giờ.”
Ngày nay, có thể nói lễ báp-tem thay thế cho nghi lễ cắt bì, vì cũng là dấu chỉ về việc gia nhập vào một đại gia đình. Báp tem cũng là nghi lễ tuyên xưng đức tin nơi Chúa và bước vào một giao ước mới với Chúa.
Cô-lô-se 2:11-12 dạy:
“11 Anh em cũng chịu cắt bì trong Ngài, không phải phép cắt bì bởi tay người ta làm ra, nhưng là phép cắt bì của Đấng Christ, là lột bỏ tánh xác thịt của chúng ta.12 Anh em đã bởi phép báp-tem được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại.”
Như thế trong Cựu Ước nghi lễ cắt bì là dấu chỉ gia nhập dân Chúa, trong Tân Ước, báp tem là dấu chỉ.
Người tin Chúa cần hiểu rõ các ý nghĩa về cắt bì, vì kinh Tân Ước nói nhiều đến nghi thức này.
Nguyễn Sinh