ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Phong trào đồng khởi nổ ra đầu tiên ở đâu

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, các Đảng bộ Nam Bộ và Liên khu V đã coi trọng việc đưa Nghị quyết xuống tận cơ sở và quần chúng cách mạng. Phong trào đồng khởi (khởi nghĩa từng phần) bắt đầu.

Ở Liên khu V, sau cuộc khởi nghĩa Bác Ái (năm 1958), trong năm 1959 diễn ra các cuộc khởi nghĩa Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, Đức Phổ.

Ở Nam Bộ, nhân dân nhiều nơi ở miền Đông, miền Trung và miền Tây nổi dậy làm tan rã từng mảng bộ máy thống trị và kìm kẹp của địch ở cơ sở. Ngày 16-9-1959, lực lượng vũ trang cách mạng chặn đánh ở Gò Quản Cung, tỉnh Kiến Phong (nay thuộc Đồng Tháp), tiêu diệt một tiểu đoàn ngụy. Đêm 24-9-1959, Khu ủy Khu 8 (Trung Nam Bộ) họp bàn việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15, quyết định lãnh đạo các địa phương trong khu đồng loạt nổi dậy vào tháng Giêng năm 1960. Thực hiện Nghị quyết, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định phát động tuần lễ “toàn dân đồng khởi” nhằm phá ách kìm kẹp của địch, xây dựng chính quyền cách mạng.

Ngày 17-01-1960, nhân dân huyện Mỏ Cày nhất tề nổi dậy, diệt ác phá đồn, đập tan bộ máy cai trị và hệ thống kìm kẹp của địch ở cơ sở. Từ thắng lợi Mỏ Cày, phong trào lan nhanh sang các huyện Giồng Trộm, Châu Thành, Ba Tri, Thành Phú, Bình Đại. Chính quyền tự quản và lực lượng vũ trang cách mạng được thành lập, bọn ác ôn bị đưa ra xét xử, ruộng đất của địa chủ được đem chia cho nông dân. Theo chủ trương của Xứ ủy Nam Bộ, đêm 25 rạng ngày 26-01-1960, lực lượng vũ trang cách mạng bất ngờ tiến công căn cứ Tua Hai (Tây Ninh) tiêu diệt và bắt sống 500 quân ngụy, cổ vũ quần chúng vùng lên giải phóng 24 xã trong tỉnh, xóa bỏ 70% bộ máy kìm kẹp của địch ở xã, ấp.

Hòa nhịp với cuộc Đồng khởi ở Bến Tre và Tây Ninh, các tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau, Châu Đốc, Long Xuyên, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiến Phong, Kiến Tường… đồng loạt nổi dậy và làm chủ khoảng 2/3 số ấp, xã.

Ngọn lửa nổi dậy, tiến công bốc cao và lan rộng ở đồng bằng Nam Bộ, ở rừng núi miền Trung. Hầu hết các ban tề ấp, xã tan rã, tê liệt. Vùng giải phóng liên hoàn hình thành, nối liền các huyện, các tỉnh. Trong vùng giải phóng, quyền làm chủ hoàn toàn thuộc về quần chúng lao động. Một hình thức chính quyền nhân dân ra đời.

Tính đến cuối năm 1960, phong trào “Đồng khởi” của nhân dân miền Nam đã căn bản làm tan rã cơ cấu chính quyền địch ở đại bộ phận cơ sở. Thế trận của địch ở miền Nam bị đảo lộn, từ chỗ tập trung lực lượng hô hào “Bắc tiến” chúng phải dồn về chống đỡ với cách mạng miền Nam.

Phong trào “Đồng khởi” ở nông thôn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị. Tháng 01-1960, 8.000 công nhân đồn điền cao su Biên Hòa đình công. Ngày 01-5-1960, 1.000 công nhân Sài Gòn mít tinh nêu khẩu hiệu đả đảo đế quốc Mỹ, thành lập chính quyền dân tộc, dân chủ. Ngày 20-7, hàng vạn quần chúng ở các đô thị xuống đường biểu tình đòi “đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam”, đòi quyền dân sinh, dân chủ. Tháng 8-1960, 500 thanh niên ở Trại huấn luyện thanh niên cộng hòa thuộc huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam bỏ trại trốn về nhà. Ngày 20- 9-1960, hơn 20.000 đồng bào Khơme, trong đó có 2.000 sư sãi tỉnh Trà Vinh, kéo vào thị xã đấu tranh; 45.000 đồng bào nông thôn tỉnh Mỹ Tho kéo vào thị xã đòi chấm dứt việc bắn pháo vào các thôn, xóm. Ngày 04-10-1960, 10.000 đồng bào huyện Cao Lãnh kẻo vào thị xã Sa Đéc chống khủng bố, bắt phu, bắt lính. Ngày 15-10-1960, hơn 60.000 đồng bào tỉnh Bến Tre kéo vào thị xã đấu tranh đòi hủy bỏ luật 10/59. Trong năm 1960, ở miền Nam có 10 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị.

Phong trào “Đồng khởi” trên thực tế đã chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Aixenhao, đẩy chính quyền Mỹ vào tình thế bế tắc, mở ra bước ngoặt của cách mạng miền Nam, góp phần bảo vệ và củng cố miền Bắc.

Ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, Châu Thành (nay là Tân Biên – Tây Ninh), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời.

Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, 2018, tr. 216 – 220.