Thông tin chung về huyện Phú Lương – UBND Tỉnh Thái Nguyên

Phú lương ở đâu

I. TỔNG QUAN VỀ PHÚ LƯƠNG

Phú Lương là một huyện miền núi nằm ở khu vực phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên. Phía Bắc giáp huyện Chợ Mới tỉnh Bắc Cạn, phía Đông giáp huyện Đồng Hỷ, phía Tây giáp huyện Định Hóa, huyện Đại Từ, phía Nam giáp thành phố Thái Nguyên. Huyện có tổng diện tích tự nhiên 35071 ha, có 13 xã và 02 thị trấn, 252 xóm, phố, tiểu khu, dân số trên 100.000 người, có 8 dân tộc chủ yếu sinh sống (tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm gần 50%) Trên địa bàn huyện có 3 tôn giáo chính là đạo Công giáo, đạo Phật giáo và đạo Tin lành. Toàn huyện hiện có 118 điểm di tích, trong đó 04 di tích cấp quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh, 40 đình, đền, chùa, miếu, điện thờ. Nhân dân các dân tộc huyện Phú Lương giàu truyền thống cách mạng, Nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân huyện và 8 xã đã được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp, 01 xã được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới. Trong những năm gần đây, Phú Lương đã có nhiều thay đổi tích cực, kinh tế ngày càng phát triển, văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Địa danh Phú Lương có từ thời Lý. Khi đó, Phú Lương là một phủ rộng lớn, bao gồm toàn bộ phần đất của các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng ngày nay. Thời thuộc Minh (từ năm 1407-1427), lập huyện Phú Lương, thuộc phủ Phú Bình. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1863), Triều Nguyễn điều chỉnh địa giới 2 phủ Phú Bình và Thông Hóa để thành lập phủ Tòng Hóa trực thuộc tỉnh Thái Nguyên, huyện Phú Lương thuộc phủ Tòng Hóa, huyện lỵ đặt tại xã Quán Triều. Theo Đồng Khánh địa dư chí, huyện hạt Phú Lương cách phủ lỵ 78 dặm về phía Tây Nam, gồm 6 tổng, với 28 xã, trang, phường. Dưới thời thuộc Pháp, từ tháng 10/1890 đến tháng 9/1892, huyện Phú Lương thuộc tiểu Quân khu Thái Nguyên. Từ tháng 10/1892, huyện Phú Lương thuộc phủ Tòng Hóa (tỉnh Thái Nguyên) như dưới thời nhà Nguyễn. Ngày 11/4/1900, thực dân Pháp tách phủ Tòng Hóa khỏi tỉnh Thái Nguyên để thành lập tỉnh Bắc Kạn. Ngày 25/6/1901, thực dân Pháp tách tổng Yên Đĩnh khỏi huyện Phú Lương, sáp nhập vào châu Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Huyện Phú Lương lúc đó có 7 tổng: Quán Triều, Cổ Lũng, Tức Tranh, Động Đạt, Phủ Lý, Yên Đổ, Yên Trạch với 21 làng, bản.

Trước cách mạng tháng Tám 1945, Phú Lương có 7 tổng, 25 xã. Sau Cách mạng tháng Tám, huyện Phú Lương được tổ chức lại thành 12 xã. Sau hòa bình lập lại, huyện Phú Lương có 14 xã. Từ ngày 1/7/1965, huyện Phú Lương là 1 trong số 14 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Bắc Thái. Đến tháng 3-1967, Bộ Nội vụ ra quyết định cắt 9 xã của huyện Bạch Thông về huyện Phú Lương.

Hiện nay, Phú Lương có 15 đơn vị hành chính, trong đó có 2 thị trấn và 13 xã gồm: Thị trấn Đu, thị trấn Giang Tiên, xã Ôn Lương, Phú Đô, Yên Lạc, Tức Tranh, Động Đạt, Phủ Lý, Vô Tranh, Phấn Mễ, Yên Ninh, Yên Trạch, Hợp Thành, Cổ Lũng, Yên Đổ

II. TIỀM NĂNG VÀ THẾ MẠNH

1. Vị trí địa lý thuận lơi cho giao thương

Với vị trí địa lý nằm ở cửa ngõ phía bắc tỉnh Thái Nguyên, có trên 60 km tuyến đường Quốc lộ 3 đi qua huyện, hệ thống giao thông nông thôn của huyện đã đư­ợc nhựa hoá, bê tông hoá đến 100% trung tâm các xã, thị trấn. Các xã, thị trấn nằm trên trục giao thông đường bộ nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh miền núi phía bắc, gần trung tâm thành phố Thái Nguyên, gần khu du lịch Hồ Núi Cốc nên có xu hướng khách du lịch và các công ty lữ hành đang tìm thêm những điểm đến mới, đặc biệt du khách sẽ đến với Đền Đuổm, đến với di sản cấp quốc gia múa Tắc xình và hát Sấng Cọ của người Sán Chay, đến với du lịch cộng đồng ở vùng chè của các xã phía đông huyện.

2. Tài nguyên đất

Phú Lương có vị trí địa lý thuận lợi, có nguồn tài nguyên đất phong phú là điều kiện tốt để phát triển một nền kinh tế đa dạng nhất là phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Diện tích tự nhiên toàn huyện là 35071 ha, đất sản xuất nông nghiệp 11.953ha chiếm 34%; trong đó sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của Phú Lương là trồng lúa với loại lúa nếp vải đặc sản ở các xã Ôn Lương, Hợp Thành, Phủ Lý. Đặc biệt cây nông nghiệp có giá trị cao là trồng và chế biến chè. Huyện Phú Lương có diện tích trồng chè hơn 4.300 ha, sản lượng 44.400 tấn/năm, là huyện có số lượng làng nghề nhiều nhất tỉnh Thái Nguyên với 37 làng nghề chè đã được công nhận, nhiều làng nghề chè nổi tiếng, sản phẩm chè Phú Lương đã có mặt trên thị trường trong và ngoài nước.

3. Tài nguyên rừng

Phú Lương có 17.058 ha rừng với độ che phủ 48% diện tích toàn huyện; phù hợp nên các loại tre, nứa, keo, tốc độ tái sinh rất nhanh sau khi khai thác. Hiện nay vẫn có một số loại gỗ quý và nhiều loại lâm sản khác; là vùng nguyên liệu lý tưởng đầy triển vọng cho đầu tư công nghiệp chế biến có hiệu quả. Hàng năm rừng sản xuất còn cung cấp khối lượng lớn gỗ để phục vụ công nghiệp chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ có giá trị kinh tế cao.

4. Tài nguyên khoáng sản

Theo kết quả điều tra thăm dò, Phú Lương có các mỏ quặng như ­ Titan, quặng sắt và khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường.

5. Tài nguyên nước

Phú Lương là huyện nằm trong hệ thống sông Cầu, có nguồn nước rất phong phú, sông suối trên địa bàn phân bổ khá đồng đều, phần lớn chạy từ hướng Đông Bắc xuống Tây Nam. Do đặc điểm địa hình đồi núi và chia cắt mà hầu hết các sông suối ở đây đều có lưu vực khá nhỏ và có nhiều hồ đều là thắng cảnh đẹp là tiền đề cho phát triển du lịch.

III. VĂN HÓA XÃ HỘI

Phú L­ương nằm ở cửa ngõ của vùng An toàn khu, phên dậu vững chắc bảo vệ Thủ đô kháng chiến, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, là nơi hội tụ của những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc vùng Việt Bắc

Hiện nay, phía tây của huyện với các điểm di tích quan trọng nằm liền kề với ATK Định Hoá đó là: Di tích nơi tổ chức Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, tại xóm Khuân Lân xã Hợp Thành. Địa điểm nơi thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện tại xã Ôn Lương; địa điểm kỷ niệm Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động XHCN tại xóm Đồng Cháy xã Phủ Lý; địa điểm thành lập Đại đoàn quân tiên phong, đơn vị chủ lực đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam tại thị thấn Đu.

Phú Lư­ơng còn đ­ược biết đến bởi một địa phương giàu bản sắc văn hoá dân tộc với những nét đặc sắc lễ hội cầu mùa, hát Sấng Cọ của dân tộc Sán Chay (đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia), bản sắc văn hoá của người Dao Lô gang, Lễ hội bánh dày của ng­ười tày. Du lịch Phú Lương với các bản sắc phong phú mang đậm nét dân tộc như­: Du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hoá Sán Chay ở Đồng Tâm Tức Tranh, Làng Pháng Phú Đô, Đồng Xiền – Cây Thị Yên Lạc; du lịch văn hoá Tày ở Làng Hạ Yên Đổ, du lịch Làng nghề chè Tân Thái xã Tức Tranh, làng nghề mây tre đan xã Ôn Lương, du lịch sinh thái tại trại giam Phú Sơn 4, Ao Loong xã Yên Đổ, Hồ Đồng Xiền xã Yên Lạc, Hồ Nà Mạt xã Ôn Lư­ơng.

Đền Đuổm di tích lịch sử cấp Quốc gia và Lễ hội Đền Đuổm di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được tổ chức vào dịp mồng 6 tháng giêng hàng năm, Lễ hội cầu mùa của người Sán Chay huyện Phú Lương di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tổ chức vào ngày mồng hai tháng hai Âm lịch hàng năm và Lễ hội vinh danh các làng nghề chè được tổ chức hai năm một lần.

Để phát huy những lợi thế, tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế xã hội huyện trong những năm tới.

Đền Đuổm- Di tích lịch sử và danh thắng Quốc gia- Ảnh Quang Sơn

IV. DU LỊCH

1. Du lịch lịch sử – văn hóa – danh lam thắng cảnh

1.1 Đền Đuổm – Lễ hội Đền Đuổm

1.2 Đền Trình và sự tích Tiên giáng trần

1.3 Đền Khuân xã Động Đạt

1.4 Đền mẹ, Đền cha xã Yên Đổ

1.5. Di tích Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (1952)

1.6 Nơi sản xuất khẩu súng Bazoka đầu tiên của Quân đội

1.7. Di tích nơi thành lập Đại đoàn quân tiên phong

1.8. Nhà bia tưởng niệm Bác Hồ

1.9 Đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ

1.10 Đình Kẻm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện về chính sách Thuế nông nghiệp

1.11. Di tích Lũng Lươn nơi Bác Hồ phát động làm đường

2. Du lịch trải nghiệm văn hóa hóa cộng đồng

2. 1 Thắng cảnh trại giam Phú Sơn 4 (Cục V26 Bộ công an)

2.2 Làng văn hóa du lịch cộng đồng xóm Đồng Tâm xã Tức Tranh

2.3 Làng văn hóa Đồng Xiền xã Yên Lạc

2.4 Tham quan trải nghiệm các Làng nghề chè và Lễ hội làng nghề

2.5 Thăm bản tự quản phát triển và dự lễ hội bánh dày

2.6 Các đặc sản ẩm thực của Phú Lương